Nhà thơ Thái Hồng và đóa hoa của sự trắc ẩn

1023

(Vanchuongphuongnam.vn) – Con người thật sự của Thái Hồng là sự hòa hợp giữa vẻ đẹp sắc sảo của trí tuệ và vẻ đẹp của tình thương, sự trắc ẩn. Chất trí tuệ tạo nên sự ngẫm nghĩ, tính chiêm nghiệm và tính thế sự trong thơ của chị. Vẻ đẹp của sự trắc ẩn trong thơ chị tạo nên chất nhân văn, chất chứa tình yêu thương sâu đậm đối với số phận con người, sự sống và cái đẹp.

Nhà thơ Thái Hồng

 Đôi khi, ngẫm nghĩ và nhận diện lại lòng người, tôi thường bị ấn tượng như đang rơi vào con đường hầm hun hút đầy bóng tối quanh co, uốn khúc. Bất chợt, tôi giẫm phải rắn rết. Bất chợt, tôi sa chân xuống hố thẳm. Bất chợt, trong bóng tối miên man tôi cảm nhận hương sắc đóa hoa của sự trắc ẩn. Hương sắc của đóa hoa trắc ẩn dẫn đường cho tôi vượt qua những khúc quanh của định mệnh để hướng đến chân trời của tình thương và khát vọng.

Người ta thường ví von mỗi người phụ nữ giống như một bông hoa. Tôi phát hiện và nhận biết, đối với người phụ nữ giàu lòng nhân ái, trong thế giới nội tâm của họ còn hàm chứa vẻ đẹp của một đóa hoa. Đó chính là đóa hoa của sự trắc ẩn. Trong số những người phụ nữ đó, nhà thơ Thái Hồng là người mang trong thế giới nội tâm đóa hoa của sự trắc ẩn, đẹp thầm lặng và rực rỡ. Trong khu vườn tâm hồn của nhà thơ Thái Hồng, đóa hoa của sự trắc ẩn nở không mùa.

Lòng trắc ẩn trong tâm hồn nhà thơ Thái Hồng như đóa hoa vô ưu đầy hương sắc, gây thổn thức hồn người. Không chỉ trong thơ mà cả giữa đời thường và nhất là trong mối quan hệ với người thân, bè bạn, chị đau với nỗi đau của người khác, chị thổn thức với nỗi lòng của người khác. Lòng trắc ẩn của nhà thơ Thái Hồng bộc lộ qua cái nhìn, sự yêu thương của chị đối với những con người vô danh và những sự vật bé nhỏ như: trẻ em, người phụ nữ, những cánh bèo, loài chim thiên di, cọng cỏ…

Nhà thơ Thái Hồng sinh ra và sống gắn bó với vùng đất Vĩnh Long. Thời thiếu nữ, Thái Hồng hướng lòng trắc ẩn của mình về số phận của những người lính thua trận, về số phận của người chị ruột, người cha, người mẹ của mình. Thời trưởng thành, lòng trắc ẩn chính là chất thơ của tâm hồn chị đã nở thành những bài thơ. Có thể nói, Thái Hồng là nhà thơ khi sinh ra đã ẩn chứa trong tấm lòng và tâm hồn đóa hoa của sự trắc ẩn. Chị sống và sáng tạo trong sự lan tỏa hương sắc của đóa hoa trắc ẩn chất chứa tình thương yêu con người và sự vật. Lòng trắc ẩn của Thái Hồng như đóa hoa tỏa hương sắc từ sự cảm thông và nhận thức. Nếu thiếu cảm thông thì lòng trắc ẩn có thể lạc đường. Nếu thiếu nhận thức thì lòng trắc ẩn có khi lại trở nên mê muội và mù quáng. Sự trắc ẩn nở hoa trong tâm hồn Thái Hồng nên chị dễ nhận biết sự trắc ẩn trong tâm hồn người khác. Điều này tạo nên sự sẻ chia và cảm thông. Khi hai tâm hồn đều có sự trắc ẩn sẽ có sự đồng điệu và đóa hoa của tình yêu sẽ nảy nở.

Con người thật sự của Thái Hồng là sự hòa hợp giữa vẻ đẹp sắc sảo của trí tuệ và vẻ đẹp của tình thương, sự trắc ẩn. Chất trí tuệ tạo nên sự ngẫm nghĩ, tính chiêm nghiệm và tính thế sự trong thơ của chị. Vẻ đẹp của sự trắc ẩn trong thơ chị tạo nên chất nhân văn, chất chứa tình yêu thương sâu đậm đối với số phận con người, sự sống và cái đẹp.

Con người hiện đại sống nghiêng về lý trí và sự toan tính. Có vẻ như sự trắc ẩn chỉ là thứ xa xỉ dành riêng cho những người sống nặng về trái tim, cảm xúc. Sống và yêu đối với Thái Hồng chính là trạng thái tràn đầy, mãnh liệt của cảm xúc và sự trao tặng dâng hiến hết mình, chân thành. Cách yêu của chị dung hòa giữa cách yêu của hai mẫu người phụ nữ truyền thống và hiện đại: thủy chung và thuần khiết, mạnh mẽ và hết mình….Sự thẳng thắn và bộc trực trong tính cách của Thái Hồng có thể làm chùn lòng bất cứ người đàn ông yếu bóng vía nào. Chị có thể tranh luận bất phân thắng bại với những người đàn ông có trí tuệ sắc sảo.

