Nhà thơ Nguyệt Phạm: Thơ đến từ những giấc mơ

805

Việt Quỳnh

Tập thơ “Phơi riêng tư” (Nxb Hội Nhà văn) tác phẩm mới của nhà thơ Nguyệt Phạm vừa ra mắt bạn đọc. Tập thơ nhỏ xinh gồm 50 bài dịu dàng đầy tính nữ cùng những chắt lọc ngôn từ đầy hình ảnh cảm xúc gợi mở, chia thành bốn phần, là những sáng tác mới nhất của tác giả.

Nhà thơ Nguyệt Phạm

“Giây phút này em ước tự mình có thể lật bàn tay mình lại
Dù nặng nề và vụng về như trẻ nhỏ tập cầm chiếc ly nhựa
Thế cũng đủ reo ca bằng vạn lần khám phá những cung đường
Đừng nói về vạn dặm mờ trong mây
Giây phút này em chỉ ước tự mình có thể đi hết con hẻm nhỏ trước nhà”…
(Tập đi. Tr 95. Phơi riêng tư)

Đam mê lớn trong Nguyệt Phạm là được đi khắp nơi và trải nghiệm mọi nền văn hóa sống của các vùng miền trong và ngoài nước. Nhưng thật không may, Nguyệt Phạm bị tai nạn ngay trên cung đường du lịch, vì vậy, chị phải tạm ngừng tất cả các hành trình cũng như hạn chế việc viết để tập trung vào việc điều trị. Vượt qua tất cả, vẫn là đam mê với viết và thơ. Những bài báo về văn hóa nghệ thuật của chị được đăng tải đều đặn trên các báo…

Làm thế nào mà một nữ nhà thơ đầy mộng mơ chỉ thích “dịch chuyển”, lại có thể vượt qua được việc nằm một chỗ với nửa người bị liệt, hiện đang dần tập đi lại từng bước dù còn chưa vững, và còn ra mắt “Phơi riêng tư” sau hơn 10 năm không xuất hiện trên văn đàn?

– Bao nhiêu năm qua tôi có vẻ im lìm với thơ nhưng thật sự vẫn giữ thói quen viết, tuy rất chậm. Tôi có tật xấu (hay nói ích kỷ cũng đúng) là viết xong chỉ muốn giữ và tận hưởng bài thơ đó một mình ít muốn chia sẻ với ai. Một phần ngại chia sẻ, phần khác tôi không tìm ra lý do phải xuất bản một tập thơ cũng như công bố những bài thơ đã viết.

Gần đây tôi có gặp một người bạn trên Facebook và người đó cho tôi một lí do thuyết phục. Anh nói rằng, tôi đã viết ra những bài thơ đó thì tôi phải cho nó sống đời sống riêng của nó, tôi có quyền gì mà giam giữ nó. Câu nói đó làm tôi suy nghĩ.

Thêm nữa, con trai tôi luôn nhắc nhở tôi in thơ trong những ngày tôi nằm liệt giường. Chính sự háo hức của con khiến cho tôi đủ dũng khí xuất hiện trở lại sau hơn 10 năm. Khi biết tôi có ý định xuất bản tập thơ, bạn bè và các anh chị trong giới rất ủng hộ và hứa giúp đỡ trong các công tác in ấn và phát hành nếu tôi cần.

Với “Phơi riêng tư”, tôi ví như mình đang phơi trần những điều tâm tư giấu kín ra dưới ánh sáng mặt trời. Ở đó, bạn đọc sẽ thấy một tôi thê thảm, một tôi tổn thương, một tôi ngông nghênh, một tôi đơn phương, một tôi đằm thắm, một tôi ham mê, một tôi con trẻ, một tôi rối rắm… Trong khoảng 10 năm qua tôi viết trong những lúc yêu đời, những khi thất vọng nhưng hầu hết chúng được khởi sự từ một giấc mơ đôi khi mơ hồ lắm khi rất thực của tôi.

