Nguyễn Ngọc Hạnh
(Vanchuongphuongnam.vn) – Mới đây thôi mà đã mười năm, thời gian trôi như cơn gió thoảng. Mỗi lần nhớ lại cái đêm cuối cùng ngồi bên Nguyễn Hữu Hương lòng tôi se thắt. Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy những giọt nước mắt lạnh lùng trong đôi mắt của bạn tôi rơi xuống. Hương vốn là người đầy bản lĩnh, luôn xoay xở thầm lặng, lầm lủi một mình cả trong những lúc gian nan nhất. Thế mà, đêm hôm ấy có điều gì bất chợt mơ hồ trong đôi mắt vốn sắc lạnh đời thường, hay là trong sâu thẳm hai đứa tôi muốn nói với nhau lời từ biệt. Chỉ vài hôm sau, Nguyễn Hữu Hương đã ra đi…
Nhà báo Nguyễn Hữu Hương lúc còn sống – Nguồn: Tạp chí KH & PT
Tôi với Hương quen thân nhau từ ngày hắn vừa rời quân ngũ. Hương về nhận công tác tại Tỉnh đoàn QN-ĐN, còn tôi làm việc tại Chi hội Văn học nghệ thuật Điện Bàn. Tình bạn chúng tôi bắt đầu từ tình yêu văn chương nghệ thuật, từ sự đồng tình trong tư duy đổi mới thời bao cấp. Nguyễn Hữu Hương sống đầy cá tính, sống hết lòng với bạn. Điều mà có lẽ suốt đời tôi không quên được đó là sự sẻ chia của Hương với tôi sau đêm thơ Phùng Quán tại Trường Nguyễn Duy Hiệu Điện Bàn năm 1988. Tôi bị cấp trên phê bình vì đã tổ chức đêm thơ Tạ Làng, sau đó dẫn đến việc cơ quan tinh giảm biên chế và cho tôi nghỉ việc. Chính trong những ngày tai ương đó, Nguyễn Hữu Hương đã mời tôi ra làm việc tại Tạp chí Khoa học và Phát triển để bù lấp những hụt hẫng của người bạn đang sa cơ lỡ vận. Có thể nói rằng, cũng bắt đầu từ đó, từ tình bạn quý mến ấy của Hương mà sau này tôi may mắn có được chút ít thành danh trong công việc làm báo của mình.
Chuyện thế sự là một trong những chủ đề mà Nguyễn Hữu Hương luôn quan tâm. Ai cũng biết 77 Lê Duẩn ngày ấy là nơi thu hút nhiều nhà báo, nhà văn, các nghệ sĩ tên tuổi tứ phương mỗi lần về Đà Nẵng đều ghé đến thăm. Đặc biệt, Tạp chí Khoa học và Phát triển thường xuyên có nhiều bài viết hay của các bậc trí giả, nhiều vấn đề rất nóng, rất thời sự trong giai đoạn đầy cam go được dư luận xã hội quan tâm. Một mình Hương lo tất tần tật bằng chính năng lực của mình, không chỉ nội dung mà cả tiền bạc vay mượn để nuôi sống tờ báo suốt một thời gian dài. Phải nói rằng, sự đam mê cuồng nhiệt trong công việc đầu tư cho Tạp chí của Hương là một đặc trưng mà cả đất nước này thời ấy rất hiếm hoi. Tôi còn nhớ khoảng năm 1995, tôi và Nguyễn Hữu Hương mang Tạp chí ra Hà Nội để giới thiệu, được nhà nghiên cứu phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên sắp xếp để chúng tôi gặp ê kip của Đài Truyền hình Việt Nam làm phóng sự ngắn về Tạp chí Khoa học và Phát triển. Những thước phim ấy là kỷ niệm quý giá mà sau này mỗi khi nhắc đến, Nguyễn Hữu Hương và tôi đều xúc động, nhất là nhiều chi tiết khi Hương nói về Những Người làm báo Quảng Nam xưa nay…
Chuyện làm báo của Hương nhiều người biết, ai cũng ghi nhận anh là một người có tài về tổ chức và thực hiện một tờ báo hay, sang trọng, uyên bác, thu hút, hấp dẫn cả người viết lần người đọc. Từ Tạp chí Khoa học và Phát triển, Người làm báo đến Doanh nghiệp chủ nhật, cho dù bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, Nguyễn Hữu Hương cũng dồn hết tâm sức tạo dựng hình ảnh sinh động của từng tờ báo mà anh cưu mang ấp ủ. Trong đó, không thể không nhắc đến một số tác phẩm như Ngõ phố đời người, Đêm trắng phập phù, Chào năm 2000, Chuyện thời chúng ta đang sống… tất cả là những tư liệu quý giá đó ít nhiều gửi gắm cho bạn đọc hôm nay và mai sau. Rất tiếc là một trong những ước nguyện cuối cùng của Nguyễn Hữu Hương trước khi mất vẫn không thực hiện được, đó là sẽ in lại những tác phẩm của Cố nhà văn Nguyễn Văn Xuân, một người thầy, một nhân cách văn hóa Quảng Nam mà nhiều người quý trọng.
