Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: Muốn có thơ hay, phải sống thật với chính mình

184

Trong vòng tháng 7.2023, vợ chồng nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã lần lượt rời cõi tạm về chốn vĩnh hằng sum họp với nhau. Từ chiều 30 đến tối 31.7, lễ tưởng niệm và chương trình thơ sẽ diễn ra ở Huế để tôn vinh hai bậc lão thành tài hoa đáng trọng của văn học Việt Nam đương đại. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu lại bài trả lời phỏng vấn của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ với những quan niệm về thơ đáng để chúng ta suy ngẫm.

“Với tôi, thơ là cái đẹp, mãi mãi như vậy. Không thể lấy một bài thơ nào làm tiêu chuẩn chân lý cho thơ. Mỗi thi nhân đích thực đều có sự lấp lánh riêng, không ai giống ai” – nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ chia sẻ về cuộc sống hiện tại và thơ ca…

* Chị quan niệm thế nào về cuộc sống và hạnh phúc?

– Cuộc sống đa dạng, và mỗi người có một quan niệm riêng về nó. Tôi yêu cuộc sống, dẫu số phận mình không được suôn sẻ. Cuộc sống rất đẹp, đẹp trong sự rực rỡ hạnh phúc và cả trong đau khổ, cô đơn. Cuộc sống giàu có cho tôi nhiều cảm xúc trong sáng tạo. Yêu cuộc sống để làm những gì mà mình thấy có thể làm được cho cuộc sống đẹp hơn, đó chính là quan niệm của tôi.

Tôi quan niệm hạnh phúc theo từng giai đoạn: tuổi thơ – tuổi trẻ – và tuổi về chiều. Khi còn bé, hạnh phúc của tôi là được mẹ bế ẵm, mua quà bánh và đồ chơi thật nhiều. Khi đã là người trưởng thành, hạnh phúc của tôi là được cống hiến cho lý tưởng mà mình tâm nguyện, là được các chàng trai để mắt, là soi gương thấy gương mặt mình thật sáng tươi, rạng rỡ, là những bài thơ được bạn đọc xa gần yêu thích, mến mộ…

Còn bây giờ khi tuổi đã về chiều, với hoàn cảnh tương đối khó khăn như tôi hiện nay, chăm sóc người chồng bị liệt gần 8 năm và người mẹ già 83 tuổi (tôi có 2 con gái, các cháu đã vào sống và làm việc ở Sài Gòn) thì hạnh phúc của tôi là có sức khỏe, không đau ốm để còn gánh vác gia đình. Ước mơ đơn giản vậy thôi nhưng cũng không dễ chút nào.

* Người phụ nữ làm thơ, làm vợ và làm mẹ như chị thường phải trăn trở những gì?

– Ngày xưa khi còn rất trẻ, chỉ cần gọi một tiếng là tôi có thể lao vào nơi nguy hiểm, đó là vùng đất rất ác liệt, con đường loang lổ vết đạn bom… Tôi đã sống với những thực tế mà chính nó đã là bài thơ hùng tráng mà không cần phải lao động, sáng tạo nhiều. Còn bây giờ khi đã thành một người vợ, người mẹ, thì tôi không còn sống cho riêng thơ được nữa. Tôi phải phân thân ra thành nhiều con người, và khổ một nỗi là ở vai trò nào mình cũng phải cố hoàn thành cho thật tốt.

Tôi đã cố gắng sống và nhiều khi kiệt sức. Khi trong gia đình có người thân đau ốm không đi lại được, tôi phải gánh vác tất cả mọi chuyện. Thời gian của tôi bị xé vụn ra từng mảng, tôi ít khi được ngồi để suy ngẫm về thơ và về sáng tác thơ. Làm vợ, làm mẹ đã khó mà làm thơ lại càng khó hơn.

Cái khổ của người làm vợ, làm mẹ là cái khổ của thân xác đồng hành cùng hạnh phúc, là cái khổ, niềm hạnh phúc có thể chia sẻ được. Còn cái khổ cũng như hạnh phúc của người làm thơ là mình tự biết mình, không ai chia, không ai gánh, tìm kiếm, trăn trở, dằn vặt không nguôi nên có lúc tôi đã giương cao cờ trắng đầu hàng thơ (bài thơ Lá cờ trắng).

* Vậy chị quan niệm thế nào về thơ?

– Tôi nhớ ngày còn bé, lúc ấy tôi chưa đi học, có một buổi sáng mải chạy đuổi theo con chuồn chuồn đỏ, tôi bị trượt ngã. Khi ngồi dậy, vô tình bàn tay tôi chạm vào ngực mình. Tôi hoảng hốt nhận ra ngực mình có tiếng đập lạ. Tôi chạy nhanh về nhà, đưa tay sờ lên ngực mọi người, rồi lắng nghe. Khi biết chắc trong ngực ai cũng có những tiếng đập như vậy, tôi mới hết lo và thở phào nhẹ nhõm…

Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi biết mình có một trái tim. Tôi đã sống bằng trái tim đó, trái tim lần đầu được biết bằng sự đi tìm cái đẹp, màu đỏ của con chuồn chuồn ngày thơ dại. Và tôi không ngờ rằng, chính con chuồn chuồn ớt ngày ấy là thứ ánh sáng của tín sứ đã dẫn dắt tôi đi vào cõi thơ huyền diệu, lạ lùng…

Với tôi, thơ là cái đẹp, mãi mãi như vậy. Không thể lấy một bài thơ nào làm tiêu chuẩn chân lý cho thơ. Mỗi thi nhân đích thực đều có sự lấp lánh riêng, không ai giống ai. Người có bản lĩnh thơ là người biết chấp nhận sự thách đố của thời gian chứ không chấp nhận sự thách đố nào khác. Đam mê thơ, đam mê cái đẹp là sự thành công một nửa của người làm thơ.

Thơ là cái mới mẻ trong cái bình thường, thấy nó đã khó, mà diễn tả được nó càng khó. Người ta chỉ đạt đến thơ như khi một quả trứng nóng bức tới mức tự nó phải tách vỏ nở ra đời sống – một đời sống sinh động, có hình hài. Nếu vội vã bóc lớp vỏ đi khi chưa đến độ thì sẽ chẳng bao giờ đạt đến thơ mà chỉ có những ngôn từ chết.

Vì vậy, có được một bài thơ hay vô cùng khó. Muốn có thơ hay theo tôi là phải sống thật với chính mình.

Theo Mốt/ Tuổi trẻ 28.3.2006