Nhà thơ Đinh Hạ “Tự nhiên lại nhớ ngày xưa”

1432

Vũ Tuyết Nhung

(Đọc tập thơ” Làng ơi” của Đinh Hạ)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Lâu rồi chưa về quê, chưa được ngắm những thảm vàng óng lụa hai bên đường làng, chưa được mơ màng nghe tiếng sáo diều chiều quê lũ trẻ chăn trâu thả trên triền đê vi vút, mà tưởng tượng ra thế giới thần tiên cổ tích diệu kỳ, ẩn sau những đám mây bông lượn lờ theo gió trên nền trời xanh dịu mênh mông ấy, lòng tôi cứ như kiến bò, cô đơn nơi đất lạ với những vòng quay ồn ào náo nhiệt và vắt kiệt sức mình, đến nỗi không cảm nhận được trọn vẹn niềm vui hay quay quắt với nỗi buồn được nữa. Đến khi được nhà thơ Đinh Hạ tặng tập thơ “Làng ơi” của anh, đọc xong thì cảm giác ấy bỗng trỗi dậy cồn cào cháy bỏng, biến thành ngọn lửa mang hình những mái nhà, ao cá, cây đa, bến nước, con người nơi quê cũ, nỗi nhớ da diết bật lên mỗi hai tiếng “Làng ơi”cháy bỏng cội nguồn.

Tập thơ Làng ơi của Đinh Hạ 

Quê tôi và quê anh đều nằm trên dải đất miền trung mưa nhiều nắng lắm, lũ lụt hay về, con người và cảnh sắc không khác nhau là mấy, nên đọc những bài thơ anh viết về quê anh tôi thấy cả quê mình, đều có ”Cổng làng”, ”Nghĩa địa làng”, ”Đình làng”, ”Chợ quê”… và những ngày ”Hội làng” vui vẻ, để khi xa quê, nghe một “Tiếng ru” thì lòng ta ”Tự nhiên lại nhớ ngày xưa”, nhớ về ”Ký ức tuổi thơ”, “Nhớ khói” rơm rạ, nghĩ về ”Mùa tết”, nao nao mong đến ”Tháng chạp” được  “Về quê đón tết”.

Nhà thơ Đinh Hạ tên thật là Trần Văn Mười, sinh ra, lớn lên, tốt nghiệp đại học sư phạm Huế rồi trở về sống, làm việc ngay tại quê nhà, huyện Yên Thành Nghệ An nên không có gì lạ khi thơ anh thấm đẫm tình quê đến vậy:

”Sơn hào hải vị phố phường

Nhiều khi chán ngấy thèm cơm quê nhà

Nạm rau vặt, mấy quả cà

Mà bao yến tiệc xa hoa chẳng bằng”’

(Làng ơi)

”Tôi như sợi khói lang thang

Níu về một nhúm rơm vàng mẹ nhen

Chân quê còn lội ruộng phèn

Còn mơ tiếng gáy dế mèn tuổi thơ”

(Nhớ khói)

”Ở nơi đất khách quê người

Chỉ mong giữ lại chút thôi quê mình”

(Nhớ quê)

nên khi xa nhà, tiếp xúc với những ồn ào, xô bồ nơi phố thị:

”Phía sau Hà Nội lung linh

Ngõ sâu hun hút trở mình vào đêm

Đồng tiền thấm mặn mồ hôi

Bác xich lô chở đơn côi bóng mình”

(Hà Nội nhìn nghiêng)

Nỗi nhớ quánh đặc không gian, đưa nhà thơ trở về với những kỷ niệm không thể nào quên:

“Nhớ từ siêu nước của cha

Dáng mẹ bên bếp nấu cà luộc khoai”

(Nhớ khói)

“Nhớ thời gánh cỗ đơm cơm

Bấm chân qua những đường trơn mưa phùn

Thời còn pháo chuột tẹt đùng

Chó nhà ai chạy tứ tung khắp làng”

(Chợt thèm hương vị tết xưa)

