Nhà thơ Bùi Phan Thảo.
Sinh năm 1963 tại Quảng Trị.
Tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM.
Tốt nghiệp Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, từ 1986, ông về làm biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Đăk Lăk.
Năm 1990 chuyển về làm việc tại Báo Người Lao Động, TP.HCM đến nay. Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM, nhiệm kỳ VIII (2020-2025).
Tác phẩm:
Lao xao hồn phố (thơ);
Không chờ những giấc mơ (thơ);
Búp bê áo rách (tập truyện ngắn);
Này vui, tặng hết (thơ);
Hoàng hôn Angkor Wat (bút ký);
Giọt máu ly hương (tiểu thuyết)…
Đời người sau trang viết
Những nhà văn đã đem hết tinh hoa mà tặng lại đời, để khi đi xa họ vẫn được người đời tưởng nhớ, thương yêu…
Gần cả đời người dấn thân vào nghiệp làm báo, viết văn, điều tôi chiêm nghiệm và nằm lòng, chính là nghề chữ nghĩa nhọc nhằn, đòi hỏi sự khổ luyện, siêng năng. Nghiệp viết không có chỗ cho sự lười biếng tư duy, lao động hời hợt và biểu đạt theo lối mòn, cũ kỹ. Có thể tác giả đó viết không nhiều, nhưng những tác phẩm viết ra đều đạt độ chín về nghề, được bạn đọc và bạn nghề đón nhận. Còn những người viết nhiều, viết khỏe thì lại là của hiếm, trong đó có nhiều tác phẩm hay thì lại càng là tinh túy của đời người.
Tôi luôn kính phục những người có sức làm việc bền bỉ và đặc biệt là kiến văn sâu rộng. Thế hệ nhà văn đi trước có khá nhiều người như vậy, điển hình như hai nhà văn – biên kịch Nguyễn Khắc Phục và Văn Lê… Không biết nguồn năng lưởng đâu mà hai ông luôn “cháy” qua từng tác phẩm, kiến thức ngồn ngộn, ngòi bút tài hoa, đầy mê đắm. Chỉ nhìn vào số lượng tác phẩm mà nhà văn – biên kịch Nguyễn Khắc Phục đã xuất bản, chúng ta đã phải bái phục bút lực dồi dào đến siêu hạng của ông, để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị từ tinh hoa của một bậc văn tài.
Đến thăm nhà văn Văn Lê trước ngày ông đột ngột đi xa mãi, ông nhìn chúng tôi cười cười: “Cống nhân mới in xong đấy. Nhiều cái hay lắm, lạ lắm”. Quả thật, tiểu thuyết cuối cùng của đời ông vẫn lấp lánh tài hoa như hàng chục tác phẩm thi ca, truyện ngắn, kịch bản của ông, đẹp lộng lẫy và cực kỳ hấp dẫn, với cái nhìn mới, câu chuyện mới về những danh y Việt Nam sang Trung Quốc theo dạng triều cống… Bên bàn viết, trong góc phố khu nhà sát sân bay Tân Sơn Nhất, ông cần mẫn làm việc, dù đã một lần đột quỵ chtfa lâu…
Và cũng những ngày này, dù lâm trọng bệnh nhưng hễ dứt cơn đau, nhà văn Triệu Xuân lại cần mẫn ngồi với chiếc máy bàn. Tập san “Văn chương Ngày Nay” số 9 đã phát hành vào tháng 6/2021 làm ông vui với sự đầy đặn như kỳ vọng, nhiều tác phẩm có chất lượng cao, được bạn đọc khen ngợi. Ông vẫn cập nhật tác phẩm của bạn viết thân thuộc cho www. trieuxuan.info với cách thiết kế giao diện và tiện ích sắp xếp khoa học khi truy cập.
