Nguyễn Quang Sáng và những bài học văn chương

1544

08.5.2018-20:30

 Nhà văn Nguyễn Quang Sáng

 

Nguyễn Quang Sáng

và những bài học văn chương

 

NGUYỄN SĨ ÐẠI

 

NVTPHCM- Hy sinh từng ngày trong cuộc sống để giữ gìn nhân cách, để bám giữ và tiến vượt lên trong nghề là điều không dễ, đòi hỏi một tầm nhìn lớn, can đảm lớn. Nguyễn Quang Sáng đã trọn đời cùng nghề viết văn, trọn đời là một chiến sĩ, một người dân yêu nước, một Tài tử Nam Bộ…

 

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng sau khi hưởng trọn cái Tết lần thứ 82 của mình, đã chọn đêm trước hôm rằm – Rằm tháng Giêng Giáp Ngọ để nhẹ bước tiên du vào miền tịch diệt.

 

Trong nỗi đau buồn gần như đến tận cùng, con trai nhà văn, đạo diễn điện ảnh Nguyễn Quang Dũng viết: “Kết thúc một chặng đường. Ba tôi – nhà văn Nguyễn Quang Sáng – đã chia tay gia đình tôi. Ba đến nơi gặp những bạn bè thân – chú Trịnh Công Sơn, chú Bảo Phúc… Chúc ba vui vẻ nơi ấy! Má và các con yêu ba! Cảm ơn thượng đế cho con được là con của ba”.

 

Người ta nói “cái quan định luận”, nghĩa là đóng nắp quan tài xong mới có thể bàn được về người đó. Song, với nhiều người có thể “định luận” ngay khi còn sống. Với hàng chục truyện ngắn và tiểu thuyết, hàng chục kịch bản điện ảnh đoạt nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt hai – 2000), ông được đánh giá là một trong những nhà văn hàng đầu của văn học Việt Nam hiện đại. Riêng tôi muốn gọi ông là “Nhà văn Nam Bộ” không chỉ bởi tác phẩm của ông lấy bối cảnh Nam Bộ, giọng điệu Nam Bộ, “không có cái nhàn nhạt chữ nghĩa dùng cho miền nào cũng được – Tô Hoài”, mà các tác phẩm ấy còn mang đậm tính cách Nam Bộ: đã yêu thích cái gì, tin tưởng cái gì, thì tin, yêu đến tận cùng.

 

Tôi được gặp Nguyễn Quang Sáng không nhiều, chủ yếu trong các kỳ đại hội (ÐH) Hội Nhà văn. Trước đây, tôi thường đứng xa xa với thái độ “kính nhi viễn chi”, có hỏi han điều gì cũng thưa gửi rón rén nên ông cũng không cởi mở nhiều. Tính ông càng về già càng lặng lẽ. Nhưng trong kỳ ÐH VIII Hội Nhà văn Việt Nam (2010) tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ông bỗng gần gũi hơn. Hai chú cháu còn chụp ảnh chung với nhau, nói chuyện nhiều hơn về người và nghề cầm bút. Nghe tin ông mất, hình ảnh một già Sáng đeo túi chéo, chầm chậm, lặng lẽ dọc hành lang hội trường, đôi mắt đắm ướt tình người bỗng long lanh khi gặp ai đó nhưng rồi cũng bất chợt xa xăm lại hiện lên trong tôi một cách rõ rệt, nao lòng! Tôi tự trách mình đã thật khờ khạo khi không biết cách gần ông thêm nữa, để được nghe từ ông những điều không dễ có trong đời. Mỗi nghệ sĩ lớn là một thế giới kỳ diệu, độc đáo. Tác phẩm của họ làm giàu hồn ta; gần bên họ được sáng trí ta. Tôi đã được gặp nhiều nghệ sĩ lớn, đã được bước trong những thế giới kỳ diệu đó, mà khi họ còn sống, đâu đã biết hết giá trị, nên bây giờ tiếc nuối khôn nguôi. Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Xuân Diệu, Huy Cận, Quang Dũng, Nguyên Hồng, Nguyễn Ðình Thi, Nguyễn Tuân, Lưu Quang Vũ, Hữu Loan, Phạm Tiến Duật, Hoàng Cầm… Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ rằng, cái họ mang đi còn nhiều hơn rất nhiều cái họ để lại cho đời!