Ký ức ấy thật đẹp, thật ấm, rất đơn sơ, giản dị mà thiêng liêng, quý giá. Từ xưa đến nay, những dư vị ở nơi chôn nhau cắt rốn luôn song hành ngự nơi trang trọng nhất trong trái tim và tâm hồn của mỗi con người. Dù quê nghèo, dù quê khổ, dù những kỷ niệm ấy đôi khi có vị mặn của nước mắt, cảm giác đói lòng khát một bữa cơm ngon hay là những vết bùn trên má, giọt máu chảy từ gan bàn chân khi dẫm phải mảnh sành… thì cũng trở thành hoài niệm, hoang hoải cùng ta đến cuối hoàng hôn của ngày cùng trái tim còn đập. Không tha thiết, không da diết sao được khi đó là nơi đầu tiên ta cất tiếng gọi người thân, lần đầu tiên ta đứng dậy bước đi lẫm chẫm rồi ngã dúi dụi và lại cố đứng lên cười toe toét, tiếp tục bước đi trong sự reo hò cổ vũ của thân yêu?… Đúng như Đỗ Trung Quân đã viết:

“ …Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người”

Tác giả Đinh Hạ 

Nhưng càng nhớ quê bao nhiêu, thì nhà thơ càng buồn bấy nhiêu. Buồn vì quê bây giờ đã thay đổi rất nhiều, hồn quê ngày ấy dường như đã ở lại quá khứ. Không phải tự nhiên mà anh thốt lên “Tự nhiên lại nhớ ngày xưa”, chẳng có gì là tự nhiên cả. Con người nói chung thường nghĩ đến và hy vọng tương lai khi cuộc sống hiện tại không được như mong muốn. Và ngược lại, trở nên hoài niệm khi cảm nhận hiện tại đã không giữ được những điều mà họ cho là tốt đẹp của ngày xưa. Nhà thơ đã ủ men mầm nhớ quê từ những ngày chưa xa quê, đứng dưới cổng làng mà ngậm ngùi vết thời gian của người xa xứ:

” …Tiếng nấc nghẹn, vọng chiêm bao

Phải người xa xứ nôn nao buổi về?

Lời chưa nói đã khuyết danh

Ngày chưa dĩ vãng đã thành cố hương…”

(Vọng khúc xuân)

Niềm quê, nỗi nhớ ấy đã dung hòa cùng tâm hồn thi nhân, thành một bản thể thống nhất, chỉ là chưa đặt chân ra khỏi đất làng nên tạm thời ẩn đi thôi, như Chế Lan Viên đã viết:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn”

(Tiếng hát con tàu)

Thế nên khi tác giả đi xa, đến miền đất mới, tiếp xúc với những con người mới thì nỗi nhớ bật dậy, là men đã ủ mầm từ lâu rồi, chứ đâu phải bây giờ mới chợt đến, nó đã là quy luật tự nhiên từ thuở còn người biết nhớ. Nhà thơ xót đau hoài cổ:

“Cái thời xe đạp không phanh

Khăn tay, thư giấy mà thành lứa đôi

Mẹ cha biết ý ngủ rồi

Chúng mình nói chuyện đầu hồi trăng suông

Cái thời yêu thật dễ thương.

Rủ nhau xem hội và hôn thật liều”

Tiếc một thời dễ thương, người với người đối xử với nhau bằng tình người đơn sơ mà nồng ấm, giản dị mà bền lâu, nghèo khổ nhưng thật thà,lạc hậu mà trân trọng nhau:

“…Cái thời rét vẫn ngọt ngào

Người ngồi bên bếp nôn nao chuyện trò

Nồi đất bạn với cá kho

(Chợt thèm hương vị tết xưa)

“Đã đành trục trặc là thôi

Còn không muối mặn sánh đôi cay gừng

Thẳng ngay đến mức thẳng thừng

Rạch ròi yêu ghét lưng chừng chẳng ưa

Sòng phẳng chẳng thích dây dưa

Thật thà đến mức câu đùa cũng tin”

(Dạ thưa… xứ Nghệ)

”…Điều hòa mát rượi gối chăn

Chung cư ngột ngạt lại nằm ước ao…

Bờ tre vẫn gió rì rào

Tuổi thơ ngọt lịm múc gàu giếng quê…

(Làng ơi)

và nghĩ về hiện tại, hiện đại, giàu có hơn xưa mà tình người đong đếm tính toan, xa cách lạnh lùng. Buồn cho giới trẻ yêu cuồng sống vội:

“Bây giờ yêu thật là nhanh

Zalo, face book dạo quanh một hồi

Gặp nhau, thích là like thôi

Nhớ thương gửi cái nhẫn cười là xong

Yêu thì thành vợ thành chồng

Không thích nữa thì nhờ ông quan tòa”

(Tự nhiên lại nhớ ngày xưa)

“Một tờ hôn thú rọc đôi

Năm trăm một tháng góp nuôi con mình”

Rồi buồn cho những phong tục tập quán đang dần bị giới trẻ lạnh nhạt, sắp trở thành ký ức một thời:

“Rêu phong này những bức tường

Mái đình lợp ngói âm dương đâu rồi

Nét xưa năm tháng phai phôi

Hội làng chỉ người già ngồi với nhau

Lặng im ghế đá đứng chầu

Vô tâm mà cũng biết đau, huống gì…

Bao người bỏ xứ mà đi

Nhớ ngày giỗ tổ mà về nữa không?’

