Nhà nghiên cứu Lê Trọng Phương nói chuyện về Tâm lý học nghệ thuật

1016

Nhà nghiên cứu Lê Trọng Phương (Viện châu Á và Đông Phương học, Đại học Bonn – Đức) sẽ có một buổi nói chuyện về đề tài “Nghệ thuật” vào lúc 9g đến 11g30 sáng thứ Bảy ngày 21/9/2019 tại Hội quán Tranquil Books & Coffee (15B Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội). Một đề tài mà đang được nhiều sự quan tâm của giới trí thức và tuổi trẻ.

Cụ thể trong cái địa hạt mênh mông gọi chung là “Nghệ thuật” đó, diễn giả Lê Trọng Phương đã chọn ra một mảng đắc địa với mình nhất là “nỗi với niềm, kệch với cảm”. Hai phía hay hai mặt của một vấn đề trong cách cảm thụ. Anh đã tự nghiệm như sau:

Pano buổi nói chuyện của nhà nghiên cứu Lê Trọng Phương “Tâm lý học nghệ thuật” diễn ra tại Hà Nội

“Mọi trải nghiệm khi chạm vào cái nền đa cảm sẵn có trong nhiều người thường khơi dậy nhiều hình ảnh nội tại qua màng lọc cũng có sẵn là tập quán cảm tính và thị hiếu, dựa trên những nguyên mẫu trong ký ức.

Thế, cái gì khiến ta cảm thụ, thưởng thức, phán đoán nghệ thuật, bức tranh, bộ phim, tiểu thuyết X… như thế này, hoặc xúc động, bức xúc trước tình huống, sự cố, hoàn cảnh Y như thế kia?

Cái gì làm mờ đi sự khác biệt giữa tưởng tượng và nhận thức, giữa kỳ vọng và thái độ tiếp nhận, giữa hình ảnh và thế giới thực. Cái gì đánh đồng, đơn giản hóa mọi thứ để có thể sống dễ trong những “nỗi với niềm” của thời trang, thương mại, thẩm mỹ hàng ngày và đạo đức?

Lê Trọng Phương nói về chiều “ẩn khuất” của “Kitsch” và anh em của nó. Cái không còn chỉ là đặc tính của vật thể, sản phẩm, tình huống, giá trị tự nó nữa, mà đang trở thành một “quan niệm hành xử và thái độ…”.

Lê Trọng Phương đang nói chuyện tại Đại học Zürich, Thuỵ Sĩ, nhân Hội nghị khoa học Euro SEAS về Đông Nam Á.

Diễn giả đã sống ở Đức từ năm 1972. Ông là nhà xã hội học, nghiên cứu, chuyên về các đề tài văn hóa, xã hội Việt Nam, Miến Điện, Đông Nam Á – giảng dạy tại ĐH Bonn (Đông Nam Á học, tiếng Việt như một ngoại ngữ), tại Viện Hợp tác Phát triển Quốc tế, Bonn; tư vấn giao tiếp văn hóa; sáng tác, biên tập, biên dịch (Việt, Đức, Anh).

Riêng mảng dịch thuật, anh là một cầu nối quan trọng văn học, văn hóa Việt – Đức khi đã tuyển dịch nhiều tác phẩm thơ và văn xuôi Việt Nam qua tiếng Đức như truyện ngắn của các nhà văn Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Nghiễm Mậu, Tạ Duy Anh, Hồ Hữu Tường…; thơ của các nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyễn Đăng Thường, Nhã Ca, Lê Tất Điều, Viên Linh, Phạm Tường Vân, Thế Dũng… và nhiều tác giả khác. Anh đã từng viết bài về văn hóa, dịch thuật cộng tác với tạp chí Duyên Dáng Việt Nam năm 2016. Anh cũng là một trong các tác giả thực hiện tuyển tập thơ Tô Thùy Yên tại Đức. Xuất bản tạp chí văn chương “Gió Đông”, Tap chí văn chương của người Việt ở châu Âu. Có cả bài vở cộng tác của các cây bút từ Việt Nam, Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới…

Dịch giả Lê Trọng Phương và nhà thơ Phạm Tường Vân, một nữ sĩ có tác phẩm thơ anh chuyển ngữ tiếng Đức

Được biết trong chuyến trở lại Việt Nam làm việc này, nhà nghiên cứu Lê Trọng Phương ngoài gặp gỡ bạn bè, tìm kiếm các tư liệu bổ sung cho công việc nghiên cứu, giảng dạy, anh còn thực hiện hai buổi nói chuyện, thuyết trình và thảo luận ở Viện Goethe Hà Nội (18/9) và ở Viện Goethe TP.HCM (1/10) đề tài về nước Đức.

Nguyễn Hữu Hồng Minh
(Theo Duyên Dáng Việt Nam)