Nguyễn Trãi và một mỹ học mùa xuân

652

Với các nhà tư tưởng lớn, chất vàng triết lý luôn lấp lánh phát sáng qua mỗi hình tượng, ngôn từ mà họ sử dụng. Nguyễn Trãi kiệt xuất là một trường hợp như vậy. Tư tưởng mỹ học của ông qua chủ đề mùa xuân trong thơ Nôm phải được coi là điểm tựa văn hóa cho hôm nay.

Khác với thơ cổ vịnh cảnh hoặc giao đãi bạn bè, thơ Nguyễn Trãi thể hiện một quan niệm nghệ thuật và quan niệm nhân sinh, một cách sống, lối sống rất mới. Nhờ vậy, thơ ông mở ra về không gian, nới rộng về thời gian và một chiều sâu thời thế và nhân thế. Thơ mùa xuân Ức Trai là những suy ngẫm sâu sắc về thiên chức nghệ thuật: “Xuân đến hoa nào chẳng tốt tươi/ Ưa mày vì tiết sạch hơn người/ Gác Đông ắt đã từng làm khách/ Há những Bô tiên kết bạn chơi/… Bóng thua ánh nước động người vay/ Lịm đưa hương, một nguyệt hay/ Huống lại bảng xuân xưa chiếm được/ So tam hữu chẳng bằng mày” (“Mai”).

“Gác Đông” tức Đông các, một biểu tượng văn hóa chỉ nơi để quan Tể tướng chiêu hiền đãi sĩ. Hoa mai “từng làm khách” nơi này tức hoa mai cũng được nâng lên thành bậc hiền sĩ như con người xuất chúng. Vì thế mới có câu sau “Há những Bô tiên kết bạn chơi” có nghĩa đâu phải chỉ kết bạn với các vị tiên đáng kính (bô) mà còn nhiều bạn tiên nữa. Hoa mai đẹp sang trọng, thanh khiết, đài các, luôn nở trước mọi thứ hoa, lại đứng đầu bảng các loại hoa xuân nên chiếm “bảng xuân”. Toát ra một quan niệm hoa mai nghệ thuật luôn phải đi trước để làm đẹp, làm sang cho mùa xuân cuộc đời. Có thể còn một ý này: tiên trong ý niệm văn hóa phương Đông luôn sống mãi, hạnh phúc mãi mà hoa mai kết bạn với các vị tiên ấy thì hoa mai nghệ thuật cũng luôn trường tồn với đời sống (!?).

Nghệ thuật phải đánh thức cảm xúc yêu ghét: “Cầm đuốc chơi đêm này khách nói/ Tiếng chuông chưa đóng ắt còn xuân” (Cuối xuân). “Tiếng chuông chưa đóng” nghĩa là hãy còn đêm xuân, mà khách xưa (trong tưởng tượng) nói rằng: tiếc xuân nên cầm đuốc chơi đêm! “Tiếng chuông” mang nghĩa ẩn dụ: nghệ thuật phải nhân lên ở con người niềm khát khao được sống nhiều lần trong mùa xuân cuộc đời.

Vì vậy nghệ thuật không thể hời hợt, dửng dưng: “Ba xuân thì được chín mươi ngày/ Sinh vật lòng trời chẳng tây/ Rỉ bảo đông phong hời hợt ít/ Thế thì chớ tiếc, dửng dưng thay” (“Thơ tiếc cảnh 11”). Lời thơ như nhắn gửi nghệ thuật thì phải “chẳng tây” tức không được riêng tư thiên vị, không được “hời hợt”, dửng dưng. Ngày nay người ta hay nói nghệ thuật là sự hy sinh, hết mình. Ức Trai đã nói điều ấy trước nửa thiên niên kỷ!

Mùa xuân là sự hô ứng hòa hợp tuyệt vời giữa con người và tạo vật: “Lầu hồng có khách cầm xuân ở/ Cầm ngọc tay ai dắng dõi thêm” (“Thơ tiếc cảnh 2”). “Cầm xuân” tức giữ mùa xuân lại. “Lầu hồng” đẹp, sang trọng, vương giả, là nơi ở của người đẹp quý phái. “Khách cầm xuân” ở “lầu hồng” là những cô gái đẹp muốn níu giữ mùa xuân. “Cầm ngọc” thì “cầm” là đàn, ý cả câu tả tay người đẹp đánh đàn nghe càng hay thêm. Để tạo nên thế giới nghệ thuật phải có cảnh đẹp (lầu hồng, mùa xuân), có người đẹp tha thiết với cái đẹp (khách cầm xuân), có người tiếp nhận trong tâm trạng chờ đợi, thì tất cả càng đẹp hơn! Đây chính là quan niệm của nghệ thuật hiện đại: cuộc sống – tác giả – tác phẩm – tiếp nhận!

