Nhà thơ Phùng Quán (Kỳ 3)

1599

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mỗi văn nghệ sĩ có một “gu” thưởng thức ẩm thực riêng, không lẫn. Các nhà văn Vũ Bằng, Nguyễn Tuân sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nên rất sành ăn và viết rất hay về các món ăn tinh tế và đài các của Thủ Đô. Nhà văn Phùng Quán cũng có một cá tính ẩm thực rất đặc biệt và mạnh mẽ, khác hẳn với các nhà ẩm thực khác. 

Nhà thơ Phùng Quán

7. Ẩm thực Phùng Quán

Mỗi văn nghệ sĩ có một “gu” thưởng thức ẩm thực riêng, không lẫn. Các nhà văn Vũ Bằng, Nguyễn Tuân sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nên rất sành ăn và viết rất hay về các món ăn tinh tế và đài các của Thủ Đô. Nhà văn Phùng Quán cũng có một cá tính ẩm thực rất đặc biệt và mạnh mẽ, khác hẳn với các nhà ẩm thực khác.

Phùng Quán kể rằng, thuở nhỏ từng đi chăn trâu cắt cỏ, mò cua bắt ốc với lũ trẻ trong làng. 14 tuổi đã trốn mẹ đi làm liên lạc cho Vệ Quốc đoàn. Bộ đội kháng chiến thì gian lao, khổ cực tất nhiên rồi. Từ sau thời “Nhân văn”, Phùng Quán còn khổ hơn. Cho đến năm cuối đời (1-1995), anh vẫn chưa có một ngày sống an nhàn. Anh phải bao nhiêu năm lăn lộn giữa đời, làm đủ mọi việc để kiếm sống, nuôi con và viết văn. Bởi thế mà:

Trong trăm nghìn nỗi đói 

Tôi nếm trải cả rồi 

Trong hoàn cảnh sống đó, anh đã biết tạo ra một phương cách ẩm thực: nghèo mà lịch lãm, ít tiền vẫn làm ra được món ăn ngon. Đó đích thực là ẩm thực theo lối Huế! Nhưng đối với Phùng Quán, ngoài hoàn cảnh nghèo, anh còn có một một quan niệm về ẩm thực cao cả hơn, nhân văn hơn, tôi tạm gọi là ẩm thực Phùng Quán. Ví dụ, từ chuyện thi hào Đỗ Phủ (thời Đường, Trung Quốc) chạy giặc trên chiếc đò nhỏ trên sông Tương, nhịn đói đã 10 ngày. Sau đó, được chức sắc trong vùng biết tin, đem rượu thịt mời. Ông ăn uống no say rồi bị “thương thực” lăn ra chết. Gọi là chết no nhưng thực chất là chết đói. Phùng Quán đã làm bài thơ tuyệt tác “Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe: “… Em ơi, nếu Đỗ Phủ/ Vai khoác áo lông cừu/ Bụng no đến muốn mửa/ Viết sao nổi câu thơ/ Nghìn năm cháy như lửa”:

Cửa son rượu thịt ôi

Ngoài đường xương chết buốt

Bởi thế… “Đã đi với nhân dân/ Thì thơ không thể khác? Dân máu lệ khốn cùng/ Thơ chết áo đắp mặt”… Dân ta thì bảy tám phần nghèo đói, thi sĩ “ăn” ngon sao đành: “Tôi có quyền gì được no hơn nhân dân tôi một miếng ăn?”. Đó là đạo lý ẩm thực Phùng Quán! Đạo lý ẩm thực của Nhân Dân!

