Nhà thơ Phạm Trung Tín với “Đường chân trời” nỗi bể dâu

756

Xuân Trường       

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi đã đọc qua năm tác phẩm của anh từ Dặm dài ký ức, Miền tâm tưởng, Lời của đá, Khoảng thức đến Bên bờ tỉnh say rồi hôm nay lại được đọc Đường chân trời. Ở tập thơ này anh đã thoát ra và vượt lên trong cách sử dụng ngôn từ, làm tăng vẻ đẹp câu thơ và giá trị thẩm mỹ của sự mới lạ, tinh tế mà rất riêng của anh.

Nhà thơ Phạm Trung Tín

1. Phạm Trung Tín là ai?

Phạm Trung Tín là ai mà lang thang nơi đường chân trời để rồi gặp bể dâu gập ghềnh thân phận đời mình mà chắc lọc ra những câu thơ gan ruột làm xao lòng người đọc như thế này: Ngộ ra ta bạn ngày xưa/ Hai hạt bụi cõng nắng mưa thành người/ Diễn viên sân khấu khóc cười/ Được thua còn mất vời vời áo cơm/ Nhập thế một cuộc thiệt hơn/ Bon chen cũng thể dỗi hờn phận nhau/ Đường chân trời nỗi bể dâu/ Chỉ thơ lưu giữ nỗi đau của đời…

Anh chính là Phạm Trung Tín, anh “Bộ Đội cụ Hồ”, là người lính xa nhà đi khắp sơn khê, chân quen đá sỏi triền đê thác ghềnh, mỗi bước anh đi có tiếng gọi non sông thôi thúc, có hình bóng mẹ già mong ngóng quê xa, ba lô hành quân của anh luôn chật nức tiếng gà, tiếng chim, lời ru của mẹ, hình ảnh cô láng giềng, thấp thoáng sân quê vàng hoa cải, những sớm chiều bảng lảng khói đốt đồng. Tất cả những hoài niệm ấy đã làm cho thơ anh man mát ngày về: “Chân con lang bạt mọi miền/ Ba lô chật ních nỗi riêng quê nhà/… Hòa bình con lại dừng chân/ Xa xôi đất khách một lần ly hương/ Đêm đêm trở giấc phố phường/ Câu thơ phấp phỏng cố hương ruột rà” (trong bài Bình yên bên mẹ).

Thật ra thì câu nào cũng khiến tôi ngất ngưỡng nhưng không thể trích hết được. Ở trên đời này có những cái cứ mở mắt ra là ta nhìn thấy nó nhưng ta không tiếp cận được, một trong những thứ đấy là đường chân trời, hễ ta đi tới thì nó đi lui, mà ta đi lùi thì nó đi tới, có nghĩa là có nhưng lại không, thực nhưng mà hư, nhưng tại sao Phạm Trung Tín lại vận vào đây với có có không không thành cuộc đời này. Phải chăng Phạm Trung Tín đã vượt qua hành trình sáu mươi tư năm gần như một đời người, anh đã gặp buồn nhiều hơn vui, mất nhiều hơn được, rủi nhiều hơn may, thiệt nhiều hơn hơn, có những ước mơ tuy bình thường nhưng vẫn chưa về đến thực, những bôn ba, những lo toan luôn luôn đeo bám bước chân anh?

Đúng vậy, anh sinh năm 1956 tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng, thế hệ của anh, tất cả đã dấn thân vào cuộc chiến tranh vệ quốc. Anh ra đi để lại một mẹ già, một người em bênh tật, gia đình neo đơn: “…Lưng xanh cõng nắng triền đê/ Khói đồng cay mắt bốn bề mẹ tôi / Lớn lên con thoát ly rồi/ Tin xa mẹ lại đứng ngồi chẳng yên”… và rồi “…Hôm nay về lại quê nhà/ Sà vào lòng mẹ con đà tóc sương/ Mà nghe thơ ấu lạ thường/ Đâu đây giây phút thiên đường đời con”. Khác với đường chân trời luôn hiện mà không hữu trước mắt ta, những nỗi đau lại luôn rình rập ám hại ta mà ta chẳng bao giờ thấy được nó, khi nó đã chạm vào ta thì sự việc đã rồi. Phạm Trung Tín đã vấp phải nỗi đau này, ấy là khi anh bị mất người vợ thân yêu của mình: “Ngang qua nhà cũ chạnh lòng/ Buồn vui ngang trái long đong cuộc người/ Ngày em đang độ xanh tươi/ Bỗng dưng gãy thắt giữa trời xuân xanh / Con mình chưa được trưởng thành/ Như hai chim sáo lạc cành cội xưa/ Anh giờ cũng mỏi nắng mưa/ Mười tám năm vẫn như vừa hôm qua” (trong bài Ngang qua nhà cũ).

