Nhà thơ Lưu Trọng Lư với tình yêu và mộng đẹp

1847

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong phong trào thơ mới hình thành từ năm 1932, sau Phan Khôi thì Lưu Trọng Lư là nhà thơ tiền phong nổi tiếng. Dù được nhắc đến nhiều ở lĩnh vực thi ca, nhà thơ Lưu Trọng Lư cũng viết văn xuôi và kịch bản sân khấu. Tác phẩm: + Thơ: Tiếng thu (1939), Tỏa sáng đôi bờ (1959), Người con gái sông Gianh (1971), Chị em (1973), Bâng khuâng (1988), Bao la sầu (1989); + Sân khấu: Nữ diễn viên miền Nam (cải lương), Xuân Vỹ Dạ (kịch nói), Anh Trỗi (kịch nói), Hồng Gấm, Tuổi hai mươi tới rồi (kịch thơ, 1973); + Văn xuôi (21 tập) tiêu biểu là: Người sơn nhân (tập truyện ngắn, 1933), Những nét đan thanh (truyện ngắn, 1934), Cô Nguyệt (truyện ngắn, 1937)… Chiến khu Thừa Thiên (truyện vừa, 1952), Mùa thu lớn (tùy bút, hồi ký, 1978), Nửa đêm sực tỉnh (hồi ký, 1989). Bài thơ được phổ nhạc: Tiếng thu (Lê Thương, Phạm Duy…), Một mùa đông (Phạm Đình Chương, Y Vân), Vần thơ sầu rụng (Phạm Duy)… Nhà thơ Lưu Trọng Lư từng là Tổng Thư ký Hội Sân khấu Việt Nam, được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.


Nhà thơ Lưu Trọng Lư.

Những năm đầu thập niên 1930, trên văn đoàn Việt Nam xuất hiện sự kiện văn hóa quan trọng. Sau khi Nhất Linh đi Tây về, những luồng gió mới bắt đầu thổi mạnh trong không gian văn nghệ nước nhà. Tự lực Văn đoàn do nhà văn Nhất Linh (tên thật Nguyễn Tường Tam) cùng tiểu thuyết gia Khái Hưng (Trần Khánh Giư) chủ trương thực sự đã mang đến những thành tự văn học nghệ thuật không thể nào quên. Đó là sự cách tân văn phong cho người viết chữ quốc ngữ, phong trào ánh sáng, khởi xướng phong trào thơ mới được coi là ảnh hưởng từ phương Tây. Dù trước đó đã manh nha hình thức thơ mới lạ từ bài thơ Tình già (1932) của Phan Khôi, dư luận văn nghệ thực sự mới nhận rõ ra phong trào thơ mới xuất hiện chính thức từ khi Tự lực Văn đoàn ra đời (1932) với nhiều nhà thơ nổi tiếng: Thế Lữ (), Xuân Diệu (), Huy Cận (), Chế Lan Viên (),… Trong đó Lưu Trọng Lư được coi là một nhà thơ mới có bản sắc riêng về phong cách.

Thi sĩ Lưu Trọng Lư (1912-1991), người làng Cao Lao Hạ, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông sinh trưởng trong gia đình quan lại Nho học  thuộc mạch thư hương mà bào huynh là nhà thơ Lưu Kỳ Linh. Thuở ấu thơ, học trường tỉnh rồi ra học Quốc học Huế nhưng sau ông đó ông bỏ học. Ra Hà Nội, vốn mang dòng máu thư hương, ông đi dạy tư rồi gia nhập làng văn, làm báo để kiếm sống. Vợ nhà thơ là Tôn nữ Lệ Minh và các con trai nhà thơ sau thời gian đi bộ đội, trở về hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật là: Lưu Trọng Ninh (đạo diễn), Lưu Trọng Văn (nhà báo). Giai nhân tạo nên nguồn thi hứng cho nhà thơ trong tuổi thanh xuân là Điêu khắc gia nổi tiếng Điềm Phùng Thị danh dự có tên trong tự điển Larousse của Pháp.