Sống ở Hà Nội nhưng gia đình anh Quán vẫn ba bữa nấu lấy ăn nên anh Quán rất thạo nấu nướng các món Huế cũng như các món Hà Nội. Sáng thì bánh cuốn ăn với nước mắm chanh ớt, hay bát cháo cá câu được ở Hồ Tây hồi đêm, bỏ thêm rau thì là thái nhỏ, hạt tiêu thơm lựng ăn với lá tía tô, cà pháo. Bữa ăn chính bao giờ cũng theo mùa với các món “chủ lực” như dưa cải chua, cà pháo chị Bội Trâm muối rất thiện nghệ, rau muống luộc chấm tương Bần, lấy nước làm canh sấu, hay canh rau đay, canh măng vòi, v.v… thêm miếng cá kho nghệ vàng rộm hay đĩa thịt kho tôm nhỏ. Khi có khách là bạn văn, tôi thấy anh Quán thường giành phần đi chợ Châu Long thay chị Bội Trâm. Tùy theo số lượng khách mời, anh thường mua con cá chép, hay cá gáy to hay nhỏ, cộng thêm vài cân bún sợi nhỏ xây thành nắm, rồi măng chua, vài bìa đậu phụ, rau giá và chục lọn nem. Đi chợ về anh xắn tay áo lên làm bếp. Anh làm bếp rất nhanh. Chỉ một loáng thôi, anh đã khệ nệ bưng lên “Chòi ngắm sóng” một mâm tiệc thịnh soạn. Xin kể: Con cá anh làm sạch, tách lòng ra riêng rồi rán sơ nguyên con hoặc cắt đôi, sau đó bỏ vào nồi nấu canh măng chua. Anh khéo léo vớt con cá dọn ra đĩa, làm món cá luộc chấm tiêu muối. Đĩa cà pháo chấm với ruốc biển Quảng Bình mà bao giờ anh cũng có sẵn do bạn bè như Văn Lợi, Hoàng Vũ Thuật… gửi cho; đĩa đậu phụ sống chấm mắm tôm chanh ớt. Đĩa rau sống, đĩa rau mùi. Nhậu xong, khách chủ dùng món bún chan canh cá chua, gọi là “nóng nóng nước nước”. Một bữa “tiệc” mời bốn năm người thịnh soạn, rôm rả như thế chỉ hết vài chục ngàn đồng tiền chợ. Trong khuôn viên nhà anh, có miếng đất nhỏ anh trồng đủ thứ rau gia vị như tía tô, rau mùi tây, rau răm, húng, quế, hành, tỏi, thì là, diếp cá, nên các loại rau mùi rất sẵn. Anh người Huế, nghiện ăn ớt “cay đến lỗ đít” (chữ Hoàng Phủ Ngọc Tường) mới đã, nên ớt có đến mấy cây liền, v.v… Mỗi lần bạn văn Huế gửi ra cho một thẩu tôm chua với xâu vả, ngày đó là một ngày “linh đình” đối với Phùng Quán. Anh gọt vả, ngâm nước, rồi đi mua thịt lợn ba chỉ, luộc “hồng đào” thận trọng như mấy “mệ” Huế dặn, rồi đạp xe đi gọi các tiên sinh Hoàng Cầm, Lê Đạt, Tào Mạt, Lê Huy Quang, Trẫn Vũ Mai, v.v… tới nhắm rượu. Anh gắp từng con tôm chua, giơ lên rưng rưng ngắm, rồi mới bỏ vào bát từng vị kèm thêm lát vả, miếng thịt ba chỉ, nhấm tý rượu rồi ngậm miệng nhai thật chậm như để ngậm mà nghe Huế đón anh hai ngày “một cuộc tiệc to”, một ngày “một cuộc tiệc nhỏ” (theo cách nói của anh), nhưng bao giờ anh cũng giành bạn bè đi chợ, rồi vợ cặm cụi nhặt rau, mổ cá, xắn tay áo chiên xào, nấu nướng rất thiện nghệ. Nhưng trong các cuộc vui đó, Phùng Quán bao giờ cũng bàn luận và đọc thơ nhiều hơn ăn. Có lần tại nhà tôi, Phùng Quán và Hoàng Phủ Ngọc Tường uống rượu và “tranh luận” tới… một ngày ròng. Bắt đầu từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, mà chỉ có đĩa lòng lợn, mấy đĩa trìa và nồi cháo cá! Hai “ông” nhâm nhi rồi gợi lên đủ thứ đề tài về văn chương kim cổ thế giới để tranh luận rất hấp dẫn. Đến nỗi nhà văn Nguyễn Quang Lập đã đặt tên hai người là “Hoàng Mâu – Phùng Thuẫn”. Có lần anh Phùng Quán nói với tôi: “Cái ăn cái uống chỉ là cái cớ để gặp gỡ, giãi bày, cho nên rượu-ẩm thực cũng ví như tờ giấy để mình đề thơ hay viết văn lên đó!”

