Nguyễn Văn Bảy – Từ phi công huyền thoại đến lão nông bình dị

794

Sương Nguyệt Minh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Có một phi công huyền thoại lái chiếc MiG 17 cũ kỹ. Xuất kích 94 lần, 13 lần nổ súng. Bắn rơi 7 chiếc máy bay của Không lực Hoa Kỳ. Lúc cuối đời, ông đưa vợ con về quê ở Lai Vung, Đồng Tháp. Trên mảnh đất hoang vu, đầy cỏ dại, ông xây nhà, trồng cây, cấy lúa, đào ao thả cá… như một lão nông Hai Lúa mộc mạc bình dị. Một huyền thoại, một người tốt hiếm hoi, tên ông là Nguyễn Văn Bảy.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Bảy

Người gầy thanh mảnh. Đôi mắt tinh anh. Gương mặt quắc thước. Chòm râu dài trắng như cước. Cái khăn rằn quấn trên đầu. Chiếc ghe nhỏ lướt nhẹ trên dòng kinh. Lưới cá bung lên, chụp xuống. Cũng có khi ông lúi húi nhổ cỏ trên cánh đồng lúa đang thì con gái. Bắt gặp hình ảnh này, người ta tưởng là ông Hai Lúa bình dị, mộc mạc, dễ thương của miệt vườn Nam Bộ, chứ không nghĩ ông đã từng là phi công tiêm kích huyền thoại bắn rơi 7 máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam.
***
Ông Nguyễn Văn Bảy sinh ra trong một gia đình nhà nông ở Đồng Tháp. Đang “tuổi 17 “bẻ gãy sừng trâu” ăn chưa no lo chưa tới, mải chơi hơn làm, ông bị gia đình ép cưới vợ. Có vợ ở cái tuổi ấy như gông cùm với chàng trai ưa bay nhảy, phóng khoáng, ông quyết định trốn cha mẹ, bỏ nhà đi theo cách mạng. Làm người lính sau một năm, thì Hiệp đinh Giơ ne vơ ký kết, ông được tập kết ra miền Bắc. Sáu năm sau, quân đội “sức giấy” về các sư đoàn tìm kiếm những người lính cao to lớn để đi khám tuyển phi công. Cả sư đoàn chọn được 10 người trong đó có ông. Cao 1m67, nặng 69kg, 24 tuổi trẻ trung, so với ngày nay vẫn chưa phải là một hình thể chuẩn để khám tuyển phi công, nhưng cái thời chiến tranh và bao cấp nghèo đói, lam lũ ấy thì cũng là một hi vọng đáng kể. Chót lọt. Ông trúng tuyển phi công trong niềm vui bất ngờ với tỷ lệ chọn khắc nghiệt: một vạn lính trẻ chỉ lấy được 3 chàng. Chưa bao giờ, ông Bảy nghĩ mình sẽ là phi công, mà lại là phi công quân sự. Đồng đất Lai Vung, Đồng Tháp quê ông mênh mang nước, suốt ngày di chuyển bằng ghe. Mùa lũ về cá tôm reo vui cùng người và thuyền ghe. Chân đất. Lội ruộng. Và đi ghe. Cưỡi trâu… Vậy mà, đánh đùng một cái, ông trúng tuyển phi công. Một bầu trời mênh mang phía trước, ông sẽ cưỡi ngựa sắt bay cùng mây trắng chứ không phải là cưỡi trâu nữa.
***
Trúng tuyển phi công quận sự, nhưng vốn liếng văn hóa của anh lính Nguyễn Văn Bảy chỉ lớp 3. Lớp 3 thì lái máy bay chiến đấu, bắn nhau với “Con ma”, “Thần sấm” của Không quân Mỹ được sao đây? Được! Thời Vệ quốc đoàn chống Pháp, bộ đội ta đói rách đánh giặc còn gọi là “Vệ túm”. Vệ túm là cách gọi giễu nhại của lính, áo quần lính rách đến mức không kịp vá, và cũng chẳng có vải mà vá, phải lấy dây rừng buộc túm lại. Trong bài thơ “Đồng chí”, nhà thơ Chính Hữu viết: “Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/ Miệng cười buốt giá/ Chân không giày/ Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Áo rách vai, và mảnh vá thì thành thơ được, chứ “Vệ túm” chỉ có thể là lời nói thường ngày và văn xuôi thôi. Vậy mà, “Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo”. Người lính vẫn lạc quan yêu đời và đánh thắng giặc ngoại xâm. Nhưng, thời đánh Mỹ khác thời đánh Pháp. Vũ khí, trang bị, trình độ tác chiến hiện đại của quân đội Hoa Kỳ bỏ xa quân đội Pháp cả trăm năm. Người lính bộ binh không thể vừa học xóa nạn mù chữ vừa cầm súng trường cũ kĩ, “đứng bên nhau chờ giặc tới” như thời kháng chiến 9 năm, mà kỹ thuật, chiến thuật cũng phải giỏi mới đánh thắng kẻ thù mạnh nhất hoàn cầu. Người lính lái máy bay quân sự lại càng phải yêu cầu cao hơn. Vậy thì phải học. Lớp 3 càng phải học.
