Nguyễn Thi – gương mặt tiêu biểu của đội ngũ nhà văn cầm súng

618

Nói nhà văn cầm súng ở đất nước ta là nói đến một danh sách nhiều người, nói đến cả một thế hệ hoặc vài thế hệ. Nhưng nói nhà văn cầm súng hy sinh trên chiến trường với khẩu súng trên tay trong xáp mặt với kẻ thù, và trên lưng chiếc bòng bản thảo, thì cố nhiên không phải nhiều. Và sẽ còn ít hơn nếu đó lại là người, trong một thời gian ngắn, dẫu hy sinh quá sớm, mà vẫn để lại được số trang bản thảo và ghi chép nhiều đến bất ngờ so với những gì sức người có thể làm được. Hơn thế, trên cái di sản viết và ghi chép cần mẫn còn may mắn giữ lại được, thấy tiếc xót cho biết bao dự định mới mẻ, lớn lao, sau những gì đã được in, có không ít trang lấp lánh bao tài năng như Ước mơ của đất và Sen trong đồng, bên những trang thật sự là chói sáng bởi nó là đỉnh cao – những đỉnh cao đứng bên nhau mà không hề che khuất nhau, mà luôn luôn gây ngạc nhiên như: Chuyện xóm tôi và Những đứa con trong gia đình, Người mẹ cầm súng  Ở xã Trung Nghĩa… Thì đó chính là và chỉ là Nguyễn Thi.


Nhà văn Anh hùng LLVTND Nguyễn Thi (1928-1968).

Tính cho thật chặt chẽ thì đời văn và đóng góp văn chương của Nguyễn Ngọc Tấn – bút danh trước khi vào Nam của Nguyễn Thi – chỉ trên dưới 12 năm, kể từ khi ông tập kết ra Bắc, về công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, từ cuối năm 1956 đến khi ông hy sinh ở chiến trường Sài Gòn vào tháng 5 Mậu Thân 1968.

Trên dưới 12 năm, trong đó có 6 năm ở chiến trường miền Nam, dưới hai bút danh: Nguyễn Ngọc Tấn và Nguyễn Thi, sáng tác của cây bút hy sinh ở tuổi 40 này để lại không phải là nhiều. Nếu tính riêng Nguyễn Thi thì tập Truyện và ký in lần đầu tiên, do Nhà xuất bản (NXB) Giải phóng ấn hành năm 1969 – một năm sau ngày Nguyễn Thi hy sinh gồm 7 truyện, ký ngắn: Chuyện xóm tôi, Mùa xuân, Mẹ vắng nhà, Những đứa con trong gia đình, Đại hội anh hùng, Dòng kinh quê hương, Những câu nói ghi trong Đại hội, và 3 truyện, ký dài: Người mẹ cầm súng, Những sự tích ghi ở đất thép  Ở xã Trung Nghĩa.

Từ Truyện và ký năm 1969 cho đến Toàn tập Nguyễn Thi (4 tập), NXB Văn học ấn hành năm 1996, trong khoảng cách 27 năm, là sự tái bản và bổ sung dần các bản thảo mới, trong di cảo của Nguyễn Thi được đồng đội ở chiến trường gom giữ, bảo quản và lần lượt gửi hoặc mang ra Hà Nội. Ở Toàn tập, Tập I – dành riêng cho tất cả các sáng tác viết dưới bút danh Nguyễn Ngọc Tấn trước khi về Nam, năm 1962. Tập II: Truyện và ký, gồm các sáng tác dưới bút danh Nguyễn Thi đã đăng trên báo và sớm đưa in ngay sau khi ông mất, gồm 8 truyện, ký ngắn, trong đó ngoài Trên đường xóm là truyện mới, 7 truyện còn lại đã có trong bản in Truyện và ký năm 1969; và 3 truyện, ký dài là: Người mẹ cầm súng, Những sự tích ở đất thép,  Ước mơ của đất – là bản thảo còn viết dở đã được công bố trên bản in của NXB Quân đội nhân dân, 1970. Tập III: Những tác phẩm viết dở, gồm: Cô gái đất Ba Dừa, đã in trên Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội số 7-1970, Sen trong đồng đã được trích in trên Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội số 7-1970; và Ở xã Trung Nghĩa, cùng một chùm 25 bức thư Nguyễn Ngọc Tấn gửi cho vợ là Nguyễn Thị Xuân, ở khu tập thể Quân đội, số 3 phố Ông Ích Khiêm – Hà Nội. Tập IV: Ghi chép, rút từ các sổ tay, đã được Ngô Thảo sưu tầm, chỉnh lý, giới thiệu trong Năm tháng chưa xa; NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1985.

