Nguyễn Văn Toại với văn hóa làng đồi

937

Phạm Đình Ân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Là bạn văn (học trước tôi bốn khóa, khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Hà Nội), cùng làm thơ, sống tại Hà Nội nhiều năm nhưng đâu dễ gặp. Ông hơn tôi sáu tuổi, hiểu nhau và quý trọng nhau. Trầm tĩnh, ít nói, đến với bạn bè bằng giản dị một niềm tin cậy. Loáng thoáng gặp rồi mất hút. Mất hút rồi lại gặp, gió thoảng, mây bay, đến nay, chợt giật mình đã qua trên bốn mươi năm!

Nhà văn, nhà thơ, dịch giả Nguyễn Văn Toại

  1. Gom nhặt tháng ngày

Hầu hết các nhà Văn Việt Nam đều sinh ra và trưởng thành ở làng quê. Không ít người đã gắn bó với nơi chôn rau cắt rốn của mình và viết nhiều về gia đình cũng như những người ruột thịt. Nguyễn Văn Toại là một trường hợp, nhưng khác thường, rất khác thường. Khác thường còn là ở chỗ trước khi trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyễn Văn Toại đã là tác giả của gần ba chục đầu sách, trong đó có hàng chục tiểu thuyết cùng nhiều sách dịch, có cuốn dày tới gần ngàn trang. Phải chăng do đa tài, đa sức, nhưng dàn đều ở nhiều lĩnh vực cho nên chưa tạo được sức bật cần thiết, lại ít bộc lộ, giao du mà có thời gian gần như ông bị… lãng quên? Bây giờ, khi ông đã thật sự thay đổi thì văn hóa đọc lại bị xem nhẹ, dù số người viết vẫn tăng lên. Còn tính cách ông ít năng dộng trong giao du, kém cỏi trong việc quảng bá tác phẩm  thì vẫn thế (ngẫm về mình, ờ nhỉ, tôi cũng không hơn).

Kẻ Dòng nội truyện – tác phẩm để đời về quê hương làng Dòng của ông đã thật sự tôn cao tên tuổi ông. Hình ảnh làng đồi trung du luôn luôn len lỏi, soi bóng vào mọi sáng tác của ông (thơ, tản văn, tiểu thuyết, truyện ngắn, dịch thuật, phê bình). Gom nhặt tháng ngày – nhan đề một tập thơ của Nguyễn Văn Toại vô tình nói đúng về tác giả. Từ những năm đầu cấp hai trường làng, Nguyễn văn Toại đã có ý thức sưu tầm, ghi chép những chuyện dân gian truyền miệng, trên hết là sử cũ của quê nhà, cũng là khi bắt đầu viết những bài báo ngắn và thơ gửi đăng ở báo tỉnh. Chớm tuổi mười bảy, ông thử sức bằng tiểu thuyết (tiếc là bị mất bản thảo). Truyện ngắn và bài thơ đầu tay của Nguyễn Văn Toại được in trên tuần báo Văn học năm 1962, khi tác giả đang còn là sinh viên. Năm 1976, ra được tập truyện dịch đầu tiên. Năm 1991 là sách thơ Chuyện riêng của đồi. Một dạo, vừa làm thơ vừa viết tiểu luận, phê bình. Đã từng gây ấn tượng là một cây bút có nghề chuyên sâu về văn học các dân tộc thiểu số. Sau đận ấy, nếu gom lại các bài thì có thể trình làng một tập tiểu luận khá dày. Hóa ra, ông đã có thời gian làm việc ở các tỉnh phía Tây Bắc Tổ quốc cho nên các trang viết của ông có nhiều chất liệu và phảng phất hơi thở cuộc sống ở vùng đất từng có một thời bị “khuất trong sương mù” này.

