Nhà thơ của đường Trường Sơn huyền thoại

1609

(Vanchuongphuongnam.vn) – Phạm Tiến Duật là một trong những ngòi bút thơ hàng đầu thời chiến tranh chống Mỹ. Bản thân là chiến sĩ, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã sống và chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn từ Bắc vào Nam. Tác phẩm của Phạm Tiến Duật gồm có: 4 tập thơ, 2 tuyển tập thơ và 1 Trường ca và 1 tập Tiểu luận. Tập thơ sau cùng và Trường ca được trao Giải thưởng Văn học năm 2007 của Trung tâm Văn hóa Doanh Nhân. Hai bài thơ: “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, “Nhớ” được đưa vào sách giáo khoa và bài thơ “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” được phổ nhạc (Hoàng Hiệp). Nhà thơ Phạm Tiến Duật được trao tặng Giải thưởng Nhà nước (2001), và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2012) cùng một Huân chương Lao động hạng Nhì (2007) do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Cuộc chiến đấu dũng cảm của nhân dân ta trong hai thời kỳ kháng chiến chống kẻ thù chung hiện diện đủ các thành phần xã hội, từ cán bộ, chiến sĩ đến trí thức, thanh niên học sinh và lao động thợ thuyền. Trong đó, đối diện trực tiếp và chiến đấu sống chết với kẻ thù nơi trận tuyến mịt mùng lửa khói, ầm ỉ đạn bom: “Đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom” là những chiến sĩ luôn cả những võ trang nghệ sĩ. Những Văn Cao (1923-1995), Quang Dũng (1921-1988), Lê Anh Xuân (1940-1968), Nguyễn Thi (1928-1968), Lê Vĩnh Hòa (1932-1967), Huỳnh Phương Đông (1925-2015),… Phạm Tiến Duật. Trong đó, đặc biệt, Phạm Tiến Duật nổi bật lên với hình ảnh một hồn thơ – chiến sĩ, từng được coi là Con chim lửa nơi đường Trường Sơn huyền thoại của một thời chống Mỹ.

Phạm Tiến Duật (1941-2007), là tên thật của nhà thơ, gốc người tỉnh Phú Thọ, Việt Nam. Xuất thân từ một gia đình giáo dục, ông được cha dạy trước cho chữ Việt, Chữ Hán và tiếng Pháp ở nhà trong khi mẹ là nông dân không biết chữ. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1964), ông không đi dạy học mà xin lên đường nhập ngũ. Từ thời điểm này, Phạm Tiến Duật sống và chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn, nơi giúp ông có nguồn cảm hứng sáng tác.

Phạm Tiến Duật đoạt Giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ (1970) và được kết nạp và hội Nhà văn Việt Nam. Khi hoà bình lập lại, ông về sống tại Hà Nội và làm việc tại Ban Văn nghệ hội Nhà văn Việt Nam.

Khi nhập ngũ, Phạm Tiến Duật chủ yếu công tác trên tuyến đường Trường Sơn kéo dài 700 km, tức là bằng quãng đường từ TP. Hồ Chí Minh đến TP. Nha Trang. Hơn 60 năm xưa, vượt qua bao gian khổ, giữa mưa bom bão đạn, bằng những phương tiện vô cùng thô sơ, “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, quân dân ta đã bạt núi san rừng, nối thông các mạch, tuyến để vận tải, chi viện lương thực, vũ khí ra chiến trường, phục vụ cuộc chiến đấu chống Mỹ. Chiến sĩ ta, với ý chí, khát vọng, tinh thần đoàn kết và niềm tin chiến thắng đã làm nên huyền thoại đường Trường Sơn. Tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh đường Trường Sơn khi ấy, không chỉ quan tâm đến anh em chiến sĩ, đặc biệt là những người lái xe, mà còn rất chiếu cố đến văn nghệ sĩ. Khi biết nhà thơ tiêu biểu của chiến trường Trường Sơn lúc này là Phạm Tiến Duật, có tính khí thất thường, nhiều khi vô kỷ luật, đi đâu không báo cáo, tướng Đồng Sĩ Nguyên vẫn chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở. Biết nhà thơ Phạm Tiến Duật nghiện thuốc lá, ông chỉ đạo hậu cần mỗi tháng cấp cho Phạm Tiến Duật một tuýp thuốc lá và 3 gói trà, Chính sự quan tâm của lãnh đạo như thế đã tạo nên một nhà thơ Phạm Tiến Duật và nhiều văn nghệ sĩ của đường Trường Sơn huyền thoại.

Tham gia chiến đấu trong tư cách một phóng viên mặt trận, Phạm Tiến Duật là người chứng kiến sự ác liệt, hy sinh, nỗi đau thể xác và tinh thần của những anh bộ đội Trường Sơn. Quãng đời ở Trường Sơn có ở đây, nhà thơ mới thấu hiểu và ghi nhận được vẻ đẹp rạng ngời và sức mạnh vô song của thời đại mình qua những hình ảnh tận mắt của những chiến sĩ lái xe, cô thanh niên xung phong, người coi kho, viên tư lệnh, người mẹ Pa Cô, Vân Kiều… Trường Sơn đã cho Phạm Tiến Duật một bộ mặt chiến tranh dữ dội, đáng ghê tởm nhưng cũng cho ông một kho tàng tinh thần vô giá làm suối nguồn sáng tạo thi ca.