Bắt đầu sự nghiệp văn chương, Lưu Trọng Lư nổi tiếng với bài thơ Tiếng thu 9 câu, trong đó câu áp cuối bài: “Con nai vàng ngơ ngác” ngày nay gần như đã trở thành một thành ngữ quen thuộc của nhiêu người. Trong không gian bình minh rực rỡ của Tự lực Văn đoàn (1932-1934), Lưu Trọng Lư là một trong những nhà thơ chủ trương và tích cực cổ vũ cho phong trào thơ mới (1932) với hai bài thơ tiêu biểu sau đó: Trên đường đời và Vắng khách thơ. Vừa tích cực viết báo – bài “Một lối thơ mới trình làng chính thức giữa làng thơ” của nhà thơ Phan Khôi và bài thơ Tình già, vừa hăng hái đăng đàn diễn thuyết bênh vực Thơ mới, mạnh mẽ đả kích các nhà thơ cũ rồi thừa thắng xông lên, nhà thơ mở Ngân Sơn tùng thư (1933-1934) tại Huế. Tập thơ Tiếng thu xuất bản năm gây nên tiếng vang trên thi đàn thì năm 1941, Lưu Trọng Lư được nhà phê bình Hoài Thanh và Hoài Chân giới hiệu trong Thi nhân Việt Nam với lời lẽ chân tình ca ngợi. Cách mạng tháng Tám đánh thức văn nghệ sĩ, Lưu Trọng Lư tham gia ngay Văn hóa cứu quốc ở Huế. Trong kháng chiến 9 năm, nhà thơ hồ hởi hoạt động tuyên truyền, văn nghệ ở Bình Trị Thiên và Liên khu IV. Sau khi hòa bình tái lập ở miền Bắc (1954), nhà thơ là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1957), công tác ở Bộ Văn hoá và làm Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

                                                                    ***

Nhà thơ Lưu Trọng Lư là một cây đàn muôn điệu, biểu tượng của chân dung nghệ sĩ đa tài (multi-talented artist) trên văn đàn nước nhà. Dù là một tâm hồn lãng mạn, nhưng vững vàng với lý tưởng nghệ thuật lành mạnh, nhà thơ đã tích cực hoạt động suốt đời cho sự nghiệp văn nghệ dân tộc dưới ánh sáng đường lối văn nghệ cách mạng.

Tứ thơ bàng bạc trong chủ đề, nội dung trước hết ở nhà thơ Lưu Trọng Lư là tình mộng lung linh không gian tình yêu ở những bài thơ trong tập đầu Tiếng thu của nhà thơ đất thần kinh. Dường như chủ thể trong hầu hết những sáng tác nổi tiếng của Lưu Trọng Lư mà người yêu thơ hận ra được là em. Tiếng em quen thuộc gần gũi, tình tứ chan hòa ý nghĩa yêu thương như sợi tơ vàng len lỏi luồn sâu vào tâm hồn bất cứ ai đọc thơ ông. Tiếng  đại từ em ở thơ ông gắn trong thi cảnh nghi vấn khoảnh khắc khả dĩ làm cho đọc giả không khỏi có cảm tưởng mang mang. Cảm tưởng như mình là người trong cuộc đã nói lên nỗi thắc mắc đáng yêu sao mà gũi lạ thường mà của những chủ thể của vườn tình: Em không nghe mùa thu…/ Em không nghe rạo rục…/ Em không nghe rừng thu (Tiếng thu). Phong cách điệp ngữ chữ em tình tứ, với từ ngữ cổ kính: chinh phu, cô phụ và màu sắc mơ màng: mờ, vàng khô, hình tượng ảm đạm thê lương: mùa thu, rừng thu, trăng mờ, lá thu… đan kết nhau qua thể thơ ngũ ngôn truyền thống là biểu tượng của cả một trời tình biển mộng: Em không nghe mùa thu/ Dưới trăng mờ thổn thức/ Em không nghe rạo rực/Hình ảnh kẻ chinh phu/ Trong lòng người cô phụ/ Em không nghe rừng thu/ Là thu kêu xào xạc/ Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô(Tiếng thu). 

