Nhà – Những trang sách bình yên

1119

Lê Ngọc Minh Hoàng

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Nhà” là một quyển sách đơn giản. Tôi gọi như thế khi mở những trang đầu tiên và đọc mục lục chỉ vỏn vẹn 9 từ chia làm 4 phần gồm: Lời giới thiệu – Thông điệp – Truyền tin và Trở về. Sách do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ và Saigon Book phát hành.

Tác phẩm của Nguyễn Trung Bảo

Bốn câu ngay ở trang gấp bìa 1 tác giả quyển sách viết:

Xin nguyện làm hạt sương

Đắm mình trong nắng sớm

Dẫu cuộc sống vô thường

Vẫn lấp lánh yêu thương

Nhà báo Trần Yến Châu (Báo Sức khỏe và Đời sống) viết trong lời giới thiệu tập sách rằng: “Tôi luôn dõi theo từng bước chân của Nguyễn Bảo Trung trên con đường văn chương này. Nếu như quyển sách đầu tiên “Vô thường” là những câu chuyện như mảnh đất chưa được vỡ hoang để mọi người đến chiêm nghiệm, nhìn lại cuộc sống hàng ngày của mình… thì ở “Nhà” – mảnh đất ấy đã có những mầm xanh hy vọng, những cây cổ thụ vững chãi, những đóa hoa tươi thắm, những bóng mát thảnh thơi… Khi đọc “Nhà”, ta cứ như đang được tưới tẩm những giọt nước trong ngần, giúp lòng chuyển hóa và thăng hoa”.

Phần 1 quyển sách gồm 67 trang, tác giả chuyển đến bạn đọc một “Thông điệp” của cuộc sống là: “Có nhiều người đã trải quả biết bao lần thăng trầm, đã hiểu được thế nào là mái ấm… họ sẽ đi thật chậm, nương vào nhau mà bước. Họ hiểu ai cũng có lỡ lầm, không trọn vẹn… vì thế họ biết giữ nhau bằng sự rộng lượng và bao dung”.

Bao dung không chỉ ở lòng người mà còn cả trong những nghĩ suy trước vạn vật của cuộc sống. Dù cho cuộc sống có hối hả, gấp gáp đến đâu, nắng có chói chang, bỏng rát thế nào, mưa có lạnh tái tê hay rét buốt thì phía nhà vẫn rộng cửa đón ta về không đơn độc, bởi chỉ cần nhìn quanh mình bằng tâm thức của tĩnh tại, an yên thì cuộc đời luôn hạnh phúc. “Hình như cái gì càng mong manh thì càng đẹp, và ngược lại cái gì càng đẹp thì càng mong manh…”. Điều quan trọng là ta có nhìn ra cái đẹp và cái mong manh ấy vốn song hành cùng nhau giữa sự biến đổi không ngừng của cuộc sống này?

Tôi dừng lại một chút khi tự mình trả lời câu hỏi của Nguyễn Bảo Trung: “Đi một mình có phải là điều bất hạnh hay không?”. Bởi theo tác giả thì “Đi một mình thì cô đơn đấy, nhưng chưa hẳn bất hạnh. Con người chỉ bất hạnh khi đi cùng nhau, ăn cùng nhau, ngủ cùng nhau trong một căn nhà mấy chục năm trời nhưng chưa bao giờ hiểu được tiếng lòng nhau và chỉ biết dày vò nhau…”. Bởi bây giờ cái gì cũng vội vã. Vội vã cả nụ cười và nước mắt, hãy gắng sống cho thật đàng hoàng, tử tế. Chậm cũng được, miễn bình an.

Bình an không chỉ trong việc làm, cách cư xử, giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày, mà bình an còn đến trong cả những suy nghĩ, nhận xét. Dù lời nói có thốt ra hay không thì ngay khi lóe lên suy nghĩ tiêu cực thôi cũng vận vào tâm trí mình hai chữ “bất an”.

