Nhà thơ ‘mất tích’ trong khu cách ly bên kia biên giới

843

Dịch Covid-19 đang là đề tài nóng bỏng nhất. Virus Corona tác động đến cuộc sống và tâm tư của mọi người, mà giới văn chương cũng có những nỗi niềm riêng!

Nhà thơ Phùng Hiệu vừa trải nghiệm 48 giờ cách ly ở biên giới Campuchia. Ảnh: NVCC

Nhà thơ Phùng Hiệu vừa trải qua 48 giờ bị cách ly bên ngoài biên giới Việt Nam. Do công việc chính là thầu xây dựng, nhà thơ Phùng Hiệu sang Phnom Pênh vào chiều thứ sáu ngày 6/3 để ký kết dự án với đối tác.

Xong việc, trưa thứ bảy ông quay về TP.HCM, nhưng vừa đến cửa khẩu Mộc Bài thì bị chặn lại để kiểm tra y tế.

Rất vui vẻ hợp tác, vậy mà, khi nghe thông báo kết quả thân nhiệt của mình 38 độ phải bị cách ly thì thi sĩ ngơ ngác hồn vía lên mây. Trên đường được chở đến khu vực cách ly nằm ở giữa cánh rừng cao su, nhà thơ Phùng Hiệu hoang mang không biết mình đã tiếp xúc với trường hợp lây nhiễm nào.

Cũng may, trong đội ngũ y tế của khu vực cách ly có bác sĩ quân y người Việt, ông liền trình bày mình có tiền sử bệnh cao huyết áp và vẫn thăm khám định kỳ ở Bệnh viện Hoàn Mỹ – TP.HCM. Trong khi chờ xác minh, nhà thơ Phùng Hiệu vẫn sinh hoạt như những đối tượng khác.

Ở biên giới Campuchia, mỗi căn phòng cách ly rộng 4m2, vách gỗ, nóng hầm hập và không có sóng điện thoại lẫn tín hiệu wifi. Ngày ba bữa cơm, và mỗi tiếng đồng hồ một lần đo thân nhiệt. Để đảm bảo người cách ly ngủ đủ giấc, lần đo thân nhiệt cuối cùng trong ngày hôm trước được diễn ra lúc 11 giờ đêm và lần đo thân nhiệt tiếp theo diễn ra lúc 4 giờ sáng hôm sau.

Nhà thơ Phùng Hiệu không sốt, không ho, mà cũng không cách nào liên lạc được với thân nhân. Sau mấy liều thuốc hạ huyết áp, thân nhiệt của thi sĩ trở lại mức bình thường. 9h tối thứ hai, ngày 9/3, nhà thơ Phùng Hiệu được cấp giấy xác nhận của kiểm dịch viên y tế cho nhập cảnh vào Việt Nam.

Nhà thơ Phùng Hiệu thổ lộ: “Hai ngày cách ly, tôi như một người bị mất tích. Đồng nghiệp và gia đình đều không liên lạc được, họ cứ nghĩ tôi đã gặp chuyện bất trắc gì. Khi đặt chân qua tỉnh Tây Ninh, tôi liền gọi điện về nhà, vợ tôi khóc òa: “Em đang định đi báo công an!”. Tuy hơi cực, nhưng trải nghiệm này giúp tôi hiểu rằng chuyện chống dịch phải được thực hiện triệt để và quyết liệt!”.

Tuy nhiên, nhà thơ Phùng Hiệu không phải là người đầu tiên trong giới cầm bút thử cảm giác cách ly. Dịp tết vừa qua, nhân vừa nhận Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM với tiểu thuyết “Buổi chiều đi qua cánh đồng”, nhà văn Cao Chiến rủ vợ đi du lịch Hàng Châu – Trung Quốc. Dù chỉ ở đất khách có 1 ngày rồi vội vã quay về nước, nhưng nhà văn Cao Chiến vẫn chấp nhận cách ly 14 ngày.

Nhà văn Cao Chiến chia sẻ: “Những ngày cách ly, tôi vẫn trò chuyện với bạn bè và thông báo cho họ biết về tình trạng y tế của mình. Tôi ở trong phòng riêng để đọc sách và viết lách suốt 14 ngày với sự lạc quan!”.

Nhà văn Cao Chiến cười rạng rỡ sau 14 ngày cách ly. Ảnh: NVCC.

Nhà văn Cao Chiến cười rạng rỡ sau 14 ngày cách ly. Ảnh: NVCC

Có con gái đang học thạc sĩ bên Ý về thăm nhà tại Quy Nhơn, nhà thơ Mai Thìn đã cùng con làm một cuộc cách ly đúng tinh thần chống dịch Covid-19.