Sáu năm vào chiến trường, chỉ với khoảng trên dưới dăm năm viết, tất cả những gì Nguyễn Thi đã chuyển được lên trang giấy, kể cả những bản thảo còn dang dở, đều có thể minh chứng cho sức mạnh kỳ diệu của ngôn ngữ – ngôn từ Nguyễn Thi. Một ngôn từ thật là giàu có, là biến hóa, là linh hoạt và còn là kỳ diệu nữa, trước yêu cầu dựng một kỳ đài hùng vĩ về nhân dân Việt Nam trong chiến đấu và nhất định sẽ chiến thắng. Với một khẩu súng, ai đó, kể cả Nguyễn Thi, có thể giết một hoặc nhiều tên địch. Với những trang giấy, Nguyễn Thi đã làm thức dậy toàn bộ sức mạnh tinh thần của một và nhiều thế hệ; và lưu lại cho hậu thế một bức tranh cực kỳ sắc nét và thấm đẫm tình người về đồng bào miền Nam, về nhân dân Việt Nam trong một cuộc chiến dữ dội và khốc liệt vào bậc nhất của lịch sử dân tộc, trong nửa sau thế kỷ XX.

Có thể nói đến một hiện thực được phản ánh theo phong cách Nguyễn Thi, một phong cách luôn luôn gắng thâu tóm hiện thực ở dạng đúc kết nhất.

Chuyện một gia đình. Hay nói cho đúng và thu nhỏ hơn: Những đứa con trong gia đình. Đó là chuyện của Việt, một chiến sĩ trên chiến trường, giữa một thời điểm căng thẳng nhất và cũng là yên tĩnh nhất của đời anh: Lúc anh bị thương, lạc đơn vị, nằm trên trận địa vắng lặng, sau một cuộc đọ lê, bây giờ chỉ còn mùi khét của khói và mùi tanh của xác Mỹ. Cái chết chờn vờn đến bên anh nhưng không phải là cái lúc này làm anh vướng bận. Trong mông lung mờ tỏ của tiềm thức và ý thức, Việt chỉ hướng về mẹ, về những người trong gia đình và theo triền dây suy tưởng đó, dựng lại cả một quá khứ của tuổi thơ anh. Gia đình: Đó là cái rõ nét trong anh, với hình ảnh trung tâm quần tụ mọi kỷ niệm đẫm nước mắt về một người mẹ đã khuất, người kết tinh cả một quá khứ vật lộn với sinh kế và kẻ thù để nuôi chồng, nuôi con. Gia đình: Là kỷ niệm rỉ máu về một người cha đã hy sinh. Gia đình: Đó là một ông chú, người hiện đang còn giữ một cuốn sổ ghi lại chuyện của những người trong nhà-những mối thù, những chiến công, người làm nhiệm vụ kể lại sự tích gia đình và cuối mỗi câu chuyện thế nào cũng hò lên mấy câu. Gia đình: Còn là một người chị được tạc theo hình ảnh của mẹ, cũng đã lên đường đi chiến đấu ở một phương nào đó.

Nguyễn Thi cho ta thấy biết bao là tình sâu nghĩa nặng trong một chữ: Gia đình, nó là nỗi niềm sâu thẳm của người chiến sĩ ra trận lần đầu. Nguyễn Thi nói đến gia đình – cái đơn vị cơ bản, nền tảng đó của mỗi người con ra đi, đồng thời, đem lại cho nó một ý vị thiêng liêng khi mở rộng nó ra và gắn nó với quê hương, đất nước.

