03.4.2018-19:45
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Đứa trẻ bị bỏ rơi
NGUYỄN QUANG THIỀU
NVTPHCM- Đúng một năm sau nạn chết đói năm 1945, một người phụ nữ ở ngôi làng sát chân đê sinh con. Chuyện một phụ nữ có chồng hay không chồng sinh con thì có gì mà nói. Nhưng chuyện ở đây là đứa bé sinh ra không khóc. Nó cứ mở to đôi mắt nhìn tất cả những ai đến gần. Đôi mắt của đứa bé khác thường, không giống bất cứ đôi mắt của những đứa trẻ sơ sinh nào. Khi nó ngậm vú của người mẹ để bú thì người mẹ chợt kêu lên. Người mẹ thấy buốt đầu vú. Nhưng khi người mẹ đẩy đứa bé ra thì nó bắt đầu gào khóc thảm thiết và đòi bú. Nhưng hễ khi đứa bé bú thì người mẹ lại thấy buốt đầu vú. Vì thương con, người mẹ đã cắn môi chịu đựng. Và mỗi khi đứa bé bú xong, người mẹ cảm thấy như kiệt sức. Người mẹ có cảm giác như đứa bé bú cạn không còn một giọt sữa nào trong hai bầu vú mình.
Chỉ sau một tháng, người mẹ trở nên xanh xao và gầy còm. Gia đình tìm mọi cách bồi bổ cho người mẹ nhưng chị như người bị bệnh nặng. Người mẹ tìm đến các thầy lang trong vùng để bắt mạch chữa bệnh. Nhưng tất cả các ông thầy lang đều không tìm thấy bất cứ bệnh tật gì trong cơ thể người mẹ. Cuối cùng, các ông lang chỉ mỗi cách là cắt dăm mười thang thuốc bổ cho người mẹ. Nhưng cho dù uống rất nhiều thuốc bổ và được gia đình chăm sóc kỹ lưỡng, người mẹ vẫn ngày càng trở lên xanh xao. Mỗi khi đứa bé đòi bú là mỗi khi người mẹ sợ hãi vô cùng. Bởi khi đứa trẻ bú, người mẹ cảm thấy mọi sinh lực trong cơ thể mình đang ồ ạt chảy vào miệng đứa trẻ và người mẹ thấy mình trống rỗng như một cái xác vô hồn. Mỗi khi bú xong, đứa trẻ nằm như bất động. Đôi mắt nó mở to lạ kỳ nhìn vào một chốn hư vô. Người mẹ cũng như tất cả những người khác trò chuyện với đứa bé nhưng nó cũng chẳng có phản ứng gì.
Một thời gian sau, người mẹ mất. Gia đình chị tìm mọi cách nuôi đứa bé. Họ nấu nước cháo thay sữa mẹ cho đứa bé. Nhưng đứa bé không chịu uống nước cháo. Nó gào khóc suốt ngày. Gia đình người mẹ trẻ quá cố đưa đứa bé đi bú nhờ những người mẹ đang nuôi trẻ nhỏ. Nhưng chỉ sau vài ba lần cho đứa trẻ mồ côi đó bú, họ đều sợ hãi. Đầu vú họ bị buốt khi cho đứa bé bú. Và khi đứa bé bú, họ cảm giác như đứa bé hút hết toàn bộ sinh lực của họ. Thế là họ từ chối. Cuối cùng đứa bé không sống được. Nó rời bỏ cuộc sống khi tròn bảy tháng tuổi.
Câu chuyện người mẹ trẻ và đứa con lạ lùng ấy tưởng sẽ dần dần quên đi. Nhưng khi một người phụ nữ khác trong làng sinh con thì chị lại gặp điều tương tự của người phụ nữ trước đó. Chị cũng mất sau đó mấy tháng và đứa trẻ cũng mất khi nó bước sang bảy tháng tuổi. Nhưng chỉ khi đến người phụ nữ thứ ba sinh con và rơi vào nỗi kinh hoàng ấy thì người làng mới bắt đầu nghĩ đến một điều gì đó khủng khiếp đang đe dọa họ. Nhưng người phụ nữ trẻ bắt đầu sợ hãi không dám mang thai. Có thể là do quá sợ hãi và thường suy nghĩ về câu chuyện của ba người phụ nữ trước đó nên những cô gái trẻ mới lấy chồng thương gặp ác mộng. Cơn ác mộng của những cô gái trẻ có chồng đều giống nhau. Trong cơn ác mộng, họ thấy một đứa trẻ khoảng bảy, tám tháng tuổi tìm đến nhìn họ với đôi mắt buồn bã và u uất và đòi họ cho bú. Đến lúc đó, người làng hiểu rằng có một hồn ma thực sự đang ám ảnh những người phụ nữ trẻ có chồng của làng họ. Tất cả những gia đình có phụ nữ ở tuổi sinh đẻ đều sắm lễ và vàng mã cúng hồn ma đó. Nhưng những cơn ác mộng vẫn đến với tất cả những người phụ nữ trẻ.
