Lê Xuân
(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn – nhạc sĩ Nguyễn Thanh năm nay đã bước sang tuổi đáng được nghỉ ngơi nhưng cường độ làm việc và sức sáng tạo của anh luôn còn giữ nét tươi trẻ sung mãn ít ai ngờ.
Ôm đàn mong phổ bài ca dịu/ Cung thứ tê lòng ngập nốt thương (Thơ Ngũ Lang)
Từ lâu, tôi rất tâm đắc với câu ca dao về tình yêu của người dân Đồng bằng sông Cửu Long:
Tóc mai sợi vắn sợi dài
Kết duyên chẳng đặng thương hoài ngàn năm.
Nguyễn Thanh đã lấy hai từ “Thương Hoài” ở câu ca dao để đặt tên cho tập ca khúc của mình vừa xuất bản. Nguyễn Thanh tên thật là Nguyễn Tấn Thành, (anh còn có các bút danh khác như: Ngũ Lang, Đan Thanh, Phương Đình, Thanh Huyền…). Là một thầy giáo văn đa tài và đa tình, anh đã thử sức sáng tạo trên nhiều loại hình nghệ thuật như: thơ, truyện, lý luận phê bình, tân nhạc, đờn ca tài tử, vẽ tranh, thư pháp, dịch thuật…: ”Lòng sáng trong rộn rã khúc ca đời/Ươm mạch sống trong vườn thơ- nhạc-hoạ” (Thơ Ngũ Lang). Nhưng niềm đam mê nhất đời của anh vẫn là thơ ca, âm nhạc và mỹ thuật. Trong đó, âm nhạc được anh xếp vị trí á quân sau thơ văn.
Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Thanh
Từ những năm 1962, khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, anh đã có bản nhạc đầu tay được bạn bè yêu thích. Đó là ca khúc “Thương hoài” viết ở gam Mi thứ, lấy ý tưởng từ câu thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương “Yêu một phút để mang sầu trọn kiếp”. Tuy nhạc không phải là sáng tác tay phải nhưng nó lại chắp cánh cho việc dạy văn của anh thêm sinh động và cuốn hút học sinh. Và khi ra trường, anh đã cùng một số thầy cô giáo yêu thích âm nhạc thành lập Ban nhạc Thanh Thanh mà anh là người nhạc trưởng. Lúc này anh lấy bút danh Thanh Huyền, khi viết thơ ca, lúc đệm đàn ghi-ta hoặc đánh măng-đô-lin cho ban nhạc.
Tập ca khúc “Thương hoài” gồm 34 bài, được chọn lọc từ hàng trăm nhạc phẩm mà anh sáng tác từ khi ra trường đến nay. Sách do Nhà xuất bản Âm nhạc cấp phép tháng 5/2013. Ngoài phần nhạc, sách còn có nhiều tranh, ảnh, thư pháp, thơ minh hoạ cho các giai đoạn đam mê âm nhạc của anh.
Ca khúc của anh mang giai điệu đẹp, dễ đem lại cho người nghe cảm nhận được nhiều hương vị của cuộc sống qua các đề tài: tình yêu nam nữ, tình yêu quê hương, gia đình, bè bạn… với bao cung bậc của những kỷ niệm buồn vui. Nhạc của anh là tiếng lòng thâm trầm, sâu lắng và thường nghiêng về những hoài niệm “Đón hương góp gió muôn phương lại/Mà suốt đời ta vẫn độc hành” (Thơ Ngũ Lang) Nó thấm đẫm một nỗi buồn khi lãng đãng như sương sớm, lúc mơ màng khi chiều buông, nó ngân vang những hoài vọng da diết của con tim đa sầu đa cảm. Chỉ cần điểm qua tên các bài hát, ta đã thấy được phần nào giai điệu chủ đạo của các bản nhạc, như: “Thương hoài”, “Anh hãy yêu em”, “Tình trong như đã”, “Màu hoa kỷ niệm”, “Đưa em sang sông”, “Tơ lòng”, “Tình sử hoa Ti-gôn”, “Thu tím”, “Chút lãng mạn cuối năm”, “Tình em”, “Như áng mây bay”… Có thể gọi đó là những tình khúc một thời để nhớ của Nguyễn Thanh với nhiều sắc thái: trầm lắng, u hoài, ước mơ, sầu buồn, hy vọng…
Chỉ xét về mặt ca từ, ta đã thấy tình yêu trong ca khúc của anh có khi mang nỗi buồn đơn phương: “Giờ tình đầu tiên không được trọn vẹn một bài thơ, tình đã sang bờ/ Để một mình ta ôm tâm tình sầu tê tái…” (Thương hoài), có khi lại vút cao một niềm tin hy vọng trong sáng, dâng trào: “Từ ngày sánh bước chung đôi/ Gừng cay muối mặn, trầu vôi càng nồng/ Dòng sông lúc lớn lúc ròng/ Tình em lớn mãi thắm dòng thơ anh” (Tình em).