Khi anh Quán còn sống, mỗi lần tôi ra Hà Nội đều tá túc tại Chòi ngắm sóng của anh. Mỗi khi tôi và anh uống rượu, bao giờ chị Bội Trâm cũng bưng ra một tô nước dưa chua đã bỏ vị tinh vào, bảo: “Hai anh em uống thứ này cho giã rượu”. Anh Quán tỉnh bơ: “Người ta uống rượu cốt để say, lại uống nước dưa giải say thì phí cả rượu”. Nói thế nhưng thỉnh thoảng anh vẫn nhấp một ngụm nước dưa làm mồi. Những ngày đó, anh dẫn tôi đi ăn các món Bắc Hà mà anh thích như gỏi cá, ốc bung, ốc nhồi Hồ Tây, chả cá Lã Vọng, thịt chó Nhật Tân, v.v… Anh vừa đèo tôi sau chiếc xe cuốc “Con cò vàng” (tức chiếc xe giải thưởng của truyện ngắn “Như con cò vàng trong cổ tích”) vừa mô tả tỉ mỉ cách làm từng món, cách đánh giá ngon dở ra sao. Khi tôi trở vô Huế, anh bao giờ cũng thức suốt đêm nấu cơm, chặt lá chuối ở hàng rào, hơ lửa để nắm cơm bới cho thằng em. Anh nhồi đi nhồi lại rất nghề, cho nắm cơm thật chặt, rồi anh rang mè làm muối cho vào túi ni lon, vót cật tre thật sắc để làm dao cắt cơm. Anh gói ghém xong mọi thứ, 5 giờ sáng thức tôi dậy, uống cùng anh chén rượu sớm chia tay, xong mới đạp xe đèo tôi ra bến xe. Trên đường vô Nam, tôi cắt từng lát cơm nắm của anh bới cho, chấm muối vừng ăn ngon miệng như một đứa con đi xe được mẹ quê nhà bới cho mo cơm nắm. Ở Hà Nội, tôi hay rủ anh đi ăn phở, vì tôi rất thích phở. Anh bảo phở ngon là ngon ở nước phở, nên mua bát phở rồi húp hết nước, sau đó, bưng bát đến cô hàng “cho anh xin ít nước nữa!”. Bao giờ người bán phở cũng sẵn lòng. Ăn uống chỉ cốt cái chất, đừng mất thời gian vì ăn. Thế mà khi có người hỏi anh: “Ông uống rượu với bạn suốt ngày thế, thời gian đâu mà viết nhiều tác phẩm vậy?”. Anh lại trả lời tỉnh queo: “Chơi mới mất thời gian, viết thì mấy!”. Thì ra với anh, những “cuộc ẩm thực” đây đó chỉ là những cuộc chơi.

Khi vô Huế chơi, ở nhà tôi hay nhà Lâm Thị Mỹ Dạ, anh cũng giành phần đi chợ, làm đồ mồi và làm món “nóng nóng nước nước”. Anh rất hạp với các món cháo bánh canh cá lóc, cơm hến, cháo cá, cháo tôm, cháo lòng, ốc bươu, bánh bèo, bánh nậm Huế… Hạp nhất là món tiết canh, lòng lợn. Dường như các nhà thơ nhà văn già ở Hà Nội ai cũng ghiền tiết canh lòng lợn. Vì đó là thứ vừa để nhâm nhi đàm đạo dài dài lại vừa khoái khẩu, rẻ tiền. Phùng Quán ăn uống từ tốn, chậm rãi, nhấm rượu bao giờ cũng nâng chén ngang mày, rất trang trọng.

Phùng Quán không chỉ giỏi nấu món Huế, mà còn rất thạo chế biến món ăn Hà Nội. Anh khoe đã có lần ở thành phố Hồ Chí Minh, tại nhà kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn, anh đã tự đi chợ mua các thứ về chế biến món chả cá Lã Vọng Hà Nội để đãi nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng. Đầu năm 1992, bác sĩ Nguyễn Tích Ý, một người rất thân thiết với anh Quán đã hồi hưu, mời sinh nhật ông ở làng Tiên Nộn, một làng rất đẹp bên sông Gia Hội ở bên kia phố cổ Bao Vinh. Dọc đường về làng, thấy ở chợ Bao Vinh có bán ốc bươu rẻ, anh mua luôn một rổ và ít lá tía tô, chuối chát. Anh hể hả: “Chuyến này Phùng Quán sẽ đãi các bạn món ốc bung Hà Nội, chắc người Huế ít được ăn món này!”. Nói rồi anh khệ nệ xách giỏ ốc xuống đò. Khi sang tới nhà anh Ý, anh Quán ra ngay bể nước ngâm ốc bươu vào chậu nước vo gạo. Nhậu xong chầu rượu, anh ra bến sông nơi bể nước cắm cúi ghè đít ốc để chuẩn bị nấu món ốc bung. Không ngờ, ngày đó là ngày đầu tháng, người Huế ăn chay, không sát sinh. Thế là chị Điểm, em gái bác sĩ Ý, không nói không rằng, giật rổ ốc đổ xuống sông để phóng sinh. Còn anh Quán thì đứng cười bẽn lẽn như một cậu học trò chưa học thuộc bài! Chỉ tiếc hôm đó tôi không được thưởng thức món ốc bung Hà Nội do anh Quán làm. Nhiều khi tôi nghĩ, nếu anh Quán mà viết về ẩm thực Huế, ẩm thực Hà Nội chắc hay lắm, vì anh hiểu sâu xa văn hóa ẩm thực từ nỗi cơ hàn đạm bạc của cuộc đời mình.