Ngừng công việc làm báo, ông chuyển qua nghề xuất bản sách. Từ đây, ông được tổ chức bố trí cho đi học khóa đào tạo báo chí xuất bản bốn năm (bằng cử nhân thứ hai), sau đó, với vốn ngoại ngữ tiếng Nga tự học, ông được cử đi làm chuyên gia về ngữ văn cho nhà xuất bản Cầu vồng ở Matxcơva trong một thời gián khá dài. Các bạn đồng nghiệp Nga đặc biệt tin cậy khả năng biên tập, biên dịch sách, kể cả khẩu ngữ tiếng Nga của ông. Trở về nước, ông đảm nhiệm chức trách Trưởng ban Sách Văn hóa – Nghệ thuật Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin cho đến khi nghỉ hưu. Theo đó, hướng viết và nội dung viết cũng thay đổi. Và, bây giờ, nhà báo, nhà văn, dịch giả – nhà phê bình Nguyễn Văn Toại đã đi quá xa thuở ban đầu. Như là ông đã tự phủ định, tự làm mới, đã là tác giả khác. Khác, một phần do chính ông, phần nữa do người đọc vừa phát hiện thêm một Nguyễn Văn Toại mới. Riêng thơ, ông in không nhiều và vẫn thủy chung với lối viết truyền thống. Nhưng cái khác cơ bản là càng về những năm cuối đời ông càng nặng lòng đối với văn xuôi, nhất là tiểu thuyết và tản văn.

  1. Quê hương muôn năm

Hoàn toàn không phải một lời tụng ca quen thuộc. Đây là nhan đề một áng tạp văn giàu xúc cảm trong cuốn sách nổi tiếng đã được nhắc đến của Nguyễn Văn Toại viết về gia đình mình, làng quê mình; tác giả chỉ dành riêng cụm từ thân yêu ấy cho bản thân thôi, ấy thế mà khi tiếp xúc với ông, đọc ông chắc chắn ai cũng thấy cụm từ này không hề rập khuôn chút nào. Lời nói ấy vọng lên từ gan ruột nhà văn, nó ẩn chứa nhiều niềm vui, nối buồn và cả mồ hôi cùng nước mắt.

Nguyễn Văn Toại sinh ra từ văn hóa làng đồi, được văn hóa làng đồi nuôi dưỡng, nâng bước. Đó là làng Dòng Xuân Lũng, thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ hiện nay. Xuân Lũng được xác định là một trong 67 di chỉ khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phú (cũ), tương ứng với bốn gai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn. Dòng là tên làng, nó hàm nghĩa là địa danh bên triền sông – sông Thao. Từ tên nôm làng Dòng chuyển sang tên chữ Hán là Vân Lung, rồi Xuân Lũng. Đây là mảnh đất của văn chương khoa cử và văn chương sáng tác hiện đại. Không kể nhiều vị đỗ đạt làm quan thuở trước, thì làng này đã sinh thành tám nhà văn. Ngoài hai tác giả thơ Vũ Chấn Nam, Đào Ngọc Chung, có sáu hội viên Hội Nhà văn Việt Nam: Nguyễn Thái Vận, Nguyễn Trung Đức (cả hai đã mất), Nguyễn Thị Minh Thông, Nguyễn Văn Toại, Nguyễn Thành Châu, Nguyễn Thị Thanh Long. Đó là chưa kể một đội ngũ đông đảo các GS, TS, thạc sĩ, các nhà khoa học thành danh, tú tài, cử nhân phải tới con số hàng ngàn!