 

Nguyễn Quang Sáng (từng lấy bút danh là Nguyễn Sáng, sau để tránh trùng tên với danh họa Nguyễn Sáng nên lại dùng tên Nguyễn Quang Sáng), cầm bút từ năm 1952. Truyện ngắn đầu tiên được in là Con chim vàng (Báo Văn nghệ, 1956), và trở thành hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Năm 1959, ông giật hai giải truyện ngắn Ông Năm Hạng của Báo Thống Nhất và Tư Quắn của Văn nghệ quân đội. Ấn tượng nhất trong thời kỳ đầu ấy là Ðất lửa, cuốn tiểu thuyết đậm chất Nam Bộ và chất điện ảnh viết về quê hương ông những ngày chống Pháp. Các giải thưởng khác là Mùa gió chướng (Kịch bản phim, Bông sen bạc Liên hoan phim (LHP) toàn quốc 1980); Cánh đồng hoang (Kịch bản phim, Bông sen vàng LHP toàn quốc 1980, Huy chương vàng LHP quốc tế Mát-xcơ-va 1981); Dòng sông thơ ấu (Giải thưởng văn học thiếu nhi Hội Nhà văn (HNV) 1985); Con mèo của Fujita (Giải thưởng HNV 1993)…

 

Viết trong Kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại (2007), Nguyễn Quang Sáng tự vấn rằng, mình có nhiều chục năm cầm bút, nhiều giải thưởng nhưng vẫn luôn tự hỏi “mình đã thật là nhà văn hay chưa”? Ðó là một tự vấn nghiêm khắc và ông nói rằng, bằng tác phẩm, ông đã, đang và sẽ trả lời điều đó.

 

Ông đã là nhà văn hay chưa? Xin thưa với hương hồn ông, chỉ với Chiếc lược ngàCánh đồng hoang, ông đã là một nhà văn lớn, ảnh hưởng của ông đã vượt khỏi biên giới nước nhà. Chiếc lược ngà được viết năm 1966, nhanh chóng được đưa vào giáo khoa và làm xúc động bao thế hệ học trò. Cánh đồng hoang (công chiếu lần đầu ngày 30-4-1979) với kịch bản của Nguyễn Quang Sáng, với đạo diễn tài năng Hồng Sến, âm nhạc Trịnh Công Sơn, diễn viên Lâm Tới, Thúy An, đã trở thành bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam.

 

Có người nói Nguyễn Quang Sáng là nhà văn Nam Bộ biết kể chuyện một cách giản dị và xúc động. Tôi đặc biệt thích lối văn kể chuyện giản dị ấy mà chỉ người dân thường hoặc tài năng lớn mới có thể làm được. Nhưng những chi tiết đắt giá, sự bất ngờ dồn dập, sự khái quát thần diệu, chất điện ảnh và đặc trưng Nam Bộ đến từng dáng điệu, lời thoại là những đặc điểm khác làm nên phong cách của Nguyễn Quang Sáng.

 

Tôi đã học được ở ông những bài học văn chương quý giá. Trong nhiều bàn trà cũng như trong diễn đàn chính thức, Nguyễn Quang Sáng là người đồng tình với quan điểm, nghệ thuật muốn có “tính” gì cũng được, nhưng phải có “tính hay”. Ông không phản đối các nhà lý luận khi nói về chân, thiện, mỹ; về chuyện đáp ứng đòi hỏi của bạn đọc nhưng lại có cách nghĩ riêng rất thú vị. Theo ông, nhà văn nước ngoài không viết theo nhu cầu của bạn đọc Việt Nam nhưng ta đọc vẫn thấy hay. Văn chương có ba ràng buộc, cũng là ba phẩm chất: Buồn – Ðau và Ðẹp. Làm thế nào để hay? Ông nói, tác phẩm như lời ru của lòng mẹ, cứ thế mà hay. Ông nói thêm, phải viết cái gì thật tự nhiên, thật sâu trong lòng mình, viết cái mình rành thì trúng, cái mình không rành thì trật, trước sau gì cũng hỏng.

 

Theo cách nghĩ học trò, có lần tôi từng hỏi ông về lý tưởng, quan niệm thẩm mỹ; vai trò của nó đối với sáng tạo tác phẩm, ông hơi ngơ ngác rồi nói: “Chú cứ coi cuộc đời tui thì biết”! Cuộc đời ông là gì? Là một Nguyễn Quang Sáng chiến sĩ rồi sau đó mới là một Nguyễn Quang Sáng nhà văn. Ông sinh năm 1932 tại thị trấn Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang trong một gia đình giàu có. Ba má ông có tiệm vàng và xe hơi. Yêu lý tưởng, yêu sự tốt đẹp của cách mạng, năm 1946 ông xung phong vào bộ đội, rồi tập kết ra bắc năm 1954 với quân hàm chuẩn úy. Từ đó ông chuyển ngành sang Ðài Tiếng nói Việt Nam rồi các cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1966, ông tình nguyện vào chiến trường để đấu tranh thống nhất nước nhà bằng cây súng và ngòi bút, để được sống giữa những người thân yêu, giữa xóm làng và bưng biền thân thuộc, dù biết rằng cái sự dấn thân ấy chính là dấn thân đến cái chết bất cứ lúc nào. Cho đến năm 1972 ông mới ra Bắc, và sau năm 1975, ông về ở hẳn miền Nam, bên cạnh chức vụ Phó Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, ông làm Tổng Thư ký Hội Văn nghệ TP Hồ Chí Minh trong nhiều khóa, góp phần đặc biệt to lớn trong việc xây dựng phong trào văn nghệ ở thành phố mang tên Bác nói riêng và Nam Bộ nói chung trong những ngày đầu giải phóng.