Nhà thơ Mai Thìn miêu tả chi tiết: “Vì ý thức phòng bệnh, nên tôi nhắc cháu luôn thay khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trong suốt quá trình di chuyển. Khi quá cảnh ở Thổ Nhĩ Kỳ, vứt ngay một bộ đồ, về Tân Sơn Nhất cũng thay ngay một bộ khác.

Về đến nhà thì xịt thuốc khử trùng, cho mọi thứ vô bao rồi lên phòng cách ly. Cháu ở một mình trong phòng tầng 3, có phòng vệ sinh riêng. Hàng ngày mẹ cháu (là nhân viên y tế) bưng cơm lên đặt ở trước cửa phòng, cháu tự lấy ăn.

Chén đũa của cháu để ở phòng riêng, không ai đụng vào. Mọi tiếp xúc với chén đũa của cháu đều qua bao tay, và khẩu trang.

Cả nhà chỉ nhìn nhau, nói chuyện với nhau qua ô kính cửa sổ đóng kín. Nhiệm vụ của cháu hàng ngày là làm việc (vì nó còn đang viết luận văn tốt nghiệp), đọc sách, và ngủ. Vì thế nên cũng đỡ buồn.

Mỗi ngày đều cặp nhiệt cho cháu hai lần để báo cho y tế phường. Nhiệt độ, và sức khỏe của cháu rất ổn định.

Tất cả qui trình này, đại diện Ban Phòng chống dịch của phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn và của tỉnh Bình Định đã có hướng dẫn bằng văn bản và trực tiếp kiểm tra nhiều lần.

Tôi cũng đã làm việc với các ngành chức năng, đề nghị cho xét nghiệm để cháu yên tâm, nhưng vì đây chưa là trường hợp phải làm xét nghiệm. Lãnh đạo địa phương cũng đã đến động viên, chia sẻ với gia đình tôi. Những ngày qua, tôi đều không gặp bạn bè, không hội họp, không bắt tay ai là vì vậy!”.

Nhà văn Di Li. Ảnh: NVCC.

Nhà văn Di Li. Ảnh: NVCC

Trong giới văn chương, nhà thơ Di Li nổi tiếng là chuyên gia du lịch khắp thế giới. Đang mùa Covid-19, chị từ bỏ thói quen đi đông đi tây.

Trước thực tế có nhiều trường hợp nhiễm Covid-19 tại Hà Nội, nhà văn Di Li đưa ra quan điểm cá nhân: “Phần đông con người thường hay chuyển hệ một cách quá đáng, bao gồm cả dân Âu Mỹ, đang từ nhơn nhơn không thèm đeo khẩu trang và đi lung tung bỗng đâu sợ ru rú và vơ vét hàng chục bịch giấy vệ sinh về nhà.

Ngay cả trước khi có dịch, tôi đi đâu về cũng rửa tay và cứ ở chỗ đông người, trong ô tô là đeo khẩu trang. Không hẳn vì ngại lây bệnh gì từ ai mà nhỡ đâu ngồi gần thế, mình có lỡ ho sù sụ thì người bên cạnh người ta đỡ kinh. Thêm nữa cũng thiếu gì bệnh lây, đâu chỉ có Covid-19.

Đến nỗi có lần một ông bạn ngoại quốc đi chung xe trở nên cáu kỉnh vì “nếu em mà không bỏ cái khẩu trang ấy ra thì anh không chạy tiếp nữa đâu”, tôi vẫn kiên quyết không.

Vì thế khi có dịch thì tôi chỉ thay đổi thói quen thêm một tí là không tụ tập đàn đúm nơi đông người tạm một thời gian, vậy thôi. Nặng nhọc gì việc đeo cái khẩu trang và tránh tụ tập chỗ đông người đâu.

Tôi xưa nay đều xài khẩu trang vải, dù khẩu trang y tế còn mấy hộp lưu cữu từ nhiều năm, do khẩu trang vải nó ôm sát hơn, nó chỉ hơi hoa hoét thôi. Còn khẩu trang y tế lỏng lắm. Hở trên hở dưới cuối cùng vẫn lọt không khí vào.

Tôi có chục chiếc khẩu trang vải, dùng xong cho vào máy giặt. Nhiều người bảo khẩu trang vải nó vẫn… ngấm. Khổ, virus đến kính hiển vi nhìn mãi mới ra, có phải đổ nước đâu mà ngấm được!”.

Tuy Hòa

(Theo Nông Nghiệp Việt Nam)