Nói về nhà văn Nguyễn Văn Xuân tôi lại nhớ chuyện này. Tuy lúc bấy giờ Tòa soạn nghèo kiết xác, chẳng có tiền bạc gì nhiều, thế mà khi tôi gợi ý với Hương, làm sao để tìm một cô nhân viên đánh máy xinh đẹp và mua một bàn máy chữ, để hằng ngày thầy Xuân ngồi kể chuyện cho cô thư ký ghi chép, lưu thành tư liệu cho sau này. Hương đồng ý ngay, nhưng cứ lần lữa mãi vẫn không tìm ra một bóng hồng nào. Vậy mà về sau tôi cứ tiếc mãi, biết đâu ngày ấy làm được việc này thì cái kho tri thức của nhà văn hóa Quảng Nam Nguyễn Văn Xuân sẽ lưu giữ cho con cháu muôn đời sau.
Chuyện làm báo và viết báo của Nguyễn Hữu Hương không ít người nhắc đến trong nhiều bài viết. Còn chuyện sinh hoạt đời thường, có lẽ kể mãi vẫn không hết về Hương. Theo tôi, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Đoàn là người kể chuyện hay nhất về Nguyễn Hữu Hương. Anh kể đi, kể lại, kể mấy vẫn hay. Với riêng tôi, trong những ngày đầu từ Điện Bàn ra làm việc, cứ trời chập tối tôi chạy cái xe cà tàng vào nhà Hương, ngủ lại. Có những đêm sau khi ngồi góc quán uống bia, hai đứa tranh luận, cãi nhau, tôi giận Hương, xuống ngủ lại ở nhà anh Nguyễn Văn Đoàn. Mỗi lần như thế, anh Đoàn lại bảo: “Hai ông lại giận nhau rồi à”! Vậy đó, tình bạn nhiều khi không lý giải nổi. Gần nhau cãi cọ, xa nhau lại buồn.
Thế đó mà qua sáng mai, ngồi cà phê với nhau là hết giận, lạ chưa! Không riêng gì tôi mà nhiều người cũng vậy, giận hờn đến mấy nhưng khi gặp nhau chuyện trò, chỉ cần Hữu Hương đập bàn tay lên vai, nhẹ nhàng vài câu là nỗi buồn tan biến. Có thể nói người chịu nhiều “đau khổ” với Nguyễn Hữu Hương nhất là anh Lê Công Mười. Anh ấy vốn là một giáo viên trung học đang ổn định với công việc, không biết Hương cù rủ thế nào mà anh bỏ dạy về Tạp chí làm công việc bếp núc suốt cả chục năm trời. Đời sống bấp bênh, lương tháng có tháng không, lại làm một công việc không phải chuyên môn của mình, thế mà Lê Công Mười không rời xa Hương nửa bước. Hương có một tài lẻ rất lạ, đó là gặp ai cũng bị tay này quyến rũ, như bị bỏ bùa mê. Cả nhà thơ nữ xinh đẹp Phan Hoàng Phương, vốn cũng đâu dễ ai khiến, thế mà Hương vẫn giữ nàng làm việc suốt nhiều năm, vẫn để lại nhiều kỷ niệm đẹp một thời.