Mỹ học tiếp nhận Nguyễn Trãi thuận chiều với quy luật thời gian: “Tiếc thiếu niên qua lật hẹn lành/ Hoa hoa nguyệt nguyệt luống vô tình” (“Thơ tiếc cảnh 4”). “Lật” nghĩa là lỡ: đã quá tuổi thiếu niên nên lỡ mất “hẹn lành”, lỡ mất bao ước ao, phí hoài bao khát vọng. Để bây giờ hoa nguyệt (cái đẹp) cũng trở thành vô tình với mình. Một sự tiếc nuối cho những ai không biết sống đích thực ở cái thời hồn nhiên mà mê say, để rồi quá lứa…

Ý thơ hiện đại, mang tầm phổ quát để nói với tất cả mọi người, mọi thời. Nó tôn trọng quy luật tồn tại và phát triển của cái đẹp: “Xuân muộn nào hoa chẳng rụng rơi” (“Thuật hứng 14”). Không ai cưỡng lại được quy luật của thời gian. Cái đẹp cũng vậy. Nhưng nếu biết lấy cái “phúc” làm gốc sẽ bền vững, tự nhiên, trường tồn: “Phúc nhiều sơ bởi nơi ta tích/ Xuân đến tự nhiên mọi vật tươi” (“Bảo kính cảnh giới 11”). “Phúc” ở đây được hiểu là “phúc đức”. Con người “tích phúc”, ắt có hạnh phúc!

Tinh thần mỹ học Nguyễn Trãi luôn cảm nhận cái đẹp trong trạng thái non tơ đang cựa quậy chứ không tròn trịa đã vào thời viên mãn, thậm chí ở thời điểm khởi đầu, bắt đầu: “Xuân chầy liễu thấy chưa hay mặt/ Vườn kín hoa truyền mới lọt tin/ Cành có tinh thần ong chửa thấy/ Tính quen khinh bạc bướm chăng gìn/ Lạc Dương khách ắt thăm thinh nhọc/ Sá mựa cho ai quẩy đến bên” (“Đầu Xuân đắc ý”).

Vì xuân đến chậm nên liễu chưa thấy mặt. “Vườn kín hoa truyền mới lọt tin” tức hoa mới chớm nụ. Hương hoa mới chớm bay ra khỏi vườn kín nên “ong chửa thấy” mà tìm đến nhưng bướm thì chẳng biết giữ gìn nên cứ vô tư đậu vào cành. Đúng là thế giới của cái đẹp “non tơ phong nhụy”, tất cả như đang phập phồng xuân khí. Đất Lạc Dương tức kinh đô Trung Quốc thời Ngũ đại vốn rất đẹp, là nơi tụ hội các thi nhân. Xứ người đẹp thế nhưng nơi này đẹp cũng không kém nên ta chẳng cho (sá mựa) ai quẩy xuân này đến đó mà đem cái đẹp đi. Cũng chỉ mạo muội “diễn nôm” câu thơ để thấy phần nào cái đẹp của ý thơ phải nói là tuyệt bút này. Nhưng có thể hiểu một triết lý của mỹ học Nguyễn Trãi: Cái đẹp là sự khởi đầu… Đặc sắc hơn là nói bằng hình tượng thơ.

Mùa xuân đồng nghĩa với hạnh phúc. Mỹ học về mùa xuân Nguyễn Trãi đồng nghĩa với mỹ học về hạnh phúc, đúng hơn, triết gia đưa ra một “định nghĩa” về hạnh phúc: “Chụm tự nhiêu lều một gian/ Giũ không thay thảy tấm hồng trần/ Nghìn hàng cam quýt con đòi cũ/ Mấy đứa ngư tiều bậu bạn thân/ Thấy nguyệt tròn thì kể tháng/ Nhìn hoa nở mới hay xuân/ Cày ăn đào uống yên đòi phận/ Sự thế chăng hay đã Hán Tần” (“Tự thán 32”).