Ở Huế, nhiều cơ quan, bạn bè mời anh những cuộc tiệc sang trọng ở các nhà hàng khách sạn lớn. “Tháp tùng’’ anh đi dự những cuộc tiệc ấy, tôi thấy anh thực sự lúng túng và khổ sở khi phải “trăm phần trăm” bia lon, rượu ngoại, hay ăn những món “cao lương mỹ vị” như chim quay, bồ câu tiềm. Những lúc ấy, anh chỉ cầm ly rượu, đứng lên đọc thơ. Đã đi với nhân dân thì thơ không thể khác… 

Đối với Phùng Quán, rượu là “tiên tửu”, ăn là “tiên thực”. Vâng, anh râu tóc bạc trắng, dài chấm ngực, áo nâu sòng , ngồi xếp bằng bên mâm rượu trông rất giống một ông tiên trong cổ tích.

 

  1. Những ngày “cụng ly với thần chết’’

“Cung ly với thần chết” là chữ của nhà thơ Phùng Quán, trong lúc bạo bệnh rất đau đớn vẫn đùa vui với bạn bè qua điện thoại, trong những ngày cuối đời vào tháng 1- 1995. Quả thật với anh, cái chết nhẹ như lông hồng. Một thế hệ độc giả từng cầm súng đã biết về một Phùng Quán thơ “Yêu ai cứ bảo là yêu/ ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành yêu …”. Một Phùng Quán văn với tiểu thuyết Vượt Côn Đảo viết lúc 21 tuổi, xuất bản ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, như là một hiện tượng văn học cách mạng. Vượt Côn Đảo đã biến anh từ một thiếu sinh quân Thùy Dương, vác mã tấu theo Vệ Quốc đoàn năm 14 tuổi, trở thành nhà văn quân đội nổi tiếng. Tìm hiểu những ngày tháng cuối cùng của nhà văn, ta càng hiểu thêm tính cách Phùng Quán, càng thêm yêu quý cuộc đời và văn chương anh.

Một nỗi khổ tâm lớn nhất của Phùng Quán là vì bệnh nặng, không còn được uống rượu. Từ ngày bác sĩ bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội cho biết anh bị bệnh xơ gan cổ trướng, phải kiêng rượu, anh bảo: “Không được uống rượu nữa thì còn gì là Phùng Quán!”. Có lần buồn quá, anh “tuyên bố”: “Nếu chắc chắn bị thần chết xử tử vì ung thư gan thì có bao nhiêu rượu đều mang ra cùng uống hết với bạn bè”. Nhưng anh lại mong sống thêm với vợ con, với bạn, với thơ, nên anh rất nghiêm túc kiêng rượu. Anh không uống, nhưng bạn bè đến thăm anh vẫn bảo vợ mang rượu ra đãi bạn. Anh ngồi chạm cái ly không với mọi người để nghe âm thanh quen thuộc, rồi nhìn bạn uống rượu để khỏi thèm. 50 năm rượu và thơ, có rượu Phùng Quán đọc thơ mới sang sảng, cuốn hút, lay động lòng người. Bây giờ không rượu, anh vận hết nội công còn lại để đọc thơ “phục vụ” mọi người, nhưng dường như giọng đọc mười phần chỉ còn năm bảy. Nỗi khổ thứ hai của Phùng Quán là không còn được ngồi vào bàn viết văn nữa, vì cái bụng bị xơ cứng. Thế nên, anh đã tự thiết kế cho mình một cái bàn đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử loài người. Đó là cái bàn chổng ngược. Tức là mặt bàn nằm sấp, úp xuống, chân bàn treo ngược lên, giấy kẹp vào mặt bàn. Anh nằm ngửa, giơ tay lên trời mà viết. Phùng Quán 30 năm phải viết “văn chui”, đến khi được quyền viết, được quyền in tên mình thì không còn mấy thời gian nữa nên anh thèm viết lắm. Và bằng cái bàn viết ấy, anh đã viết xong phần một, bản thảo kịch bản phim kể chuyện về một bà mẹ nuôi bộ đội ở chiến khu Hòa Mỹ (Thừa Thiên- Huế) có cả một bầy con nuôi là hàng binh người Đức, Nhật, Algiérie, Maroc, v.v… cứ sau mỗi trận đánh, lại quây quần bên người mẹ Việt Nam để lo cho mẹ từ chiếc cối giã trầu. Anh phát triển kịch bản này từ truyện tranh Chiếc cối giã trầu bằng thép đã in mấy năm trước. Trước khi vĩnh biệt thế gian ba ngày, Phùng Quán đã trao tập bản thảo ấy cho đạo diễn điện ảnh, nghệ sĩ nhân dân Huy Thành.