Rõ thực, sự thay đổi đúng lúc giữa vần liền (thức – rực; xạc- ngác) và vần ôm (thu – phu; thu – khô) như có ma lực trong âm điệu vốn phải có ở bài thơ đúng nghĩa đã khêu gợi rất mực tiêu tao một cách tinh tế của áng thơ hay vào bậc nhất nền thơ Việt Nam dù có ý kiến trái chiều về xuất xứ bài thơ này (từ nhà thơ Nguyễn Vĩ và nhà thơ Trần Đăng Khoa).

Cũng trong quỹ đạo thi pháp tài hoa ấy, ta triền miên phát hiện không khó những từ: tình, mộng, em, anh, nàng, chàng… trong nhiều bài thơ khác ở tập Tiếng thu của nhà thơ đa tình, mơ mộng đất thần kinh: Đôi mắt em lặng buồn…/ Em ngồi trong song cửa/ Anh đứng dựa tường hoa/ Nhìn nhau mà lệ ứa/ Mỗi ngày một cách xa/ Đây là dải Ngân Hà/ Anh là chim Ô Thước/ Sẽ bắc cầu nguyện ước/ Mỗi đêm một lần qua (Một mùa đông). Trong những bài thơ Giang hồ, người đọc thấy ra tình của tác giả không phải chỉ đóng khung  trong tình yêu nam nữ mà còn là tình cảm trong sáng với  gia đình vợ con ở nhà, một điều mà rất ít nhà thơ nhắc tới: Trông nàng môi nhạt màu son/ Giật mình ta nhớ vợ con ở nhà (Rượu giang hồ). Đó cũng là lòng hiếu thảo thể hiện sự nhớ thương hình ảnh người mẹ hiền của nhà thơ: Mỗi lần nắng mới hắt bên song/ Xao xác gà trưa gáy não nùng/Lòng rượi buồng thời dĩ vãng/ Chập chờn sống lại những ngày không / Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời/ Lúc người còn sống, tôi lên mười / Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội / Á đỏ người đưa trước giậu phơi (Nắng mới).

Thơ Lưu Trọng Lư trong giai đoạn tiền cách mạng hay đi vào chiều sâu nội tâm của con người mà ít khi phản ánh hiện thực. Mãi cho tới năm 1945, tiếng sấm cách mạng tháng Tám mới đánh thức ông nhận đường, nhà thơ đã có những tác phẩm mang hơi thở thời đại sau này như Chiến khu Thừa Thiên (1952), Mùa thu lớn (1978), Nửa đêm sực tỉnh (1989) mới thực sự cho thấy hồn thơ lãng mạn của ông hòa nhập  thực sự vào cộng đồng và  trái tim  nhà thơ đập cùng nhịp đập trái tim  của dân tộc.

Tóm lại về nhà thơ mới Lưu Trọng Lư, ngoài việc bài thơ nổi tiếng Tiếng thu của ông được đưa vào chương tình Ngữ văn phổ thông trung học, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đánh giá ông là một thi sĩ đa tình và mơ mộng. Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng có nhận định: “Ông đi riêng một lối trong cả nền thơ: luôn hướng vào nội tâm, lơ đãng với ngoại giới… Nhưng khi hiện thực đã ngấm vào ông thành tâm trạng, thì ông lại tạo được chất thơ đích thực có sức sống thời gian”. Nhà thơ Hoàng Trung Thông  thì nêu ý kiến về nhà thơ tình xứ Huế Lưu Trọng Lư như sau: “Say mê yêu, say mê viết, say mê mộng, có nghị lực,… là nét đặc trưng quan trọng trong phẩm cách ông”.

N.T