Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: ‘Dù lỡ đề cử giải Nobel, chúng ta vẫn có một tín hiệu đáng mừng’

551

“Viện Hàn lâm Thụy Điển chỉ gửi thư mời khi họ có những thông tin tích cực về nền văn học của một quốc gia. Cũng bởi vậy, cho dù năm nay lá thư đến muộn, hoặc chúng ta chưa có các nhà văn nào tham dự giải Nobel thì đây cũng là một tín hiệu đáng mừng” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Theo thông tin trên trang Vanvn.vn, Cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam, vừa qua, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nhận được thư của Hội đồng Nobel thuộc Viện Hàn lâm Thụy Điển đề nghị ông đề cử tác giả Việt Nam để xét Giải thưởng Nobel văn chương năm 2022.

Đây là lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam nhận được thư mời đề cử ứng viên tham dự xét giải từ Hội đồng Nobel. Tuy nhiên, khi thư đến tay nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, thời hạn gửi đề cử đã qua hơn 2 tuần. Cũng bởi vậy, Việt Nam hụt cơ hội đề cử tác phẩm tranh giải.


Giải Nobel Văn học là một trong sáu giải thưởng của nhóm Giải Nobel – một trong những giải thưởng danh giá nhất trên thế giới.

PV đã có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhằm rộng đường dư luận:

* Thưa ông, cảm xúc của ông như thế nào khi bất ngờ nhận được lá thư gửi đích danh Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từ Chủ tịch Viện Hàn lâm Thụy Điển?

– Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng Nobel của Viện Hàn lâm Thụy Điển gửi thư tới Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Trong bức thư được gửi từ Stockholm (Thụy Điển), ông Anders Olsson, Chủ tịch Viện Hàn lâm Thụy Điển viết rất trân trọng:

“Kính gửi Ngài Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Thay mặt cho Viện Hàn lâm Thụy Điển, chúng tôi vinh dự mời ngài đề cử một ứng viên Việt Nam tham dự xét Giải Nobel văn chương năm 2022. Chúng tôi mong muốn nhận được bản tường trình về lý do đề cử ứng viên, mặc dù không nhất thiết phải có. Khi xem xét các ứng viên, đề nghị ngài hãy quan tâm tới các vấn đề về thể loại, giới và địa lý…”.

Theo những thông tin tôi ghi nhận được, Viện Hàn lâm Thụy Điển chỉ gửi thư mời khi họ có những thông tin tích cực về nền văn học của một quốc gia. Cũng bởi vậy, cho dù năm nay lá thư đến muộn, hoặc chúng ta chưa có các nhà văn nào tham dự giải Nobel, đây cũng là một tín hiệu vô cùng đáng mừng vào dịp đầu năm mới.

Trong những năm trở lại đây, các nhà văn Việt Nam đã xuất hiện trên nhiều diễn đàn văn học quốc tế. Những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Mai Văn Phấn, Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Tư… đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và nhận được những giải thưởng uy tín của các nước cũng như khu vực.

Mới đây, vào ngày 9/1, khi tham gia Lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi và trao giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có phát biểu bày tỏ hi vọng một ngày Việt Nam sẽ có giải Nobel trong lĩnh vực văn chương. Giải thưởng Nobel sẽ là dấu mốc khẳng định sức ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn học Việt Nam trên thế giới, cũng như tác động tới nhiều khía cạnh trong phát triển của văn học, nghệ thuật và các lĩnh vực khác trong xã hội.


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. 

* Với cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông sẽ làm gì để chúng ta có thể chủ động hơn với giải thưởng này và không bỏ lỡ cơ hội đề cử tác phẩm trong các năm tiếp theo?

– Trước mắt, tôi sẽ soạn thảo một bức thư trả lời tới Viện Hàn lâm Thụy Điển, trong đó gửi lời cảm ơn họ về bức thư mời tham dự giải Nobel, cũng như khẳng định rằng người Việt Nam trân trọng và đón chờ giải thưởng này như thế nào.

Tuy bức thư gửi cá nhân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng tôi cũng sẽ đem vấn đề đề này ra bàn bạc trong Ban chấp hành, và đặt những câu hỏi thảo luận tới các nhà phê bình, nhà báo, độc giả. Thí dụ như, để chọn ra 5 gương mặt tham dự giải Nobel, chúng ta sẽ chọn ai?

Thật ra, từ năm ngoái, trong ấn phẩm “Viết và đọc” của Hội Nhà văn Việt Nam, chúng tôi cũng đã có một diễn đàn về việc “Tại sao nhà văn Việt Nam chưa có tầm vóc thế giới?”. Khoảng trống nào mà nhà văn Việt Nam cần phải lấp đầy để tiến xa hơn? Sắp tới, có lẽ chúng tôi sẽ trao đổi kỹ lưỡng hơn nữa.