Thơ Phạm Trung Tín giàu trải nghiệm. Do vậy mà phong phú về đề tài và cách thể hiện. Nếu Trương Nam Hương, thấu cảm đến tận cùng tâm trạng của Thúy Vân: “Nghĩ thương lời chị dặn dò/ Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh/ Chị yêu lệ chảy đã đành/ Chứ em nước mắt đâu dành chàng Kim” (trong bài Tâm sự nàng Thúy Vân), thì Phạm Trung Tín lại cảm thông sâu sắc với cuộc đời bất hạnh của Thúy Kiều: “… Buộc lòng trăng gió vào ta/ Cho trọn chữ hiếu cho qua thăng trầm/ Tóc còn thơm nét cài trâm/ Mà như bạc trắng mấy lần tâm can/ Giang hồ tài tử trâm anh/ Gặp rồi chỉ để mai thành nỗi đau…” (Trong bài Kiều). Thơ anh đã có cái nhìn xuyên lịch sử lấy xưa mà dặn lại người nay rất khéo léo: “…Kiếm cung vượt hết sá gì/ Thời bình gặp án Lệ Chi bỏ đời/ Hết lòng giữ đạo Vua tôi/ Để rồi uất hận đầu rơi oan hồn/ Ba họ là sáu trăm người/ Chết chưa kịp sống máu tươi ngai vàng…/ Gớm ghê cổ luật một thời/ Bây giờ đời mới còn người hàm oan?” (trong bài Nguyễn Trãi).

2 . Ngôn ngữ nghệ thuật trong thơ Phạm Trung tín

Tôi đã đọc qua năm tác phẩm của anh từ Dặm dài ký ức, Miền tâm tưởng, Lời của đá, Khoảng thức đến Bên bờ tỉnh say rồi hôm nay lại được đọc Đường chân trời. Ở tập thơ này anh đã thoát ra và vượt lên trong cách sử dụng ngôn từ, làm tăng vẻ đẹp câu thơ và giá trị thẩm mỹ của sự mới lạ, tinh tế mà rất riêng của anh. Những cụm từ: Trở giấc phố phường, Nắng từ hôn mây, Gùi đầy nắng gió… đã tạo nên những hình tượng mới lạ rất riêng của Phạm Trung Tín.

Tôi rất hứng thú với những cặp lục bát của anh như: “Ngộ ra ta bạn ngày xưa/ Hai hạt bụi cõng nắng mưa mà thành”, hoặc là: “Đêm đêm trở giấc phố phường/ Câu thơ phấp phỏng cố hương ruột rà”, hay là: “Hôm nay trời đất vô tư/ Chiều trong đến nỗi nắng từ hôn mây”… Lục bát là thể thơ vững chãi, chặt chẽ, khuôn phép cố định, không thể thay đổi. Người ta đã từng làm đủ cách để đổi mới thơ Lục bát kể cả sự chia cắt phá phách cái ổn định trật tự câu chữ của nó, nhưng cái không thể thay đổi của nó là khi đọc lên phải rõ cái nhịp điệu câu sáu trên câu tám dưới, vần rõ ràng, theo đúng qui tắc thanh luật: Nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh.

Vậy theo tôi muốn hiện đại thơ lục bát chỉ còn cách làm mới ngôn ngữ nghệ thuật. Tôi tâm đắc với những cặp lục bát của Nguyễn Bính, Trúc Thông, Bùi Giáng, Huy Cận, Thâm Tâm, Phạm Xuân Trường, Đồng Đức Bốn, Nguyễn Thanh Mừng, Nguyễn Duy, Trương Nam Hương, Trần Lê Khánh, Nguyễn Trần Khải Duy… và Phạm Trung Tín: “Rượu Cần thịt nướng một đôi/ Giờ đây phố thị mồ côi núi rừng”.

Xin cảm ơn các tác giả đã làm mới thơ lục bát có thể nói là nơi lưu giữ tâm hồn dân tộc, nói như cụ Phạm Quỳnh: Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn. Mặc dù, đây là câu nói của cụ Phạm trong phong trào vinh danh Truyện Kiều của Pháp nhằm làm dịu các phong trào đấu tranh của nhân dân ta, nhưng rồi các phong trào đấu tranh chống Pháp lại mạnh hơn, Pháp đã thua. Xin quý vị chia sẻ nơi đây tấm lòng của Phạm Trung Tín.

X.T