Chuyện một xóm: Chuyện xóm tôi. Cái xóm nhỏ mươi chục nóc nhà, con mương nhỏ, rặng dừa, chiếc cầu tre. Chuyện xóm nhỏ mà lại bắt đầu bằng hai đứa trẻ: Đực và Bỉnh. Tình bạn của chúng kết giao bền chặt tự nhiên, vì chúng có hai ông bố cùng bị ác ôn Tổng Phòng giết một ngày. Hai người bị thằng Phòng bắn nằm gác chân lên nhau, tay bị trói chung và cần cổ bị cột chung một sợi dây buộc lớn. Gia đình chúng có chung một mối thù nên chúng cũng có một trò chơi chung: “Hai cái dáng bé nhỏ ấy cùng chạy dọc, chạy ngang, vừa bắn vừa hô, vừa cười hí hố, vừa nhai chùm ruột, say sưa rượt đánh một thằng giặc vô hình nào đó đang chạy ở trước mặt và ngoan cố chưa chịu khuất phục đầu hàng”. “Thằng giặc vô hình” đó chính là hiện thân bằng xương, bằng thịt của Tổng Phòng. Câu chuyện mở ra khỏi cái giới hạn chật hẹp của nó lúc nào không biết: Chuyện trẻ con mà ra người lớn, chuyện nhà thành chuyện làng, chuyện trò chơi mà mang một ý nghĩa nghiêm chỉnh. Cái xóm nhỏ bỗng từ lúc nào không biết hiện ra trước mắt ta, trải bao nhiêu biến cố, máu chảy, người chết; trải bao nhiêu náo động: Tiếng súng, tiếng mõ, tiếng reo hò… Nhưng rồi sau tất cả, khi mọi náo động đã qua, cuộc sống lại trở lại nếp bình thường, bởi vì “những việc như máy bay trực thăng Mỹ mới bắn xối xả vào xóm sáng hôm qua đấy thì sáng nay nó đã trở thành dĩ vãng, thù đó không quên, nhưng việc mới dồn dập tới, mọi người tưởng như nó đã qua lâu lắm rồi…”. Người lớn ra đi, lớp này qua lớp khác. Và tác giả lại dẫn chúng ta trở về cái bình lặng gan góc của xóm nhỏ đêm hôm, trong giấc mơ trẻ thơ, trong câu chuyện giữa những người già, về quê hương, về thời cuộc…

Chuyện một xã: Ở xã Trung Nghĩa, nhưng là qua một xã để thấy sự kết tinh tất cả cái oi ngột, dữ dội mà nén lặng của miền Nam trong thế kìm kẹp của Mỹ-ngụy những năm trước đồng khởi. Lúc này, dường như kẻ thù còn đang trong cơn vênh vang đắc thắng: Tòa trụ sở hội đồng được sửa sang, khu trù mật đang được khởi công, chiếc mô tô của cảnh sát Âu và chiếc xe đạp của đại diện Hiếm đều đặn đi về… Nhưng chính cái lúc tưởng là lặng lẽ nhất ấy cũng lại là lúc trời sắp nổi bão lên rồi. Bão bên trong. Thiên truyện dừng lại ở cái phút im lặng ấy, vào cái điểm “mắt bão” ấy.

Chính cái ý thức khái quát luôn luôn thường trực trong Nguyễn Thi đã giúp ông vượt lên trên hiện thực bề bộn mà làm chủ được tài liệu, trên cả bề mặt và bề sâu. Bề mặt xã hội, bề sâu con người. Cuộc sống đọng lại ở đấy, ở phía sau, ở chiều sâu trang sách.

Nhưng với tất cả sức đúc kết đó, sáng tác của Nguyễn Thi không bao giờ dừng lại ở mức chỉ làm thỏa mãn cho ta một nhu cầu nhận thức đơn thuần. Đọc ông, không ai mà không cảm thấm một nỗi xốn xang, day dứt về “những điều trông thấy”; và cũng xốn xang, day dứt không kém là những vang động, những lắng đọng trong đáy sâu của hồn người. Một nhận thức và từ đó, một xúc động cùng đến và ở lại đấy, không nhòa mờ, không dứt bỏ được, đó là cái làm nên sức sống đặc biệt của những trang Nguyễn Thi.

