Nguyễn Vỹ (1912-1971) là nhà báo, nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến. Các bút hiệu khác của ông là: Tân Phong, Tân Trí, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền. Hoài Thanh và Hoài Chân đã nhận định về Nguyễn Vỹ như sau: “Một bài như bài “Sương rơi” được rất nhiều người thích. Người ta thấy Nguyễn Vỹ đã sáng tạo ra một nhạc điệu riêng để diễn tả một cái gì đương rơi. Cái gì đó có thể là những giọt lệ… Nhưng “Sương rơi” còn có vẻ một bài văn. “Gửi Trương Tửu” mới thực là kiệt tác của Nguyễn Vỹ. Lời thơ thống thiết, uất ức, đủ giãi nỗi bi phẫn cho cả một hạng người”. Thái Phan Vàng Anh cũng đã có cái nhìn khái quát, đánh giá khá xác đáng về vai trò của Nguyễn Vỹ đối với việc cách tân thơ Việt hiện đại trong bài viết “Nguyễn Vỹ và vai trò cách tân thơ Việt hiện đại”. Vanvn.vn giới thiệu đến bạn đọc bài viết này của chị. (HTA)
Nhà thơ Nguyễn Vỹ (1912 – 1971). Ảnh: Bạch Ngọc Anh
Trong thơ giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX, Nguyễn Vỹ xuất hiện như một hiện tượng lạ. Chàng trai tuổi hai mươi ngày ấy sớm bộc lộ khát vọng cách tân thơ. Tuy vậy, trong buổi bình minh của thơ mới Việt Nam, giữa khát vọng và hiện thực sáng tạo của Nguyễn Vỹ vẫn có độ chênh. Vì vậy, thơ Nguyễn Vỹ (Tập thơ đầu – 1934) gây ra hiệu ứng thẩm mỹ khác nhau trong tâm lí tiếp nhận của các nhà phê bình/người đọc đương thời.
Với lối phê bình ấn tượng, Hoài Thanh cảm thấy “chối” trước hình thức thơ Nguyễn Vỹ: “Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với chiêng trống, xập xoèng inh cả tai. Chúng ta đổ nhau xem. Nhưng chúng ta lại tưng hửng trở vào vì ngoài cái lối ăn mặc và những điệu bộ lố lăng lúc đầu ta thấy con người ấy không có gì…”. Nhưng trong ngập ngừng tiếp nhận, cũng chính Hoài Thanh đã mượn cái nhìn của người đương thời để khẳng định cái mới trong thơ Nguyễn Vỹ – chủ yếu ở bài Mưa rơi: “Người ta thấy Nguyễn Vỹ đã sáng tạo ra một nhạc điệu riêng để tả một cái gì đương rơi” (Hoài Thanh). Cùng quan niệm với Hoài Thanh là Lê Ta (Thế Lữ) với những lời lẽ phủ định có phần nặng nề [1].
Nhóm nhìn nhận sự ý hướng cách tân của Nguyễn Vỹ lại cho rằng cái công của ông là đem “lối thơ nhạc vào thi đàn Việt Nam, giữa lúc rất nhiều người chỉ chăm lo đả kích luật Đường” (Lam Giang); khẳng định Nguyễn Vỹ đã tự mình xác lập một vị thế riêng khi không chọn những khung cảnh thi vị, mộng mơ, những câu chuyện tình yêu lãng mạn, u sầu làm đề tài chủ yếu như nhiều nhà Thơ mới khác (Lê Tràng Kiều). Trải qua những thăng trầm trong tiếp nhận, vai trò và sự nghiệp thơ của Nguyễn Vỹ ngày càng được đánh giá đúng mức hơn. Bài viết này nhằm xác định lại vị trí của Nguyễn Vỹ trong tương quan với các nhà Thơ mới; đồng thời nhìn nhận sự đóng góp của ông trong tiến trình thơ Việt Nam hiện đại.
