Nguyễn Quốc Trung – còn đây những trang sách

615

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung sinh ngày 26/10/1956, mất ngày 10/9/2021 vì bệnh dịch Covid-19. Quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh ông đi bộ đội từ cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, rồi sau này tham gia trận chiến biên giới Tây Nam, sang đến Campuchia. Ông là đại tá, làm việc tại tạp chí Văn Nghệ Quân Đội cho đến lúc nghỉ hưu. Tác phẩm chính: tiểu thuyết Biên giới, Bên rừng thốt nốt, Thời chúng mình yêu nhau, Người trong cõi người, Đất không đổi màu, Dòng sông bên chùa… và những tập truyện ngắn: Người đàn bà hồn nhiên, Trong tiết thanh minh, Đêm trừ tịch, Người đến từ nước Mỹ, Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu… Nhân ngày sinh nhật của nhà văn Nguyễn Quốc Trung, Vanvn.vn trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Hồ Anh Thái để tưởng nhớ ông!


Nhà văn Nguyễn Quốc Trung (1956 – 2021).

Mấy năm làm việc ở Jakarta, mỗi lần ghé về Sài Gòn, trong đám bạn bè tôi gặp, bao giờ cũng có họa sĩ Trần Đại Thắng và anh Nguyễn Quốc Trung. Có lần tôi hơi bất ngờ thấy anh mặc quân phục bước vào cái quán mọi người đều trang phục dân sự tươm tất. Vẫn biết anh là người của tạp chí Văn nghệ quân đội nhưng nghĩ giá anh em đi ăn với nhau, anh mặc đồ dân sự thì tự nhiên hơn. Hình như có hiểu ý tôi, lần sau gặp lại, anh mặc đồ dân sự. Nhưng hôm ấy lại là chiếc sơ mi màu hồng, hơi bị nổi ở nơi quán xá. Được cái người Sài Gòn hình như không nhìn vào quần áo của người khác.

Vào Sài Gòn, bạn nghề nhiều, nhưng hầu như tôi hay gặp anh Trung. Tôi thích những truyện ngắn gần đây của anh. Đậm chất phong tục Nam bộ, anh rút được ra từ trong đó những chi tiết thật ấn tượng. Anh lại rất cầu thị và khiêm nhường. Bản thảo anh gửi cho tôi, bao giờ anh cũng đọc lại và phát hiện ra tôi đã sửa chữ nào cắt đoạn nào. Tôi sợ anh giận vì đã bị cắt sửa, nhưng anh lại bảo biên tập rất trúng. Thế là ở xa mà thành tương đắc. Gửi thư điện tử, nhắn tin qua vài cái ứng dụng, khi tôi ở nước ngoài, anh nhắn tin kể có sách nào hay mới ra nên đọc. Sau này tôi về Hà Nội, đến lượt tôi lại báo tin sách mới cho anh. Thích nói chuyện với anh vì anh tính tình giản dị, đôn hậu, rất trân trọng tác phẩm của bạn bè.

Mấy năm trước, có lần anh nhắn anh thích truyện ngắn Vốc nước trong lòng bàn tay của tôi mới in trên báo. Trong ấy tôi kể chuyện thời lang thang giữa cái nóng nung người ở Ấn Độ, tôi từng được ngành đường sắt Ấn Độ thuê đi làm phiên dịch cho một chị ở đường sắt Sài Gòn sang thực tập theo chương trình của Liên Hiệp Quốc. Tôi dẫn chị đi nhiều nơi trên đất Ấn, có khi sáng sớm tinh mơ đi thuyền xem mặt trời mọc trên dòng sông Hằng. Hai mươi sáu năm sau, tôi tìm đến nhà chị ở khu tập thể đường sắt gần chùa Vĩnh Nghiêm thì chị đã chuyển đi lâu rồi, láng giềng không ai biết bây giờ chị ở đâu.

Anh Trung xúc động. Đến mức anh đã viết một phóng sự về việc anh đi tìm kiếm nhân vật của tôi. Không dễ dàng, nhưng anh tìm được. Có được số điện thoại của người chị, nay đã trên bảy mươi rồi, anh nói chuyện với chị. Rồi anh nhắn cho tôi ở Jakarta, khi nào về Sài Gòn, anh em mình sẽ đi gặp chị ấy.