Không gian thơ của Phạm Tiến Duật là hình ảnh thu gọn của một Trường Sơn lịch sử của một thời chiến tranh khói lửa. Đi vào vườn thơ của thi sĩ Phạm Tiến Duật, khách thơ không khó bắt gặp: những anh bộ đội lái xe quả cảm mà vui tính,  dưới trời bom đất lửa, vẫn thong dong nhìn thẳng vào kẻ thù ác gian tàn độc, vẫn lạc quan công tác và chiến đấu: “Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom đập, bom rung kính vỡ đi rồi”. Cấu trúc câu thơ mang hình thức hỏi – đáp, 3 chữ không đi liền nhau và hai nốt nhấn “bom giật, bom rung” thể hiện chất lính trong cách phóng túng, hồn nhiên. Câu thơ đậm đặc tính văn xuôi (prose) mà đọc lên nghe thi vị (poetic) và thích thú. Trong cái không gian khoáng đạt của đại ngàn sâu thẳm, người chiến sĩ Trường Sơn lạc quan nhìn thẳng vào kẻ thù trước mặt: Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng. (Bài thơ về tiểu đội xe không kính).  Hai chữ “ta ngồi” với tu từ điệp từ ngữ: nhìn 3 lần, tạo cho nhịp thơ sự khỏe khoắn, đỉnh đạc. Những chiến sĩ công binh mở đường cần cù gan góc, vui tính, chẳng biết sợ chết là gì: “Những đồng chí công binh lầm lì/ Mùi bộc phá trộn vào trong tiếng hát/ Trên áo giáp lấm đầy đất cát/ Lộp độp cơn mưa rơi bi sắt đuối tầm” (Vầng trăng và những cuồng lửa). Những cô gái thanh niên xung phong vẫn hồn nhiên trước bóng tử thần: “Ngày em phá nhiều bom nổ chậm/ Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà” nhưng cũng vô cùng tinh nghịch, lãng mạn và giàu nữ tính: “Khăn xanh khăn xanh phơi đầy nắng sớm/ Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều” (Gửi em cô thanh niên xung phong). Đến những người lính coi kho cũng quên cửa nhà, xa làng phố, vì cuộc sống riêng chung: “Mười năm sống xa phố xa làng/ Tám năm ở trong núi trong hang/ Tất cả riêng chung…/ Dành cho miền Nam tất cả” (Tiếng cười của đồng chí coi kho). Người đọc thơ cũng nhận ra được cái tình cảm lãng mạn của một hồn thơ chiến sĩ tiềm ẩn trong chân dung một thương binh đường rừng Trường Sơn: “Cái vết thương xoàng mà đưa viện/ Hàng còn chờ đó tiếng xe reo/ Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến/ Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo” (Nhớ).

Ấn tượng nhất là bài thơ: “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” (1969) được nhà thơ sáng tác bên bờ sông Son tại Quảng Bình, một bài thơ luôn có mặt trong túi áo trận của mỗi anh bộ đội trên chiến trường y như một bức thư tình mới nhận. Bài thơ nổi tiếng này được nhạc sĩ kháng chiến tài hoa Hoàng Hiệp phổ thành ca khúc: “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/ Hai đứa ở hai đầu xa thẳm/ Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”. Trong bài hát, chất thơ và chất nhạc lung linh quyện chặt với nhau, giai điệu bài hát đẹp, thể hiện tính trữ tình và tính anh hùng ca như thôi thúc hàng triệu trái tim xông pha nơi tiền tuyến, đuổi giặc giết thù, lập công… Ca khúc hay này đã chấp cánh cho bài thơ đẹp bay xa, như đã truyền lửa vào sâu tận trái tim mỗi người. Khắp các mặt trận, bộ đội hát vang bài ca “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”. Cho đến hôm nay, bản nhạc-thơ này vẫn là một tác phẩm nổi tiếng, có sức sống vượt không gian thời gian trong lòng công chúng nghệ thuật, tái hiện lại nghĩa tình đồng đội gắn bó keo sơn và niềm tự hào trong sáng nồng ấm mỗi khi họ có dịp hát lại bài ca về Trường Sơn lịch sử liệt oanh… Con đường Trường Sơn dạo ấy là con đường lý tưởng mà mỗi chiến sĩ đinh ninh, và tự hào tiến ra tiền tuyến – miền Nam ruột thịt: “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim”.

Con đường Trường Sơn, qua thơ Phạm Tiến Duật, mang sắc màu huyền thoại trong cuộc chiến đấu hào hùng của dân tộc ta trong một thời chống Mỹ.

Cuộc sống hiện thực của những anh bộ đội có mặt nơi tuyến lửa Trường Sơn đã giúp cho thi sĩ Phạm Tiến Duật sở hữu được những vần thơ mịt mùng khói súng, ầm ỉ tiếng bom mà vẫn ấm nồng hơi thở đồng đội, đồng thời cũng kề cận đường tơ kẽ tóc nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết, cùng chiến đấu trong tình anh em ruột thịt (Chiến sĩ xe tăng – Hữu Thỉnh). Bên những văn nghệ sĩ tay đàn, tay súng như: Hữu Thỉnh, Lê Anh Xuân, Thanh Thảo, Huỳnh Phương Đông,… của một thời trực diện chiến đấu mất còn với thế lực đế quốc, Phạm Tiến Duật là một trong những nhà thơ hàng đầu của thế hệ văn nghệ sĩ cầm súng. Trong một thời binh lửa mà mọi người biết mang sứ mệnh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, Phạm Tiến Duật có thể coi là chứng nhân sống,  một chiến sĩ – họa sĩ đã vẽ lại bằng ngòi bút thơ tài hoa của mình những hình ảnh cao đẹp và phẩm chất sáng ngời của người chiến sĩ cách mạng trên con đường huyền thoại Trường Sơn kỳ vĩ, anh hùng.

Nguyễn Thanh