1. Nhìn lại vị thế của Nguyễn Vỹ trên thi đàn Việt Nam
Cho đến nay, địa vị lịch sử của Thơ mới đã được khẳng định trong nền văn học Việt Nam, đặc biệt là trong tiến trình vận động của văn học hiện đại. Bởi Thơ mới không chỉ là kết quả của một “phong trào” văn học, mà hơn thế còn là sản phẩm của một thời đại gắn với những điều kiện lịch sử văn hóa, xã hội đặc thù. Làm nên “một cuộc cách mạng thi ca chưa từng có” (Hoài Thanh), các nhà Thơ mới đã đem lại một quan niệm thơ mới, một hình thức biểu đạt mới… buộc độc giả cùng thời phải đón nhận với một tâm thức mới. Dẫu những đánh giá, những xu hướng tiếp nhận Thơ mới không phải lúc nào cũng theo hướng ngợi ca, song, vào thời điểm hôm nay, Thơ mới đã có một chỗ đứng trang trọng trong bức tranh tổng thể của thi ca Việt. Các tên tuổi gắn liền với phong trào Thơ mới như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính… cũng đã được nghiên cứu, đánh giá và ghi nhận trên nhiều phương diện, nhất là những thay đổi trong lối viết, xuất phát từ sự thức tỉnh về ý thức các nhân.
Nhìn rộng hơn, Thơ mới còn là sự thức tỉnh của ý thức dân tộc. Nói vậy để thấy, góp phần cách tân thơ Việt, làm nên một diện mạo thơ hiện đại gần như đoạn tuyệt hẳn với lối thơ cũ… không thể chỉ nhắc đến những nhà thơ có phần được tác giả Thi nhân Việt Nam ưu ái ca tụng, điểm danh trong cuốn phê bình có lúc đã trở thành kim chỉ nam cho những đánh giá về Thơ mới. Nguyễn Vỹ là một trường hợp chúng tôi muốn nhắc đến. Kể từ tập thơ đầu tiên (Tập thơ đầu – 1934) đến tập thơ thứ hai, tập thơ thể hiện rõ hơn những cách tân thơ của Nguyễn Vỹ (Hoang vu – 1962), nhà thơ quê Quảng Ngãi phải mất 28 năm cho sự trở lại chính thức với thi ca. Trong 28 năm này, ngoài việc làm báo, Nguyễn Vỹ chủ yếu viết tiểu thuyết và biên khảo một số sách. Đây là lí do khiến Hoài Thanh – Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam, xuất bản năm 1942, chưa có nhiều dữ liệu để đánh giá đúng Nguyễn Vỹ khi thi nhân chỉ mới trình làng một tập thơ với một vài bài thơ ít nhiều đổi mới, song không được thị hiếu của đám đông ủng hộ.
Không làm nhiều thơ, không kiên trì đi theo một đề tài, một thể loại…, Nguyễn Vỹ chưa được chú ý như nhiều nhà Thơ mới khác là điều hoàn toàn không khó hiểu. Tập thơ đầu của Nguyễn Vỹ quan tâm nhiều đến các vấn đề “vĩ mô” của xã hội, nặng chính trị, nhẹ tình cảm riêng tư, tất yếu cũng khó chạm đến độc giả vốn đang ao ước được nghe, được nói dùm tiếng nói lãng mạn, tiếng lòng cá nhân. Lối làm thơ để “chửi Đông, chửi Tây, chửi tất cả” hay để phản ánh hiện thực, cất lên tiếng than về nỗi thống khổ của đất nước, của xã hội, của mọi người, và đặc biệt là của giới “nhà văn An Nam khổ như chó… Đã rụng bao nhiêu mớ tóc xanh” (Gửi Trương Tửu), tuy là mãnh liệt, tha thiết, nhiều khát khao, tác động mạnh đến độc giả, song lại ít hợp để người ta ngâm nga, bình thẩm. Với thiên hướng vị nghệ thuật, ưa lãng mạn, chuộng cách tân vừa phải, Hoài Thanh dĩ nhiên không hợp nhãn với thơ Nguyễn Vỹ. Đúng ra là Hoài Thanh chưa muốn và cũng chưa chấp nhận những độc đáo, khác lạ của một dạng thơ. Ngoài việc ghi nhận hai bài thơ Gửi Trương Tửu (đáng lưu ý về mặt cảm xúc và nội dung), và Sương rơi (đặc biệt với lối thơ 2 chữ), tác giả Thi nhân Việt Nam thiên về công kích Nguyễn Vỹ. Có lẽ những bài thơ mang hơi