(Vanchuongphuongnam.vn) – Đôi khi làm những cuộc viễn trình ruổi rong mấy ngả thương hồ văn chương đồng bằng, chợt đọc những vần thơ rặc miệt vườn, chưa bàn đến nội dung tư tưởng hay bút pháp nghệ thuật chi đó sâu xa, trước hết sợi dây giao cảm vô hình cũng đã vô tình được nối kết, để người đồng bưng khề khà chung rượu tương giao.
Thơ, dĩ nhiên là một hệ thống lý luận, không thể chỉ bằng vài rung động cá nhân có thể đánh giá khách quan. Song, cũng không thể phủ nhận có những vần thơ dễ đi vào và nằm sâu trong lòng người nhờ cảm tính hơn lý tính, nhờ “đồng thinh tương ứng” hơn phân tích chi ly.
Thế nên, không lấy làm lạ khi Nguyễn Trung Nguyên – người nghệ sĩ Cần Thơ, với thi tập Chút lãng mạn đồng bằng (Nxb Hội Nhà văn) đã bắt nhịp cùng tôi trong trạng thái nói trên. Tôi gọi Nguyễn Trung Nguyên là nghệ sĩ thay vì nhà thơ, bởi anh không chỉ sáng tác văn thơ mà còn cả âm nhạc và vọng cổ, thể loại nào cũng tài hoa và gặt hái được nhiều thành tích đáng nể.
Có hai điều tôi đặc biệt quan tâm ở tập thơ nầy, mạn phép tự đặt tên là mảng “chút vui” và mảng “chút buồn”. Song, vui hay buồn lại không mang nghĩa đơn thuần vốn có của từ ngữ. Có cái vui tinh nghịch, cái vui trầm lắng, có cái buồn xa xăm, cái buồn bỡn cợt, vui buồn đan cài vào nhau tinh tế trong cả tập thơ và trong từng bài thơ riêng lẻ. Nó làm độc giả không khỏi thích thú trước những tâm tư mà người nghệ sĩ Cần Thơ đã gửi gắm.“Dựa lưng vào tháp / Ngửa mặt nhìn trời / Một ngàn năm trước / Vẫn là mây trôi” (Dựa lưng vào tháp). Có một cảm giác ung dung tự tại hồ như áng mây vừa trôi bềnh bồng trên tóc người du sĩ. Vậy thì nó đang tĩnh hay động? Hỏi làm gì, Bùi Giáng chẳng phải đã dặn đó sao: “Thưa rằng nói nữa là sai / Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào”. Thôi thì khoan vội vàng phân tích sâu xa, hãy đọc và để thơ chảy vào lòng mình một cách tự nhiên, ta thử bước vào “mùa xuân” trong thơ ca Nguyễn Trung Nguyên xem sao!
Ở mảng “chút vui” điều dễ thấy đầu tiên là nhà thơ có óc khôi hài và rất duyên. Đọc Bài hành tuổi bốn mươi, đến đoạn viết về cái giận của người vợ khi chọn phải ông chồng nghệ sĩ: “Vợ đôi khi buồn ngồi nhắc / Ngày xưa – giá mà ngày xưa / Ta biết rằng nàng giận lắm / Tơ ông lão ấy cột bừa”, thì người đọc khó có thể giận hay buồn mà chỉ biết mỉm cười khúc khích trước sự dí dỏm của “đức ông chồng” kia. Những tưởng đã biết tiếc nuối vì uổng phí bốn mươi năm thơ phú lôi thôi thì sẽ biết “quay đầu là bờ”, nhưng thực tế thi sĩ lại vừa giả định vừa khẳng định: “Kiếp sau trời cho chọn lựa / Chắc cũng y như kiếp rồi”.
Nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên
Vừa rời phòng phẫu thuật mắt, thơ vẫn có thể tuôn ra, mà lại là thơ trêu chọc bác sĩ đã phẫu thuật cho mình. Trêu chọc người hóa ra mình cũng chung hoàn cảnh, kiểu nầy thì dù mệt mỏi với công việc đến đâu, người bác sĩ kia cũng không thể không phì cười:
“Anh mổ mắt giỏi – mổ trái tim đàn bà dở ẹc
Nên giờ đây cơm bụi một mình
Cái tật của tôi là chúa ăn nói linh tinh
Nên từ nhỏ đã là người chiến bại
Bài thơ đầu đời tặng cô bạn gái
Chẳng biết đọc hay chưa mà vội vã theo chồng”
(Thơ viết từ phòng mổ)
Không chỉ có cái vui tếu táo đó, ta còn gặp cái vui hào sảng đậm đà phong vị ruộng đồng sông nước. Không hồ hởi, vội vàng, bất chợt, đó là cái vui ý vị, nhẹ nhàng mà sảng khoái, tự tin. Niềm vui ấy dường như có mặt mọi lúc trong đời sống người nông dân. Họ lam lũ mà vẫn vui, bởi không màng danh lợi, không chấp hơn thua, chỉ mình với chiếc xuồng con thong dong sóng nước:
“Chiều nay ra đứng nhìn mây nước
Lũ vẫn mênh mông cuối tháng Mười
Dang tay đưa lưới xuôi dòng nước
Chợt muốn cười khà một tiếng chơi”
(Kéo lưới trên đồng)
Cái “cười khà” rất “đã” mà không phải ai cũng có được, bởi còn đó ngoài kia nhân thế tranh đua. Hạ một câu kết bất ngờ để “lật ngửa ván bài” cả ba câu trên, đó là tài của Nguyễn Trung Nguyên, người đọc sẽ bắt gặp nhiều lần trong tập thơ.