Có thể nói chính tâm tính này của Hương mà nhiều anh em gần gủi cộng tác với Hương lâu dài. Và, có lẽ một phần thành công cho Tạp chí Khoa học và Phát triển ngày ấy cũng từ cách ứng xử rất đặc trưng này của Hữu Hương. Tôi còn nhớ nhiếp ảnh gia Dương Minh Long, vốn là người nổi tiếng với nhiều ảnh nghệ thuật được giới thiệu trong và ngoài nước, ở tận Sài Gòn anh cũng đồng ý để Hương mang nhiều tác phẩm về trưng bày tại Hội quán của Tạp chí, 77 Lê Duẩn. Rồi họa sĩ Chóe, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà sử học Dương Trung Quốc, đạo diễn Trần Anh Hùng, giáo sư Hoàng Đạo Kính, họa sĩ Lê Bá Đảng, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo… và nhiều nhân vật tên tuổi khác đã đến với Nguyễn Hữu Hương, đến với các hoạt động báo chí mà một đời anh tâm huyết, đam mê, chết sống.
Trong cuộc đời làm báo, Nguyễn Hữu Hương không để lại tác phẩm cho riêng mình. Nhưng công lớn của anh lại dành cho những ấn phẩm lớn có giá trị, chẳng hạn “Chào năm 2000” tập hợp các bài viết của Tạp chí Khoa học và Phát triển trong nhiều năm, “Chuyện thời chúng ta đang sống” của Doanh nghiệp chủ nhật và “Ngõ phố người đời” của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính mà Hương là người tổ chức bản thảo, viết lời giới thiệu cho tập sách này. Đó là những dấu ấn lớn còn lưu giữ lại trong cuộc đời làm báo của Nguyễn Hữu Hương.
Tôi còn nhớ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lúc sinh thời, ông có nói về Hương: “Có nhiều người học hành, trường lớp báo chí hẳn hoi nhưng không thể sánh nổi với một thế hệ sau năm 1975, đặc biệt xứ sở Quảng Nam của cụ Huỳnh Thúc Kháng, trong số đó nhà thơ nhắc đến Nguyễn Hữu Hương một cách trân trọng, đầy ngưỡng mộ. Đây cũng là một trong những vấn để mà Tạp chí Khoa học và Phát triển ngày ấy có nhiều bài viết phân tích rất hay. Còn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên không chỉ yêu mến mà hết lòng với tâm huyết với đam mê và khí khái trong công việc làm báo của Nguyễn Hữu Hương, vì anh dám đương đầu trước nhiều vấn đề của xã hội, của dư luận, luôn đặt ra những câu hỏi và có phương pháp giải quyết thấu đáo, không khoan nhượng, vì đó là thời của chúng ta đang sống.
Những dòng cuối cho bài viết này, có lẽ tôi xin dành cho riêng tôi với những lời cám ơn bạn, nhà báo Nguyễn Hữu Hương, vì tôi đến với Hương, bắt đầu công việc làm báo của mình ở tuổi không còn trẻ nữa tại số 77 Lê Duẩn một thời này. Và từ đây tôi đã sáng mắt ra, hiểu được nhiều thứ từ sự hên xui của đời này. Đến bây giờ tôi càng hiểu thêm ra rằng, chỉ có đắm đuối say mê, sống hết lòng bằng chính tâm huyết của mình, sống cho đầy ý nghĩa, để một mai đi xa rồi, coi như xong vở diễn, miễn làm sao khán giả còn nhớ đến nhân vật ấy với lòng yêu mến, ngưỡng mộ như chúng tôi đang nhớ về nhà báo Nguyễn Hữu Hương.
Đà Nẵng, 29.5.2020
N.H.H