Nhà thơ Nguyễn Ma Lôi, phía sau tiếng cười – Phùng Văn Khai

126

(Vanchuongphuongnam.vn) – Không ai nghĩ rằng vị Đại tá công an với bút danh có phần bí ẩn Nguyễn Ma Lôi lại thành công ở những câu chuyện cười nhẹ nhàng nhưng thâm thúy và sâu sắc cũng như thơ của anh, tiếng cười cứ len lỏi, róc rách mà hòa cùng cung bậc đời thường trong cuộc sống.

Đại tá Nguyễn Ma Lôi

Tiếng cười gửi đi những thông điệp hữu ích dù đôi lúc là chua chát, đắng cay. Đúng là cười ra nước mắt. Cười để thấy nhân tình thế thái đôi khi cũng dở khóc dở cười. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Ma Lôi kéo một mạch các tập sách mà chủ yếu là truyện cười: Mẹ chồng nào chẳng thế (1988); Tạ ơn bố vợ (1992); Tiếng cười và cuộc sống (2018); Đêm nay sân nhà tớ sáng hơn (2019) đã cho thấy sức lao động bền bỉ ở một địa hạt văn học nghệ thuật độc đáo không phải dễ thực hiện.

Nguyễn Ma Lôi tên thật là Ngô Hùng Oai. Anh vào ngành công an năm 1983 sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa khóa 23 (1978-1983). Ngay từ khi học đại học Ma Lôi đã bén duyên với văn học nghệ thuật, nhất là thơ ca. Anh sớm có mặt trong nhóm thơ Vòm Cửa Xanh với bút danh Nguyễn Hải Quan cùng các tên tuổi: Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Thành Phong, Lê Quang Sinh, Hà Đức Hạnh… từng một thời mê hoặc sinh viên Bách Khoa đến mức thành giai thoại Văn chương Bách Khoa sử ca Tổng Hợp… khiến người đời không ít phần tấm tắc.

Nguyễn Ma Lôi không chỉ thành thạo làm thơ với giọng điệu giễu nhại tưng tửng nhưng đầy trách nhiệm với những góc khuất, nỗi đau từ cuộc sống, trong cuộc sống: Năm đó, anh ấy còn khá trẻ/ Chỉ độ hai mươi, hai mốt là cùng/ Một người trong xóm dậy sớm thì thấy/ Anh ấy chết ở đầu ngõ cạnh nhà tôi (Anh ấy); Làm người đứng đầu thật chẳng dễ dàng gì/ Khi đất nước vừa thoát khỏi vòng nô lệ/ Nghèo lắm, thực lực chưa có gì đáng kể/ Chỉ có lòng dân sống chết đứng bên người (Thực chẳng dễ dàng gì); To tiếng thế, thì giải quyết được gì/ Anh còn sốc gấp nhiều lần khi nghe tin ấy/ Trời se lạnh, mà lòng như lửa cháy/ Phải hết sức nén kìm, chưa biết phải làm sao (To tiếng để mà chi); Mấy chục năm rồi, chiến tranh lùi xa/ Kẻ thù năm xưa, bây giờ là bạn/ Có ý chí vươn lên, là vượt qua giới hạn/ Để tin tưởng như giờ, thật chẳng dễ dàng đâu (Bạn tốt của muôn người)… đã cho thấy một Nguyễn Ma Lôi luôn nhập cuộc và lo lắng trước biến động thời cuộc.