Hôm 3/9/2021, tôi nhắn tin Zalo cho anh, lại chuyện sách vở và thế sự như mọi lần, thì anh nhắn lại rằng anh đã nhập viện vì virus Wuhan. Anh vào bệnh viện từ hôm 31/8, đúng ngày được hẹn tiêm mũi vaccine thứ hai. Anh kể không có ra khỏi nhà, nhưng bị lây bệnh từ người chuyển hàng. Đến ngày 7/9, tôi lại nhắn hỏi tình hình bệnh của anh thế nào thì cái điện thoại im lìm. Vẫn cứ lạc quan nghĩ rằng anh sẽ qua khỏi. Ngờ đâu, tối 10/9, đọc báo mới biết anh đã mất từ lúc chiều.

Tôi chỉ biết Nguyễn Quốc Trung quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Mới tết năm 2021 này, anh nhắn tin anh đã cố gắng về quê giữa thời dịch dã. Cùng lúc bạn văn Nguyễn Thế Hùng cũng nhắn đã đưa được vợ con về ăn tết ở quê. Nhớ ngay ra hai người này cùng quê ở Hương Sơn, tôi đã nhắn cho anh và Hùng để hai người biết mà có thể gặp nhau ngày tết. Có khi họ biết nhau là đồng hương từ lâu. Chẳng qua mình chủ quan, cứ muốn kết nối những người bạn tốt.

Anh Trung là bộ đội ở Campuchia nhiều năm. Anh viết tiểu thuyết và truyện ngắn rất ám ảnh về vùng đất ấy. Là người tình cảm nên văn anh cũng đẫm đầy cảm xúc. Tập truyện Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu là khi anh vượt thoát kiểu “văn bộ đội” mà nhìn đời sống một cách đa chiều không thiên kiến. Hầu hết những truyện ấy, viết xong anh đều đưa tôi đọc trước, để tôi biên tập luôn, có truyện tôi còn chủ động gửi giúp anh đến tờ báo nào phù hợp.

Mười mấy năm trước, anh gửi cho tôi bản thảo tiểu thuyết Làng khóc mướn. Đọc dăm bảy trang, tôi nhận ra ngay đây là cuốn sách hay. Thế là hăm hở dành ra hơn một tháng để biên tập cẩn thận và gửi lại cho anh. Lâu lâu tôi lại hỏi thăm, anh đều bảo chưa in được. Cuốn sách rất ấn tượng trong cách phát hiện vấn đề và cách thể hiện độc đáo. Tôi không thấy nó có điều gì gay cấn để nhà xuất bản phải nâng lên đặt xuống.

Tôi cũng còn giữ bản thảo mấy truyện ngắn gần đây của Nguyễn Quốc Trung. Cái bài phóng sự anh đi tìm nhân vật trong truyện của tôi, anh và tôi đều chưa nghĩ đến việc gửi cho báo nào, tôi cứ giữ lại đây như một kỷ niệm riêng. Một truyện khác của anh, tôi đã chọn vào tuyển Sách tết năm Nhâm Dần 2022. Truyện đã có minh họa, vừa mới dàn trang, thế nào lại đúng vào ngày anh ra đi, giờ thì không còn lúc nào để anh đón nhận sách ra nữa.

Một trong những truyện ngắn cuối cùng của Nguyễn Quốc Trung mà tôi còn giữ là Đêm gặt lúa ma. Gọi là lúa ma vì lúa thường rụng vào ban đêm, người đi gặt phải chọn thời điểm ấy mà thu hoạch lúa trời. Phong tục lạ ở một vùng quê, nhưng từ phong tục anh nói chuyện kiếp người, không đơn thuần là chuyện tập quán hoặc miêu tả cảnh sắc độc đáo mà thôi. Đóng đinh vào trong tâm cảm người đọc là ấn tượng của chiếc xuồng đi giữa đêm mênh mông Đồng Tháp, tiếng hai thanh tre vỗ vào nhau bồm bộp, tiếng những hạt lúa rụng vào thuyền.

Ấn tượng về đêm đi gặt lúa ma của Nguyễn Quốc Trung sẽ còn theo mãi.

Theo Hồ Anh Thái/Vanvn