Một số người già trong làng kêu gọi mọi người rà soát lại xem gia đình nào có trẻ nhỏ đã chết từ trước rồi tìm lại phần mộ của chúng để sửa sang phần mộ, sắm lễ mời thầy cúng làm mọi thủ tục để hồn ma đó không về đòi bú nữa. Nhưng mọi chuyện chẳng hề một chút thay đổi. Trong lúc đó, một cô gái trẻ có thai, gia đình chồng cô gái ấy biết vậy thì vô cùng hoảng sợ. Cuối cùng, gia đình cô đã đưa cô đi thật xa và thay tên đổi họ để cô sinh đẻ. Khi cô gái đó sinh con, đứa bé đó khác hẳn ba đứa bé của ba người phụ nữ trước đó của làng. Đứa bé lớn lên bình thường. Cho đến khi đứa bé không bú nữa thì gia đình đưa mẹ con đứa bé về quê. Sau vài năm, thấy không có chuyện gì xẩy ra với hai mẹ con ấy, những cô gái lấy chồng khác mới bắt đầu dám có thai. Nhưng khi người mẹ trẻ sinh con ở làng thì sự việc lập lại như cũ. Từ đó, hễ người mẹ nào có thai là gia đình họ lại đưa họ đi một vùng khác cách xa làng, thay tên đổi họ cho họ và chỉ đưa họ trở về làng khi đứa trẻ đã lớn không bú mẹ nữa. Nhưng việc đưa những cô gái trẻ có thai đến một nơi xa làng để sinh nở cùng gặp quá nhiều phiền phức và khó khăn. Cả làng sống trong nỗi sợ hãi.
Câu chuyện đó làm một ông giáo già trong làng suy nghĩ mãi. Trong suy nghĩ của ông giáo già thì ác mộng về những đứa trẻ tìm đến những người phụ nữ trẻ có chồng đòi bú chỉ là một đứa trẻ. Ông giáo già tin chắc rằng: những hồn ma là ảo nhưng lại luôn xuất phát từ những câu chuyện thật với những con người thật. Chắc chắn phải có một đứa trẻ nào đó ở thời nào đó đã mất trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt và đau lòng. Vì thế linh hồn đứa trẻ vẫn quẩn quanh với người còn sống. Hồn ma đứa trẻ đó không ở lại để hại những người còn sống mà nó chỉ muốn được sống tiếp hoặc được thỏa mãn một điều gì đó mà khi sống nó đã không có được. Hơn nữa, hồn ma đứa trẻ kia chắc chắn phải có một mối liên hệ đặc biệt với làng ông khi nó còn sống.
Với suy nghĩa đó, ông giáo già lần mò từng gia đình trong làng để xem lại những đứa trẻ trong gia đình họ có bị chết khi còn nhỏ không và nếu chết thì chết trong hoàn cảnh nào. Những năm tháng xa xưa ấy, tỷ lệ những đứa trẻ chết không phải là ít do điều kiện chăm sóc thiếu thốn và bệnh tật nhưng lại không có thuốc men. Công việc của ông được người làng ủng hộ và hết lòng giúp đỡ vì nó liên quan đến số phận của những đứa trẻ và những người mẹ trong làng. Gần một năm sau, ông giáo già đã rà soát hết mọi trường hợp trẻ con chết những không thấy đứa trẻ nào chết mà cái chết đó biến nó thành một hồn ma.
Mọi chuyển tưởng như rơi vào bế tắc mãi mãi thì ông nghe được một người già trong làng nhớ lại nạn chết đói năm 1945. Trong những câu chuyện lúc nhớ lúc quên, lúc cụ thể lúc mơ hồ của người già ấy có một câu chuyện về một chiều mùa đông năm 1945, trên một đoạn đê sông Đáy chảy qua chợ Đào thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông cũ, sau đó là tỉnh Hà Tây và bây giờ là Hà Nội, có một người phụ nữ trẻ nằm chết đói bên rệ cỏ. Bên cạnh người mẹ trẻ chết đói là một đứa trẻ chừng bảy tháng tuổi chỉ còn da bọc xương nằm khóc không thành tiếng.