 

Những tác phẩm lớn của ông chủ yếu được hình thành trong những ngày “xáp vô” trong cuộc chiến đấu lớn của bộ đội và nhân dân ta ở miền Nam; nhặt được những “hạt vàng” từ cuộc sống. Năm 1966, nhà văn chợt thấy và “găm” vào đầu cảnh trực thăng Mỹ – ngụy bắn người dân ở Ðồng Tháp Mười mùa nước nổi; người lớn thì lặn sâu xuống khi bị bắn. Trẻ em thì cho vào túi ni-lông, người lớn lặn phải kéo theo… Ðó cũng là một trong những chi tiết nói lên sự ác liệt đến tận cùng của chiến tranh. Chi tiết đó, đến hơn mười năm sau mới được viết thành kịch bản phim Cánh đồng hoang. Cánh đồng hoang là bộ phim có tính khái quát cao. Cuộc đọ sức giữa một bên là vợ chồng Ba Ðô và đứa con nhỏ mới sinh trơ trọi giữa mùa nước nổi mênh mông và một bên là trực thăng Mỹ đầy hỏa lực săn đuổi rát rạt. Căng thẳng từng giây một khi kẻ thù quyết sát hại và nhân văn từng giây một khi con người Việt Nam quyết bảo vệ sự sống đến cùng. Kết cục, Ba Ðô chết nhưng bất ngờ, bằng khẩu súng trường, lòng căm thù, cái kỳ diệu của sự sống, vợ Ba Ðô đã nhặt lấy súng của chồng và bắn rớt chiếc trực thăng. Từ túi áo của viên phi công Mỹ, rơi ra tấm ảnh vợ con hắn, một chi tiết đầy hàm nghĩa, đẩy tác phẩm lên một tầm cao nữa trong tố cáo chiến tranh, trong giá trị nhân văn; một kết thúc mở để cả đời sau còn suy nghĩ…

 

Nếu truyện ngắn Chiếc lược ngà chỉ viết trong một đêm, thì kịch bản này cũng chỉ viết trong một tuần, bắt đầu từ đêm 18-12-1978, đêm nhà văn đưa vợ đi đẻ. Người con ấy chính là đạo diễn điện ảnh Nguyễn Quang Dũng bây giờ. Cả hai đứa con được sinh hạ trong những ngày ấy đều nổi tiếng.

 

Phải rành và chín trong nghề văn là vậy. Nhưng cái điều sâu xa hơn mà tôi cảm nhận được là, nhà văn sẽ không viết được gì nên hồn nếu không gắn bó với cuộc sống, biết “mò lặn” mà tìm “quặng quý” trong đời. Và phải học, tự học suốt đời. Tôi là “cậu ấm” – ông nói, nhưng chỉ học đến lớp bảy. Ði theo cách mạng, được học thêm văn hóa. Rồi mình lại tự học. Năm 1963, đạo diễn Mai Lộc nói văn tôi có chất điện ảnh. Hồi đó tôi chưa ý thức hết. Sau này được đặt hàng viết kịch bản phim, tôi mới chăm chú đi rạp xem. Hết ngày này sang ngày khác. Hết phim này sang phim khác. Tự cắt nghĩa sao trường đoạn ấy nó hay, nó xúc động. Cứ học lỏm thế thôi, nhưng mà học thật, tin thật…

 

Và điều cốt yếu nhất là phải biết hy sinh. Hy sinh tính mạng là mất mát lớn nhất, nhưng lựa chọn nó không phải là khó khăn nhất. Hy sinh từng ngày trong cuộc sống để giữ gìn nhân cách, để bám giữ và tiến vượt lên trong nghề là điều không dễ, đòi hỏi một tầm nhìn lớn, can đảm lớn. Nguyễn Quang Sáng đã trọn đời cùng nghề viết văn, trọn đời là một chiến sĩ, một người dân yêu nước, một Tài tử Nam Bộ…

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC