Nguyễn Thanh – Ngũ Lan – Thuyền thơ đậu bến Ninh Kiều

759

 “Bến xa lớp lớp đò chiều/ Đêm về mở hội Ninh Kiều đèn hoa/ Tiếng đàn quyện ấm lời ca/ Hôm nào thành phố không là hội xuân !”                    

(Ninh Kiều)

Nhà thơ, họa sĩ Ngũ Lang – Nguyễn Thanh

Thuyền thơ của nhà thơ, nhạc sĩ, nhà hội họa Ngũ Lang Nguyễn Thanh sớm đậu bến Ninh Kiều, một thắng cảnh của sông nước hữu tình Cần Thơ, Tây Đô của Đồng bằng sông Cửu Long sau ngày thống nhất đất nước. Bài thơ Bến Ninh Kiều của tác giả sáng tác vào năm 1976 đã nói lên điều đó mà tôi cảm nhận được trong bốn dòng lục bát.

Tuy nhiên, kể từ ngày ấy đến nay, nàng Thơ mới cùng nhà thơ đa cảm đa tình nhổ neo bồng bềnh trên chín khúc sông Rồng tìm cảm hứng. Ôm đàn dạo Tình khúc mùa xuân, trao nhau Lời tự tình mùa thu và gần đây cùng cặp Bến tình đầy thơ mộng.

Nhà thơ, nhạc sĩ, nhà hội họa Ngũ Lang tên thật là Nguyễn Tấn Thành, các bút danh khác : Nguyễn Thanh, Đan Thanh, Phương Đình, Tương Như, Diễm Thi,… Trên các họa phẩm anh ký Đan Thanh hoặc Nguyễn Thanh, nơi chào đời là xã Tân Quới, quận Bình Minh, Cần Thơ nay thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Anh đã qua chương trình Cao học Văn chương do Giáo sư Bửu Cầm (1920-2010) bảo trợ tại Đại học Văn khoa Sài Gòn (1972-1975) sau khi tốt nghiệp Tú Tài Toàn phần Toán, Tú Tài Toàn phần Văn chương- Sinh ngữ và Cử nhân Văn khoa tại trường Đại học Cần Thơ, Võ sư Judo cùng thế hệ với các võ sư : Nguyễn Văn Chơi (8 đẳng), Ung Phụng Võ (7 đẳng)… Anh từng là Huấn luyện viên võ thuật (1959) tại Long Mỹ, Cần Thơ, giáo viên dạy Văn, Ngoại ngữ và Mỹ thuật tại các trường trung học Phan Thanh Giản và Châu Văn Liêm, Cần Thơ. Ngũ Lang (Nguyễn Thanh) hiện nay là Chủ nhiệm Trung tâm Ngoại ngữ Đăng Khoa (từ 1970) chuyên dạy Ngoại ngữ và Biên dịch cùng cơ sở Mỹ thuật Đan Thanh (từ 1967).

Trước năm 1975, thơ văn của Ngũ Lang – Nguyễn Thanh thường đăng trên các báo và tạp chí: Văn, Nghiên cứu Văn học, Văn hóa Nguyệt san, Văn nghệ, Nghệ thuật, Phổ Thông, Tự Quyết, Tiếng vang, Tia sáng, Thức, Miền Tây,… và chủ trương Tạp chí tiến bộ Văn nghệ Miền Tây 1,2,3,4,5 (Cần Thơ, 1967-1970), Lập trường (Vị Thanh-1970), Niềm Tin (Long Mỹ,1959-1963), Nắng Mới (Cái Răng, 1972-1974), Phan Thanh Giản (Cần Thơ, 1974-1975) và Văn nghệ Thành phố Cần Thơ 1975-1977).

Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, Ngũ Lang – Nguyễn Thanh là Tổng thơ ký hội Văn nghệ Giải phóng Thành phố Cần Thơ. Anh vẫn giữ nguyên bút danh, tiếp tục dạy học và làm thơ và viết truyện, bài phê bình, vẽ tranh và có bài đăng thường xuyên trên các tạp chí văn nghệ của ba miền đất nước: Văn nghệ, Thơ, Nhà văn, Văn nghệ Công an… Và Tuần báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, Hồn Việt, Kiến thức Ngày nay, Sài Gòn Giải phóng, Áo Trắng, Thời Văn, Chân Quê,.. (TP.HCM) và những tạp chí Văn nghệ các tỉnh: Hậu Giang, Cần Thơ, Bông sen, Cửu Long, Nha Trang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Thất Sơn, Bến Tre, Kiên Giang, Cửu Long,.. Từ trước và sau năm 1975, Nguyễn Thanh cũng sáng tác tranh tham gia các cuộc Triển lãm và vẽ bìa, minh họa cho các sách báo vì anh là họa sĩ chủ nhiệm cơ sở Mỹ thuật Đan Thanh (từ 1967) tại Cần Thơ và Vị Thanh.

Tác phẩm đã in hoặc đăng trên các báo và tạp chí văn nghệ: Những áng văn hay I (Phần thơ và lời bình), Cần Thơ ấn quán 1962, Những áng văn hay II (Phần Văn và lời bình), Cần Thơ ấn quán 1963, Ngũ Lang Nguyễn Thanh còn có thơ in chung trong nhiều tuyển tập.

Tác phảm in riêng:

1) Thơ: Tình khúc mùa xuân (NXB Mũi Cà Mau, 2003), Lời tự tình mùa thu (NXB Văn nghệ TP. HCM 2004), Bến tình (NXB Văn nghệ TP. HCM 2007).

2) Truyện ngắn: Người vợ hai lần cưới (NXB Văn nghệ TP. HCM 2008). Yêu chỉ một lần (NXB Hội Nhà văn 2021).

3) Nhạc: Thương hoài (NXB Âm nhạc, 2013).

4) Tiểu luận: Những nét đan thanh (NXB Văn nghệ TP.HCM 2010)

5) Biên dịch:  Nhiếp ảnh nữ Đồng bằng sông Cửu Long – Linh Phượng (Việt- Anh): The Mekong Delta Women Photographers – Van nghe Cantho Association publishing house, 2002, Cantho; + Quê hương – Trần Tuyển (Việt-Pháp): Pays natal (Edition Van hoa Van nghe – HCM ville, 2016); +Hương sắc bốn phương (Việt-Anh-Pháp-Nga-Phần Lan-Trung Quốc…): +Miscelleneous poems (NXB Văn hóa-Văn nghệ TP. HCM); Love Poems -Thơ tình Việt-Anh (NXB Văn hóa Văn nghệ TP. HCM 2013); + Poèmes d’Amour (NXB Hội Nhà văn 2013). Đời và Thơ – Huỳnh Văn Bá Việt-Anh-Pháp-Hoa, (NXB Hội Nhà văn 2021);+ Aloe isn’t medicine but yet it cures! (Father Romano Zago-OFM): Nha đam không phải là thuốc nhưng nó chữa khỏi bệnh ; + Cancer can be cured ! (Father Romano Zago-OFM): Ung thư có thể chữa khỏi!

6). Biên tập và Hiệu đính : + Thơ Thiền đời Lý – TS. Ngô Hồ Anh Khôi (NXB Hội Nhà văn 2013); + Đối đáp và xướng họa thơ Đường TS. Ngô Hồ Anh Khôi (NXB Văn hóa-Văn nghệ TP. HCM); + Lục bát ký sự TS. Ngô Hồ Anh Khôi (NXB Hội Nhà văn 2013); + Chim được về đàn Võ Thanh Hùng (NXB Văn hóa-Văn nghệ TP. HCM, 2015).

**

Trong hai thời kỳ, gần một phần ba thế kỷ, trên chiến trường Miền Nam nhất là các tỉnh trên phần đất Nam bộ, kinh rạc như trận đồ bát quái, xuồng ba lá, áo bà ba là biểu tượng của những chiến binh chân đất khăn rằn quàng cổ, súng nựa trời, bom mìn tự tạo góp phần vào chiến thắng cuối cùng của dân tôc anh hùng trước quân thù ngoại bang siêu cường, hiện đại. Nhà thơ Ngũ Lang, người con miền Hậu Giang là nhân chứng

của thời kỳ lịch sử của quê hương. Anh đưa vào thơ ngữ cảnh và hình ảnh đẹp đó với niềm cảm xúc tha thiết đậm đà : “… Ôi dáng đẹp sáng một trời xuân rộng / Nên gam nền anh tô sắc thiên thanh/ Mái tóc em, sông ngút một dòng xanh/ Sợ chết đắm, anh run run nét cọ..”.

Run run nét cọ vì sợ chết đuối khi anh vẽ hình ảnh cô du kích hay cô gái giao liên giữa trời xuân rộng – một cách ẩn dụ làm nên tuyệt tác của nhà Thơ, cũng như đưa hình bóng quê hương vào chiếc áo : “Xuân đã chín với muôn hồn sung sướng/ Chiếc áo em mang hình bóng quê hương/ Nhắc anh thêm son sắt mối tình chung/ Với đất mẹ và cội nguồn nguyên thủy”.

Đa cảm đến thế là cùng ! Và nhờ đâu một cuộc chiến dài ngày áo bà ba đã sờn vải, bạc màu, ngày đêm không ngớt chống chèo đưa quân vào trận địa, đưa cán bộ về hậu phương qua bao nhiêu đồn bót quân thù không ngại hiểm nguy, vì em có trái tim hồng yêu nước! : “Thời bom đạn nốt nhạc buồn thế kỷ/ Áo bạc sờn xuồng ba lá chống chèo…Nhưng em có trái tim/ Gam hồng tươi anh vẽ cảnh bình minh/ Mùa hội nhập, em lên đường phía trước” (Chiếc áo quê hương).

Tô đậm thêm nét sử vàng vệ quốc, những chàng trai anh hùng, gái dũng sĩ làm rạng rỡ núi sông, xứng danh con Lạc cháu Hồng, nhà thơ Ngũ Lang không tiếc lời biểu dương ca tụng: “Đẹp kỳ vĩ bao chàng trai chân đất/ Mang núi sông trên cánh mũ tai bèo/ Tiếng cười giòn như lá ngụy trang reo/ Theo lời Bác đi xây đài chiến thắng/ Anh chào đời trong rực rỡ bình minh” (Người ấy là anh).

Đất nước hòa bình, anh làm cuộc viễn du tìm quá khứ. Vết thương chiến tranh gần ba mươi năm lành lặn, hình hài đất nước đỏ thịt thay da: “Tan giấc xưa những ngày mưa bùn gió bụi/ Mùa nay, mái ngói đỏ au, mùi gạch mới thơm nồng/ Lớp lớp nhà cao níu mây trời vòi vọi cột ăng- ten/ Đợi đêm về rực mắt hoa dăng/ Dặt dìu cung nhạc, ấm áp lời thơ/ Giao lưu đại hội/ Tràng pháo cưới em nổ dòn tan”.

Rồi hồn thơ Ngũ Lang bay vút về vùng màu sắc, âm thanh quyến rũ, trữ tình, nơi đang mang giọt máu phù sa ươm mát những nương đồng, lúa vàng trĩu hạt…mênh mông như thảm lụa vàng: “Và trái xoài thơm thêm hồng má gái đương thì/ Đời như mộng rừng lá bay, chim bướm hát/ Anh về thăm Vị Thanh giữa mùa nắng ấm/Như trở lại E-Đen/ Em gái nhỏ ngày xưa đã sớm đăng khoa thành hoa hậu/ Những thanh niên ưu tú “Sao Mai”- tương lai sông nước miệt vườn” (Nắng ấm Vị Thanh).

Không dừng lại ở đây, anh tiếp tục hành trình đến đất bạn Miền Đông với chiến khu Đ lừng danh cả nước. Những mái lá trung quân qua bao mùa nắng lửa mưa dầu vẫn còn đây chiến tích, thả hồn vào những dấu xưa : “Tôi thân xanh lá miệt vườn/ Bỗng ngây ngất phấn hương rừng sáng nay/ Hồn xa chìm giữa biển cây/ Bâng khuâng bừng dậy những ngày dấu xưa”.

Với mái là trung quân, những dòng thơ của tác giả đã từng ghi sâu trong hồi ức: “Phiến lá nhỏ như bàn tay con gái/ Làm tán thiêng với sức mạnh diệu kỳ/ Nắng đạn mưa bom chung thủy chở che/ Mái nhà hẹp nhưng chứa hồn vũ trụ”

Quay về rừng U Minh rộng lớn mà anh cho đó là cuộc hành hương về miền đất hứa, xưa kia cũng chung số phận với thành đồng Tổ quốc, gót sắt bọn giặc xâm lăng đã hai lần

dẫm nát nơi đây, chất độc hóa học làm tàn úa màu xanh, giết chết mầm non đang tràn trề nhựa sống.

Cùng nhân dân cả nước chiến đấu rồi xây dựng, ngọn lửa hồng Nhật Tảo soi sáng màn đêm, ánh bình minh chói lọi, người dân U Minh đã làm nên những thay đổi diệu kỳ, khiến giấc mơ trở thành hiện thực. Ngũ Lang dìu Nàng Thơ cùng anh du ngoạn khắp

miền đất đang được hồi sinh, để ngắm ghe xuồng dập dìu bến sông Vĩnh Thuận, nếm vị ngọt thơm lừng của trái khóm Chắc Băng Cạnh Đền: “Để một ngày/ Em sẽ ghép chung chung hồng thiếp/ Bà con/ Cùng nâng ly rượu mừng/ Hồ Hoa Mai làm nơi non thề biển hẹn…/ Son sắt bên nhau như dòng sông Trẹm/ Gắn bó muôn đời đất mẹ U Minh/ Đất của bốn mùa xanh/ Mãi mãi mang màu xuân hoa nguyệt quế” (Màu xuân U Minh).

“Không đến Vòng Cung chưa phải là nghệ sĩ”, lời nói thật xúc động, vì những dấu ấn lịch sử nơi đây đều là huyền thoại đất và người. Dũng sĩ dùng chiếc búa bày mưu giết giặc, dân không ngán sợ mổ bụng moi tim, bám trụ giữ làng dù phải gối đất ẩm. Mẹ anh hùng Lê Thị Phát chịu nhục hình đợi ánh hồng lên và bia căm thù bên bờ sông Ba Mít vững chãi nào thua tòa Bạch Ốc, cơ quan đầu não của đế quốc Mỹ siêu cường, khiến nhà thơ nặng lòng về quá khứ mà giữ mãi một niềm tin: “Vòng Cung nay rực sáng bình minh/ Núi sông hội nhập mùa xuân thắm/ Hương sắc tươi màu nét mặt xinh” (Hành Vòng Cung).

Từ bài thơ Lời tự tình mùa thu, đã có lời bình của Nhà văn, GS Trần Phỏng Diều, tôi không muốn thêm một sự cảm nhận nào nữa vì coi như đã quá đủ. Tuy nhiên, nội dung bài thơ đã giúp ta hiểu được dù trong người nhà thơ đầy ắp tình yêu. Yêu quê hương đất nước, yêu đời, yêu văn chương, yêu quá khứ hào hùng của dân tộc, nhưng nhà thơ lại hụt hẫng trong tình yêu đôi lứa, mà có lẽ đây là tình yêu của tuổi đầu đời. Vì vậy trong dòng thơ tình của anh nghẹn lối ở bến tình nên tâm hồn anh luôn khắc khoải: “Tình yêu như cánh hỉ một câu đoàn tụ/ Mang nghìn nghĩa biệt ly…” (Bến tình).

Và thấm thía hơn khi cảm nhận câu thơ của ông Hoàng thơ tình Xuân Diệu cắt nghĩa chữ “yêu”: “Yêu là chết ở trong lòng một ít”. Ngũ thi nhân không chỉ dừng ở nghìn nghĩa biệt ly mà còn là sầu vạn kiếp:” Đại ngàn ngủ, non vàng phơi vú mộng/ Hồn thăng hoa nhụy búp sớm phai hương/ Tình nên thơ như gió thỏang qua đường/ Yêu một phút vấn vương sầu vạn kiếp” (Phản đề).

Mang tâm trạng buồn vì cô đơn vào quán vắng để tìm giờ phút tịnh yên, nhưng như người mượn rượu giải sầu, sầu kia không dứt “Tá tửu giải sầu sầu cánh sầu ” (cổ thi), đó là trường hợp của tác giả Bến tình: “Đường phố từng hàng cây sánh đôi/ Nhưng ai đi dạo cũng hai người/ Mình ta lủi thủi thân đơn lẻ/ Quán vắng ngồi yên đếm lá rơi” (Một mình).

Tha thiết yêu mà tình yêu không trọn vẹn, anh muốn tìm người trong mộng để cùng Nàng “Hãy yêu anh với mọng chín đôi mội/ Bằng hơi ấm của vòng tay ân ái” và anh biết khi tàn canh mộng, tình yêu rồi sẽ chia xa : “Yêu một chút để nhớ hoài trọn kiếp/

Tình trăm năm đọng lại một ly này/ Rượu ngon đây, em uống nữa cho say/ Ví dụ rằng ta yêu nhau mãi mãi”.

Xuất thân là nhà giáo, thông thạo ngoại ngữ Anh, Pháp, Hoa,…nên Ngũ Lang – Nguyễn Thanh đã chọn và dịch sang tiếng Pháp tác phẩm Poèmes d’amour” (Thơ tình) với sự hơp tác của nhà thơ Pháp Genevière Charrier, trong đó có thơ của những nhà thơ Pháp như: Victor Hugo, Lamartine, Lafontaine, Baudelaire, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương,…

Một tác phẩm song ngữ Việt Anh có tên “Love poems” (Thơ tình) với sự hơp tác của nữ nhà thơ Mỹ Jennifer De Camp dịch thơ của các thi sĩ tên tuổi tiền chiến Việt Nam sang tiếng Anh.

Công trình sáng tác này của một nhà thơ, nhà giáo, nhạc sĩ Ngũ Lang- Nguyễn Thanh đã được Nhà thơ Mai Duy Khôi (Lê Văn Quới) ân tình nhận định: “Nghĩa là bạn tôi dịch thơ bằng cả tấm lòng say sưa yêu mến cái hương sắc bốn phương có thể có những từ chưa thật đạt , những cách diễn đạt chưa thật nhuần nhuyễn, Nhưng sự cảm thụ chân thành đã biểu hiện qua từng chữ từng câu. Quý là ở chỗ ấy – Ở chỗ cái tâm muốn làm đẹp cho đời qua một thú chơi văn chương tao nhã! (Lời ngỏ các tập song ngữ Thơ tình.

Anh bạn thơ đồng hương Ngũ Lang! Với tuổi đời bóng xế nhưng tâm hồn thơ vẫn còn xuân, chúng ta còn tiếc gì tìm người yêu trong mộng. Hãy lấy văn chương làm bạn tâm giao, trái thơ anh đã đến hồi chín mọng, nét cọ của anh, nốt nhạc trong giai điệu nhạc phẩm đã đưa hồn thơ anh thăng hoa trong những bức tranh sơn dầu hay ca khúc trữ tình! Với thi hữu bốn phương, đừng nghĩ rằng không có Tử Kỳ nghe được tiếng đàn của tri kỷ Bá Nha. Và anh đã tình cờ gặp người đồng điệu thì ta nên giữ mãi mối tình này để lấp nỗi cô đơn.: “Anh trai đất Mũi rừng Tràm/ Tôi người con xứ Trà Mơn ruộng màu/ Tình cờ mình được gặp nhau/ Hai ta thương mến khác nào anh em/ Phải chăng cùng nợ cùng duyên/ Nợ văn chương với duyên thuyền tri âm/ Đêm đêm đối bóng phòng văn/ Câu thơ tâm sự, vầng trăng bạn hiền/ Mặc đời danh lợi đua chen/ Hồn sen thanh thản giữa miền Ly Tao !” (Tình cờ)

Tôi cùng anh đều thế đấy, anh bạn thơ Ngũ Lang!

 

19. 10.  2022

                                                                                        Thanh Nhã