***
Cái sự học văn hóa của ông Nguyễn Văn Bảy cũng thực khác người. Kể ra, các bạn trẻ bây giờ không tin được. Ông và đồng đội được đưa về Trường Bồi dưỡng văn hóa Lạng Sơn. Chỉ bảy ngày học cấp tốc mà từ lớp 3 học tận lớp 10 (lớp 10 cuối cấp phố thông, tương đương với với 12 bây giờ). Thì ra, ông chỉ học để nắm căn bản về đại số, hình học, về định luật vật lý và công thức. Rồi quay về Trường bay của Quân chủng Phòng không – Không quân học lý thuyết cơ bản về lái máy bay. Sau đó, ông Bảy nằm trong số 34 học viên được cử sang Trường hàng không số 3 ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc đào tạo láy máy bay MiG 17.
***
Về nước, phi công Nguyễn Văn Bảy được phiên vào Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 (Đoàn Yên Thế). Đời phi công chiến đấu, ông xuất kích 94 lần, mỗi lần là một câu chuyện, một tình huống, một ấn tượng không mờ phai. Trong 1 trận không chiến, biên đội ông gồm 2 MiG17 đã quần nhau với cả bầy máy bay Mỹ đông hàng chục chiếc F4. Hai chiếc F4 của Mỹ phóng tên lửa bắn nát đuôi máy bay. Rất khó điều khiển. Sở chỉ huy ra lệnh cho ông nhảy dù. Nhưng, ông xin phép không rời buồng lái, khôn khéo đưa máy bay trở về sân bay trong bão đạn. Sau đó, mới biết máy bay bị thủng 82 lỗ. Ông Bảy lập chiến công đầu tiên là bắn cháy chiếc máy bay F8 Crusader thuộc phi đội 211 do Cole Black điều khiển.
***
Trận đánh 5.9.1966, là trận đánh có đường bay táo bạo, thông minh. Không lực Hoa Kỳ đưa 1 tốp máy bay F5 vào đánh bom. Nguyễn Văn Bảy cùng 1 đồng đội nữa xuất kích. Máy bay Mỹ thấy 2 chiếc MiG17 bay đến thì không dám nghênh chiến, rút chạy vòng bên phải qua đám mây rất to. Máy bay ta tốc độ chậm hơn, nếu đuổi sau lưng sẽ không kịp. Nguyễn Văn Bảy đi tắt đám mây để đón đầu. Nếu bay sớm thì phơi lưng cho nó bắn. Nếu bay muộn, thì không đuổi kịp nó. Ông Bảy xuất kích đúng thời điểm, bay ra khỏi đám mây, ông thấy 2 máy bay địch lượn hình con rắn. Ông Bảy bắn cháy 1 chiếc, rồi ngóc lên gọi cho MiG số 2 bắn cháy tiếp máy bay nữa của Mỹ. Chỉ trong vòng 6 tháng ông Bảy bắn cháy 4 máy bay Mỹ.
***
Máy bay MiG17 sản xuất từ Thế chiến thứ 2, cũ kĩ, tốc độ chậm, không có tên lửa, chỉ có 3 khẩu pháo với 200 quả đạn, bắn 7 giây là hết đạn. Phi công Nguyễn Văn Bảy đã nghĩ ra cách đánh du kích trên trời “nắm thắt lưng địch mà đánh” là: Đánh gần, đánh bám sát, đánh quần thảo, đánh đối đầu. Một phát kiến rất độc đáo của Nghệ thuật Quân sự Việt Nam. Ông Bảy thường áp sát máy bay đối phương ở cự ly 200 – 300m mới bắn, có lần chỉ bắn ở cự li 100m. Đánh gần, nên máy bay Mỹ cháy, mảnh duya vỡ tung ra tóe ra. Máy bay Mig17 có hai “lỗ mũi” hai bên, hứng được nhiều mảnh vụn ấy. Về nhà hốt ra cả nắm. Không đánh gần, “đánh giáp lá cà” thì MiG17 cũ kĩ, tốc độ chậm, chỉ có đạn pháo không thể bắn cháy máy bay Mỹ với tốc độ nhanh hơn âm thanh, trang bị tên lửa. Đại tá Từ Đễ – một trong 5 phi công trong Phi đội Quyết Thắng, ngày 28.4.1975, dùng máy bay thu được của đối phương, ném bom xuống sân bay Tân Sơn nói về bậc chỉ huy, bậc đàn anh với lòng đầy thán phục: “Lúc bác Bảy là thiếu tá trung đoàn trưởng, thì tôi chỉ trung úy, chiến đấu viên. Tôi học 10 năm trong nhà trường, văn hóa cao hơn. Trình độ bay giỏi hơn. Tôi bay đêm, bay mọi thời tiết. Bác Bảy chỉ bay ngày. Tôi trẻ hơn, sức khỏe hơn. Kết quả: Bác Bảy bắn 7 chiếc máy bay, tôi không bắn rơi chiếc nào”. Ông Từ Đễ bảo: Thế hệ phi công trẻ nhất bổ xung đánh Mỹ như Từ Đễ đều công nhận Nguyễn Văn Bảy là phi công số 1 Việt Nam. Các phi công Mỹ từng quần nhau với phi công Bắc Triều Tiên, Nga, Nhật, Đức… đều khẳng định phi công Việt Nam đánh gần giỏi nhất.