Về cái bàn viết này, anh viết thư cho gia đình một người bạn ở xa, kể chuyện rất hay và tếu: Anh bị “chứng bệnh xơ gan cổ trướng’’ (Tên bệnh mà như tên minh tinh điện ảnh Đài Loan). Hiện nay, anh rất đẹp trai. Một lão trượng râu tóc bạc trắng, mang cái bụng sắp đến ngày khai hoa mãn nguyệt… Nhất là vẫn còn đọc được thơ (Tuy lực thơ có sút kém). Và viết được văn. Ngồi viết bị tức bụng thì anh nằm viết. Bởi vậy văn anh bây giờ toàn câu văn chỉ thiên … Nghe tin anh ốm, bạn bè đến thăm đông như hội: “Phùng Qúan mà cũng ốm kia à?’’. Xưa nay, các bạn đặt anh vào hạng lim, thép, trời vật không chết. Nếu phải chết thì các bạn sẽ được chứng kiến cái chết của người chiến sĩ – nghệ sĩ, “Trông chết cười ngạo nghễ’’! Nhờ ốm mà anh biết Hà Nội mình nhan nhản Hoa Đà, Biển Thước, Tuệ Tĩnh, Lãn Ông… rượu nó bỏ anh, vì từ khi anh lâm bệnh, rượu thấy anh mất phong độ của bậc ẩm giả. Cuộc đời vui quá, không buồn được!

Thời gian này, anh thường viết thư gửi cho vợ chồng người bạn tên là Nguyễn Đặng, Việt kiều ở Mỹ cũng bằng cái bàn chổng ngược ấy. Anh bạn ấy đã phô tô gửi về lại để chị Bội Trâm đặt lên “Chòi ngắm sóng”, lưu giữ bút tích của anh Quán. Trong những bức thư viết trong những ngày “cụng ly với thần thần chết” ấy, nhà văn Phùng Quán bày tỏ quan điểm của mình về văn chương, chức phận, hạnh phúc và nỗi bất hạnh của người cầm bút, với một giọng văn rất dí dỏm:

Hồ Tây sáng sớm lạnh, ngày…

Anh ngồi bên cửa sổ nhìn ra Hồ Tây đầy sương mù… bỗng nhớ câu thơ của Nguyễn Du  “Gió lạnh cả thế gian thổi thốc vào một người đơn độc” (Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân)

Ở đây các nhà thơ phải bỏ tiền ra in thơ. Mà họ có giầu gì cho cam. Phải giành dụm từng đồng, bớt xén tiền ăn của cả nhà, có khi đến mấy năm mới in được tập thơ. Mà in rồi chỉ đem đi tặng cũng đủ hết hơi. Thì ra trên thế gian này, thơ văn sinh ra để làm vất vả cho người…