Nguyễn Văn Toại sinh ra trong ánh sáng đèn dầu dọc leo lét – mẹ ông kể lại. Khi cái núm rốn bắt đầu khô, bà dùng mảnh nứa sắc để cắt và đem buộc vào cái quang đèn gỗ hình vuông treo ở góc nhà với kỳ vọng đứa con trai sau này sẽ trở nên sáng dạ. Hầu như thời trước, tất cả các bà mẹ làng đồi khi sinh con đều làm như thế. Từ đó, người mẹ, người cha trong một gia đình hạnh phúc mang cái gen của văn hóa làng đồi đã ảnh hưởng sâu sắc tới tâm hồn, cuộc đời và sự nghiệp của ông. Ông nội am hiểu chữ nho. Cha là nhà giáo vừa nho học vừa Tây học. Ngay từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Văn Toại đã được sống bên cạnh những trang sách trong kho sách chữ nho, chữ Pháp. Nhà văn tâm sự: “Cha tôi đã để quá nửa dấu chân đời mình trên các hè phố Hà Nội hoa lệ, nhưng khi cầm quyết định nghỉ hưu, ông về thẳng quê nhà cùng chiếc xe đạp cũ kỹ, một chiếc hòm gỗ mít tùng tiệm vài bộ quần áo (…). Ông bảo tôi: “Thày muốn dành những năm tháng cuối đời cho quê hương” (…). Những yêu cầu tối thiểu thuộc tư chất của một viên chức nhà nước như cung cách ăn mặc (mùa đông bao giờ ông cũng mang cà-vạt, nếu đến cơ quan), cách ứng xử, giờ giấc làm việc hàng ngày và nhất là trình độ tay nghề… Những điều ấy ở thời điểm này xã hội ta mới quan tâm một cách ráo riết – thì từ lâu tôi đã nhận ra ở cha tôi một chân dung gần gũi. Tôi chưa bao giờ bao giờ thấy ông bớt xén giờ nhà nước, kể cả dịp nghỉ lễ hoặc phép tắc hiếm hoi”.

Nguyễn Văn Toại đền đáp lại gia đình, quê hương bằng tất cả các tác phẩm ông đã và đang viết một cách tận tâm, tận sức. Kẻ Dòng nội truyện vừa là sử vừa là văn, có thể coi đó là tác phẩm để đời của ông. Khoa học lịch sử được thể hiện bằng văn chương giàu xúc cảm và hình ảnh; văn chương thấm đẫm vào từng trang viết ngỡ như là khô cứng với những con số, thuật ngữ, địa danh, tên người… Nhà văn đã lao động (bằng cả trí tuệ và cơ bắp) góp dồn tư liệu liên tục, kể từ tuổi ấu thơ cho đến thời ngũ tuần, lục tuần. Khi những trang văn đầu tiên hiện ra là khi ông đã thật sự bước vào một cuộc tìm hiểu, khám phá tư liệu bề bộn về làng quê mình một cách khoa học nhất, nghiêm túc nhất, công phu nhất. Ông không ngần ngại vào vai một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp về lịch sử, phong tục tập quán, nếp sống làng xã và văn hóa dân gian cổ truyền qua hằng hà sa số những chi tiết, những mẩu chuyện còn lãng đãng đâu đó trong các kho lưu trữ của nhà nước và cả trong dòng đời xô đẩy bằng một cái nhìn khái quát, tổng thể. Ai biết, người con của làng Dòng này đã cất công đi đi về về nơi chôn rau cắt rốn của mình biết bao lần, gặp gỡ cả nghìn lượt người? Khi làm tư liệu, ông như một nhà khoa học có tác phong cần mẫn, kỹ càng, tinh lọc ngôn từ chuẩn mực; khi viết ra, ông lại hoàn nguyên là một nhà văn, dạt dào cảm xúc, thâm nhập vào các số phận, những mảnh đời riêng lẻ… Tạp văn của Nguyễn Văn Toại giàu chi tiết thú vị, lấp lánh và lao xao hình ảnh, gợi nhớ một thờì xa xưa với những con người, cảnh vật, sự việc khá đặc thù ở một vùng quê Phú Thọ. Chúng ta hãy hình dung, nơi ấy nhấp nhô đồi bát úp, những tràn ruộng bậc thang ngang dọc, được định danh miền núi nhưng chưa hẳn là núi cao rừng thẳm, tất nhiên chưa vươn tới bãi đồng thoáng đãng. Một không gian hẹp, hơi khép kín, tạo nên một vùng văn hóa mang sắc thái riêng. Chúng ta nên biết, văn hóa làng đồi không hoàn toàn là văn hóa sau lũy tre xanh mà là văn hóa trên đồi. Núi thấp và đồi nhấp nhô thoai thoải với những cây cọ khẳng khiu, xòe ra những tán lá giữa khoảng không bao la mát dịu. Tán lá cọ như mặt trời xanh đã từng tỏa bóng trong sách giáo khoa của trẻ thơ. Đấy là hình ảnh vượt trội của một làng trung du, quê hương nhà văn. Như vậy, Kẻ Dòng nội truyện không chỉ dựng lại gương mặt văn hiến của một làng trung du (qua văn chỉ, văn bia, đình, chùa, hương ước, địa bạ, sắc phong, đất lề quê thói…) mà còn nhằm khẳng định một sự thật sâu sắc hơn: Bản sắc văn hóa Việt Nam, hồn quê dân tộc khởi nguồn và dồn tụ tại mỗi làng quê Việt…