***
Trong một cuộc gặp mặt của hơn 50 cựu phi công chiến đấu Việt – Mỹ tại California, Mỹ. Ông Nguyễn Văn Bảy đã kể chuyện về trận đánh của mình. Một phi công Mỹ da mồi tóc bạc, đứng lên hỏi: “Ngài có nhớ trận đánh ngày 16.9.1966 ở phía Bắc không?”. Ông Bảy bảo: “Tôi vẫn nhớ. Trận đó, tôi bắn cháy một máy bay F4”. Ông phi công già người Mỹ khóc và nhận mình là người lái chiếc máy bay bị bắn cháy đó. Hai người ôm chầm lấy nhau. Ông Bảy kể rằng: Máy bay của ông chui ra khỏi đám mây thì phát hiện máy bay Mỹ. Ông Bảy nhắm buồng lái máy bay đối phương, thì thấy hai cái đầu đội mũ trắng cử động. Ông không nhắm vào buồng lái nữa, vì nếu bắn thì phi công sẽ chết. Ông nhắm vào cánh máy bay rồi… bắn.
***
Ông Nguyễn Văn Bảy được vinh danh là một trong 19 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACES. Danh hiệu ACES được đặt ra từ Đại chiến thế giới thứ 2 dành cho những phi công lái máy bay chiến đấu bắn hạ máy bay đối phương từ 5 chiếc trở lên.
***
Thói thường, có người chiến tích đầy mình, được đi chỗ này nói chuyện, đi chỗ kia báo công sinh ra tự mãn. Những bằng khen, giấy khen ngự trên tường. Những huân chương, huy chương, huy hiệu lấp lánh đầy ngực. Những ánh mắt trong veo trẻ thơ trầm trồ thán phục. Những chen chúc, lách len của đám đông xin chữ ký. Những lời tôn vinh có cánh chấp chới tận trời xanh mây trắng. Lúc nào cũng lâng châng lơ lửng. Không hạ chân dưới đất được nữa. Sinh ra công thần, địa vị, vị kỉ, đòi đãi ngộ. Ông Nguyễn Văn Bảy thì không!
***
Lúc 55 tuổi, đang mang quân hàm đại tá, giữ chức Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không – Không quân, người phi công tiêm kích huyền thoại năm xưa làm đơn xin nghỉ hưu sớm. Nghỉ để anh em trẻ có vị trí, để không chậm bước tiến của họ. Nghỉ còn có nghĩa là “rửa bao gác kiếm”, ông muốn sống đời người thường bình dị, sau những năm tháng làm “người đặc biệt” – người lính của một đất nước chiến tranh triền miên. Nghỉ để sống bình yên, an lành với đồng đất, cây trái, con đường, lối xóm quê hương. Ông là người: Cất cánh đúng lúc. Hạ cánh cũng đúng lúc.
***
Về hưu, ông ở thành phố một thời gian rồi, trở về quê – nơi ông đã ra đi năm 17 tuổi. Ông phát hoang, cuốc đất lật cỏ, đào ao thả cá, bơi ghe đánh lưới, trồng cây. Ông làm tất cả những việc nhà nông như thời chưa vào quân ngũ đã từng làm. Ông làm công việc như ông Hai Lúa bình dị, mộc mạc. Làm như thay tập thể dục dưỡng già.
Vườn ruộng nhà ông rộng 5000m2. Lúa xanh mượt mà. Xoài lúc lỉu. Cam xum xuê. Mít trĩu trịt đầy thân cây. Cá quẫy đớp trăng. Ngồi ở chòi nghe câu vọng cổ. Những trái cóc gọt vỏ. Con cá lóc nướng trui. Ngả mâm, cùng mấy ông bạn già nhậu lai rai, rồi nghe câu vọng cổ. Cuộc sống hết sạch những ưu tư, phiền muộn. Chỉ còn là an nhiên, tự tại, là ông lính già trở về với niềm vui thôn dã người dân quê.
***
Bây giờ thì ông phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy lại về nằm ở quê nhà với tổ tiên. Chắc hẳn linh hồn ông đã về Giời. Bay vút lên trời xanh như thể ngày xưa ông đã từng bay. Ông nhìn xuống hạ giới. Mỉm cười hiền hậu. Thanh thản. Rồi đi vào mây trắng, bước lên Thiên đàng.