Đó là những ngày tang tương của vùng đất ấy. Đó cũng là năm tang thương của người dân Việt Nam dưới ách cai trị của ngoại bang. Những người đói khát đi lang thang kiếm ăn và nằm chết rải rác trên các con đường, dưới những gốc cây. Những người còn sống đi qua cũng chẳng làm sao giúp được gì vì họ cũng đang chờ chết bởi đã nhiều ngày chẳng có một hạt cơm, một mẩu khoai vào bụng mà chỉ ăn những loại cây cỏ có thể ăn. Đứa bé mở to đôi mắt như không còn hồn vía gì nhìn những người đi qua. Đứa bé chưa biết nói và nó cũng không còn sức để khóc thành tiếng. Nhưng trong đối mắt tơ non vô hồn và đang một giá lạnh ấy vẫn ánh lên sự cầu cứu của một tâm hồn thơ trẻ. Có những người nhìn thấy cảnh đó đã dừng lại. Lòng thương cảm gợi lên trong lòng họ. Nhưng cuối cùng họ quay đầu và bỏ đi. Họ không thể nào cúi xuống bế đứa trẻ lên vì lo sợ rằng họ cũng chẳng giúp gì cho nó và nó cũng sẽ chết. Mỗi khi có người bỏ đi, trong đôi mắt như đã chết của đứa bé bóng tối lại sụp xuống. Đến chiều tối thì đứa bé ấy vĩnh biệt cuộc sống.
Lúc đó, ông giáo già mới nhận ra rằng: hồn ma đó chính là linh hồn của đứa trẻ chết đói thuở ấy. Đứa trẻ ấy cầu xin những người đi qua cho nó bú. Nhưng đã không có ai bế nó lên và cho nó bú. Ông hiểu lúc đó hầu hết mọi người cũng đang rơi vào hoàn cảnh có thể chết đói như mẹ nó. Bởi thế mà họ đã bỏ đi cho dù họ biết như vậy là điều đau đớn. Nhưng cho dù với lý do như thế nào thì họ cũng là những người có tội. Bởi thế, sau khi chết, linh hồn đứa trẻ không thể rời đi mà luẩn quẩn ở lại đòi những người mẹ cho bú và biến thành một hồn ma. Chính thế mà khi hồn ma nhập vào những đứa trẻ sơ sinh để bú mẹ thì những người mẹ cảm thấy đau buốt ở đầu vú và dương khi của họ bị hồn ma hút hết nên họ trở nên xanh xao và dần dần kiệt sức rồi chết.
Sau khi nhận ra điều đó, ông giào già bàn với các bô lão trong làng về việc cúng hồn ma ấy. Các bô lão đều đồng ý với đề xuất của ông giáo già nhưng không ai biết phải cúng như thế nào. Ông giáo già nói hồn ma đứa trẻ đòi gì thì cúng cái đó. Thế là tất cả những người phụ nữ của làng đang nuôi con nhỏ ở xa làng đều được triệu về. Họ vắt sữa mình vào một chiếc bát. Các bô lão đặt bát sữa cùng với hoa quả, bỏng gạo, nước và muối lên một chiếc chiếu để trên mặt đê làng nơi đứa bé đã chết cùng mẹ nó trước kia rồi thắp hương.
Ông giáo già được thay mặt người làng viết một tờ sớ. Ông ngồi trước mâm lễ cúng và sau ông là tất cả những người phụ nữ đã có chồng đang nuôi con nhỏ, đang có thai và còn sinh nở. Một lễ cúng lạ lùng mà tôi chưa nghe nói đến bao giờ. Buổi cúng hồn ma kéo dài cả buổi chiều. Nhưng sau buổi lễ cúng hồn ma đứa trẻ ấy, những người phụ nữ đang mang thai cũng không ai dám ở lại làng để sinh đẻ vì họ không dám tin mọi chuyện đã thay đổi. Cuối cùng, có một người phụ nữ có thai đã xin ở lại làng để sinh con. Cả làng hồi hộp chờ đợi. Khi đứa trẻ sơ sinh lần đầu tiên ngập vú mẹ để bú, cả gia đình người phụ nữ đó và người làng đứng kín sân để chờ. Bỗng họ nghe tiếng khóc của người phụ nữ òa ra. Tất cả sững sờ, sợ hãi mà không ai dám nói một câu gì. Người chồng vội chạy vào buồng với vợ. Một lát sau anh chạy ra và vừa khóc vừa kêu lên: “ Bú được rồi, bú được rồi. Hồn ma đi rồi, hồn ma đi rồi”. Tất cả những người làng có mặt trong sân nhà bỗng cùng nhau reo lên mừng vui khôn xiết. Gia đình nhà chồng người phụ nữ ấy quyết định mổ lợn ăn mừng. Mấy ngày sau, tất cả những người phụ nữ đang nuôi con hoặc sắp đến ngày sinh nở sống ở xa đều trở về làng. Và nhiều năm sau này, người làng có tục cúng sữa mẹ trong ngày rằm xá tội vong nhân cho những đứa trẻ mất sớm vì bị bỏ rơi. Chỉ có điều họ dùng nước gạo nếp vo thay cho sữa mẹ.
(Trích từ tập tuỳ bút Cô gái áo xanh, NXB Trẻ 2018)
>> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…