Không thể nào ngờ, một người đầy tính nghệ sĩ như Nguyễn Ma Lôi lại mấy chục năm trong vai sĩ quan công an nhân dân đến hàm Đại tá rất chỉn chu. Anh trưởng thành từ trợ lý, phó phòng, trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật Bộ Công an. Đồng đội, đồng nghiệp rất quý trọng Nguyễn Ma Lôi ở đức tính khiêm tốn, giản dị và chừng mực. Ma Lôi biết rất nhiều nhưng đôi lúc tỏ như mình không biết. Đó cũng là vỉa tầng và bản chất của người ưa thích đào sâu nghiên cứu văn hóa lịch sử, nhất là địa hạt cổ văn, văn học chữ Hán, chữ Nôm. Nguyễn Ma Lôi đặc biệt ưa thích nghiên cứu thơ Đường. Trong một câu thơ rất nổi tiếng của Trần Nhân Tông: Bạch đầu quân sĩ tại/ Vãng vãng thuyết Nguyên Phong mà một nhà sử học nhất quyết cho rằng đó là tuyệt bút thì với sự nghiên cứu sâu của mình, Nguyễn Ma Lôi đã chỉ ra rằng ý thơ này đã từng có trong thơ Đường. Đó là câu: Liêu lạc cố hành cung/ Cung hoa tịch mịch hồng/ Bạch đầu cung nữ tại/ Nhàn tọa thuyết Huyền Tông tương truyền là của Nguyên Chẩn. Đương nhiên, điển ý, điển tích trong thơ, nhiều người đời sau có thể dùng, song cũng cần chú thích để người đọc hiểu rõ tránh nhầm lẫn và qua đó có nhận định khiêm tốn hơn, đúng với chất lượng của câu thơ hơn.

Lại nói truyện cười của Nguyễn Ma Lôi, trong Chẳng nơi nào bán cả như sau: “Hai người bạn gái tâm sự với nhau:

– Thật hú hồn! Luống cuống, vội vàng thế nào, tay ấy lại mặc nhầm quần lót của tớ. Đương nhiên, tớ đành phải lấy cái quần đùi của hắn để mặc. Nhanh trí, té nước theo mưa, tớ lấy luôn quần áo của chồng đang treo trên mắc, mặc trùm ra ngoài. Vừa cho hắn trèo qua cửa sổ chuồn ra đằng sau xong, tớ ra cổng, thì đúng lúc tay chồng gõ cổng chờ ở bên ngoài. Chàng ta về sau mười ngày đi công tác.

– Nhìn cậu mặc như vậy, thái độ của tay chồng ra sao?

– Hắn trợn mắt ngạc nhiên. Tớ giải thích rằng, vì nhớ chồng, nên tự nhiên tớ thích mặc đồ đàn ông. Bước đầu tớ đã mua sắm, kết hợp với việc lấy quần áo của chồng để mặc.

– Khi nào thì tay chồng phát hiện ra cái quần đùi kia?

– Đương nhiên rồi hắn cũng phát hiện. Hắn lật đi lại rồi băn khoăn hỏi: Cái đồ này hình như là đồ cũ. Rất nhanh trí, tớ bèn trả lời: Thì đây là đồ ở quần áo cũ mà. Nhớ anh em mới đem về”.

Đại khái truyện cười Nguyễn Ma Lôi là như thế.

Không phải anh chế giễu hay thù địch gì với thiên hạ. Cái chính yếu là Nguyễn Ma Lôi muốn chỉ ra những xộc xệch từ nhận thức tới hành vi khá lố bịch, đôi khi là không thể hiểu nổi của một bộ phận không nhỏ người trong xã hội. Đó còn là sự ích kỷ, nhỏ nhen, hợm hĩnh, phách lối, luôn coi mình là nhất, luôn áp đặt người khác… thì anh chĩa tiếng cười vào khu vực đó. Nguyễn Ma Lôi đã mạnh mẽ tuyên chiến với cái xấu cái ác bằng thứ vũ khí đặc sắc của anh.

Trách nhiệm công dân trong tiếng cười Nguyễn Ma Lôi trước hết là trách nhiệm với chính bản thân mình, gia đình mình, xã hội mình đang sống. Trách nhiệm đó đã góp vào sắc áo công an nhân dân, đội ngũ những người cầm bút, sáng tạo văn học nghệ thuật của lực lượng công an thêm phong phú, dày dặn.

