Nguyễn Quang Thiều và bản lục bát Tháng Sáu 11

749

Với tôi, chưa và sẽ không bao giờ ông là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Bởi tôi chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ là hội viên của ông. Và tôi cũng chẳng mưu cầu danh lợi gì từ Hội Nhà văn Việt Nam, nên với tôi, ông mãi chỉ là một Nguyễn Quang Thiều tài hoa đầy bản lĩnh mà tôi từng ngưỡng mộ!


Nhà thơ, họa sĩ Nguyễn Quang Thiều.

Tôi hân hạnh biết Nguyễn Quang Thiều năm 1993, khi bắt đầu vào học khoá 5 Trường viết văn Nguyễn Du. Khi ấy, Sự mất ngủ của lửa vừa được giải thưởng Hội Nhà văn. Kính nhi viễn chi, tôi rất khái tính nên chưa bao giờ tự “tạo điều kiện” để mình gần gũi ông, kể cả sau này ông giữ trọng trách Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thì vẫn vậy. Tôi đứng xa ngắm nhìn, ngưỡng vọng dõi theo từng bước thăng trầm của Nguyễn Quang Thiều, âm thầm dõi theo ông như dõi nhìn một giáo chủ tôn giáo, đầy mê hoặc, đầy ma mị, y như bản chất thơ và văn xuôi của ông.

Rồi tôi quay trở lại văn đàn sau 20 năm biền biệt, đi ngang qua văn xuôi, về với thi ca.
Tôi viết Giấc mơ sông Thương đầu 2017, khi ngài đại tá, nhà văn Sương Nguyệt Minh “ra lệnh” viết thơ về sông Thương, để khắc vào 99 phiến đá trong vườn nghệ thuật, trong đợt tôi cùng các danh hào, văn nhân có buổi gặp mặt tân xuân tại SongthuongGarden (một khu du lịch nhỏ, mộng mơ, nằm sát bờ sông Thương, do đại tá, nhà văn Sương Nguyệt Minh làm giám đốc nghệ thuật). Chẳng hiểu, như quỷ khiến, tôi dư thừa cảm xúc để viết, không phải một, mà là một mạch… 36 bản lục bát về sông Thương- con sông, trong cuộc sống này, chẳng có mảy may một tý ân oán nào với tôi (GMST dừng ở con số 36 bởi lời khuyên của ngài Chu Văn Sơn).

Tôi công bố lần lượt 36 bản Giấc mơ sông Thương trên trang cá nhân. Một bữa, ông Thiều nhắn tôi “ông chuyển đầy đủ 36 bản Giấc mơ sông Thương cho tôi nhé”. Thì chuyển. Khoảng một tuần, ông điện cho tôi “ông sang tôi uống trà, đàm đạo thơ văn. Tôi đọc vài lần, rất kỹ Giấc mơ sông Thương rồi…”.

Tôi khấp khởi bởi lời mời và sang ông với tâm trạng hết sức rụt rè. Thật bất ngờ, một ngày giữa hạ 2017, tôi nhớ như in lúc bước vào, ông vẫn ngồi bàn làm việc, đối diện cửa phòng ông bây giờ ở NXB HNV, rồi gỡ kính, bảo “tôi nói thật nhé. Không phải dễ để tôi nói điều này, với tư cách là phó tổng thư ký thứ nhất Hội văn học Á-Phi, gồm 52 nước: Tôi bái phục ông. Tôi éo viết bằng ông. Lục bát ông viết câu chữ như từ trên giời rơi xuống. Vô cùng ma mị. Tôi đọc rợn cả người”- “Tôi đang viết tập lục bát Dâng Trà về làng Chùa, đọc ông xong tôi quyết định bỏ, không viết nữa…”.

Có ai hiểu tâm trạng của tôi, một kẻ tay ngang – xác định viết thơ như tìm nơi trú ẩn cho tâm hồn đầy thương tật bởi lăn lộn, mưu sinh – kẻ bị dập vùi trong thương trường, lần hồi lo cơm áo cho cả ngàn gia đình, giữa một sáng trời hạ, tại 65 Nguyễn Du, được nghe những lời bộc bạch, đối với tôi còn ghê gớm hơn cả bom đạn, từ miệng của một Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam hay không?(những lời trên, ông Thiều cũng nhắc lại tại diễn đàn ra mắt sách Giấc mơ sông Thương 09/2018). Tôi ngỏ ý viết tiếp 36 bản Chiều sau Giấc mơ sông Thương. Ông bảo “Ông viết đi. Tôi luôn đứng sau ông. Thi sĩ cứ viết như chưa từng bao giờ được viết vậy”. Khoảng 2 tháng sau, tôi gửi ông đọc 36 bản Chiều tôi đã viết xong. Một bữa, ông gọi tôi sang, bảo “tôi sẽ vẽ các bức sơn dầu làm phụ bản, từ cảm xúc khi đọc Giấc mơ sông Thương, cho bộ sách Giấc mơ sông Thương của ông… Tôi vẽ khoảng hơn hai chục bức để ta chọn những bức phù hợp, rồi tôi tặng lại tất cả tranh gốc cho ông làm kỷ niệm…”.

