Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: Tôi nói chuyện được với nỗi buồn của tôi

804

Một ngày Sài Gòn đầy gió, từ ban công nhìn xuống dòng người hối hả, Phong Việt bảo rốt cuộc sau bao thăng trầm bôn ba, sau một quãng đời nhiều trải nghiệm, nhất là những ngày dịch bệnh càn quét, Nguyễn Phong Việt của ngày hôm nay và có lẽ mai sau sẽ chọn chữ “vui” mà sống.

Năm vừa qua, nhà thơ Nguyễn Phong Việt đã gửi đến bạn đọc của mình hai đầu sách: tập tản văn Chúng ta sống có vui không? và tập thơ thứ chín xuất bản định kỳ vào dịp Giáng sinh – Bao nhiêu thương nhớ cho vừa. Hai tập sách của anh đều phát hành với số lượng bản in đáng mơ ước giữa thời kỳ mà dường như câu chữ thơ văn luôn hạn hẹp thị trường. Song song đó, Nguyễn Phong Việt còn ngồi vào vị trí giám khảo của cuộc thi SV 2020 do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức. Năng lượng tích cực của anh không chỉ truyền qua câu chữ hay trang sách mà hiện hữu bằng những lời tâm tình với thế hệ trẻ – thế hệ mà như anh nói, chỉ vài năm nữa sẽ làm chủ tương lai.

Thấu hiểu, bình tĩnh sau những hành trình

* Phóng viên: Anh cảm nhận thế nào về sinh viên thời này so với thế hệ của anh? Anh truyền đi thông điệp gì khi ngồi vị trí giám khảo SV 2020? 

– Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: Việc tôi trở thành thành viên Ban giám khảo Bảng đấu miền Nam của SV 2020 là một cơ duyên. Được làm việc cùng các anh chị gạo cội như MC Lại Văn Sâm, diễn viên Xuân Bắc, diễn viên Hồng Ánh là một trải nghiệm mà mình không thể bỏ qua trong đời. Ở vị trí giám khảo, tôi cảm nhận khác biệt lớn nhất của sinh viên thế hệ tôi và sinh viên thế hệ hôm nay chính là cách tư duy chủ động, tự tin cũng như cách các bạn phá bỏ những rào cản về nhận thức, sáng tạo trong khuôn phép… càng lúc càng nhiều và rất quyết liệt để từ đó tạo ra bất ngờ, kịch tính, sự độc đáo trong các phần thi trên sân khấu SV 2020, bao gồm cả tiết mục dàn dựng trước lẫn tình huống trực tiếp.


Với Nguyễn Phong Việt, một ngày vui bây giờ thật đơn giản: buổi sáng thức dậy trò chuyện cùng con.

Đến với SV 2020, điều tốt nhất tôi có thể chia sẻ từ góc độ của một người làm báo và làm công việc sáng tạo là thúc đẩy nhiều hơn sự cởi mở của các bạn trong những vấn đề các bạn đối diện. Không quan trọng là đúng hay sai mà quan trọng là cách các bạn dấn thân, vì các bạn còn trẻ, còn có thể sai và từ cái sai chúng ta mới hoàn thiện dần để tìm ra những điều đúng đắn nhất. Theo cách nào đó, tôi mong mình tiếp thêm được một chút lửa cho tuổi 20 đầy nhiệt huyết của các bạn ấy.

* Đó có phải là thứ lửa anh đã tích lũy từ hành trình đi qua nhiều biến cố của bản thân? 

– Khi đối diện với quá nhiều biến cố, mọi người sẽ bắt đầu bình tĩnh. Khi bình tĩnh, họ càng thấu hiểu giá trị nào phù hợp nhất với họ, từ đó họ sẽ đưa ra được những kế hoạch hợp lý nhất với bản thân. Những ước mơ, tham vọng, mục tiêu cũng được kéo gần lại trong cuộc đời của họ. Ngày xưa, có thể họ vạch mục tiêu một năm, ba năm, năm năm nữa mình sẽ đạt được điều gì đó. Thay vì thế, bây giờ tất cả mọi thứ sẽ trở nên ngắn hạn, thời gian trong kế hoạch họ thực hiện cũng ngắn lại.

* Dễ dàng cảm nhận được một Nguyễn Phong Việt đang bắt đầu hành trình mới. Phải chăng đây là hành trình trở về? 