hướm chính trị, những bài thơ trào phúng kiểu: “Kinh tế năm nay khủng hoảng, Đồng tiền chạy trốn đi đâu, Ai ai cũng kêu túng rối, Nhà giàu cho chí nhà giàu” (Kinh tế khủng hoảng), đã che mất những dấu hiệu cách tân thơ bước đầu của Nguyễn Vỹ ở Sương rơi, vốn là bài thơ được nhiều người yêu thích. Ngay cả đóng góp riêng của Nguyễn Vỹ với lối thơ 12 chân cũng không đủ để ông có một chỗ đứng xứng đáng bên cạnh các nhà Thơ mới tiêu biểu. Người ta chưa quen với những câu thơ lê thê 12 chữ vốn quá mới ở Việt Nam (dù đã rất phổ biến ở phương Tây) như: “Ta hãy ngồi ven lạch nước đò nghe những tiếng véo von/ Của lòng đá, của bộng cây, của những khe mồ, kẽ núi/ Mà một hơi gió thoảng qua làm gẫy nát bao điệu đờn/ Và đọng lớp sóng âm ba đang gợn đùa trong nắng bụi” (Gửi một thi sĩ của nước tôi – 1936). Thơ 8 chữ như một thể thơ đặc trưng của Thơ mới đã là quá dài so với trước, dù người ta đã từng “quen biết” qua câu 8 của thể thơ lục bát. So với một ý, một câu của Thế Lữ được diễn đạt đã rất đặc biệt: “Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt/ Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua/ Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ/ Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm” (Nhớ rừng – 1936) Nguyễn Vỹ phải cần đến 48 âm tiết quả là quá khác người. Chả trách Thế Lữ đã đánh giá Nguyễn Vỹ là “có ý định lòe và bịp mọi người” qua lối thơ 12 chân chả khác gì với văn xuôi, dù khi Nguyễn Vỹ dùng bút danh N.V., cắt một câu thơ 12 chân thành 2 câu thơ 6 chữ: Kinh tế năm nay khủng hoảng/ đồng tiền chạy mất đi đâu... báo Phong Hóa của Nguyễn Tường Tam và Thế Lữ vẫn cho đăng. Tuy vậy, lời nhận xét của Thế Lữ lại cho thấy cái mới trong quan niệm thơ của Nguyễn Vỹ. “Ông Nguyễn Vỹ là một nhà học rộng. Bàn về thi ca, ông đã cho chúng ta biết nhiều điều mới lạ. Ông hiểu rõ được hết các âm điệu thơ, khuôn phép thơ, mĩ thuật của thơ, tuy ông không hiểu thơ là cái gì, và tuy ông thấy mình là thi sĩ”; “Tập thơ đầu của ông là một tập thơ có khuynh hướng cải cách bằng lối riêng của ông. Ông bỏ cái gông cùm biền ngẫu với phép hạn chế phá, thừa, trạng, luận, kết, của bài thơ Tàu, để mang cái gông cùm mới của luật thơ Tây” (Thanh Lãng).
Vào khoảng thời gian từ 1934 đến 1942, trước khi Thi nhân Việt Nam ra đời, tập thơ Hoang vu của Nguyễn Vỹ còn chưa kịp hoài thai (dù một số bài thơ giai đoạn này về sau đã được tác giả đưa vào tập Hoang vu – 1962). Những đổi mới của Trường thơ Bạch Nga mà Nguyễn Vỹ là người chủ xướng cũng chưa được đẩy đến cùng, chưa được chấp nhận rộng rãi như sau 1962, khi Nguyễn Vỹ gây dựng lại bán nguyệt san Phổ thông, thể nghiệm và khẳng định thơ từ 2, 3, 4, 5, 6 đến 12 chân, và được độc giả hưởng ứng mạnh mẽ. Trong bối cảnh ấy, cách đánh giá của Hoài Thanh, của Thế Lữ và sự quay lưng của độc giả thời bấy giờ có thể hiểu được. Tuy vậy, nếu không quá bám vào những tiêu chí quen thuộc để đánh giá Thơ mới, nếu không khuôn Thơ mới vào khung khổ của thơ lãng mạn; nếu nhìn sang những lối thơ phương Tây; từ những đột phá trong hình thức, trong thể thơ của Nguyễn Vỹ, có thể thấy, Nguyễn Vỹ có vai trò đáng kể trong việc cách tân thơ Việt Nam hiện đại – đặc biệt trong giai đoạn giao thời nửa đầu thế kỉ XX. Và nếu các nhà Thơ mới được ghi công trong việc đổi mới thơ Việt trong quá trình tiếp biến các khuynh hướng thơ phương Tây, công trạng ấy hiển nhiên có phần đóng góp của Nguyễn Vỹ. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ 1936, Lê Tràng Kiều đã khẳng định: “Kể bây giờ mà nói đến Nguyễn Vỹ là đã chậm lắm rồi, người ta nói đến Nguyễn Vỹ nhiều lắm, nhiều quá”. Cho dẫu đa phần các ý kiến đều “chẳng làm đẹp lòng ông Nguyễn Vỹ”, thì nói như Lê Tràng Kiều, “người ta công kích ta, chỉ chứng rằng ta đã sống”; “Thơ ông Nguyễn Vỹ là một đầu đề cho người ta viết, một câu chuyện cho người ta bàn, thơ Nguyễn Vỹ đã sống một cách đầy đủ ở trên các mặt báo” [2]. Ghi nhận những đóng góp nhỏ của từng cá nhân để vun vén cho ngôi nhà Thơ mới đang từng bước thành hình, gom góp từng miếng vôi, từng viên gạch để tạo nên tòa lầu nghệ thuật, Lê Tràng Kiều là một trong những người đã sớm ghi nhận Nguyễn Vỹ khi lên tiếng: “Ông Nguyễn Vỹ chẳng hạn, đưa lại sự xây đắp ấy, một mảnh vôi nhỏ cũng đã nhiều lắm rồi. Ta có cầu gì hơn nữa ở họ một sự hoàn toàn không bao giờ có” [3].
Từ sau 1962, khi tập Hoang vu ra đời, các ý kiến đánh giá về thơ Nguyễn Vỹ ngày càng thay đổi. Lam Giang (Nguyễn Quang Trứ), trong Hồn thơ nước Việt thế kỉ XX (1967) yêu cầu nên “nhìn tác giả (Nguyễn Vỹ) với một nhãn quan nhiều thiện cảm hơn”. Thiết Mai trên tạp chí Sáng dội miền Nam đã cho rằng: “Tài thơ của Nguyễn Vỹ đã biểu lộ cho ta thấy trong sự cấu tạo dễ dàng, không gò ép và tánh cách lưu loát của câu thơ, sự tiếp diễn liên tục của ý thơ, tài gieo vần và nhất là ý tứ thâm trầm, mai mỉa, sâu sắc hay ý nhị, đa tình của những câu thơ”; hay “Về ý thơ, Nguyễn Vỹ quả thật đã có nhiều ý tưởng, nhiều câu văn rất táo bạo … khiến thơ của ông thoát ra khỏi lối thường tình và cổ điển của các nhà thơ” [4].
“Xác minh lại một tiếng thơ đã vì thành kiến mà bị nhận định lệch lạc”, Nguyễn Tấn Long có lẽ là người minh oan nhiều nhất cho Nguyễn Vỹ. Trong công trình Việt Nam thi nhân tiền chiến toàn tập, với quan niệm “lấy tinh thần khách quan để làm sáng tỏ một vấn đề với mục đích đem trả lại một sự thật cho sự thật”, Nguyễn Tấn Long đã trích dẫn, hệ thống các ý kiến đánh giá nhiều chiều về Nguyễn Vỹ, nhằm khẳng định “sự hiện diện của Nguyễn Vỹ trong văn học” [5]. Tuy vậy, dù khẳng định “Nguyễn Vỹ là một nhà thơ có thực tài”, Nguyễn Tấn Long vẫn thiên về đánh giá nội dung hơn hình thức. Ông cho rằng Nguyễn Vỹ “dám trình bày một cách trung thực tư tưởng của mình, nói lên nỗi uất ức, bất công của kiếp người”, nhấn mạnh “tiếng thơ của Nguyễn Vỹ là tiếng nói chân thành xuất phát từ con người còn nghĩ đến quê hương”, chứ chưa chú ý nhiều đến vai trò cách tân thơ của Nguyễn Vỹ. Trong khi đó, nếu nhìn rộng ra cả quá trình hiện đại hóa thơ Việt thế kỉ XX, dẫu chưa rõ ràng, không tuyên ngôn, lập thuyết nhưng phải chăng Nguyễn Vỹ đã sớm hướng đến một lối thơ “tân hình thức”? Nhìn lại Nguyễn Vỹ, đánh giá lại ông từ cái nhìn bao quát hơn, nhiều chiều hơn ở thời điểm này (đầu thế kỉ XXI), theo chúng tôi là rất cần thiết. Lịch sử văn học cần ghi nhận ông như một nhà Thơ mới có ý thức vượt qua “sự tồn dư ngoan cố” của lối viết cũ (xét từ Tập thơ đầu – 1934) và như một trong những nhà thơ cổ xúy cho lối viết tân hình thức, tuy ông không đi đến tận cùng và cũng đã không trở thành một nhà thơ tân hình thức (xét từ tập thơ Hoang vu – 1962).