Tôi cũng lớn lên ở một vùng trung du (thuộc Thanh Hóa), bởi thế, đọc Nguyễn Văn Toại tôi rất dễ đồng cảm. Tôi rưng rưng ngỡ như gặp lại trên những trang văn của ông hầu hết những người tôi từng mến thân, được sống lại cảm giác thân thương khi gần gũi các loại cây, hoa, quả, đồ ăn thức uống, chim thú, nông cụ làm vườn…

Vầng trăng mặt sáng – cuốn tạp văn tự truyện như là một sự bổ sung cần thiết cho Kẻ Dòng nội truyện. Tác phẩm này đã lướt qua những cân đong, đo đếm cụ thể, chi li của khoa học khảo cứu, nhường chỗ cho văn chương nhiều suy ngẫm hơn, thương nhớ đậm đà hơn. Gộp cả hai cuốn lại, độc giả thấy ẩn chìm và xuyên suốt trong đó là quan niệm, là thông điệp về cái giá phải trả cho hạnh phúc gia đình, nghĩa tình họ hàng nội tộc, cộng đồng xã hội-những bài học không dễ phai nhạt về kiếp nhân sinh.

Có lần, tôi nói vui với nhà văn: Làm cuốn sách Kẻ Dòng nội truyện ông vất vả chẳng kém gì một nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ! Với vốn sống trực tiếp về làng mình và gián tiếp tích lũy được qua những thư tịch lưu trữ, ông có thể dựng lại chân dung một làng quê Việt cổ nào đó. Ông cười và cho biết thêm, ngoài sự khổ công tác giả cần phải có một trái tim nhân hậu nữa!

  1. Dồn tâm sức cho tiểu thuyết

Độc giả gọi Nguyễn Văn Toại là nhà thơ theo thói quen từ trước, bỏ qua sự nghiệp làm báo của ông và không để tâm nhiều đến những cuốn sách ông dịch từ văn học Nga – Xô viết. Khi nhà thơ này bước hẳn sang lĩnh vực văn xuôi, có phần xao nhãng thơ, thì ông vẫn được nhớ đến là nhà thơ. Thật ra, số trang văn (dịch và sáng tác) của Nguyễn Văn Toại nhiều gấp trăm lần số trang thơ của ông. Ngoài dịch sách (như một cách viết văn xuôi vậy), sách văn sáng tác (hiểu theo nghĩa rộng) của ông, trong đó có Kẻ Dòng nội truyện nổi tiếng, đặc biệt là những cuốn tạp văn, phê bình, tiểu luận, tự thuật thì có đến hàng chục tiểu thuyết lần lượt xuất hiện trên các giá sách của bạn đọc. Tạm kể: Dòng đời xô đẩy (1994), Khoảnh khắc thường ngày (1997), Cẩm chướng đỏ (2006), Lấy dây buộc mình (2009), Gươm nâng đáp trả (2010)… Lẽ ra, Vầng trăng mặt sáng (2002) nên xếp vào thể loại tạp văn – tự thuật hơn là tiểu thuyết như tác giả định danh. Từ khi nghỉ hưu, Nguyễn Văn Toại dành niều thời gian hơn cho tiểu thuyết. Theo nhà văn, so với thơ, thì văn xuôi, nhất là tiểu thuyết, dễ chuyển tải được nhiều thông điệp hơn khi tác giả muốn tâm sự với bạn đọc về những vấn đề bức xúc trong cuộc sống.

Năm 2002 là năm ghi một cái mốc quan trọng trong cuộc đời cầm bút của Nguyễn Văn Toại. Ấy là về hưu. Trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Dồn tâm sức nhiều hơn cho văn xuôi. Cho in Cướp biển, tiểu thuyết dịch ngót bảy trăm trang chỉ sau ba tháng chuyển ngữ. Trong các cuốn tiểu thuyết (thường là dài về số trang), Nguyễn Văn Toại ưa khai thác những khía cạnh đời tư, mối quan hệ nhân quả trong cuộc mưu sinh, đề cập cái giá của tình yêu, hạnh phúc thời mở cửa. Cẩm chướng đỏ là tiểu thuyết hiếm hoi về đề tài trí thức. Độc giả được tiếp cận với một nhóm nhân vật thuộc lớp trẻ được sinh ra vào đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Họ gặp vấp váp trong công việc, trong tình yêu, chủ yếu là trong quan niệm về cuộc sống còn nhiều lệch lạc, mỗi người phải trả giá theo cách riêng của mình. Tiểu thuyết đặt lại vấn đề: Giá trị của quá khứ là thế nào? Sự hy sinh trong gian khổ, thiếu thốn thời bao cấp chẳng lẽ là… dại dột (!) Đó chính là thời kỳ đầy rẫy những khó khăn, thử thách mà bây giờ nhắc lại thì rất ít người tin. Có cái giá trị đích thực phải tiêu tán do sự ứng xử đơn điệu, rập khuôn trong nếp sống, cách nghĩ, song người ta né tránh, đôi khi phải giả dối, miễn là đạt được mục đích. Ông Thính, lão thành cách mạng, cả một đời sống cứng nhắc, sách vở để rồi phải hứng chịu hậu họa. Ông được sang Nga nghỉ dưỡng theo tiêu chuẩn đặc biệt, lại từ chối dịp may gặp lại đứa con trai dứt ruột đào tẩu ở lại xứ người. Tác giả tỏ ra tâm đắc với chi tiết này và đã nhắc lại với tôi không chỉ một lần. Tôi thì bị ám ảnh bởi cái phòng thí nghiệm hiện đại của một trường đại học tầm cỡ được sinh ra do sự duy ý chí, rốt cuộc phải đóng cửa vô thời hạn. Tất cả những người làm việc ở đó đều không hơn “những vật thí nghiệm”. Với tiểu thuyết này, Nguyễn Văn Toại càng bộc lộ rõ khả năng nắm bắt và phân tích diễn biến tâm lý nhân vật một cách linh hoạt, có chiều sâu, buộc người đọc phải đồng hành cùng số phận của họ cho đến trang cuối cùng. Những thông điệp về tình yêu, tình bạn, nghĩa vợ chồng, đạo lý làm người mà nhà văn gợi ra giúp độc giả nhớ lại những trang văn viết về gia đình, hạnh phúc trong Kẻ Dòng nội truyệnVầng trăng mặt sáng. Những vấn đề không mới nhưng lại ấp iu hơi thở cuộc đời khi nhà văn kịp gắn vào đó cách nhìn riêng. Thành công hay không còn tùy thuộc vào năng lực xây dựng tính cách nhân vật và thủ pháp miêu tả tâm trạng nhân vật ở những tình huống khác nhau để nói những điều ai cũng biết mà lại lôi cuốn, mới mẻ, có sức thuyết phục.

