Nguyên Như… Để rơi những luồng cảm xúc cồn cào trên giấy

1073

Nguyên Bình

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thi ca phải có gì đó man rợ, bao la và hoang dại (Poetry must have something in it that is barbaric, vast and wild – Denis Diderot). Tôi rất tâm đắc câu danh ngôn trên và xin được nói thêm rằng, nếu sự “man rợ” tỏa năng lượng từ dòng ý thức của những bộ não trẻ trung và nhạy cảm, tầm vóc của sự “bao la” khi nó nhận thức thế giới đến tận tâm thức mù lòa của cảm xúc bất chợt, “hoang dại” khi tâm hồn trổ hoa trong vô thức, phi định kiến, sẽ cho ra đời những tác phẩm thi ca với chính ý nghĩa của nó.

Nhà thơ Nguyên Như

Nền thơ đương đại mang lại thuận lợi và may mắn cho những tác giả trẻ. Họ viết với ngòi bút không chấm mực tàu, không bị truyền thống mặc định về thi ngôn, thể loại. Họ tự do tắm mát trong dòng suối thơ ca trong vắt. Nhà thơ trẻ Nguyên Như “tìm thấy hạt sương lấp lánh bên cạnh thềm nhà mình (Tagore)” và thỏa sức sáng tạo trong đặc ân đó. Mới 25 tuổi, sinh ra và lớn lên giữa chập chùng núi rừng Tây nguyên hoang dã. Ở đây, mỗi ngọn núi, tên sông, dòng sử thi, tiếng cồng chiêng âm vọng dập dồn, tiếng chim Kơ tia và điệu múa lửa bên đống củi cháy bập bùng, bập bùng hoa văn thổ cẩm, khiến cho thơ Nguyên Như ứa tràn chất “man rợ, bao la và hoang dại” với đủ đầy tính vẹn nguyên, trong trẻo, tinh khôi. Hãy lắng nghe cây bút Đỗ Hương nhận định về anh: “Thi sĩ lớp đàn(?) “mầm chồi” này, chỉ là một nhóc học sinh vừa dời ghế nhà trường phổ thông chưa lâu. Nhưng chẳng hổ là một cây non vâm váp mọc lên từ đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, trong một khu rừng đa sắc thái người làm văn nghệ. Cứ có ai là y rằng đặc biệt… Em, Nguyên Như (tên thật Lê Ngọc Dũng) đã dám bước ra khỏi khu rừng an trú của cha mẹ, sống theo bản năng của một người con đất Tây Nguyên bất khuất, để tự đi tìm cho mình ý nghĩa cuộc sống”.

Tiếng lòng và tiếng thơ Nguyên Như bắt đầu từ đất, từ nước, từ hơi thở của rừng núi, từ sự sống hàng ngày của người thơ biết yêu và hiểu thế nào là đất, là hoa, là gió, nơi đã nuôi anh lớn lên, để thơ chừng như không là sự phát hiện và sáng tạo, mà thơ chính là đất mẹ cùng tồn tại chung đụng với nhà thơ:

“Lâng lâng dòng sông Krông Ana/ Thung lũng vàng nương ngô, cao nguyên xanh đồng cỏ/ Kìa những hạt phấn hoa đi chơi cùng gió/ Kìa bầy chim Kơ Tia hóa thạch mặt trời…” (Đăk Lăk bầu trời của em).

Tự thân nhà thơ chính là hơi thở của đất và trời, ánh mắt của ban mai, bạn bè của tia nắng, nhà thơ trẻ hòa mình trong đá núi, cây rừng, nhận biết sức sống của rừng là diệu kì mà đơn giản, tiềm tàng khát vọng vươn tới, như mầm sống bật ra khi mùa trổ lá, khi lá được kích hoạt bằng tia nắng ban mai:

“Nhìn về phía tia sáng len qua khe núi/ sự tồn tại của những loài cây mãnh liệt/ phong phanh nụ cười dưới bầu mây mới tạo hình trên kẽ đá chật chội khô cằn đất/ chiếc búp non nhiều màu sắc cũng mở mắt chằm chằm nhìn xuống hố sâu/ mong mỏi màn hơi nước từ đáy suối phun lên mặt lá” (Tia sáng của những loài cây).