2. Những yếu tố cách tân trong thơ Nguyễn Vỹ (trong thời đại Thơ mới và thơ Việt Nam hiện đại).
Bàn về Thơ mới, người ta không quên một cách hiểu “Thơ mới là thơ tự do”- tự do về hình thức, tự do của cá tính sáng tạo. Trong bối cảnh xã hội, văn hóa, văn học đương thời, Nguyễn Vỹ có nhiều bài thơ thể hiện những khao khát tự do, không chỉ cho đất nước, cho mỗi công dân, mà quan trọng hơn đó là sự tự do của cái tôi nghệ sĩ. Không ít lần Nguyễn Vỹ cất lên tha thiết: “Ôi tự do! Mi quý biết nhường nào!/ Mi là cả Trăng, Sao, Trời, Thơ, Mộng” (Trăng, chó, tù...), dù thi nhân bất lực biết rằng mọi chuyện rốt cuộc “cũng thế thôi”: “Lắm lúc tôi buồn tôi bảo tôi/ Nói làm chi nhỉ? Phí lời thôi/ Kệ thây thời thế, thời là thế/ Trống ngược kèn xuôi cũng thế thôi” (Cũng thế thôi). Tâm trạng Nguyễn Vỹ trong hầu hết các bài thơ chính là tâm trạng cô đơn, sầu buồn của thế hệ các nhà Thơ mới “đầu thai nhầm thế kỉ”, “u uất nỗi chơ vơ” (Vũ Hoàng Chương). Cảm thức lạc loài, cô quạnh chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong số các bài thơ, đặc biệt là thơ 7 chữ, 8 chữ của Nguyễn Vỹ (Phổ thông mười năm cảm nghĩ, Cũng thế thôi, Đêm sầu về, Đêm giao thừa tắm biển, Cảm ơn ngài, Hoa lệ…). Khảo sát bài thơ Hương Giang dạ khúc (1936) được viết theo thể thơ 7 chữ, chúng tôi nhận thấy, trong 5 khổ thơ toàn bài, khổ thơ nào của Nguyễn Vỹ cũng sử dụng từ “tê tái” như một từ khóa để khẳng định “tâm hồn ta rên rỉ, buồn tênh” (lặp lại 2 lần ở 2 khổ thơ). Trong bài thơ Hoa phượng (1960), với những câu thơ 8 chữ, Nguyễn Vỹ cũng nhiều lần diễn đạt theo lối Tây, khiến cấu trúc câu thơ mang đậm tinh thần của Thơ mới: “- Đây một nụ hoa tàn, em đã lượm / Để tặng Anh, còn đượm chút duyên hoa / Em vẫn buồn, Anh ạ, mấy mùa qua/ Thấy phượng nở chói lòa trong nắng mộng”.