Và ông bắt đầu vẽ. Một tháng. Ba tháng. Sáu tháng… Cứ ít ngày, ông lại gửi ảnh một bức hoạ ông đã vẽ xong cho tôi, hỏi “thi sĩ thấy thế nào?”. Tôi sung sướng, ngây ngất, chẳng biết phải nói gì. Chỉ thấy vô cùng hạnh phúc và biết ơn hành động vô tiền khoáng hậu, xưa nay chưa từng có trên văn đàn khi bạn văn đối đãi với nhau, giờ thì ông đang dành cho tôi. Ông động viên tôi, nếu còn cảm xúc thì phải viết tiếp, viết bằng hết- vì trời chỉ cho viết lúc ấy thôi. Tôi nghe ông, lại viết tiếp 36 bản Chân quê. Một ngày đầu hạ 2018, ông đã vẽ xong khoảng hơn 20 bức sơn dầu. Chúng tôi chọn 18 bức làm phụ bản cho tập 108 bài lục bát Giấc mơ sông Thương. Sau bữa cơm trưa cạnh NXBHNV cùng thi sĩ Trần Hùng và nhà văn Tạ Duy Anh (hai anh Tạ Duy Anh và Trần Hùng là những người anh từ kiếp trước của tôi, và thật may mắn, tôi cũng được hưởng trọn vẹn yêu thương ngót 30 năm nay từ hai anh, cho đến tận bây giờ…), trên đường về NXB, ông Thiều bảo tôi “nếu ông viết như các vị tiền bối trước, thì dù hay tôi cũng không vẽ. Lục bát không phải cứ ngắt dòng, ngắt câu là mới. Phải là tư duy lục bát mới. Lục bát không bao giờ cũ, khi một tư duy mới mở ra, thì cả một không gian lục bát mới sẽ đến. Thơ hay không nệ vào thể. Tôi vẽ là vì ông đã viết lục bát theo kiểu rất riêng NPLT…”. Tôi vô cùng cảm động, ghi tâm khắc cốt sự ưu ái này, coi đó là động lực để mình viết tốt hơn, dám dấn thân sâu hơn vào cuộc chơi văn chương đầy gian khổ và lắm thị phi.

Sau ĐH HNV, khi biết ông được bầu vào vị trí cao nhất, tôi đâm ngại gần ông. Ngay sáng sau ngày ĐH, ông và nhà thơ Trần Hùng gọi tôi sang ăn sáng và cà phê ở cổng khách sạn La Thành, trước rất đông người, ông chỉ vào tôi, bảo “cái ông đang ngồi ăn kia…bla, bla…cho đến giờ vẫn không chịu vào HNV. Năm nay nhất định phải vào Hội rồi!”.

Tôi chưa bao giờ có ý định viết đơn xin vào HNVVN, dù ngay từ 27 năm trước, khi tôi xuất bản tiểu thuyết Cõi nhân gian, năm đầu tiên học Nguyễn Du, tôi đã tự tin, tâm – tài đủ cả, để xứng đáng đứng trong hàng ngũ hội viên của ông. Sáng 06/01, trước ngày diễn ra triển lãm tranh Người thổi sáo, tôi lại hạnh phúc được ăn sáng cùng ông. Nhắc đến việc bị ném đá hôm hội thảo Nhận Diện Lục Bát Đương Đại, ông nói đầy cảm thán “Ông đầy đủ mọi thứ để mà kiêu hãnh: là doanh nhân, ông mang lại hạnh phúc cho hàng ngàn gia đình; ông ứng xử đối đãi với bạn bè văn giới đầy tình nghĩa; lại viết lục bát đến như ông, thì ông còn gì mà phải sợ mấy hòn đá vướng vào chân. Ông hất văng chúng đi mà tiến chứ…Như một giấc mơ hãi hùng đuổi theo, ông càng chạy thì nó càng lấn tới và sẽ đuổi kịp ông. Chỉ có dừng lại, ông quay lại mà đối đầu với nó- khi ấy ông mới chiến thắng nó”.

