Nguyễn Vũ Quỳnh – Nghe ánh mắt em cười

638
Nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh

Về lại tháng Tư

Tháng Tư về chiều như giãn ra
Trời vào hạ giấu hoa sau mắt lá
Cửa sông chiều những con tàu hối hả
Rặng Trâm bầu xanh lại đứng đợi trưa.

Tháng Tư về bất chợt những cơn mưa
Xua tan nắng, mây hững hờ bối rối
Cơn giông đến gió ào ào rất vội
Đã vô tình làm ướt cả áo em.

Tháng Tư này những ký ức không quên
Chợt ùa về những bước chân thần tốc
Em dẫn đường xe qua, gió bay xòa mái tóc
Tiếng reo hò, phố bỗng rợp cờ hoa.

Cánh chim hòa bình ngày mới của ta
Cứ thản nhiên vui cùng đàn em nhỏ
Ta với nhau giữa dòng đời thành phố
Điện thoại reo, nghe ánh mắt em cười.

Đêm tháng Tư nhè nhẹ dấu chân người
Thong thả bước trên đường Nguyễn Huệ
Gió quyến rũ thơm mùi hương nguyệt quế
Thành phố chúng mình. Về lại tháng Tư…

Ký ức binh nhì

Tháng mười
Năm một ngàn chín trăm bảy mốt
Của tôi năm tháng binh nhì
Những đoàn tàu lao lên phía trước
Cùng nhau về ga cuối cùng
Tiếng còi vang vọng núi Cung
Va vào cánh cổng nhà quê
Nơi bà tôi ngồi hong nắng
Hoa chanh nở trắng bên thềm
Chim én tránh heo may bay mềm đôi cánh
Cỏ hoa ngậm sương
Hương quê từ đất
Lành lạnh đêm về suy tư được mất
Trăng thắp đèn giữa cánh đồng mùa gặt
Chở nỗi nhớ về theo câu hát à ơi
Là ngày lên đường xa mãi tuổi thơ tôi
Mang theo bóng dáng mái đình
Và câu chuyện tình đi vào chiến trận
Cả dáng mẹ tôi trưa hè tát nước
Gàu nước vung lên bao điều mong ước
Trên đường cày áo nâu bùn nước
Gương mặt cha thấm đẫm nhọc nhằn
Tất cả khắc vào tâm trí tuổi đôi mươi
Thành dấu ấn cuộc đời
Là hành trang lẽ sống
Vốn liếng làm người câu chữ mai sau

Đời lính đưa tôi qua bao mùa cau nở
Về lại đời thường trăn trở cả giấc mơ
Bây giờ đi giữa câu thơ
Cuốn tôi về với gốc rạ cọng rơm
Chốn đất làng từ hạt thóc bát cơm
Kéo nhau về thời tuổi trẻ
Mang theo ký ức binh nhì

(Kỷ niệm 45 năm ngày ra trận)

Tiếng chuông Long Khốt

Đã đi qua gần hết cuộc đời
Mới hiểu hết một thời Long Khốt
Nơi ngày xưa các anh giữ chốt
Nghe tiếng chuông chiều bất chợt gọi xưa

Giữa Long Khốt nghe tiếng gió trong mưa
Hơn một ngàn hai trăm các anh ngày ấy
“Thân ngã xuống thành đất đai Tổ Quốc
Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia” (*)

Bây giờ năm tháng đi qua
Chiến tranh lùi vào dĩ vãng
Tiếng chuông bây giờ nhắc đừng quên lãng
Nơi đây máu trộn bùn sâu

Các anh còn ở nơi đâu
Có nghe tiếng chuông, vọng từ Long Khốt
Đồng đội ru, nơi các anh giữ chốt
Khắc những dòng bia ghi lại tên người

Bây giờ nơi đây đã rộn tiếng cười
Trận địa năm nao, nay bình yên cột mốc
Chỉ thiếu các anh những người đi trước
Đồng đội trở về tâm sự với ngày xưa.


(*) Hai câu thơ trong tập trường ca Phía sau mặt trời của nhà thơ Trần Thế Tuyển
được ghi ở đền thờ liệt sĩ đồn biên phòng Long Khốt
Long Khốt – Sài Gòn 29/12/2018