Có thể thấy, thơ Nguyễn Vỹ là một phần của Thơ mới, kéo dài Thơ mới. Với vai trò tiên phong [6], Nguyễn Vỹ đặc biệt rất có ý thức cách tân thể loại. Ông không chịu giam mình trong những thể thơ 7 chữ, 8 chữ mà thể nghiệm qua nhiều thể thơ đặc biệt (2 chân, 4 chân, 6 chân, 8 chân, 10 chân, 12 chân) với nhiều hình thức câu thơ, dòng thơ độc đáo. Một mặt, dường như Nguyễn Vỹ đã phát huy tinh thần thơ nhịp chẵn của đồng dao, của lục bát thay vì kiểu thơ 5 chữ, 7 chữ trong thơ ngũ ngôn, thơ Đường luật vốn là “kinh điển” và đại diện cho thơ cũ? Mặt khác, so với giọng u sầu chủ đạo của Thơ mới, cái sầu bi trong thơ Nguyễn Vỹ qua những dòng thơ 2 chữ hay 4 chữ có chút gì dứt khoát, mạnh mẽ hơn: “Từng giọt/ Thánh thót/ Từng giọt/ Điêu tàn/ Trên nấm/ Mồ hoang… Từng giọt/ Thánh thót/ Từng giọt/ Tơi bời/ Mưa rơi/ Gió rơi/ Lá rơi / Em ơi” (Sương rơi) hay “Một con chim xanh/ Đang hót trên cành? Bỗng vang tiếng súng/ Con chim xanh xanh/ Lìa cành rớt xuống…. Ta cũng như chim/ Mang một trái tim/ Đìu hiu, tan tác/ Mà ta vẫn hát/ Hết kiếp tơ vương” (Chim hấp hối). Với những câu thơ 10 chân, xen kẽ với các câu thơ 9 chân, 11, 12 chân trong bài thơ Tiếng chuông chùa, có nhịp đọc khá gần với thơ 5 chữ (ngắt nhịp 5/5), Nguyễn Vỹ cũng đã tìm cách làm mới việc ngắt nhịp, ngắt dòng (3/2; 2/1/1/1, 2/1/2…), tạo cấu trúc hình ảnh các câu thơ có phần độc đáo:
Như vậy, không chỉ làm mới, sáng tạo thêm kiểu thơ nhịp chẵn, phá vỡ sự quen thuộc của thơ nhịp lẻ, Nguyễn Vỹ còn rất có ý thức kiến trúc bài thơ. Ở nhiều bài thơ, nếu nói tác giả đã cấu trúc bài thơ… có khi vẫn chưa chính xác. Bởi Nguyễn Vỹ chú ý nhiều đến tính tạo hình của tác phẩm, đòi hỏi thơ không chỉ tác động tới thính giác mà cả thị giác của người đọc. Bài thơ Tiếng chuông chùa ở trên không chỉ tạo cảm giác êm đềm nhờ nhiều vần bằng, mà còn gieo vào lòng người sự tĩnh mịch, thong dong nhờ những tiếng chuông rơi đều đặn,chậm rãi như những ngắt nhịp, những đứt quãng ngắn ở mỗi dòng thơ. Trong một số bài thơ khác, Nguyễn Vỹ lại tạo dáng hình ziczac (bài Hoàng hôn với những câu thơ 2 chữ), hình thoi (bài Mưa rào với câu thơ đầu 1 chữ, tăng dần thành 2 chữ, 3 chữ… đến 11 chữ…rồi giảm lại còn 10 chữ, 9 chữ, và còn 1 chữ ở câu thơ cuối cùng), khiến những bài thơ mang âm điệu của Thơ mới trở nên lạ hơn, ngay từ những cái nhìn đầu tiên của độc giả.
Mang thiên hướng dùng văn chương để đả kích, để tranh đấu vì quê hương, xét đến cùng, Nguyễn Vỹ đã không kiên trì cách tân thơ như những nhà thơ cùng thời với ông, cả trước và sau phong trào Thơ mới. Nguyễn Vỹ không đẩy thơ đến mức tượng trưng như thơ của nhóm Xuân thu nhã tập, dù ông có nhiều bài gây ám ảnh về âm thanh, nhạc điệu (Sương rơi, Tiếng chuông chùa…). Nguyễn Vỹ cũng không đẩy mạnh đến thế giới siêu tưởng với những ám ảnh của trụy lạc, của cuồng dại ái tình như thơ nhóm Dạ đài, dù ông có những bài thơ chạm đến những dày vò thân xác (Giấc mơ bom nguyên tử, Đêm trinh…). Nguyễn Vỹ chọn kiểu thơ “tố cáo hiện thực”, dù cái hồn của thơ ông là hồn của một nhà thơ lãng mạn. Đấy chính là “giới hạn” khiến Nguyễn Vỹ không đeo đuổi đến cùng xu hướng cách tân thơ sau 1954 như một số nhà thơ đương thời như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần…
Sau 1954, thơ Nguyễn Vỹ ít nhiều đã thể hiện nhu cầu đổi tư duy cũng như hình thức biểu đạt. Tiếp tục kiểu thơ 2 chân của trường phải Bạch Nga, bài thơ Hoàng hôn (1950) gây ấn tượng mạnh nhờ được tạo hình ziczac, tạo dáng, tượng hình những cánh cò thăm thẳm giữa bóng chiều:
Các bài thơ Tiếng chuông chùa, Mưa rào (1968) cũng góp phần chứng tỏ Nguyễn Vỹ có một mảng thơ tượng hình, tượng thanh mới mẻ, bên cạnh những bài thơ nói chí, tỏ lòng. Không làm nhiều thơ tự do, song một số bài thơ (kể cả thơ trào phúng) của Nguyễn Vỹ đã có những câu thơ được ngắt dòng, ngắt nhịp độc đáo, đem lại hiệu ứng thẩm mĩ mạnh mẽ. Hãy đọc một đoạn thơ của Nguyễn Vỹ:
Để tôi đi!