Ban mai của thơ Nguyên Như hầu như không là con chữ, anh cùng lá thở, tâm tư anh cùng mây tạo hình bầu trời dữ dội của trùng điệp núi rừng, anh xanh như búp non qua lăng kính của làn sương mỏng lấp lánh tia sáng đầu tiên của ngày… Ban mai của Đoàn Văn Cừ trong bài Đi chợ Tết là đặc tả: “Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/ Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh” còn “tia sáng của các loài cây” là thời khắc đâm chồi của sự sống, mặc dù tôi không hề cố ý so sánh thơ của hai thế hệ thơ cách nhau non một thế kỷ. Thơ Nguyên Như còn là chất xúc tác cho điệu nhạc trầm hùng gióng lên hồi chiêng ngợi ca vẻ đẹp chắc nịch hồn hậu của núi rừng Tây Bắc:

“Miên man chiều rơi quá núi/ Vụn hoa gió chở thẹn thùng/ Nọong nghiêng lời thơ dệt cửi/ Đôi mắt dìu dịu xanh xanh/ Về thôi! về bản yêu thương/ Hoa màu gối êm lên tóc/ Vắt xôi mẹ qua bao dốc/ Chân cha mang nặng đất bùn/ Mùa thơm đòng đưa hương lúa/ Uốn cong mái tranh nhà sàn/ Đàn gà mổ tơi hạt thóc/ Ống tre hứng nước sau nguồn” (Về bản)

Không chỉ có thế, thơ Nguyên Như còn là dòng xoáy ý thức cuộn trào trên dòng văn chương hiện đại, pha lẫn nét chấm phá hậu hiện đại, tạo nên những gò đống trí tuệ cồm cộm, ngổn ngang, trẻ trung với những lát cắt, nhát chém chia năm xẻ bảy vũ trụ tâm thức khi thơ nhập định vào anh:

“Gió nhào nặn mình/ biến thành một chân dung lạ/như vật thể tàng hình/ khép nép vỗ vai đánh thức người đàn ông đang say/ người đàn ông phiền muộn/ nơi thung lũng có những tình yêu ngã quỵ/ và mặt trời rơi xuống mỗi hoàng hôn/ khoác tay gió/ đi về phía cuối trời/ điểm hẹn nào đỗ chân? (Gió)

Gió biến hình, gió hóa thân trong sự nhào nặn của ý thức, gió cục cựa trong tâm thức, lay động gã đàn ông đang say, con người cùng gió đi vào mông lung, nơi “tình yêu ngã quỵ” nơi “mặt trời rơi xuống”, và rồi là tự vấn, là chơi vơi: “điểm hẹn nào đổ chân”. Tôi ngạc nhiên vì câu cuối cùng của khổ thơ lại là dấu chân đang bước về phía trước còn in lại trên nền cát thi ca truyền thống chưa bị làn sóng hiện đại xóa nhòa đi.

Phá vỡ chân lí mỹ cảm cũ càng cũng là một đặc diểm của thơ giới trẻ đương đại, họ thừa nhận phi logic và chấp nhận khái niệm lệch chuẩn mĩ học để sáng tạo ngôn ngữ mới. Nguyên Như góp nhặt những mảnh vỡ từ vùng tâm thức nhạy cảm:

“Hoạt cảnh hai mặt/ chỉ gắn chiếc kính đen bỗng ào ào thay đổi/ sự xúc tác nhẹ nhàng như hồn thơ bay/ gẩy một âm đàn choáng váng đến lạ/ nhấp nửa ly trà chép chép ngẩn ngơ” (Giọt sáng những hạt bụi)

Có lẽ cũng chỉ là thời khắc bên ly cà phê đó thôi, hắn nhìn dòng đời xuôi ngược, như một hoạt cảnh của vở kịch đời biến tấu, ý thức hắn đắm chìm, xoáy sâu vào cơn lũ bằng cặp kính đen ẩn dụ, choàng nó lên vùng tâm thức sôi động đang nhảy múa, tất cả đang là một vũ điệu bấn loạn, bất định, khi thì lơ lửng “như hồn thơ bay”, lúc lại là “khúc nhạc choáng váng”, và câu kết là sự trở về ngoạn mục hết sức đời thường: “nhấp nửa ly trà chep chép ngẩn ngơ”. Hình nhu đây là một đặc điểm của sự khác biệt trong thơ Nguyên Như.

Đề tài của các nhà thơ trẻ đương đại vô cùng phong phú. Bất cứ phản ánh nào đi qua vùng não, nó biến tấu loạn cuồng thành cảm thức chảy thành dòng.