(Hội làng)

”Đọc trong mắt thấy nỗi buồn

Chỉ người già với mảnh hồn ngày xưa

Quê mình đổi mới từng giờ

Đình hóa lạc lõng chơ vơ giữa chiều”

Rồi ngậm ngùi chiêm cảm:

”Biết là thời đại thế mà

4.0 ấy hóa ra cũng buồn”

(Tự nhiên lại nhớ ngày xưa)

”Có chiếc lá tỉnh cơn mê

Giật mình chợt hỏi lối về là đâu?”

(Đoản khúc đêm)

“Làng ơi! Cơm áo mải mê

Bao giờ buông bỏ mà về làng ơi”

(Làng ơi)

nhưng nhà thơ với tấm lòng bao dung và nhân hậu, tinh thần lạc quan của một nhà giáo không vì thế mà tuyệt vọng. Anh vẫn nhận ra sau những biểu hiện bất thường không ổn của cá nhân thì người quê vẫn là một tập thể đoàn kết, đất làng vẫn là nơi thiêng liêng trong tim người xa xứ và nhà thờ họ vẫn đón con cháu tha hương trở lại xum vầy:

‘Dạ thưa Xứ Nghệ tảo tần

Lối về nơi ấy vẫn gần tim con”

(Dạ thưa… xứ Nghệ)

“Bốn mùa luân chuyển vô thường

Trái tim vẫn khát giọt sương xuân thì

Cổng làng mở cánh từ bi

Đón người hoang hoải thiên di muộn về…”

(Cổng làng)

“Thưa người bao nỗi riêng chung

Tình quê ấm chén rượu mừng hồi hương

Lấm chân qua ngõ mưa phùn

Lòng an yên trước từ đường thâm nghiêm”

(Đoản khúc ngày về)

“Chòng chành mấy cuộc bể dâu

Sợi dây huyết thống gọi nhau tìm về

Dẻo thơm cơm nếp đồng quê

Quyện vào tình nghĩa chở che muôn đời”

Giọng thơ lục bát du dương, ngọt ngào đưa người đọc phiêu cùng tác giả về với cổng làng, mái đình, cây đa bến nước…, về với đất quê sâu nặng nghĩa tình, con người ”chặt to kho mặn đã quen/ tương cà mắm nhút vẫn bền nghĩa nhân” của xứ Nghệ, gợi ta nhớ lại dòng sông quê mình, ngẫm lại tuổi thơ trong veo đi cùng đồng lúa óng vàng và con cá rô đồng quẫy nước… khiến lòng ta tha thiết, da diết nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, làm ta thêm yêu quê, kính tổ. Khi viết ”Làng ơi” tác giả còn rất trẻ, trẻ cả tuổi đời lại trẻ cả tuổi văn nên tác phẩm vẫn còn chút sạn. đó là một số bài lục bát vẫn chưa mượt mà đằm dịu, thi ảnh chưa sâu và mới lạ lắm, câu từ đôi chỗ còn lệ thuộc vần điệu. Nhưng với một tác giả trẻ mà viết được như vậy đã là một sự tiến bộ, cố gắng và khá rồi. Tập thơ “Làng ơi” vẫn còn nhiều dư vị, nhiều khía cạnh nữa mà trong bài viết nhỏ này tôi không thể khám phá, phân tích hết đươc, đang chờ bạn đọc cảm nhận. Mong tập thơ sẽ được người đọc đón nhận, để hiểu thêm về con người và vùng đất xứ Nghệ nói chung và huyện Yên Thành quê hương tác giả nói riêng. Tôi tin nếu tác giả tiết chế được cảm xúc, nghiêm khắc hơn với bản thân trong việc sử dụng câu từ và không ngừng học hỏi anh sẽ tiến xa hơn nữa trên con đường văn nghiệp của mình. Cảm ơn anh đã cho tôi cùng anh trở về tuổi thơ, thêm yêu làng mình khi đọc “Làng ơi”.

 V.T.N

Nga Sơn – Thanh Hóa