Tiểu thuyết Dòng đời xô đẩy được báo Hải Phòng số chuyên đề Thứ bảy, năm 2000, đăng tải suốt hai tháng liền. Thêm một lý do cắt nghĩa tại sao có hai nữ độc giả Việt kiều tại Anh khi về quê hương đã cùng nhau tìm gặp tác giả để chất vấn vì sao lại bắt nhân vật Cao Phương, một phụ nữ đa cảm, xinh đẹp nhường ấy phải chấp nhận một cái chết không đáng có? Nhà văn mỉm cười ý nhị: “Nếu để Cao Phương sống thì làm gì có cuộc gặp gỡ thú vị hôm nay?” Ông từng tâm sự rằng, giữa nhà văn và độc giả cần luôn luôn có mối liên hệ cảm thông, chia sẻ, thì đây là một trong những ví dụ điển hình nhất. Cần phải nói ngay là nhà văn rất yêu thương thế giới nhân vật nữ. Họ được tác giả ban cho một nhan sắc mê hồn, được chăm sóc kỹ lưỡng về tâm lý, tính cách nhưng hầu hết đều bị thiệt thòi, bất hạnh trong tình yêu, hạnh phúc.

  1. Những gì còn lại

Tôi mượn tên một cuốn tạp văn của Nguyễn Văn Toại khi tác giả ký tặng nhân lần tôi đến thăm ông ở phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vào cuối thu năm 2018. Gia đình ông an cư tại đây đã gần hai chục năm. Tầng trên, tầng dưới trẻ nhỏ có thể đạp xe băng băng từ cửa lớn vào tận cùng khu bếp. Phu nhân của ông, kỹ sư cầu đường Hồ Thị Thu Nga, chào đón khách một cách niềm nở, chu đáo. Ông từng tâm sự rằng, ông có một gia đình hạnh phúc, đời sống vật chất, tinh thần ổn định, con cháu đề huề. Phu nhân của ông là “bà đỡ” văn chương của chồng, theo cả nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng – ông nói như có ý khoe và muốn qua đồng nghiệp mà cảm ơn người bạn đời chỉn chu từng san sẻ mọi buồn vui với mình suốt thời bao cấp khó khăn đến những tháng ngày khấm khá hiện nay.

Gặp lại đồng nghiệp trong hoàn cảnh, tình huống mới với những trang viết còn thoảng mùi mực in, trìu mến nhìn người đối diện hơi lâu, tôi lại cảm thấy ông rành rành vẫn là ông ngày trước, không chịu già, ngỡ như vừa gặp lại vị Trưởng ban Sách nhà xuất bản ngày nào. Vóc dáng cao đậm mà gọn, gương mặt sáng láng, đôi mắt linh lợi và tâm hồn thì vẫn trong trẻo, sức viết vẫn dồi dào. Không đàn đúm rượu bia, không bệnh tật, chỉ chăm chú nghĩ nghĩ, đi đi, đọc đọc, viết viết. Đối với tôi, ông như một người đang giành giật thời gian từng ngày mà lại đang ở bên ngoài thời gian.

Gần bốn chục đầu sách! Hai phần ba trong số đó không thể chỉ đọc một lần. Kẻ Dòng nội truyện được ba nơi trao giải cao: UBND tỉnh Phú Thọ (Hội VHNT tỉnh), Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Viết bản thảo chỉ một lần, độc bản. Tiểu thuyết tạo được dư luận. Ý nghĩa tích cực về nhân cách, lẽ sống, tình yêu, hạnh phúc gia đình đặt ra trong tác phẩm của Nguyễn Văn Toại ứng nghiệm trùng khớp vào đời tư tác giả, theo chiều xuôi (sách – đời tư) và chiều ngược lại (đời tư- sách), thống nhất suốt quá trình sáng tạo. Về thơ, nhà thơ Nguyễn Văn Toại cũng có không ít những bài hay, câu hay được chọn in trong các tuyển tập, trong đó có tác phẩm Nghìn câu thơ tài hoa của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm.

Không thể nói khác, bạn tôi, nhà văn Nguyễn Văn Toại là một tên tuổi đáng ghi nhận trong số các nhà văn cùng thế hệ với ông.

2021

P.Đ.Â