– Quãng thời gian trước, những điều tôi nói và viết hướng ngoại nhiều. Năm vừa rồi, với Chúng ta sống có vui không? và Bao nhiêu thương nhớ cho vừa, tôi đã đủ trải nghiệm và nhận thức để quay lại viết về những điều thuộc giá trị bên trong mình. Không quá sớm cũng không phải muộn, đây là thời điểm thích hợp để mình bắt đầu hiểu rằng những giá trị của cuộc đời này sẽ do chính mình vun đắp. Những cuốn sách của tôi giống như một sự đồng cảm, chia sẻ để đưa độc giả đến quyết định đúng đắn hơn. Trong thời điểm năm 2020 và cả năm nay, tôi cho rằng những giá trị bên trong con người sẽ được ưu tiên nhiều hơn so với những giá trị khác. Ở thời điểm khác, những giá trị này có thể ở vị trí thứ yếu, thấp hơn nhưng vào thời điểm này, nó là quan trọng nhất.


Nhà thơ Nguyễn Phong Việt (giữa) cùng ê-kíp SV 2020.

May mắn có những độc giả chờ đợi

* Cho đến cuốn sách thứ chín này, điều gì khiến anh luôn say mê chia sẻ những câu chuyện? 

– Thứ nhất, thật may mắn khi có những độc giả vẫn chờ đợi cuốn sách của tôi vào dịp Giáng sinh. Họ vẫn ở đó dù chín năm đã trôi qua. Đó là động lực rất lớn. Khi bạn là một tác giả, bạn viết nhưng không tìm thấy sự mong chờ, không tìm thấy sự kỳ vọng từ độc giả thì điều đó sẽ rất mệt mỏi và tệ.

Thứ hai, tôi nghĩ đó là món quà từ sự lao động bền bỉ của mình. Tôi đi từng bước một, với từng cuốn một. Cho đến hôm nay, khi ngoảnh lại nhìn, rõ ràng từng bước đi đó là một dấu ấn, là cột mốc. Khi nhìn lại, ta sẽ thấy chỉ cần chăm chỉ, cần mẫn thì một ngày nào đó mình sẽ có được di sản nho nhỏ cho quãng đời mà mình đã sống và trải nghiệm.

* Có vẻ như mọi sự không chỉ là may mắn? 

– Nhận thức của tôi về câu chuyện sáng tác gần với thực tế. Nó không quá lãng mạn cũng không quá bay bổng mà gần với hiện thực của một sản phẩm dành cho khách hàng là độc giả. Sách của tôi có được sự nhận diện về mặt thương hiệu đủ để giúp cho cuốn sách dù thế nào vẫn ghi được dấu ấn rõ nét trong lòng độc giả. Có lẽ trước giờ ở Việt Nam chưa có tác giả nào ra được loạt sách mà chín bìa sách cùng một ý tưởng. Tôi cũng nghĩ chưa có nhà thơ nào định hình được họ trong chín năm – chín mùa Giáng sinh mà mỗi mùa đều có một cuốn sách. Tất cả điều đó không phải là câu chuyện tôi đã tính toán chi tiết mà đó là việc tôi định hình bản thân trong thời điểm, trong cột mốc. Tôi biết rằng mình phải đưa vào đó giá trị thực sự mang lại sự đồng cảm cho người đọc. Sự thành công, lan tỏa của cuốn sách là kết quả tất yếu của cả quá trình đó.


Mỗi tập thơ được Nguyễn Phong Việt xem như món quà từ sự lao động bền bỉ của bản thân.

* Phải chăng đó là bản sắc của một thương hiệu? 

– Bản chất người sáng tạo như con tằm nhả tơ. Mình biết được rằng không phải lúc nào mình cũng có được những sợi tơ óng ánh, chắc bền… hoàn hảo. Nhưng nếu cứ cố gắng thì trong quãng đời mình sống, mình trải nghiệm và sáng tác, sẽ luôn luôn có được những sợi tơ tinh túy của cuộc đời. Còn viết thì sẽ còn viết dở nhưng còn viết thì một lúc nào đó, cái hay sẽ xuất hiện. Tôi tin vào điều này. Không phải tất cả những gì Nguyễn Phong Việt viết ra cũng đều hay.

* Với một hành trình viết và tạo dựng dấu ấn của riêng mình, bây giờ nhìn lại, cảm xúc của anh như thế nào?

– Tôi thực sự vui. Trước khi bước qua sinh nhật tuổi 40, chưa bao giờ tôi cảm nhận được rằng đây mới là quãng thời gian tôi muốn sống nhất, đây mới chính là lúc tôi hiểu được phần lớn những gì xảy ra trong cuộc đời. Không phải quãng 40 năm trước đó tôi không vui mà là lúc đó tôi mất quá nhiều thời gian cho những phiền muộn vụn vặt, những mối quan hệ không cần thiết trong cuộc sống. Bước qua được chặng đó tôi mới nhận thấy rằng bây giờ mình hiểu được, thấu cảm và phân tích được cái nào đúng cái nào sai, cái nào hợp hay không hợp với mình, mình nên lựa chọn và từ bỏ cái gì…

Tất cả điều đó làm cho chất lượng cuộc sống tốt hơn rất nhiều. Ông bà ta hay nói “vui buồn tại tâm”. Ngày xưa, tôi nghĩ câu đó có vẻ dễ, ai cũng làm được, vậy mà sau này tôi mới nhận ra câu đó cực kỳ khó.

