Nhà giáo Phạm Như Vân: một đời yêu thơ

81

(Vanchuongphuongnam.vn) – Dù đã ở tuổi 85 xưa nay hiếm nhưng nhà giáo, nhà thơ Phạm Như Vân vẫn nồng nàn, say sưa, vẫn đem vầng trăng, mây gió, đem tình thương và nỗi nhớ vào những con chữ, dòng thơ. Cả một đời cô rất nặng tình với thơ ca.

Nhà giáo, nhà thơ Phạm Như Vân minh mẫn tuổi 85

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trong một gia đình có 9 người con, nhà giáo, nhà thơ Phạm Như Vân từng theo học Trường Nữ Trưng Vương và Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Sư phạm Hà Nội. Cô có hơn 20 năm dạy học ở Thái Bình và Hà Nội. Trong những năm đứng trên bục giảng, tình yêu con chữ của cô ngày càng lớn dần. Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc đời để rồi cô lựa chọn gắn bó với miền đất thơ TP.HCM và trở thành hội viên hội nhà văn nơi đây. Kể từ đó, nhà giáo, nhà thơ Phạm Như Vân đều đặn cho ra mắt và tái bản những ấn phẩm của mình để thỏa lòng người yêu thơ.

Ông nội cô là Tuần phủ Sơn Tây thời Pháp thuộc. Cha là học sinh Trường Bưởi (nay là Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội), một trong những trường phổ thông lâu đời ở Việt Nam. Cô kể rằng cha mình là một cậu học sinh mơ mộng, lãng mạn và rất yêu thơ. Có lẽ vì thế mà kể từ khi là nữ sinh của Trường trung học Trưng Vương cho đến khi là sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Vinh thì cô đã yêu thơ và mang trong mình tâm hồn mộng mơ như cha mình.

Nhà giáo, nhà thơ Phạm Như Vân chân thành chia sẻ rằng cô không viết thơ, làm văn chỉ vì để có giải thưởng mà cô chỉ muốn làm thơ cho chính mình, cho con trai, gia đình và những người mà cô yêu thương.

Cô bồi hồi nhớ lại vào năm 1979, khi chiến tranh biên giới nổ ra, cô ý thức rằng là một người giáo viên cần phải bồi dưỡng cho học sinh lòng yêu nước và tự hào dân tộc, tinh thần quật cường chống giặc ngoại xâm.

Một lần, trong lúc có cảm hứng dạt dào khi giảng xong bài Đại cáo Bình Ngô ở chương trình lớp 9 thì cô đã lấy giấy bút ra làm thơ. Thật bất ngờ, không lâu sau bài thơ có tên Tôi giảng bài Đại cáo Bình Ngô đã được chọn đăng trên báo Hà Nội Mới. Vì quá vui nên cô đã tiếp tục làm thêm hai bài thơ nữa. Đó là Nhớ Thanh Nga nói về cái chết của nghệ sĩ Thanh Nga, Mai sớm em đi viết về nghĩa vụ quân sự. Cứ thế thơ của cô được chọn đăng báo ngay ngày đầu tuần.

Kể về chuyện đời mình, cô Phạm Như Vân cho biết cô có một người con trai duy nhất là anh Trần Nguyên Khôi. Nhưng số phận trớ trêu, anh đã ra đi mãi mãi ở tuổi 47 mà không kịp trăng trối với mẹ mình một lời. Vào thời gian đó, cô chỉ được thông báo rằng con trai mình bị xuất huyết não do trên đầu có một khúc xương bị thoái hóa.

Trong quyển Mênh mông lòng mẹ (tái bản lần thứ 3), có rất nhiều bài thơ mà cô dành tặng con mình như: Nỗi đau lòng mẹ, Mất con rồi!, Hẹn kiếp sau… khiến người đọc không khỏi ngậm ngùi. Cô viết: “Mất con rồi / Hạnh phúc, niềm vui, hoa nở, nụ cười / Bỗng thành vô nghĩa / Trái tim Mẹ vẫn hướng về một phía / Phía con chào đời / Con cất bước ra đi…”.

Từ năm 1998 cho đến nay, cô Phạm Như Vân đã sở hữu cho mình một gia tài văn thơ khá đồ sộ. Có thể kể đến như tập thơ Hương Xưa (1998), Mênh mông lòng mẹ (2000), Giọt nắng (2002), Xanh lá bồ đề (2003), Cánh hạc trong mây (2006), Mắt chiều (2013), Hát giữa vô thường (2014). Ngoài ra, cô còn viết 2 cuốn tự truyện: Tìm về nỗi nhớ, Nỗi nhớ khôn cùng. Tìm về nỗi nhớ viết về thời cô còn là một cô nữ sinh có vóc dáng nhỏ bé với tình yêu đầu đời, hoa mộng. Nỗi nhớ khôn cùng là phần 2, khắc họa lại cuộc đời đầy cơ cực, phiêu bạt, sóng gió của cô ở TP.HCM, đặc biệt là về người con trai đã khuất của cô.

Ở tuổi 83 cô vẫn rất nghị lực, mang trong mình niềm tin yêu mãnh liệt với thơ ca khi cho ra mắt tập thơ mới Mặn nồng một chút tình thơ (2022).

MẶN NỒNG MỘT CHÚT TÌNH THƠ

Như hoa nở giữa mảnh vườn thật thà, mơ mộng

Như mây bay khát trời cao, gió lộng

Như tâm hồn nồng thắm vị yêu thương

Những phút gần xa lưu luyến vấn vương

Những tê tái giữa đường chân vấp ngã

Vết thương lòng đã nhiều khi hóa đá

Tim lại nảy mầm, nên lại hát tình ca

Yêu mãi cuộc đời, yêu biết bao người… và yêu cả thơ Ta.

Cô Phạm Như Vân bên cạnh kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu và nhà văn Trịnh Bích Ngân – Ảnh: Hồ Lam

Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trịnh Bích Ngân cho biết hầu như tất cả các hoạt động của Hội Nhà văn TP.HCM, nhà giáo, nhà thơ Phạm Như Vân chưa bao giờ vắng mặt, cô luôn hết lòng với các sự kiện văn chương, thi ca.

Gần đây vào sáng ngày 06/03/2024, tại trụ sở Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.HCM (81 Trần Quốc Thảo, quận 3) đã diễn ra chương trình Ngược miền ký ức giới thiệu cuộc đời, sự nghiệp nhà thơ, nhà giáo Phạm Như Vân nhân sinh nhật lần thứ 85 của cô. Có thể nói ở độ tuổi đấy, cô đã truyền cảm hứng rất nhiều cho thế hệ trẻ về nghị lực và niềm tin vào cuộc sống của mình.

Mạc Tường Vi