Hạnh phúc là tự mình lao động trong cảnh hòa bình yên ổn; sống giữa thiên nhiên với căn lều nhỏ, xa với cuộc sống phàm tục; có vườn cam quýt (thay vì là “con đòi” đứng hầu là những hàng cam quýt), có bè bạn là ngư dân hay tiều phu chân chất; sống không quan tâm đến thời gian, lấy cái đẹp tự nhiên làm thước đo thời gian. Điều này lý giải “Quốc âm thi tập” có rất nhiều chữ “nhàn” nghiêng về nghĩa nhàn tâm, không bon chen danh lợi, không vướng tục lụy. Đó là hạnh phúc!

Tiên sinh ưa sự cô đơn, vắng vẻ, thích sống nơi núi rừng sông suối, làm bạn với ngư tiều hơn là chốn phồn hoa đô hội nặng công danh phù phiếm. Ông coi sự “vắng” là một yếu tố trong quy luật sáng tạo nghệ thuật: “Trượng phu non vắng là tri kỷ/ Tiên khách nguồn om ấy cố nhân/ Mấy của yêu đương đà chiếm được/ Lại mong chiếm cả hết hòa xuân” (“Tự thán 11”). “Nguồn om” tức “nguồn im”. Phải nơi “non vắng”, “nguồn om” ấy mới có thể sáng tạo, hơn nữa mới đẩy sự khát khao, ham mê sáng tạo ở mức cao nhất.

Thi nhân cũng rất coi trọng cảm hứng: “Liễu mềm rủ, nhặt đưa hương/ Hứng bợn lầu thơ khách ngại rằng/ Thấy cảnh lòng thơ càng vấn vít/ Một phen tiếc cảnh một phen thương” (“Thơ tiếc cảnh 8”). Có thể hiểu mỗi khi liễu rủ mềm theo gió đưa hương người thơ càng thêm mềm lòng bâng khuâng “tiếc cảnh”. Cảm hứng tiếc xuân nên chẳng muốn nói năng (khách ngại rằng).

Vì muốn chiêm bái, tận hưởng cái đẹp mà có ý trách tạo hóa: “Vì cảnh lòng người tiếc cảnh xuân/ Mới trách thanh đồng tin diễn đến/ Bởi chưng hệ chúa Đông quân” (“Thơ tiếc cảnh”). Trách “thanh đồng” tức tiên đồng đem tin đến chậm (diễn nghĩa là xa xôi) làm cho thi nhân mãi mới gặp xuân. Cũng là tại bởi Đông quân (Chúa xuân) cứ muốn giữ xuân lại không cho tiên đồng báo tin sớm. Lời thơ đẹp huyền ảo. Không gian như trở về huyền thoại. Thì ra cái đẹp đích thực ai cũng thích, từ Chúa xuân đến thi nhân cũng đều muốn thưởng thức!

Cảnh xuân bình dị dân dã nhưng tràn đầy sức trẻ, sức sống: “Tự bén hơi xuân tốt lại thêm/ Đầy buồng lạ mùi thâu đêm/ Tình thư một bức phong còn kín/ Gió nơi đâu gượng mở xem” (“Cây chuối”). Trong khi thơ đương thời tràn ngập biểu tượng thanh cao quân tử với “tùng, cúc, trúc, mai” thì một cây chuối chân quê “tốt lại thêm” và tỏa thơm “mùi lạ”!? Theo con đường liên văn hóa truy ngược về đầu nguồn thì cây chuối mới chính là biểu tượng cho kẻ sĩ: ở đâu cũng sống dẻo dai; không chịu gục ngã trước gió bão; cái nõn trắng tinh (tấm lòng quân tử) dù có bị chém ngang, một lúc lại trồi ra thách thức!

Thơ Ức Trai đầy dự cảm, xen vào một chút âu lo. Mùa xuân đang tràn đầy hương sắc bỗng chen một thoáng thảng thốt: “Hoa thường héo, cỏ thường tươi”. Âu đấy cũng là số phận một thiên tài!

NGUYỄN THANH TÚ/VANVN.VN