Câu chuyện cái bàn trà bằng gỗ hình hoa sen tại một cuộc triển lãm mỹ thuật Phật giáo đã mang đến một thông điệp khá hay về triết lý sống, về sự phán xét giữa hai cách nhìn. Người bán cái bàn trà bằng gỗ ấy đã không vui khi gặp đôi vợ chồng già đến ngắm nghía cái bàn trà rồi bỏ đi, không mua, chỉ vì họ không có thời gian để ngồi uống trà. Người bán hàng cho rằng ở tuổi ngoài 70, thì họ làm gì mà không có thời gian chứ? Phải chăng bộ bàn trà có giá 60 triệu kia đã khiến cho người vợ thích mà người chồng vẫn không bỏ tiền mua? Câu chuyện trở nên thú vị dưới cách nhìn và sự hiểu biết của nhà sư. Vợ chồng họ sống lúc nào cũng hiền hòa và vui vẻ, cái gì bỏ qua được họ bỏ qua ngay, mỗi năm họ xây 3 – 4 căn nhà tình thương và giúp đỡ không biết bao nhiêu mảnh đời khó khăn, cơ nhỡ. Trong khi ta nghĩ rằng người có phước mới có thể nhàn yên ngồi thưởng trà, thì họ đang lăng xăng ngoài đời để phụng sự, để giúp đỡ người khác. Thế nên “Có lúc, những điều chúng ta trông thấy không phản ánh chân thật hiện tượng nhưng vô tình phản ánh tâm của chúng ta. Tâm an nhìn đâu cũng an. Tâm rộng nhìn đâu cũng thấy niềm vui. Tâm hẹp thì một chút gió đã thành bão, một chút lỡ lầm đã thành cách chia… Ngày mà chúng ta thôi phán xét và không còn tìm mình trong sự phán xét của người khác là ngày chúng ta về nhà!”.

Song, cuộc sống vốn vô thường này không hẳn “nhà” là nơi bình yên nhất, bởi có bao mái ấm gia đình đã nguội lạnh, nắng gió, bão giông đang chực chờ ập xuống. Ba nhân vật gần như đi xuyên suốt quyển sách này là Du, Châu và Vi. Du là bác sĩ, Châu là bệnh nhân, và Vi là vợ của Châu – người đã ký đơn ly hôn khi cô cảm thấy cuộc sống mình không hạnh phúc.

Bác sĩ Du đối diện hàng ngày với chuyện tử, sinh trên giường bệnh của con người nên anh xem cuộc sống này là vô thường. “Sinh, lão, bệnh, tử” vốn dĩ là một vòng tròn khép kín để tái tạo sự sống và mang cái già nua, cằn cỗi ra đi. Lá vàng rơi vào đất để tiếp tục nuôi cây cho chồi xanh nhú lên mà non trẻ. Chiếc lá cứ an nhiên mà lớn, mà trưởng thành để sống trọn đời lá mang lại không khí trong lành cho sự sống muôn loài. Vậy tại sao đời người như chiếc lá kia lại lắm muộn phiền, khổ đau, ray rứt?

Đời người là bễ khổ. Khổ vì mưu sinh, khổ vì bệnh tật, khổ vì tuổi già. Đó là chưa kể phân nửa nỗi khổ còn lại do dục vọng, đố kỵ, tham lam và sân hận. Có nhiều kẻ yêu nhầm một người mà đánh mất cả thời thanh xuân. Có nhiều kẻ vì giận hờn một người vài câu mà biến trái tim mình thành chật hẹp, tù túng và cay nghiệt”. Khi hiểu được rằng, thay vì phải phán xét thì hãy nhìn dưới góc độ cởi mở hơn. Cuộc sống và con người như một bản nhạc, một cuốn sách, một bộ phim… và nhiều thứ khác nữa, hợp với mình thì mình nghe, mình đọc, mình xem. Không hợp thì chuyển kênh hay làm một việc gì khác. Đánh mất năng lượng của bản thân cho những người, những việc không hợp, không hay để làm gì? Đừng nói xấu hay đẹp, đừng nói đúng hay sai, mà chỉ nên nói rằng hợp hay không hợp với mình mà thôi.

Câu chuyện của ông Phúc, bà Lan quyết định đi phượt ở tuổi thất thập cổ lai hy (khi mà cả hai vợ chồng đều mang trong mình nhiều thứ bệnh của tuổi già) đã truyền đi một thông điệp đẹp cho cuộc sống. Với họ thì “Cuộc sống này chỉ dành cho những trái tim hoang dại, những trái tim không sợ hãi. Chúng ta chỉ nghĩ: nhà là một nơi có 4 bức tường vây quanh, hay một căn hộ vuông vuông nhỏ bé, nhưng không, nhà là sông núi rộng lớn ngoài kia. Chẳng phải tất cả chúng ta bắt đầu từ cát bụi rồi sẽ trở về cát bụi đó sao? Đi phượt cũng là một hành trình về nhà, về với cát bụi, về nơi bắt đầu có tiếng khóc ban sơ”. Không có gian nan làm sao biết được sức mình? Không có khổ đau thì tình thương làm sao biến thành sức mạnh, phép màu?

Dặn nhau muôn sự vô thường

Bình tâm mà sống mà thương dịu dàng

Một nhành hoa, một ngọn cỏ cũng khiến mình hân hoan với cuộc đời. Biết rằng ai đó đang nhớ về mình… cũng đủ để gọi là niềm vui.

Đừng trách con thuyền cứ neo ở hải cảng

Chỉ là lòng chúng ta không chịu ra khơi…

Cuộc đời đó còn bao nhiêu ngày nắng đẹp

Không giong buồm sao nếm được gió mưa?