Để tôi đi!
Trời không mây, không gió
Tôi không áo, không chăn
Tôi về quê hương không cửa, không ngỏ.
Tôi về cô phương không lửa, không trăng
Mịt mù thăm thẳm
Mênh mông biên giới của Đêm trinh!
Tối đen một giếng thẳm
Rực rỡ ánh quang minh.
Tôi với tôi,
Không hình không bóng.
Tôi với tôi,
Không thơ, không mộng.
Tôi với tôi,
Lồng lộng giữa Hoang vu!
(Đêm giao thừa Nhâm Dần – 1962)
***
Nguyễn Vỹ có một số bài thơ vào loại tuyệt phẩm, có những câu thơ hay đến lặng người. Đáng tiếc là Nguyễn Vỹ sáng tác không nhiều thơ, lại không đi theo một dòng thơ, một thể loại, một lối viết… Có lẽ vì thế, trên bầu trời Thơ mới và trên thi đàn thơ Việt, Nguyễn Vỹ chỉ lóe sáng chứ không tỏa sáng. Nguyễn Vỹ cũng chỉ khiến dư luận chú ý chứ chưa thể khiến dư luận xôn xao. Tuy vậy, Nguyễn Vỹ không “vô danh” đến mức khiến người ta có thể quên ông, cũng không giản đơn đến mức khiến người ta chỉ phủ định hay xưng tụng. Thơ Nguyễn Vỹ cần được đánh giá trong tương quan chung của Thơ mới và thơ Việt Nam hiện đại. Từ cái nhìn đồng đại và lịch đại, có thể thấy, Nguyễn Vỹ đã có một chỗ đứng đáng chú ý trong lịch sử văn học, trong tiến trình thơ Việt Nam thế kỉ XX. Thơ Nguyễn Vỹ mang gương mặt của Thơ mới và góp phần làm nên diện mạo Thơ mới. Thơ Nguyễn Vỹ cũng không ngừng vận động hướng về kiểu thơ “tân hình thức” và góp phần ủng hộ sự ra đời về sau của thơ tân hình thức. Xét đến cùng, Nguyễn Vỹ chỉ là một cánh én nhỏ chẳng thể làm nên mùa xuân của thi ca. Song chả phải bất kì một mùa xuân thi ca nào cũng được dệt nên từ những cánh én nhỏ nhoi,thầm lặng? Chúng tôi cho rằng, vai trò cách tân thơ Việt Nam hiện đại của Nguyễn Vỹ cũng cần được đánh giá như thế. Nguyễn Vỹ không là tất cả. Nhưng Nguyễn Vỹ là một phần không thể thiếu của Thơ mới và thơ Việt hiện đại. Vai trò cách tân của Nguyễn Vỹ không quá lớn, nhưng đủ để lịch sử và hậu thế ghi nhận. Đủ để tên tuổi của Nguyễn Vỹ không bị lãng quên.
Theo Thái Phan Vàng Anh/Vanvn
______________________
1. Xem cuộc bút chiến giữa Lê Ta và Lê Tràng Kiều được ghi lại trong hồi kí Văn thi sĩ tiền chiến (Nxb Khai Trí,1970) của Nguyễn Vỹ.
2. Xem Hà Nội báo, số 23 ngày 10.6. 1936 hoặc bài của Lê Tràng Kiều đáp lại Thế Lữ, trong Văn thi sĩ tiền chiến.
4. Dẫn theo Nguyễn Tấn Long (2000), Việt Nam thi nhân tiền chiến toàn tập, Nxb Văn học, tr 360, 361, 358.
Khi Nguyễn Vỹ cho ra mắt tập thơ đầu (1934) thì Thế Lữ, người được xem là mở đầu của phong trào Thơ mới mãi đến 1936 mới có tập Mấy vần thơ.