Nhà thơ Nhật Chiêu trò chuyện về thơ Tô Thùy Yên

604
(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngày 24-4, vào lúc 09h-11h30 tại Salon Văn hóa Cà Phê Thứ Bảy (79A Phan Kế Bính, P. Đa Kao, Q.1), nhà thơ Nhật Chiêu có buổi nói chuyện với chủ đề “Thơ Tô Thùy Yên, để mà thương nhớ thơ”.

Tô Thùy Yên là nhà thơ lớn mà sự nghiệp thơ ca đa dạng thể, dạn dầy sự sống của ông sẽ được nhắc nhở hoài vì những thi cảm ấy đi với con người dù con người thường đi trong gió loạn.

Sinh năm 1938 tại Gò Vấp – Gia Định, lớn lên như một người Sài Gòn, trở thành sinh viên Đại học Văn Khoa, từng đi dạy học, vào quân đội… từng chủ biên tạp chí Thế kỷ 20, góp mặt trong nhóm Sáng Tạo.

Viết thơ trước năm 1975 nhưng chỉ phổ biến trên báo chí. Mãi khi sang Mỹ mới in thơ thành tập: Thơ Tuyển (1995), Thắp tạ (2005).

Tô Thùy Yên qua đời vào năm 2019, năm ông 81 tuổi tại Houston.

“Thơ còn – con người còn” đó là niềm tin của Tô Thùy Yên.

Con người thở và mơ. Thở trong khí quyển và mơ trong thi quyển. Thơ vui cùng người và đau cùng người.

“Thơ là hình loại văn nghệ đầu tiên của con người, khi con người không có gì cả trong tay, và thơ chắc chắc cũng là loại văn nghệ cuối cùng của con người khi con người chẳng còn gì cả trong tay. Thơ sẽ còn hiển hiện tồn tại rạng rỡ với con người, nếu mà con người còn ngôn ngữ, còn tấm lòng, còn ký ức, còn là con người trong cái ý niệm cực kỳ cao cả đầu tiên và cuối cùng của mình” (Tô Thùy Yên, 1997).

Thơ như sương khói (Yên) nhưng mãi nhớ thương người.
Đọc Tô Thùy Yên để mà thương nhớ thơ.

(Nhật Chiêu)

 

Nhớ Tô Thùy Yên 

                  Tự bao giờ anh đã biến thành hoa cỏ
                 Tô Thùy Yên

Đãng tử đi đãng tử đi
âm thầm vang động
thao thức đê mê

Đãng tử đi đãng tử đi
mầm xanh cỏ mọc
xuân thì càn khôn

(Nhật Chiêu)