Rất cảm ơn hai em đã đọc hết Tuổi thơ dữ dội của anh và cả Trăng Hoàng Cung. Nói cho đúng ra, anh chỉ mới viết sơ sơ. Sợ độc giả chịu không thấu, nếu viết hết sự thật, thì cả Remarque cũng phải lè lưỡi. Sách anh vốn viết cho con nít đọc, mà trở thành cuốn sách của người già. Mấy người già cùng thế hệ với anh họ ham đọc cuốn đó lắm. Anh sẽ in tặng hai vợ chồng phim Tuổi thơ dữ dội, 2 tập, dài 155 phút, đã được quay màn ảnh rộng. Hôm chiếu ở cổ thành Quảng Trị, năm 1990, cả ngàn người ngồi xem khóc như trong một đám tang lớn, làm anh phát hoảng. Lượm và Mừng, hai nhân vật trong đó chính là một phần đời anh. Anh cũng đang định viết tiếp. Thật ra là viết lại’’ vì cách đây 15 năm anh đã viết xong cả 4 tập Chiến tranh và Hòa bình của anh, mà Tuổi thơ dữ dội là phần I. Anh để tất cả vào cái hòm gỗ, hồi anh ở Nghi Tàm. Mối đã xông mất ba phần. Phần I là mối chưa kịp xông, nên còn. Hôm đó, anh đã khóc như con nít, vì tiếc cái công trình anh đã làm trong 15 năm.

Trong một bức thư khác, Phùng Quán viết:

Anh phải thông báo ngay là anh vẫn đang nằm ở nhà, vừa cười vừa nốc cạn ca đầy, cốc vơi thứ nước dược liệu cỏ cây trị bệnh như thần! Anh hy vọng sẽ khỏi. Cỏ cây của cả đất nước lẽ nào không cứu nổi một nhà thơ?

Thư trước anh nhắc chuyện  “Thơ và cống rãnh’’ là để hai em biết thêm một khía cạnh về quan niệm thi ca của anh mà anh thường phát biểu chống lại quan niệm ‘Con chim ngứa cổ hót chơi’’. Với anh thì lời khen tặng sang trọng về thi ca là của nhà văn Đan Hích nói về Andersen:  Ông ta là người có khả năng kỳ diệu. Bất kỳ cống rãnh nào cũng mò thấy được ngọc trai’’. Hiện nay anh đang bị một cú ‘nốc ao’, và trọng tài đang đếm đến sáu…!”

Hồ Tây, sáng…

Nhìn chữ anh viết chắc hai em biết anh cũng chưa đến nỗi nào. Anh vẫn đi lại, tiếp khách, cười đùa, đọc thơ với cái bụng A Di Đà. Cơm, cháo, sữa uống rải rác trong ngày. Bác sĩ gan nổi tiếng vẫn thường chăm sóc anh… Anh là nhà thơ của dân đen, của những người mốc cống, quét rác… Trong đám này có rất nhiều lang vườn. Họ đòi được chữa trị cho anh. Họ mang tới những rễ cây đào được trên các đỉnh núi tai mèo, và các thứ lá hai bên các đầm nước mặn. Anh cho sắc lên uống tất, vừa uống vừa cười:  Tôi chơi luôn cả Thiên Đường lẫn Địa Ngục!’’  Anh nói với họ: Nếu không may tôi phải giả từ cuộc sống, thì điều hạnh phúc là thi thể của tôi được các bàn tay hôi mùi nước cống, mùi phân rác, mùi thuốc nổ, bồng bỏ vào căn hộ bằng gỗ tạp’’.

Nhiều bạn thơ, trí thức trách cứ anh: Nhà Phùng Quán có nhiều tạp khách!’’ Họ đâu biết, chính nhờ những tạp khách đó mà anh trở thành nhà thơ. Hai em ạ, anh không được Thượng Đế ban cho ân sủng tìm thơ trong sự tinh khiết, đầy mầu sắc và hương thơm, giữa các vì sao và bầu trời…Thượng đế nghiêm khắc nói với anh: Ngươi phải úp mặt xuống cống rãnh cuộc đời, trên các ao máu chiến trận không bao giờ khô cạn, trong khói đắng nghẹt của thuốc nổ… mà tìm lấy thơ’’. Và anh đã phải thực hiện lời nguyền của Thượng Đế, từ lúc tuổi thơ cho đến nay, chương cuối cùng của cuộc đời anh…

Ôi, Phùng Quán, nhà văn trọn đời viết ngay viết thẳng từ dòng đầu đến dòng cuối! Anh đã có những ngày tháng cuối đời ung dung, ngạo nghễ cụng ly với thần chết.

Ngô Minh