Mây mưa với chữ (NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành) là tập thơ in riêng thứ năm của nữ thi sĩ Trần Mai Hường, sau Sóng khát, Đó là em, Những ngọn sóng tỏa hương, Nhánh buồn trổ hoa… đã nói lên sự cẩn trọng của chị.
Nhà thơ Trần Mai Hường (trái) trong buổi giao lưu với thính giả Đài TNND TP.HCM
Nhà thơ Trần Mai Hường đã dồn nén để chờ một thời khắc bật bung cùng con chữ trong tâm hồn đa cảm của nhà thơ tình yêu: Nắng thì mê – gió thì say/ Mà thơ thì mãi đọa đày duyên phơi/ Là hường – thương cánh môi lơi/ Là trần xin nhé hẹn đời mốt mai… (Mai Hường Trần)
Chân dung tự họa thật nhiều bão gió cho thơ, cùng người và với đời. Chẳng ai biết trước được tương lai nhưng hò hẹn với tương lai sao vẫn thấy bùi ngùi, thương cảm xót xa. Có lẽ kiếp chữ đa đoan là có thật. Vì thế mà thương mình một thì lại thương người hai: Đàn bà em giấu cuồng điên/ Liều khế ước với những huyền hoặc xanh/ Ngõ tình treo sợi chỉ mành/ Thương mùa em lạc mùa anh khóc cười (Bùa yêu). Ngôn từ thật lạ, tứ thì cứ hiện ra, hiện ra, nhanh như không kịp gửi lời chào. Những vần thơ cũng thật huyền hoặc như những khế ước dường như không bao giờ xuất hiện trong đời. Sự biến đổi, luân dời đôi khi làm ai đó “chóng mặt”.
Tập thơ tâm hồn như bật bung cùng con chữ trong sự đa cảm của nhà thơ của tình yêu
Thơ Trần Mai Hường thật giàu tứ và sáng tạo: Hãy lên ngọc biếc cho xanh âm thầm/ Cho thôi chốt cửa lặng câm/ Tự thua – em sẽ tự cầm cố em/ Cho thôi hóa thạch – bừng men/ Cho mây quỳ gối bên thềm chung chiêng (Nghiệm riêng). Sự mờ nghĩa của câu thơ đôi khi lại giúp cho tứ thơ bừng sáng, ví như “lên ngọc biếc” mà lại “xanh âm thầm” vậy. Bởi lẽ ra lên ngọc biếc để xanh đậm đà, xanh dịu dàng hoặc là xanh miên man…
Lật một đêm nghiêng/ Bao ý nghĩ cứ từ anh vượt dốc/ Em lại vấp những lối mòn cỏ mượt/ Đường lên trời run rẩy nấc thang (Đêm nghiêng).
Đường bằng lại là nơi người ta hay va vấp, nơi gập ghềnh khúc khuỷu lại có thể vượt qua. Đó tuy không phải là chân lý mà chỉ là lời cảnh tỉnh. Thế nhưng người ta vẫn cứ “ngã” như thường. Hình ảnh “đêm nghiêng”, “vượt dốc” và “vấp những lối mòn cỏ mượt” làm ta liên tưởng tới điều đó. Sự dịch chuyển tầng ý câu thơ bằng trải nghiệm ngôn từ đưa tứ thơ về miền rung cảm thanh thoát và đằm sâu cùng với sự bứt phá “run rẩy nấc thang”. Tác giả đã đưa người đọc về miền yêu chao đảo diệu kỳ: Chiều/ đừng hẹn hoàng hôn dan díu nữa/ Có phù du/ đồng lõa với em rồi… (Độc thoại).
Vẫn những hình ảnh, câu chữ thường gặp hàng ngày, nhưng khi sự sắp xếp chúng theo một trật tự “động”, một ý tưởng “chuyển”, câu thơ trở nên rất lạ, có phần ly kỳ mà không khuôn sáo, toát lên được tâm thế thi ca khá bất ngờ và riêng biệt: Vụng về em trói mong manh/ Để đừng ai biết những trùng trình yêu/ Trả nhau bao nợ là nhiều/ Mắt ơi đã nguội chưa chiều đầy anh (Phải bao nhiêu nhớ).
Cứ là một lòng yêu, một lòng nhớ nhưng chưa dám nhận lời, thế mà cung bậc lòng đã trải một quãng thật xa. Tại sao phải “trói” và tại sao phải “trả” đã kê gối cho tình mê, tình nồng dường như không thể nào “nguội” được. Hình ảnh “em” trở nên hấp dẫn và đáng yêu đến nao lòng trong thơ Trần Mai Hường: Sự huyền ảo luôn lóng lánh trong lời thơ: Nhớ rất lạ như nhớ lần sau cuối/ Chưa chia tay đã thăm thẳm nhớ rồi/ Đêm huyền ảo xô mình vào góc núi/ Ngó hướng nào cũng vướng mắt anh trôi (Nắng mùa anh thiêu đốt thảm xanh chờ).