Khép lại phần 2 “Truyền tin” của quyển sách, tôi lại nhớ đến lời bạt ở những trang đầu tiên trước khi đọc tiếp 33 trang cuối cùng có tên gọi “Trở về”. “Tôi nghĩ tác giả phải đi nhiều lắm, phải chạm nhiều lắm và phải khóc nhiều lắm mới có thể viết ra được như vậy, bởi “Nhà” như chiếc lá đã chín cùng với tháng năm. Tôi gọi đó là sự trưởng thành”.

Có những triết lý mãi nằm trên trang sách hoặc mãi là sáo rỗng, cho đến khi gặp phải những nghịch cảnh, nếm trải những nỗi đau thì chúng lại trở về vẹn nguyên và tỏa sáng, giúp con người bừng ngộ và thay đổi. “Trong hành trình mải miết của kiếp người, hành trang càng ít thì thân tâm càng nhẹ”.

Đời người như một đời sông, khi lớn, khi ròng, khi trong, khi cạn, khi lăn tăn sóng, khi xoáy lở, thét gào… nhưng có là gì thì sông muôn đời vẫn thế, vẫn trôi ra biển, nước hóa thành mây, thành mưa mà rớt lại vào sông. Sự luân chuyển miên trường đó dù có trải qua muôn hình vạn trạng khác nhau, bao cảm xúc khác nhau, thì khi đối diện với những phút giây cuối cùng của một hành trình trở về cát bụi thì con người mới nhận ra “Nhà” là nơi bình yên nhất. Nhà – không còn bó hẹp trong khái niệm là nơi trú mưa, tránh nắng, không còn là nơi được nằm để ngủ một giấc ngon lành sau một ngày bôn ba, tất bật mưu sinh nữa, mà “Nhà” được hiểu ở một khía cạnh khác của tình yêu thương, của lòng bao dung, dị tha, của tâm thế bình an ngay cả khi đối diện với những điều được sự phán xét cho là dị hợm, trái đạo, bệnh hoạn… đó là tình yêu, hôn nhân đồng tính.

Tác giả viết: “Thương một người mà cũng xấu hổ sao? Chẳng lẽ chúng ta không được quyền thương người nào đó? Người ta chỉ thích phán xét, ức hiếp những người thiểu số yếu đuối trong cộng đồng để chứng tỏ mình bình thường, có sức mạnh… trong khi họ cần được tôn trọng quyền con người… Con người sẽ trở nên tức giận khi sắp mất hay mất đi một thứ gì đó. Trong lúc giận họ quên họ có thể đánh mất luôn tình thâm, đánh mất luôn hòa khí yêu thương trong gia đình… Sự điềm tĩnh và bình an sẽ giúp mọi người ngừng lại và tìm về với mảnh đất tâm hồn của họ để đánh thức những hạt giống bao dung, yêu thương, hy sinh đang bị ngủ quên”.

Cái bất ngờ, thú vị ở 3 trang cuối cùng của quyển sách này là một “trò đùa tái sinh” mà Nguyễn Bảo Trung đã dẫn dắt bạn đọc qua từng câu chuyện kể cùng hai nhân vật Châu và Vi. Trải qua nhiều lần ngộ ra trước lằn ranh giữa sự sống và cái chết thì họ mới cảm nhận được trong tim họ vẫn còn nguyên đó tình yêu thương vợ chồng dành cho nhau sau những tính toán riêng tư, sau những phán xét cá nhân và sau những đúng, sai của cuộc sống nhiều va chạm. Châu nhảy lên và ôm chầm lấy Du khi biết mình không bệnh ung thư như lời bác sĩ Du đã nói. Lá đơn ly hôn của Vi cũng không còn nghĩa lý gì. Bởi họ đã biết cám ơn người bác sĩ giỏi, Du không chỉ dùng thuốc để chữa trị cho bệnh nhân mà anh còn dùng liệu pháp tâm lý để sinh ra bệnh nhân thêm một lần sự sống. Sự sống mới sẽ bình an hơn khi cả hai không còn phán xét đúng, sai.

Thật sự chúng ta đến trong cuộc đời này để học chấp nhận và học yêu thương. Một khi đã chấp nhận rồi thì bình an. Một khi đã yêu thương rồi thì chẳng có gì là không thể

Vội làm chi cuối ngày nắng cũng tắt
Thôi về bên hiên nhà ta hát cho nhau nghe

Cám ơn bạn đã tặng tôi quyển sách này. Cám ơn tác giả Nguyễn Bảo Trung cho tôi được thêm một lần chia sẻ những cảm nhận của mình khi khép lại 203 trang sách của một ngôi nhà rộng.

Đồng Tháp, 2020

L.N.M.H