Giấc mơ ấy có gắn bó gì với việc ham mê “đi” – khám phá các cảnh quan văn hóa trên mọi vùng miền đất nước và thế giới của chị?
– Tôi thích đi trên những con đường lạ, nhìn ngắm những điều mình chưa bao giờ thấy. Tôi cảm thấy hào hứng vô cùng khi ngủ ở một nơi xa lạ, nghe mưa ở một vùng mới đến, ngửi mùi khói hay ngắm hoàng hôn trên những thửa ruộng không phải quê mình… tôi đều thấy nó đặc biệt. Khi đi đến những vùng miền, đất nước khác, tôi thấy thế giới thật kỳ lạ và mới mẻ với biết bao lề thói, phong tục thú vị.

Và, sau cùng những điều đó trở thành ký ức đẹp của tôi. Những lúc rảnh rỗi tôi thường lục lọi trong trí nhớ mình và tái tận hưởng nó… Vì lý do đó mà tôi ưa đi đây đi đó trong điều kiện và thời gian cho phép của mình.

Vì sao việc “đi” lại thu hút chị đến thế? Liệu sự không tĩnh này có làm ảnh hưởng đến việc sáng tác?
– Ngoài công việc và gia đình chiếm hết 90% thời gian của tôi thì 10% còn lại tôi thích trồng hoa, may vá thêu thùa linh tinh, tôi thích lên mạng học làm cái này cái kia, sửa cái này thành cái nọ, thích đọc sách, xem phim, ăn ngon, mặc đẹp. Dĩ nhiên shopping và du lịch cũng rất hấp dẫn tôi, tuy không phải là tín đồ shopping nhưng lắm lúc tôi dễ sa ngã trước đồ đẹp. Tôi nghĩ 90% phụ nữ đều thế. Còn đi, đi là chuyển động để nhìn ngắm những điều mới mẻ, để mình tươi mới hơn, nhưng ở một tầng nào đó thì đi chính là thời gian để tôi “tĩnh” lại. Hàng ngày, hàng tuần mình xoay như chong chóng với công việc báo chí, mỗi ngày cần phải cố gắng hoàn thành công việc cho kịp tiến độ, có những khi cảm giác cả cơ thể căng cứng, thở cũng chẳng ra hồn. Tôi cần những khoảng thời gian không trách nhiệm, công việc, sống thả lỏng hoàn toàn, những ngày chẳng cần phải cố gắng và chẳng có ai làm phiền mình. Trên đường cùng vài người bạn thân lâu năm hiểu ý, tôi cảm thấy nhẹ nhõm và không lo nghĩ. Sống cạnh nhau thật mơ mộng, thật viển vông, thậm chí, tôi có thể làm những chuyện hơi điên rồ với nhau rồi phá lên cười. Đôi khi, chúng tôi như những cô học trò mới lớn nghịch ngợm khôn tả. Sau những chuyến đi như vậy tôi cảm thấy ắp đầy năng lượng. Thỉnh thoảng trên đường đi tới, “bắt” được những ý tứ lạ và tôi nuôi nấng nó cho tới khi thành hình dáng.

Là một người ưa đi, nhưng chị lại bị tai nạn trên đường đi du lịch, chị khi ấy cảm thấy như thế nào?
– Đó là một điều không may mà tôi gặp phải, đó cũng là thử thách mà cuộc sống dành cho mình dù thử thách này có hơi quá tay một chút. Thỉnh thoảng tôi tự nhắc mình phải luôn bình tĩnh đón nhận và đi qua những điều không may.

Ba năm qua, chị đã trải qua những gì khi phải nằm một chỗ, thay vì nuôi dưỡng giấc mơ “đi”, thì điều cần nhất là phục hồi vận động và sức khỏe?
– Hai năm đầu thật sự rất kinh khủng đối với tôi, tôi mất vận động hoàn toàn nửa thân người. Thời gian đầu, mỗi ngày tôi thức dậy, tôi tự hỏi mình sẽ làm gì cho hết một ngày dài đây. Ngay cả việc ngồi dậy tôi còn không thể thì còn mơ mộng gì nữa. Mọi thứ của tôi ưu tiên cho tập luyện để phục hồi cử động. Tôi vẫn nuôi dưỡng giấc mơ đi nhưng không phải là đi du lịch mà là bước từng bước vững vàng trong căn nhà của mình, tôi mơ được đi lại nhẹ nhàng như một người bình thường. Hiện tại, tôi vẫn tập mỗi ngày.