Trái tim đa cảm của người nghệ sĩ sẽ đi về đâu nếu thiếu vắng tiếng mẹ ru hời, thiếu sắc màu của cuộc sống quê nhà, nơi lần đầu tiên ta cất tiếng khóc chào đời. Nhạc của Nguyễn Thanh đã kịp ghi lại những khoảnh khắc thăng hoa khi nhớ về quê hương: “Ba mươi năm một thoáng mây trôi/ Muốn theo gió chướng về sông cũ/… Lòng như quả xoài non đong đưa/ Con cúm núm gọi bầy tao tác/ Xôn xao xóm dưới tiếng ai cười” (Chút lãng mạn cuối năm). Biết bao địa danh nơi anh gắn bó với nghề dạy học hay những nơi bước chân anh có dịp đi qua hầu như đều có mặt trong tập ca khúc này, như: Long Mỹ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, An Giang qua các bài: “Thành phố yêu thương”, “Ký ức Vòng Cung”, “Sông nước Cầm Thi”, “Trà Mơn sông nước”… Giai điệu và ca từ hòa quyện thể hiện một tình yêu quê hương tha thiết, mặn nồng: “Dòng sông kỷ niệm tuổi thơ/ Trà Mơn sông chảy đôi bờ cách xa/ Tàu thuyền lũ lượt lại qua/ Sông đầy tôm cá làm quà dân quê” (Trà Mơn sông nước). Ở những ca khúc này anh thường sử dụng chất liệu dân ca Nam Bộ từ điệu hò, điệu lý làm cho bản nhạc vừa mang được tính hiện đại vừa mang bản sắc dân tộc.
Một số ca khúc viết về Đảng, hoặc các anh hùng liệt sĩ (Lê Bình, Nguyễn Ngọc Trai) mang giai điệu trầm hùng lại nghiêng về khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn tự hào để ngợi ca, tôn vinh công ơn trời biển của Đảng, của các anh hùng liệt sĩ đã đem lại Độc lập, Tự do cho dân tộc. Đó là các bài: “Đài hoa dâng Đảng”, “Viếng đài liệt sĩ”, “Nhớ Lê Bình”… “Trọn tình tổ quốc trao da thịt/ Vẹn nghĩa tiền đồ đổi máu xương/ Đuổi giặc hy sinh danh bất tử/ Làm nên trang sử rạng ngàn phương” (Viếng đài liệt sĩ).
Ca từ trong các ca khúc của Nguyễn Thanh giàu hình ảnh, đậm chất thơ, vì anh vốn là nhà thơ nên có nhiều lợi thế. Ngoài ra, anh còn phổ nhạc một số bài thơ hay của bạn bè mà anh yêu thích, như: Khai Phong, Lê Minh Phán, Mai Duy Khôi, Ái Nhân, Hà Thanh Trúc, Lê Phương, Tha La, Phan Khắc Sĩ, Nguyễn Thành Cẩm, Hoàng Điệp,… Nhờ những giai điệu đẹp ấy đã chắp cánh cho bài thơ bay cao, bay xa. Từ đó, nhiều ca khúc của anh đã được tuyển chọn trình diễn trên sân khấu ca nhạc và đài phát thanh.
Nhạc sĩ Nguyễn Thanh năm nay đã bước sang tuổi đáng được nghỉ ngơi nhưng cường độ làm việc và sức sáng tạo của anh luôn còn giữ nét tươi trẻ sung mãn ít ai ngờ. Những ca khúc của Nguyễn Thanh vẫn giữ được vẻ đẹp hồn nhiên, trẻ trung, lãng mạn như chính cuộc đời và hồn cốt của anh vậy.
L.X