Những tác phẩm tâm đắc của đời mình cũng đã được ông viết xong. Ông tự hào về những đứa con tinh thần đó, dù chúng đã không ít lần làm ông khổ sở vì những tị hiềm, nhỏ nhen của người đời. Trong nghề văn, ngòi bút của ông dũng cảm chọc thẳng vào những tiêu cực, ung nhọt xã hội, vạch rõ bộ mặt thật của những kẻ tha hóa quyền lực, nhưng văn của ông cũng đầy yêu thương với xã hội, lòng tin vào những điều tốt đẹp tỏa sáng từ nhân cách con ngtfời.
Một tấm gương lao động nghề văn rất đáng khâm phục khác là nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm. Không chỉ là một nhà báo giỏi nghề, mát tay với chuyên san “Tài hoa trẻ” lừng lẫy, một nhà thơ với nhiều tác phẩm có tiếng vang (tập Minh triết đất đai của ông nhận Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM năm 2015), người hết lòng yêu thơ, kỳ công chọn lọc để xuất bản Nghìn câu thơ tài hoa của các tác giả thơ hơn 10 thế kỷ… ông còn là một cây bút tiểu thuyết chắc tay, một nhà biên khảo với thái độ nghiên cứu khoa học nghiêm cẩn, có nhiều thông tin, tư liệu hấp dẫn. Tuổi cao, nhưng lửa yêu nghề trong ông vẫn hừng hực, vẫn cháy bỏng niềm đam mê sáng tạo.
Với nhà văn, thời gian là tài sản quý giá nhất. Hãy luôn trân trọng những trang viết của nhà văn khi họ phải chạy đua với thời gian để đưa tác phẩm ra đời sống. Dù buổi chiều tối có ngồi với bạn bè thì đến khuya hay nửa đêm về sáng họ gò mình ngồi viết. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng như Tản Đà ngày xưa thích phiêu lãng bầu rượu túi thơ, thơ vẫn đến và ở lại đời này với những bài, những câu được thuộc nằm lòng dù các ông đã phiêu diêu cực lạc. Nhà văn Lê Văn Nghĩa bận bịu với Tuổi Trẻ Cười đến thế mà vẫn xuất bản hàng chục đầu sách thì đủ biết cường độ lao động nghề văn của ông như thế nào, dù trưa hay chiều, ta có thể gặp ông ngồi trong quán lai rai với bạn văn, rủ rỉ chuyện trò… Với các ông, cũng như Trịnh Công Sơn “Tôi là ai, mà yêu quá đời này” mới đem hết tinh hoa mà tặng lại đời, để dẫu đã đi xa vẫn được người đời tưởng nhớ, thương yêu… Đó không chỉ là thái độ sống mà còn là bản lĩnh sống và trách nhiệm của người cầm bút với cuộc đời.
Trong bản lĩnh sống của nhà văn, vốn sống là nguồn tài nguyên cực kỳ quý giá. Đây chính là nguyên liệu để qua lao động của nhà văn hình thành nên tác phẩm, nhất là những vỉa ký ức mà tác giả là người trong cuộc, dấn thân, đắm mình, đi qua và trở về, như những nhà văn từng là chiến sĩ Trường Sơn năm xưa. Nhà văn An Bình Minh chẳng hạn, những trang viết về Trường Sơn của ông luôn đẹp, đẹp như bài ca tuổi trẻ của thế hệ ông đã cất lên, mang theo trong lòng để sống và chiến đấu. Và nghề báo sau ngày đất nước thống nhất cũng đem lại cho ông nhiều chất liệu quý để viết những tiểu thuyết khắc họa thành công hiện thực xã hội.