Chị đã vượt qua những khó khăn từ tinh thần đến thể chất ấy bằng cách nào?
– Tôi luôn tin vào điều tôi tin. Tôi chỉ có chừng đó để làm hành trang mà thôi. Ngày bác sĩ nói rằng tôi bị tổn thương ở vùng nào sâu, không can thiệp được và phải tập luyện thời gian tính bằng năm, khả năng phục hồi cũng không cao. Người nhà tôi khóc rất nhiều nhưng tôi không khóc vì tôi tin dù có lâu thì tôi vẫn phải vượt qua. Khóc lóc mất tinh thần cũng đâu thể giải quyết được gì. Trước tôi có thời gian viết kịch bản phim truyền hình, tôi học được một điều: Đừng nhìn trước đoạn đường sẽ đi bởi mình sẽ thấy nó xa, có cảm tưởng như mình chẳng bao giờ đi tới nơi. Cứ nhìn mỗi bước chân mình, chí thú bước thì mình sẽ tới.

Việc “tĩnh tại” nằm ngoài mong muốn này có làm thay đổi suy nghĩ của chị không? Và thay đổi ra sao?
– Có trải qua thời gian này tôi mới biết rằng cuộc sống không phải lúc nào mình cũng có thể làm chủ được việc của mình và có những việc không phải lúc nào cũng lý giải được. Biết được điều đó, bản thân tôi bớt chủ quan nghĩ rằng điều gì mình cũng có thể làm được.

Chị vẫn “giao lưu” với mọi người qua Facebook và các bài báo chị viết?
– May mắn tôi có người thân và bạn bè thương quý, thời gian đầu nằm nhà vẫn thường xuyên có bạn bè ghé qua trò chuyện. Về sau có thể bước vài bước thì bạn bè cuối tuần đến đưa tôi ra ngoài để thay đổi không khí. Hiện tôi đi còn yếu nhưng những chỗ vừa sức với mình tôi vẫn đi để có cảm giác mình bận rộn. Tôi thích mặc đồ đẹp, sửa soạn tươm tất và ra ngoài giao lưu với thế giới xung quanh, để đỡ cảm giác mình là người bệnh. Facebook cũng là một kênh để tôi liên lạc và cập nhật tin tức. Ngoài ra, thỉnh thoảng tôi viết báo và mơ mộng, bạn bè, người thân thấy tên tôi trên báo họ xúc động và phần nào yên tâm.

Nhưng chị vẫn từng nói, khi khỏe, chị vẫn sẽ tiếp tục “đi chơi”, khám phá các vùng miền trên các cung đường?
– Nhiều bạn bè lo tôi ở nhà cuồng chân nhưng tôi không có cảm giác đó. Hiện giờ thì sức khỏe không cho phép và tôi cũng chưa có nhu cầu đi, nhưng khi nào khỏe và muốn thì tôi sẽ đi và đi sao để phù hợp với mình.

Cảm ơn chị, chúc chị sớm đi từng bước vững chắc trên đôi chân mình và tập thơ “Phơi riêng tư” nhận được nhiều sự đồng cảm từ bạn đọc!

Nhà thơ Nguyệt Phạm (tên thật là Phạm Thị Ngọc Nguyệt, sinh năm 1982 tại Đồng Nai), tốt nghiệp khoa Ngữ văn, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, từng được giải Thơ Bút mới của báo Tuổi Trẻ.

Tác phẩm: “Mắt giấy” (Nxb Thanh Niên, 2008)

(Theo Đại Đoàn Kết)