Nguyễn Ma Lôi là người ưa ngẫm ngợi. Lắm lúc tôi thấy anh đắc chí tự cười một mình. Thực ra là ngài đang xét nét chữ nghĩa thiên hạ sai sẩm cứ đập vào mắt ngài khiến một người mê chữ như Nguyễn Ma Lôi không thể nào chịu được. Khi xem chương trình truyền hình của lực lượng công an, Nguyễn Ma Lôi thấy những hạt sạn lồ lộ trên màn hình, người khác có thể hoàn toàn bỏ qua, nhất là với ngành mình, nhưng Nguyễn Ma Lôi đã trực tiếp đến gặp người biên tập chương trình đó, cả cấp phụ trách cao hơn để thẳng thắn góp ý giúp chương trình chuẩn xác hơn. Anh chị em làm chương trình đã rất xúc động trước sự đóng góp chân thành của người anh đi trước. Đại loại những chuyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như thế thường xuyên diễn ra với Nguyễn Ma Lôi.

Bản thân tôi hiện nay, mọi tiểu thuyết lịch sử viết ra, Nguyễn Ma Lôi đều là người đọc bản cuối cùng. Anh có cách đọc rất kỳ lạ để tránh bỏ sót những lỗi không đáng có mà người viết lúc hăng say đã bỏ qua. Trong thống kê 35 trận đánh lớn nhỏ của các tiểu thuyết lịch sử: Phùng Vương; Ngô Vương; Nam Đế Vạn Xuân; Triệu Vương phục quốc; Lý Đào Lang Vương; Lý Phật Tử định quốc; Trưng Nữ Vương. Nguyễn Ma Lôi đã dày công đếm chiến thuyền, đếm voi ngựa, đếm kỵ binh, đếm tượng binh, xem đầu vào đầu ra ra sao? Đánh trận thế quái nào dẫn đi ba nghìn kỵ mã chiến giáp chết già một nửa lúc trở về quân doanh vẫn còn hơn hai nghìn. Ma Lôi điên tiết bảo: “Ông viết thế người ta cười cho. Rồi người đời lại bảo nhà văn không biết cộng trừ thương vong trước, sau trận đánh”. Rồi đến đoạn dẫn chiến thuyến đi thì là ngược sông hay xuôi dòng? Tiến ra biển hay xuôi về biển? Trở lại hay thoái lui, kéo tới hay dẫn tới…? Nhiều khi người viết cứ tràn đi chứ thực ra từ Long Biên ra cửa Thần Phù trên sông Hồng phải là xuôi dòng mới đúng khoa học và thực tiễn. Nguyễn Ma Lôi dường như biết cả phong thủy. Những vùng đất ở Cổ Loa quê anh đều rất thuộc còn cung cấp cho tôi những chi tiết về cổ sử của thành ốc Cổ Loa khá đặc sắc.

Nguyễn Ma Lôi là như vậy. Anh vừa là người anh, người bạn, người biên tập, người phu chữ kéo cày cho thiên hạ, người nhặt sạn mấy nghìn trang tiểu thuyết của tôi một cách cam tâm tình nguyện, đầy phấn khởi cũng là một sự lạ lùng. Anh không những chăm chỉ góp sức vào từng trang văn cho đồng đội, bạn bè, mà anh còn chuyên tâm sáng tác từng mẩu truyện, trong đó có những mẩu truyện cười thâm thúy và sâu sắc để tặng cuộc sống, tặng bạn đọc trên các trang báo hôm nay.

Đại tá công an nhân dân Nguyễn Ma Lôi là con người tưởng như nhiều khác biệt nhưng đều là những khác biệt để bổ sung cho những thiếu khuyết của anh em, đồng đội. Anh khác biệt, khác lạ cũng là một câu chuyện thường tình. Cơ mà càng gần gũi lâu với anh, càng thấy con người này không phải cố tình làm ra những khác lạ trong văn chương nghệ thuật. Những đóng góp của Nguyễn Ma Lôi, dù khiêm tốn, giản dị đều là những thanh âm hữu ích trong cuộc sống.

P.V.K