Và như vậy, với Nguyễn Thi, cuộc sống không chỉ để cho ta xem ngắm một cách thờ ơ mà là luôn luôn sục sôi, giục giã, buộc ta bộc lộ một thái độ, đòi hỏi ta phải có ý kiến trả lời. Nguyễn Thi ít khi nói to lên một cách trực tiếp những cảm xúc của chính mình. Nhưng sau những trang viết “khách quan” để cho sự việc tự nó nói lên, thấy dồn nén bao nhiêu nghĩ suy, tâm sự, khiến cho người đọc không thể nào bình yên, vô tâm được. Bởi lẽ, nhà văn luôn luôn biết rọi vào đấy một thứ ánh sáng riêng, không phải chỉ của đôi mắt mà là của cả tấm lòng, khiến cho mọi màu sắc, âm điệu, cung bậc của đời hiện lên thật rành rõ. Khi ông viết về một thằng Phòng “mà cuộc đời làm tổng của nó đã tới nước nó có thể nghĩ rằng, đạn trúng thằng nào thằng đó là Việt Cộng, cứ bắn”; về đàn con chị Út nằm hầm: “Cả bốn đứa đều chống tay xuống đất, chổng mông lên trời như bốn tai nấm (…). Con Bé, một tay bồng em, một tay thò ra ngoài hầm quấy bột, nó bắc xoong lên ba cục đất chụm bằng lá dừa…”; về người mẹ chỉ đêm đêm mới khóc, mẹ khóc lặng lẽ khi đàn con đã ngủ cả, “chỉ còn tiếng chuột chạy trên nóc nhà, tiếng chó sủa ở đầu xóm và tiếng mõ của dân canh trên đồn dân vệ…”; về vợ chồng ông Tư Trầm nhận năm công đất cách mạng trao cho; về hai chị em Việt khiêng bàn thờ mẹ sang gửi nhờ nhà chú để ra đi, hẹn “đến chừng nước nhà độc lập lại đưa má về”…, ta tưởng như tất cả những lời, những chữ ấy không phải chỉ được viết bằng thứ mực thông thường, mà là bằng mực của chính tấm lòng ông, mực đến từ máu và nước mắt.

Thể hiện cuộc sống trong mọi màu sắc, âm điệu, cung bậc khác nhau của nó, đó là nét đặc sắc trong tài năng, trong phong cách Nguyễn Thi.

Quả là thế và hoàn toàn dễ hiểu khi người viết, đó là Nguyễn Thi và khi đối tượng miêu tả, đó là hiện thực miền Nam. Người đã dốc cả tâm hồn với muôn vàn yêu thương lên những trang thơ về con trẻ, về ông bà, cô bác của chúng ta, hẳn không thể không sôi trào sự khinh bỉ, căm giận lên đầu những kẻ mặt người dạ thú. Và cũng thật khó mà phân biệt âm điệu nào là chính khi cuộc sống trong nguyên khối của nó, là bộn bề đến thế. Giữa những tình huống đang bị dồn ép đến mức bi thảm nhất như trong Ở xã Trung Nghĩa, vẫn không ít những cảnh ngộ khiến cho ta bật cười, cái cười vừa như ngọn roi đập vào kẻ thù, vừa làm cho con người trong cuộc khoan khoái trở lại, có thêm sức để đi tiếp con đường đi còn rất lắm chông gai. “Rầu thúi ruột mà vẫn còn tiếu lâm” là thế!

Nhưng đa dạng mà nhất quán. Đó là sự nhất quán của một vốn từng trải, một tâm hồn, một tài năng, một trí tuệ.

Nguyễn Thi thuộc trong số ít nhà văn mà cuộc đời và tác phẩm luôn khiến ta xúc động và không hết ngạc nhiên. Nghĩ về ông là nghĩ về một liên hệ giữa nhà văn và cuộc sống, nhà văn và quần chúng; và những lời ông tâm sự sau đây hoàn toàn có sức nặng của một chân lý đã được thể nghiệm: “Chúng ta tự hào, sung sướng được sống trong lòng biển, vì giọt nước có vinh quang cách mấy cũng chỉ là giọt nước, nó sẽ khô ngay lập tức nếu không được nằm chung với biển, còn vinh quang của biển thì đời đời không lay chuyển được” (Đại hội anh hùng). Nghĩ về ông là nghĩ về văn mạch dân tộc, đi từ nguồn và nằm trong dòng chảy của những tên tuổi lớn của lịch sử và lịch sử văn học. Nghĩ về ông là nghĩ về sự tiếp tục của mấy thế hệ nhà văn cầm súng trong thế kỷ XX. Nghĩ về ông là nghĩ về sự thống nhất giữa tâm hồn và tài năng, tâm hồn nuôi dưỡng tài năng và tài năng bồi đắp cho tâm hồn. Nghĩ về ông là nghĩ về sự kết hợp thành công giữa một nội dung vừa dân tộc vừa hiện đại, trong một hình thức vừa quen thuộc vừa đổi mới.

Theo GS Phong Lê/Vanvn