Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh tỏa ‘Nắng dậy thì’ vào phương Nam

110

MC – nhà thơ Trần Mai Hường giới thiệu về tác giả của tập thơ, giọng đầy cảm xúc: “Với Nguyễn Ngọc Hạnh, nỗi buồn hóa thạch, cất tiếng thành thơ. Điều này không chỉ ở lời bộc bạch mà thể hiện trong cả tập thơ này. Bài thơ Chạm cốc mình tôi mở đầu cho nỗi buồn bơ vơ đơn độc ấy: “Rót đêm vào cốc rượu này/ Biết đâu trời đất cũng say như mình“. Một lời tự sự đau xé đến tận cùng với bi kịch của kiếp người: “Rót vào tôi chén rượu tràn/Xin nâng ly với hàm oan đời này/ Mê lầm một kiếp ai hay/ Rót vào đêm chuốc lấy ngày chẳng yên“. “Một đời lụy với câu thơ/ Còn bao nhiêu chuyến/ bao giờ, đò ơi“, (Lụy). Câu thơ này cũng là câu hỏi mà Nguyễn Ngọc Hạnh đặt ra để tự hỏi mình. “Bao nhiêu chuyến” nữa thì chưa biết, chỉ biết rằng xuân Giáp Thìn này, ông chở Nắng dậy thì vào Sài Gòn với bạn bè thân hữu trong tiết trời thanh xuân đầy nắng ấm”.

Thật vậy. Đọc Nắng dậy thì, độc giả cảm nhận được nỗi buồn xa quê trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh thắm đượm cả không gian và thời gian; lan rộng từ cái làng nhỏ bên con sông Vu Gia êm đềm với một tuổi thơ lất lay phố chợ, dạt trôi giữa dòng đời. Nhiều bài thơ về thời trai trẻ của ông đã lay động tâm tư bạn đọc: “Ai chẳng có một thời trai trẻ/Thời chỉ yêu ai, đâu dám yêu mình/Khi tóc bạc mới thương ngày thơ bé/Để bây giờ yêu muộn thuở còn xanh (Muộn)”.

Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương và nhà thơ Nguyên Hùng lần lượt lên sân khấu chia sẻ về những kỷ niệm với nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. “Những ngày kẹt Covid -19 ở Mỹ tôi lên mạng tình cờ gặp anh và cơ duyên của hai anh em đã cho ca khúc Bến mê ra đời. Tuy nhiên, để cho sự… mê gái của anh Hạnh giống tôi không bị lộ nên khi dựng vidéo, tôi đưa cùng lúc 10 cô gái cùng xuất hiện”, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương tiết lộ.

Buổi ra mắt sách của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh kéo dài trong những cảm xúc giữa thơ và nhạc, giữa hiện tại với sự hoài niệm và tình bạn, tình thơ Quảng Nam, Đà Nẵng với TP.HCM luyến lưu, sâu nặng.

Nói về tác phẩm mới, như lời nhận xét của nhà thơ Triệu Kim Loan: “Mạch nguồn cảm xúc trong Nắng dậy thì của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh thiên về hoài niệm để phơi buồn, níu giữ, khát khao đến cháy bỏng về tình yêu lứa đôi. Từng lát cắt của thời gian được nhà thơ trải lòng. Đó là những buổi chiều chan đầy nỗi đau, buồn tủi về những va vấp, trắc trở của tình đời, tình yêu. Trong sự trống vắng, nỗi nhớ được đẩy lên, chạm khắc vào bầu trời “vàng vọt dỗi hờn im ắng”, thả nỗi cô đơn vào một ngày biển lặng”.

Theo Lê Công Sơn/ Báo Thanh Niên