Lồng cái thực vào cái vô biên theo cách không thể nào khéo hơn đã nâng tình yêu lên thành một khái niệm thực – ảo huyền. Nhớ là thực, thăm thẳm nhớ khi bên nhau là diệu vợi, là vô cùng, cũng như mắt anh trôi mọi hướng trong tưởng tượng đắm chìm bởi yêu, trong khi tình yêu thì đang hiện hữu. Điểm nhấn thật đẹp của tứ đã làm vượt trội bội phần nỗi nhớ trong tình ái mênh mang…
Tơi bời trong em – gió/ Buốt từ ngày chạm nhau/ Đường chân trời lăng lắc/ Thấu đến cùng mà đau/ Em cất thì con gái/ Thương anh mùa đàn ông/ Giấu trong lòng thác đổ/ Giấc mơ nào – mê cung (Không phải tình nhân).
Lưỡng lự, phân vân, đắn đo trong đau khổ hoặc khước từ đều là tâm trạng phổ biến trong tình yêu, của tình yêu. Rất nhiều bài thơ đã thể hiện tâm trạng ấy bằng nhiều cung bậc với sự đa dạng phong phú của ngôn từ. Nhưng tứ thơ trên thực sự ghi dấu ấn một khoảng tình đặc sắc và độc đáo. Có lẽ bằng sự trải nghiệm đớn đau nào đó trong tâm trạng được bắt gặp hồn cốt lời thơ “xuất kỳ bất ý” bởi tài năng mà làm nên một giai phẩm thơ – đời chung – riêng thật mới lạ và hấp dẫn.
Nhịp thơ như thúc giục, khơi mở, hẹn hò: Cảm ơn anh/ Người đàn ông bao dung/ Đã dám yêu cả những bài thơ/ Em viết cho người cũ/ Nhưng trái tim em – sa mạc/ Anh có chắc mình thảo nguyên? (Viết cho người đến sau). Có lúc ngôn từ đắm cuồng trong yêu đương: Chỉ cần anh thấu đủ/ Em đã thừa bão giông (Với anh).
Nữ thi sĩ Trần Mai Hường
Thật ngắn gọn nhưng cũng thật đủ đầy. Tình yêu đã trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết khi sự hiểu nhau đã thành nền móng, thành tường vách bao bọc tình yêu. Bão giông em sẽ làm cho tình yêu khởi nguồn bùng cháy trong bao bọc của thấu hiểu tận tường, của yêu đương trọn vẹn, nguyên sơ.
Đọc thơ Trần Mai Hường, những cảm xúc trở nên đặc biệt, sự diệu kỳ của cấu tứ và phương cách sắp đặt, vận hành chữ nghĩa làm cho tứ thơ trở nên lung linh, đồng thời cuốn hút tâm hồn vào trong khoảng bao la, lạ lẫm, diệu vợi, bồng bềnh. Thơ chị đã trở thành hoạt tố thôi thúc tình yêu. Cùng với sự diệu kỳ vốn có của tình yêu, thơ Trần Mai Hường luôn là lời mời gọi nhiệt thành, tiếng hoan ca bất tận, cho dù không ít trắc trở hay vấp ngã trong bài ca yêu muôn thuở.
Mây mưa với chữ là một tập thơ trọn vẹn cho yêu và cũng yêu trọn vẹn. Một khung trời lạ lẫm trong tình yêu được khắc họa hết sức sinh động, hấp dẫn. Những cung bậc trong tình yêu thật phong phú, đa hình, đa dạng, đa sắc. Ta thấy trong đó cả tranh yêu, phù điêu yêu và tượng yêu với những khoảng không gian đa chiều.
Tập thơ không chỉ hấp dẫn bởi sự khác lạ của chữ, sự mới mẻ của cấu trúc ngôn từ, mà còn một điều không thể phủ nhận đó là một bức thảm hội họa tình lôi cuốn và dẫn dụ mê đắm. Tình yêu ở đấy vừa huyền hoặc vừa thanh thoát, say cuồng mà không hề khêu gợi. Và nhà thơ Trần Mai Hường đã thành công bằng chính tài năng, phong cách riêng và nội lực mạnh mẽ của chị.
Theo Đỗ Quyên/Thanh Niên