Nhà thơ, Tiến sĩ Phạm Thị Như Thúy ra mắt tập sách “Chuyên khảo Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh”

257

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sáng Chủ nhật ngày 24/09/2023, tại Đường Sách Nguyễn Văn Bình, Quận 1, TP.HCM, Tiến sĩ, nhà thơ Phạm Thị Như Thúy đã ra mắt tập sách chuyên khảo “Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh”.

Nhà thơ Phùng Hiệu, đại diện Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM tặng hoa, phát biểu chúc mừng tác giả

Tham dự buổi ra mắt, về phía Ban Tuyên Giáo Thành ủy TPHCM có bà Võ Thị Ánh Tuyết, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo, ông Lâm Hữu Đức, Trưởng Phòng Văn hóa Văn nghệ, Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện cán bộ TP.HCM.

Về phía Hội nhà văn TPHCM có nhà thơ Phùng Hiệu, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội cùng các nhà văn Cao Chiến, Hồ Thi Ca, Nguyễn Vũ Quỳnh, Phạm Phương Lan, Khờ Ang… Và cùng đến tham dự buổi tọa đàm ra mắt tập sách có Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Luân Kim, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TPHCM, nhà báo Đỗ Quyết Thắng, Phó Phòng Báo chí xuất bản và đông đảo các nhà văn, nhà thơ cùng các đồng nghiệp là giáo viên các trường THPT, THCS, giảng viên, sinh viên khoa Ngữ văn một số trường đại học. Dẫn chương trình là Nhà báo Nam Hiệp BTV Đài tiếng nói nhân dân TPHCM.

Tập sách Chuyên khảo “Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh” do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành tháng 8 năm 2023, đúng dịp chào mừng 78 năm Cách mạng Tháng tám và Quốc khánh 2/9 của dân tộc. Đây là một công trình Chuyên khảo có độ dài gần 300 trang, tác giả Phạm Thị Như Thúy đã khảo sát một khối lượng tư liệu lớn, không chỉ là trên cơ sở bộ sách “Hồ Chí Minh toàn tập” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật ấn hành gồm 15 tập, mà còn khảo sát tư liệu ở nhiều cơ sở lưu trữ cấp Trung ương và địa phương. Với một phạm vi tư liệu lớn như vậy, cuốn sách chuyên khảo này bao quát rất nhiều vấn đề, tạo dựng một chân dung toàn cảnh về văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo Ban Tuyên Giáo Thành ủy TPHCM đến tham dự và tặng hoa cho tác giả

Tập sách được chia thành bốn chương chính, đi từ những nội dung chung đến những nội dung cụ thể trong việc khảo sát văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:

Chương 1: “Những vấn đề chung” gồm giới thuyết về văn chính luận, từ định nghĩa đến ngôn từ, chức năng, tính thẩm mỹ đặc thù của văn chính luận, lịch sử nghiên cứu vấn đề, những cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu.

Chương 2: “Định vị di sản văn chính luận Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trong dòng mạch văn chính luận dân tộc” khảo sát dòng văn chính luận thời trung đại, sang thế kỷ XIX, ở giai đoạn đầu thế kỷ XX, đồng thời khẳng định vị trí, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả văn chính luận.

Chương 3: “Ý thức về đối tượng tiếp nhận và mục đích viết của văn chính luận Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh” đề cập đến các đối tượng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng đến khi viết văn chính luận, sự công khai mục đích viết và tinh thần cách mạng, giá trị nhân văn của văn chính luận của  Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chương 4: “Nghệ thuật tuyên truyền của văn chính luận Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh nhìn từ phương diện cách viết như thế nào” nêu rõ quan niệm sử dụng ngôn từ, cũng như vấn đề tích hợp thể loại và hệ thống các biện pháp nghệ thuật của văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giới thiệu về tập sách, PGS.TS Lê Quang Hưng, nhà nghiên cứu giảng dạy văn học đã nhấn mạnh: “Có lẽ không ở một loại hình văn học, nghệ thuật nào mà mối quan hệ trực tiếp giữa văn chương và chính trị, nghệ thuật tuyên truyền được thể hiện rõ ràng như văn chính luận. Là nhà hoạt động cách mạng, vị lãnh tụ chính trị trọn đời phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, Hồ Chí Minh đã để lại nhiều tác phẩm, bài viết, bài nói thuộc loại hình văn chương này với giá trị to lớn trên nhiều mặt. Tầm tư tưởng, trí tuệ cao rộng, tình cảm phong phú và sâu sắc, sự am hiểu thực tiễn đời sống, gần gũi và đồng cảm cùng đối tượng tiếp nhận – đó là gốc rễ làm nên nội dung mọi tác phẩm chính luận của Hồ Chí Minh. Mặt khác, để làm nên sức thuyết phục, hấp dẫn đặc biệt của mảng văn chương này, không thể xem nhẹ vai trò của cách truyền tải, sự khéo léo của nghệ thuật tuyên truyền. Ở mọi dạng thức, dung lượng tác phẩm thuộc mảng văn chính luận phong phú của Hồ Chí Minh, điều đáng nói là tất cả các phương diện, các yếu tố này hòa nhuyễn khó thể tách rời…”.

PGS, TS Trần Luân Kim tham dự tọa đàm và đánh giá về tác phẩm

 Tiến sĩ, nhà thơ Phạm Thị Như Thúy còn được biết đến với bút danh Doãn Thụy Như, một nhà thơ, nhà khoa học, sinh năm 1971 tại Ba Vì, Hà Nội, từng có 20 năm đứng trên bục giảng dạy học bộ môn Ngữ văn ở các trường phổ thông tại Thành phố Hồ Chí  Minh. Hiện là Ủy viên Chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TPHCM, Chuyên viên Phòng văn hóa, văn nghệ Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM.

Hiện nay tập sách Chuyên khảo “Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh”  được trưng bày bán ở hệ thống các nhà sách fahasa, địa chỉ: 387 -389 Hai Bà Trưng, Quận 3; 201 Phan Đình Phùng quận Phú Nhuận, các cửa hàng sách tại đường sách Nguyễn Văn Bình, Quận 1.

Phùng Hiệu