Đúng nhỉ. Tôi sẽ mạnh mẽ hơn. Sẽ sống theo cách của Nguyễn Quang Thiều. Một Nguyễn Quang Thiều nặng nghĩa tình anh em, tài hoa, trí tuệ và bản lĩnh. Tôi nợ ông quá nhiều. Tôi nói vui, đến 3 thế hệ họ Nguyễn Phúc nhà tôi còn chưa trả đủ cho ông nợ văn chương, nợ nghĩa tình.

108 bản lục bát Giấc mơ sông Thương được thai nghén, được viết bằng cảm xúc từ hơn cả mười phần công lực của Nguyễn Quang Thiều đã truyền cho Nguyễn Phúc Lộc Thành. Ông chính là người tự tay chăm bẵm để cho ra đời một ấn phẩm Giấc mơ sông Thương đặc sắc và tinh tế, một thi phẩm được đánh giá là đẹp và công phu nhất từ nhiều chục năm nay.

Không Nguyễn Quang Thiều, chắc chắn không có 108 bản lục bát Giấc mơ sông Thương được cất cánh trên bệ phóng của lễ hội sắc màu, với 18 bức tranh sơn dầu đầy nghệ thuật mà Nguyễn Quang Thiều đã mất cả năm để vẽ tặng cho Nguyễn Phúc Lộc Thành.

Nguyễn Quang Thiều – Người thổi sáo huyền thoại trong một sớm thu đầy bí ẩn nơi thị xã Hà Đông yêu dấu. Nếu tôi coi văn chương là một thứ tôn giáo, thì hiển nhiên, Nguyễn Quang Thiều phải là một giáo chủ.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm triển lãm tranh “Người Thổi Sáo” của Nguyễn Quang Thiều.


“Những bức hoạ ma mị trong triển lãm Người Thổi Sáo”

Ngay khi dự triển lãm Người thổi sáo về, tôi viết tiếp bản thơ tình Tháng Sáu 11, trong 36 bản Tháng sáu tôi sẽ hoàn thành trong năm âm lịch. Với hình thức theo kiểu lục bát truyền thống, không ngắt câu, xuống dòng, nhưng chắc chắn Tháng Sáu 11 vẫn là một “không gian lục bát mới”. Đây là “một tiểu thuyết được viết bằng lục bát” kể về một mối tình tuyệt đẹp nhưng không đến được với nhau.

Xin tặng bản lục bát này cho thi sĩ, hoạ sĩ tài hoa Nguyễn Quang Thiều:

THÁNG SÁU 11
(Yêu quý tặng anh Nguyễn Quang Thiều)

Tôi nằm, tựa mảnh trăng ươn
Nửa đêm, vàng võ, giấu buồn vào mây
Người đi. Gió cả. Mưa bầy
Tôi như mành mỏng lắt lay giữa ngàn
Tim cằn, đập nhịp rỉ han
Hoàng hôn đóng cặn chút tàn ngày vơi
Lũ sao khất thực chật trời
Em đi, tháng sáu ời ời mưa tuôn
Đâu rồi, mấy sợi tóc suôn
Xin đừng dịu ngọt mà trườn sang nhau
Đừng mơ nếp áo thêm nhàu
Người đà khuất bóng. Tôi dâu bể tình.
Bàn tay lần vạt hoa xinh
Rồi quên cài lại nút tình em trao
Ngủ ngoan, đôi mảnh hồng bào
Để cho đàn ngón thanh cao phủ quỳ
*****
Ngày em dứt áo ra đi
Nhân gian
là một mỏ chì
lộ thiên…
Viết 07/01/2021

Nguyễn Phúc Lộc Thành

P/s: Trong triển lãm tranh Người thổi sáo, nữ văn sĩ Thuỳ Dương, người chị vô cùng thân thiết, đã bảo tôi: “em có một gia tài khổng lồ là 18 bức tranh sơn dầu của anh Thiều tặng em đấy nhé”. Tôi bảo “Trong Người thổi sáo, hình như có bức được bán với giá 8 ngàn đô, vậy mà suýt nữa hôm đi cứu trợ đồng bào miền Trung, em đã mang đấu giá 2 bức tranh trong số 18 bức tranh sơn dầu gốc của anh Thiều tặng để lấy thêm tiền đi miền Trung. May mà vợ em bảo ”anh mà bán đấu giá thì em sẽ bỏ tiền mua lại 2 bức đó…”

N.P.L.T