Có những người phụ nữ khiến tôi nể phục vì đức hy sinh và vẻ đẹp tâm hồn của họ. Thái Hồng khiến tôi nể phục vì cách yêu của chị: đắm đuối và chân thành. Cách yêu của chị đẹp hơn cả những bài thơ tình chị từng viết. Đóa hoa của sự trắc ẩn thường trực trong thế giới nội tâm của Thái Hồng. Nó nở và tỏa hương tự nhiên như đóa hoa của đất trời.

Trong bài viết này tôi không có ý định thể hiện sự cảm nhận của tôi về thơ Thái Hồng. Tuy nhiên, ấn tượng về những câu thơ, hình tượng thơ của Thái Hồng vẫn hiện hữu trong tâm hồn tôi. Tôi giống như người đi lạc giữa khu vườn đầy hoa thơm cỏ lạ và đêm về trong giấc mơ tâm hồn tôi tràn đầy hương sắc của một loài hoa mang tên sự trắc ẩn. Tôi đã đọc tất cả ba tập thơ của Thái Hồng gồm: “Trú mưa”, “Đằng sau cơn gió”, “Ngày của chiêm bao” và một bản thảo tập thơ mới của chị. Xuyên suốt những tập thơ của Thái Hồng, đóa hoa của sự trắc ẩn vẫn nở và tỏa hương sắc trong từng câu thơ, bài thơ. Có những nhà thơ khi đọc thơ của họ ta có thể giải mã được sự mới lạ, độc đáo của ngôn ngữ, hình tượng thơ. Có những nhà thơ khi đọc thơ họ ta cảm nhận được một tâm hồn, một tấm lòng. Thái Hồng là một nhà thơ như vậy.

Sự sáng tạo thơ ca của nhà thơ Thái Hồng luôn bắt đầu từ sự trắc ẩn trong nội tâm và kết thúc từ niềm trắc ẩn hiện diện trong mỗi câu thơ, bài thơ. Hình bóng những người phụ nữ trong thơ của Thái Hồng đều ẩn chứa vẻ đẹp của sự trắc ẩn trong tâm hồn:
“Xin lòng thật bình yên đối diện bóng tối
lắng nghe sự tái sinh huyền diệu
Muộn mằn thời gian trổ đóa vô thường”
“Em vinh quang trong vỡ nát trái tim mình”
Sự trắc ẩn trong thơ của nhà thơ Thái Hồng không chỉ hướng về con người, sự vật mà còn là bộc lộ sự cảm thông, tự sẻ chia với con người thẳm sâu của chính mình. Vẻ đẹp của sự trắc ẩn tạo cho thơ của Thái Hồng ẩn chứa nhiều nỗi niềm, sự nghịch dị, tư duy thơ gấp khúc và nhảy vọt, gây nhiều giao động cảm xúc thẩm mỹ trong tâm hồn người đọc.

Tôi cảm nhận sự trắc ẩn trong thơ của một số nhà thơ nữ của Việt Nam và thế giới như: Thơ của Xuân Quỳnh thường bộc lộ sự trắc ẩn về tình yêu. Thơ của nhà thơ Ý Nhi thường khắc họa sự trắc ẩn về số phận của người nghệ sĩ. Nhà thơ Olga Bergon (Nga) hướng sự trắc ẩn về số phận con người trong xã hội có nhiều biến động và bất trắc. Nhà thơ Emily DicKinson (Mỹ) khắc họa sự trắc ẩn về nỗi cô đơn của con người trong mối tương giao với xã hội và thế giới bên ngoài. Tôi đọc đi đọc lại những bài thơ của Thái Hồng và nhận ra đóa hoa của sự trắc ẩn nở trong tâm hồn và trái tim chị. Nó không phải là sự giả dối và nhạt nhẽo như thứ hoa giấy mà người ta tạo ra để tặng cho người khác bằng sự toan tính và lạnh lùng của lý trí. Thái Hồng là một trong số không nhiều những nhà thơ nữ giữa thơ và tính cách, tâm hồn có sự thống nhất, hài hòa, mang vẻ đẹp tinh thần vừa bình dị, chân chất vừa quyến rũ hồn người.

Nhiều nhà thơ viết những bài thơ thế sự nhưng tâm hồn của họ không ẩn chứa sự trắc ẩn. Có thể thơ họ mang tính nhân văn nhưng người đọc không nhận ra chiều sâu của tư tưởng, sự rung động của tấm lòng, trái tim trước những éo le, uẩn khúc của số phận con người. Lòng trắc ẩn giúp nhà thơ Thái Hồng nhìn con người, sự vật thấu suốt, hướng tới sự giao hòa thẳm sâu.

Nhiều lúc tôi nghĩ cách sống và cách yêu cuả nhà thơ Thái Hồng đã giúp tôi nhận rõ chính con người sâu thẳm của mình hơn. Khi tôi cảm nhận tình yêu vốn mong manh và ngắn ngủi thì thông qua sự trắc ẩn của chị tôi lại nhận ra sự bền vững và thủy chung của tình yêu. Đối với Thái Hồng, tình yêu không kèm theo bất cứ điều kiện, yêu cầu nào cả. Đối với chị sự trắc ẩn trong tình yêu chính là sự trao tặng và dâng hiến hết lòng trong tận cùng tâm hồn và trái tim mình.

Nhớ về nhà thơ Thái Hồng, hình ảnh in đậm trong tâm trí tôi chính là hình bóng của Thái Hồng – người phụ nữ một mình lặng lẽ trên chuyến phà sang sông giữa buổi chiều để hướng về bến bờ của tình yêu và hạnh phúc. Dù chị đang đối mặt với giông gió và nỗi cô đơn, đóa hoa của sự trắc ẩn trong tâm hồn của Thái Hồng vẫn nở thầm lặng.

Võ Tấn Cường