Thế nhưng, đâu phải chỉ có vui. Tác giả đã thổ lộ: “Người đồng bằng hạnh phúc cũng nhiêu khê”, nên trong tập thơ cũng có rất nhiều tác phẩm khiến người đọc xót xa, trăn trở. Ở mảng “chút buồn”, không thể bỏ qua những bài thơ viết về sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ năm 2007, trên chính mảnh đất mà tác giả đang sống. Thơ rất bình dị, nhưng có lẽ đủ độ “thấm” cho người đọc:
“Có đứa bé lên ba, tiếng bập bẹ chưa tròn
Chẳng biết vì sao mẹ mình khóc ngất
Hồi tối cha chơi trò cút bắt
Đã nghỉ từ lâu sao mãi chưa về?”
(Nỗi đau trên nhịp cầu thế kỷ)
Tác giả đã khéo léo dẫn dắt trước, thay vì đề cập thẳng đến sự việc. Và cũng hạnh phúc thay, sau vần thơ đớn đau kia còn biết bao niềm động viên lớn, đó là những: “Bác lái đò tải thương, cô sinh viên hiến máu / Xin nhận hết những tấm lòng thơm thảo / Nhịp cầu vô hình nối những bàn tay”. Thật đẹp tình người, tình đất Cửu Long!
Bằng một mẩu chuyện nhỏ bình thường giữa một ngày mưa nơi xứ người phồn hoa, có người đàn ông đã rơi nước mắt thật khi nghĩ đến vợ con mình và mái nhà mưa dột. Không tô vẽ nhưng người đọc cũng không thể không tin rằng đây là cảm xúc rất thật của tác giả:
“Mưa Sài Gòn chợt nhớ con ta
Nhắc cha mưa dột ướt mái nhà
Sài Gòn bụi bặm mờ con mắt
Mưa chưa rơi mà nước mắt ra”
(Mưa Sài Gòn)
Hay như người anh trai vốn là nông dân ít chữ nghĩa, vậy mà: “Có dăm con cá bự / Đem về biếu cha già / Cọc cạch xe đạp cũ / Nắng cháy đường xa xa”, làm tác giả nghẹn lòng. Bởi, nhìn lại mình: “Ta mòn tay thơ phú / Nắng không tới lưng trần / Về thăm cha tay trắng / Nhìn anh mà rưng rưng” (Về nhà xưa uống rượu).
Chút buồn của Nguyễn Trung Nguyên, dù dụng công hay không, tác giả vẫn không thể (hay không muốn) son phấn cho nó. Nó vẫn mãi là chút buồn chơn chất của người đồng bưng, buồn thì nói là buồn, nói thẳng, nói thật, không vòng vo, không hoa mỹ – như nhà thơ Vũ Hồng từng viết: “say thì say trọn, buồn thì buồn sâu”. Có ngôn từ, hình ảnh, thủ pháp nào đặc biệt đâu ở đoạn thơ nầy: “Cha mẹ sinh ra trai ruộng – gái đồng / Con sinh ra lại xa đồng – xa ruộng / Quãng đường cách xa thật ra chẳng mấy / Vậy mà biết bao lâu chưa về” (Điều muốn nói với con). Vậy mà người đồng bằng đọc lên ai không khỏi xót xa?
Thơ của Nguyễn Trung Nguyên thiên về thuật sự, lại là thuật sự một cách rất thật tình. Đây là ưu điểm, nhưng cũng có khi là hạn chế. Bởi, điều đó có thể dẫn đến thơ nghiêng về tâm tình quá tự nhiên, kể lể lấn át dụng công nghệ thuật, sự thiếu tiết chế cần thiết có thể làm cho thơ mất đi ít nhiều tính hàm súc. Song, vẫn không thể phủ nhận sự tinh tế trong lối kể, cách dùng từ của tác giả. Và cuối cùng, dẫu buồn hay vui Nguyễn Trung Nguyên vẫn là nhà thơ, vẫn ý thức trách nhiệm trước ngòi bút. Vì là “người trong cuộc” nên trước ai hết, người làm thơ hiểu rằng:
“Đôi khi ngôn ngữ thành bất lực
Trước sự vô tâm đến lạnh lùng”
(Bạn cho chữ)
May mắn là dù ý thức được sự bất lực đó, người làm thơ vẫn tin tưởng với thơ – với đời bằng cách nhìn lạc quan, làm ta loáng thoáng thấy đâu đó hình ảnh những ẩn sĩ “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ” (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Xin mượn một khổ thơ trong Bài hành tuổi năm mươi (xem như một “tuyên ngôn thơ” của Nguyễn Trung Nguyên mà tôi cũng rất thích) để làm cái kết cho bài cảm nhận này:
“Cao sang không bằng họ
Thanh thản ai bằng ta
Ý trời xưa nay định
Cứ trồng sẽ ra hoa”.
Vĩnh Thông