* Có thể thấy, không ít nhà văn thuộc khu vực châu Á đã từng nhận giải thưởng Nobel như Kawabata Yasunari, Kenzaburo Ōe (Nhật Bản), Mạc Ngôn (Trung Quốc)… Khi so sánh với các tác phẩm của họ, ông cho rằng, văn chương Việt Nam đã có những tác phẩm tiệm cận hoặc gần gũi với tiêu chí của giải thưởng Nobel hay không?

– Câu hỏi này làm tôi nhớ tới một câu chuyện xa xưa, khi nhà thơ Tế Hanh chưa qua đời. Trong một cuộc gặp gỡ, tôi có hỏi ông rằng: “Thưa bác, nếu bác được chọn nhà văn Việt Nam tham dự giải Nobel, thì bác sẽ chọn ai?”, ông trả lời rằng: “Chỉ có một người, đó là nhà văn Nam Cao”. Tôi cho rằng, nhận xét của nhà thơ Tế Hanh khi ấy là hoàn toàn có cơ sở.

Cũng phải nói thêm rằng, chúng ta lâu nay thường hay tự ti, cho rằng một số lĩnh vực của mình chỉ ở mức độ này, mức độ kia, không thể so với thế giới. Quả thực, so với các nền văn học lớn, chúng ta vẫn cần phấn đấu. Nhưng so với các nền văn chương trong khu vực, ví dụ như Hàn Quốc (nơi có những ứng cử viên Nobel lâu nay), hay thậm chí là Nhật Bản, tôi cho rằng chúng ta cũng có những tác giả mà nếu đầu tư, họ hoàn toàn có cơ hội tỏa sáng.

Đầu tư ở đây là việc chính tác giả đó phải dấn thân trong sự viết, phải trau đồi, thông tuệ trong hệ tư tưởng, thoát qua khỏi một số hạn chế nhất định trong nền văn học. Thứ nữa, chúng ta cần dịch nhiều hơn các tác phẩm của những tác giả Việt Nam ra thị trường sách quốc tế.

Đó chính là con đường giúp giới chuyên môn và độc giả nước ngoài có thể đón nhận tác phẩm một cách chính xác nhất. Thực tế cho thấy, không ít tác phẩm được thế giới đánh giá cao, sau đó mới được ghi nhận bởi các chuyên gia và độc giả trong nước.

* Việc văn hóa đọc phần nào xuống cấp có ảnh hưởng tới phong trào viết văn cũng như sự đầu tư cho văn chương tại Việt Nam hiện nay không, thưa ông?

– Tất nhiên là có. Ở một người viết có đầy đủ các tố chất như khả năng sáng tác, kiến văn, sự hiểu biết, thông tuệ, nhưng với những tác động xã hội khác nhau, anh ta có thể thăng hoa lên, hoặc thụt lùi. Đây là một thực tế vô cùng dễ hiểu.

Chúng ta đều thấy văn hóa đọc tại Việt Nam đang ở mức báo động. Năm ngoái, tôi đi dự hội chợ sách của Cuba, một đất nước khó khăn hơn chúng ta rất nhiều lần về kinh tế, họ thiếu cả xăng, thậm chí nước uống. Đồng chí đại sứ Cuba khi tiếp đón chúng tôi nói rằng: “Đây là thời kỳ khó khăn nhất của cách mạng Cuba”.

Thế nhưng, họ tổ chức một hội chợ sách vô cùng khác biệt so với chúng ta. Người dân Cuba đến với hội chợ sách cũng khác biệt, họ háo hức, say mê kiếm tìm những tác phẩm hay, kiếm tìm một nguồn hứng khởi trong đời sống đầy khắc nghiệt như thế.

Sự thờ ơ, xa vời với văn chương tại Việt Nam không chỉ xảy ra với bạn đọc thông thường, mà của chính những người thuộc các cơ quan quản lý về văn hóa, không ít bộ phận đang coi văn chương như một thứ phù phiếm. Phải đưa sách vào những nhu cầu hàng ngày, thậm chí như một nghi lễ trong các giá trị tinh thần thường nhật, chúng ta mới tạo ra những thay đổi lớn.

Công chúng vẫn quan tâm tới giải Nobel văn chương, chính tỏ sâu thẳm trong họ vẫn rất coi trọng lĩnh vực này, nhưng những nhu cầu hưởng thụ khác trong đời sống xã hội đang phần nào lấn át.

* Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Theo Khánh Yến/Dân Việt