“Đêm bỏ hoang/ khói thuốc vô tình vây quanh vì sao/ thơ run rẩy trong tiếng dế vẫy vùng/ ôi! sợi gân nổi xanh trên tay/ hoảng sợ/ máu có chảy sâu xa đáy mắt/ hay lạc lối sa mạc bốc hơi” (Thắp nến gùi một vì sao)

Sự linh hoạt và nhạy bén của tác giả trong diễn ngôn có thể khiến những nhà thơ truyền thống ngạc nhiên và sững sờ. Họ sẽ cười buồn mà cho rằng thơ như thế là lừa bịp người đọc. Cách đây hơn nửa thế kỷ, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, được xem là một trong những đại biểu đầu tiên của hậu hiện đại, từng nói: “Tại sao thơ là phải viết cho người ta hiểu???”. Hình thức đầu tiên để thơ không làm cho người ta hiểu ngay là ẩn dụ. Thơ Nguyên Như ẩn dụ nhận thức, sự khác biệt, thốt lên tiếng nói chưa hề là ngôn ngữ mặc định, chừng như là sự ghi nhận mơ hồ về tâm linh đang tồn tại. Nhà thơ trẻ viết:

“Chúng ta bắt đầu từ dở tệ/ Bằng đường bóng không hay khi chưa là cầu thủ/ Rồi cũng đến ngày ánh sáng khỏa lấp vĩnh cửu/ Tôi tin” (Lời kiến)

Tôi còn nhớ đã đọc đâu đó lời của một số nhà thơ trẻ viết hậu hiện đại đã từng nói (thực lòng xin lỗi): Làm thơ hậu hiện đại là phải làm thơ dở… Có phải Nguyên Như mặc nhiên xác nhận điều đó khi anh viết lời kiến như là một thông điệp cho tương lại?

Thơ còn làm sứ mệnh giải phóng nhận thức. Nhà thơ trẻ Nguyên Như cũng có lúc hòa ca cùng giun dế, tấu khúc nhạc trẻ trung mà sắc lạnh:

“Ôi còn quá nhiều mũi dao sáng lẹm/ mù mắt/ còn quá nhiều…/ cắt qua mạch máu/ ớn lạnh/ trong đêm/ dế đọc điếu văn, trịnh trọng gào tang thế giới/ lá xanh tiết dịch tự vẫn/ rụng! rụng! rụng!” (Bài thơ của một gã say không số)

Nhà thơ trẻ nhận diện bản thân như một sự giải phóng xiềng xích mặc định bản ngã, khiến cho người đọc cảm nhận cá nhân chỉ là biểu trưng của tư duy rất riêng:

“Những nụ cười bằng ánh mắt mộc/ trái tim cấu trúc giản đơn/ phía sau chỉ cần một loài hoa bình dị ngắm nhìn chốc lát…/ đôi chân chưa từng chạm nền hoa mỹ/ khao khát ẩn nhòe giấc mơ” (Tôi hình thành tôi)

Một cái tôi tinh khôi nguyên bản, cái tôi phi xã hội hóa đã hình thành và tồn tại trong ý thức nhà thơ, và đó chính là cái tôi đẹp đẽ, uyên nguyên. Nhà thơ Tô Thùy Yên viết: “Ở những lằn ranh cuối cùng mà tôn giáo, triết học, khoa học đã phải đứng lại, thơ, vâng, chỉ có thơ, vẫn nhẹ nhàng tiến bước, xông pha, bay lượn, vùng vẫy”. Nguyên Như trong một thời khắc nào đó, đã cho mình đôi cánh để xông pha, bay lượn, vẫy vùng.

Theo nhà bình luận Lê Dân, phê bình: “… không phải là sự thức nhận; mà là cảm nhận. Không nghiêng về suy tư (trừ thơ triết lý) mà là cảm xúc và rung động; không hướng về phía vĩ mô của thế giới người mà thu hẹp vào những biểu hiện tinh vi, tế nhị của hồn người (Báo Văn nghệ TPHCM) . Vậy nên, đọc từng trang thơ Nguyên Như, tôi luôn tập trung chiêm ngưỡng sự khác lạ, cái mới và cả sức sống của thi ngôn, biểu cảm:

không em

ngọn đèn tình tắt

nhìn đỉnh sao trọc lóc

chơi vơi hạt sương loạn điên

cánh môi lạnh đổi màu nhạt thếch

tan

(Đêm nhòe đêm)

Tôi biết rõ, với Nguyên Như tất cả chỉ mới là bắt đầu. Con đường thơ anh trước mắt tuy đã được định hình nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều biến đổi: “Cây bút cũ vẫn lao xao giải mã/ để rơi những luồng cảm xúc cồn cào trên giấy (Có những hạt mưa nằm ngủ trên thơ)

Bà Rịa, 30/7/2020

Nguyên Bình