* Ở tuổi 40, Nguyễn Phong Việt bây giờ khác với thời Sinh ra để cô đơn ra sao?

– Ngày xưa, khi viết cuốn Sinh ra để cô đơn, tôi đã nhận thức được một phần. Hôm nay, nhận thức của tôi rõ ràng hơn. Cuốn Sinh ra để cô đơn tôi viết năm 2014. Lúc đó, tôi đã tự đặt câu hỏi cho bản thân: “Có phải nỗi cô đơn đó là một phần bản năng trong con người và mình phải chấp nhận nó, sống chung với nó, điều hướng nó thay vì đắm chìm, quẫy đạp, day dứt, phiền muộn trong nó? Tới thời điểm này, tôi thấy đó là sự tất yếu của con người tôi. Tôi chấp nhận nó vốn dĩ là như vậy, thậm chí tôi nói chuyện được với nỗi buồn của tôi. Đó là lúc tôi nhận ra mình cần quý trọng những giá trị của hạnh phúc, niềm vui, sự tích cực.

* Có vẻ càng ngày nỗi buồn trong thơ của anh càng nhẹ đi?

– Bây giờ, trong thơ của tôi, đằng sau những nỗi buồn, mọi người sẽ tìm thấy sự lạc quan tích cực. So với ngày trước, ở Đi qua thương nhớ, mọi người bị ám ảnh, day dứt, vật vã với nó nhiều quá. Đây là lúc mọi người đọc về nỗi buồn, thấy và nhận diện nó nhưng phải đi qua nó để tích cực hơn vì cuộc đời mình còn rất nhiều thứ đáng giá hơn để sống và tận hưởng. Thật ra nỗi cô đơn hay sự cô độc của con người là một gia vị không thể thiếu; cũng như vị cay, mặn, đắng, chát trong ẩm thực. Nếu tôi không có nỗi cô đơn, sự lẻ loi đó, chắc chắn không thể viết được.

Sẽ là quãng nghỉ cho ngày gặp lại

* Một ngày vui của Nguyễn Phong Việt sẽ như thế nào? 

– Một ngày vui của tôi bây giờ đơn giản lắm. Buổi sáng thức dậy, tôi nói chuyện với con trai. Tôi thường hỏi “tối qua con ngủ có ngon không?”. Với tôi, câu trả lời “hôm qua con ngủ rất ngon, con ngủ thẳng giấc” là một niềm vui. Thực tế chúng ta đều có 24 tiếng cho một ngày, 28 đến 31 ngày cho một tháng, 365 ngày cho một năm. Dù vui hay buồn cũng là một ngày, một tuần… và một cuộc đời. Niềm vui đôi khi giản đơn, tự mình tìm thấy mà thôi!

* Trong năm 2021 này, sứ mệnh viết của Nguyễn Phong Việt sẽ ra sao?

– Trong năm 2021, tôi có thêm một tập thơ thiếu nhi song ngữ, nối tiếp tập thơ trước đó mọi người đã từng biết là Xin chào những buổi sáng. Tập thơ mới này có tựa Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ.

Tiếp đến, vào Giáng sinh 2021, tôi sẽ phát hành tập thơ thứ mười. Đó sẽ là tập thơ cuối cùng để chốt lại chuỗi hành trình Đi qua thương nhớ mà tôi đã bắt đầu từ năm 2012. Sau hành trình đó, tôi sẽ có một khoảng lặng. Tôi nghỉ khoảng 2 – 3 năm rồi mới quay lại với thơ. Đó là một quãng nghỉ cần thiết với bản thân giúp tôi tái tạo năng lượng, thu nạp thêm kiến thức, trải nghiệm để khi tôi quay lại với thơ sẽ mang theo điều gì đó mới mẻ cho độc giả. Với độc giả, tôi cho rằng đó cũng là sự thú vị sau những chờ đợi. Để rồi một ngày, giống như hai người bạn lâu năm gặp lại, chúng tôi sẽ có nhiều câu chuyện hơn để kể với nhau.

* Sau hành trình thơ mười năm ấy, Nguyễn Phong Việt mong ước nhất điều gì?

– Mong ước lớn lao nhất của tôi là sẽ ra một book-set mười tập thơ. Tôi sẽ làm đẹp nhất có thể. Ví dụ như làm bản đặc biệt giới hạn 500 hoặc 1.000 bản in và chỉ làm một lần trong đời. Đó như một món quà tặng bản thân sau hành trình mười năm và cũng là quà tặng dành cho độc giả yêu quý tôi, đã trưởng thành cùng tôi, đã đi qua tất cả những vui buồn với tôi trong mười năm
vừa qua.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. 

Theo Đồng Bằng/PNO