Còn với nhà văn Châu La Việt, ký ức về người cha – nhạc sĩ tài hoa Hoàng Thi Thơ và người Mẹ mà ông yêu quý vô cùng tận – nghệ sĩ Tân Nhân – luôn là mạch nguồn cảm xúc dạt dào để ông viết với yêu thương không bao giờ cạn. Những ký ức tuổi thơ bên dòng sông La ở Hà Tĩnh, trong khu văn công Mai Dịch hay trên phố Lê Phụng Hiểu của Hà Nội một thời – qua những trang văn của ông, đầy những ân tình. Đặc biệt, người lính Trường Sơn một thời, những cung đường, binh trạm, đất Việt hay đất Lào, cùng những câu chuyện đẹp về các cô gái Hà thành, các cô thanh niên xung phong; những trận chiến gian lao, những chuyện tình đẹp của thời hoa lửa… Qua trang viết của ông trong hàng chục tập sách, đều khiến người đọc rưng rưng, gấp sách lại với sự bồi hồi sâu lắng…
Đó chính là những nhà văn được nghề văn chọn mặt, gửi tên, họ phải viết văn như một sứ mạng không thể khác, để kể lại cho người đời những câu chuyện hay nhất. Cũng như những nhà thơ, nhiều người dường như sinh ra để làm thơ. Như Trương Nam Hương với những câu thơ tài hoa mang những đặc trưng rất riêng của anh. Dù anh viết những lời trau chuốt bao nhiêu đi nữa thì vẫn dung dị, vẫn là giọng riêng của Trương Nam Hương. Đặt để ở đâu, giữa bộn bề những bài thơ, câu thơ về tình yêu, về Hà Nội, về quê mẹ… thì thơ Trương Nam Hương vẫn trội lên, khác biệt. Bởi thơ Trương Nam Hương hay và độc đáo, hơn người ở tư duy và diễn đạt, thi tứ và thi ảnh đều rất đẹp…
Những năm tháng đi qua, văn chương TP. Hồ Chí Minh và cả nước luôn có các thế hệ tiếp nối là những đại diện xứng đáng và danh sách này ở TP. Hồ Chí Minh thật dài, nhiều nhà văn tỏa sáng trên văn đàn. Một đội ngũ sung sức và hứa hẹn những tác phẩm xứng tầm cho văn chương Việt.
Điều có thể ghi nhận thêm là những thế hệ nhà văn TP. Hồ Chí Minh sống với nhau bằng tình nghĩa, ứng xử với nhau bằng tình thân nghề nghiệp, quý mến tài năng, nhân cách, quan tâm nhau chân thành và hết lòng giúp đỡ nhau. Nhà văn đã chịu khó “đọc nhau” nhiều hơn. Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh quan tâm đến cuộc sống của những nhà văn cao tuổi, gia cảnh khó khăn, bệnh tật. Đặc biệt, có một người là doanh nhân – nhà thơ Lâm Xuân Thi, luôn hết lòng với bạn thơ. Năm 2009, anh cùng các nhà thơ Hồ Thi Ca, Phan Hoàng lập Quỹ Tình thơ, giúp đỡ cho nhiều nhà thơ có hoàn cảnh ngặt nghèo trên cả nước. Những sự kiện quan trọng của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh như cuộc thi thơ Nguyên tiêu hay cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” đang diễn ra, cũng như những hoạt động từ thiện xã hội khác do Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh phát động… anh đều nhiệt tình hỗ trợ. Tình thơ – tình người của Lâm Xuân Thi đã thành một biểu tượng đẹp của con người Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, luôn biết cách cho đi mà không đòi hỏi nhận lại bất cứ thứ gì, chỉ để tình yêu thương con người đầy lên, để những trang thơ thêm hay thêm đẹp, thêm yêu quý đời này.
Mỗi người một xuất phát điểm, một chỗ đứng khác nhau. Nhưng đã chọn nghề văn thì không có sự lựa chọn nào khác là sự dấn thân, nhập cuộc với ý thức, trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội. Gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 tràn qua toàn cầu, đất nước ta và TP. Hồ Chí Minh chịu những tác động nặng nề. Một cuộc chiến đúng nghĩa, “chống dịch như chống giặc” mà mỗi nhà văn cũng là một chiến sĩ tuyến đầu, cũng góp phần tăng thêm ý chí kiên cường, tinh thần vượt khó chống dịch và niềm tin TP. Hồ Chí Minh cùng cả nước sẽ chiến thắng, vượt qua đại dịch.
B.P.T