Nhà thơ Triệu Từ Truyền – “Sáng tạo thơ trước hết nên biết sáng tạo trong hành vi xã hội”

806

Phùng Hiệu

(Vanchuongphuongnam.vn) – Là một nhà thơ luôn đi tìm cái mới, Triệu Từ Truyền cho rằng thơ chính là tinh túy của ngôn ngữ, là hình tượng của nghệ thuật, vì thế sáng tạo thơ trước hết nên biết sáng tạo trong hành vi xã hội của mình. Không sáng tạo ra một thân phận, một cuộc sống có ý nghĩa tự do chọn lựa mối quan hệ với những thực thể, không nên mơ tưởng việc làm thơ, vì không sáng tạo được.

Nhà thơ Triệu Từ Truyền (bên phải) và nhà thơ Giang Nam

Anh gắn lên môi điếu thuốc chưa đốt/ Vì không hộp quẹt/ Nhưng có dòng khói từ trong mũi bay ra/ Đó là khói của trái đạn cay/ Và giọt máu hồng/ Trên đầu điếu thuốc của anh/ Anh nghĩ đến em/ Điếu thuốc đã tàn/ Dù không hộp quẹt”. Đấy là những câu thơ mà nhà thơ Triệu Từ Truyền viết khi còn là thủ lĩnh của phong trào sinh viên học sinh ở đô thị mien Nam trước 1975. Nếu không là một nhà thơ, một chiến sĩ yêu nước luôn đấu tranh cho lý tưởng để bảo vệ quê hương Tổ quốc, đòi lại sự công bằng cho dân tộc, và nếu chưa từng là người kinh qua trận mạc thì không thể có những vần thơ “chứng nhân” và siêu ngôn như thế.

Triệu Từ Truyền tên khai sinh là Triệu Công Tinh Trung, sinh ngày 9 tháng 4 năm 1947 tại thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ông là con trai của một gia đình nhà giáo tham gia kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân. Lớn lên, ông theo học tại Sài Gòn và tích cực tham gia phong trào sinh viên học sinh, từng làm Tổng thư ký Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn (3), uỷ viên biên tập bán tuần san “Vùng lên” của Hội đồng chỉ đạo thanh niên học sinh sinh viên Sài Gòn Gia Định, chủ biên đặc san “Học sinh” (1964-1966), nguyệt san “Đất Đứng” (1965), đặc biệt viết tuyên ngôn cho những cây bút trong nhóm Bộ Lạc Mới. Ông có tư duy độc lập và bút pháp riêng biệt trong sáng tác văn học.

Ông in tập thơ đầu tiên vào tuổi 16, tập thơ thứ hai vào tuổi 18 và có nhiều thơ đăng trên các báo văn nghệ Sài Gòn với bút danh Triệu Cung Tinh vào những năm đầu của thập kỷ 60 thế kỷ 20. Ngoài bút danh Triệu Từ Truyền và Triệu Cung Tinh, ông còn có bút danh Triệu Dạ Trạch, Văn Chính Kinh, Nguyễn Văn Biên… Trong thời gian hoạt động cách mạng, từ năm 1966 đến năm 1974 Triệu Từ Truyền 2 lần bị địch đày đi Côn Đảo. Những ngày bị giam cầm trong ngục tù ông làm rất nhiều bài thơ, trong đó có 2 bài thơ viết về mẹ và cha được bạn đọc thời bấy giờ đón nhận.

Sau ngày đất nước thống thống nhất, ông được bầu làm Phó chủ tịch văn xã UBND Q4, TPHCM khi vừa tròn 30 tuổi. Sau đó, Triệu Từ Truyền và đảm trách nhiều chức vụ khác thuộc các ngành tài chính, xúc tiến ngoại thương và đầu tư; du lịch… Và cuối cùng làm Chánh văn phòng Ban Đại diện phía Nam Hội Nhà Văn Việt Nam cho đến khi về hưu. Dù gần cả cuộc đời tham gia hoạt động chính trị nhưng trong Triệu Từ Tuyền luôn cuồn cuộn dòng máu văn nghệ, anh sống có trách nhiệm với văn chương, với đồng nghiệp, đặc biệt là anh có tố chất của một nghệ sĩ, một nhà thơ đích thực.Nhưng dù ở trong hoàn cảnh nào, trong chiến tranh hay thời bình Triệu Từ Truyền vẫn là một nhà thơ mang triết lý của tri thức lẫn tâm thức. Ở thể loại thơ tư duy triết lý, ta vẫn thấy nhà thơ xây dựng được hình tượng nghệ thuật bằng chủ thể ngôn từ độc đáo: “Anh gắn lên môi điếu thuốc chưa đốt/ Vì không hộp quẹt/ Nhưng có dòng khói từ trong mũi bay ra/ Đó là khói của trái đạn cay/ Và giọt máu hồng/ Trên đầu điếu thuốc của anh/ Anh nghĩ đến em/ Điếu thuốc đã tàn/ Dù không hộp quẹt” – (Điếu thuốc). Trong thời kỳ miền Nam đang đấu tranh giải phóng dân tộc, anh tham gia hoạt động chính trị giữa lòng địch nhưng vẫn cho ra đời những bài thơ lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa, chế độ nhà tù bằng những câu thơ triết lý: “Chiếc xích ngàn năm ít nhiều rỉ sét/ sao hai chân người còn kéo lết thương đau/ đừng phết son lên xích để trang sức cuộc đời/ đừng mang ý nghĩ sơn xanh màu lá chết/ không chỉ làm thơ khóc tro tàn gạch vụn/ hãy căm hờn như lửa đốt khai hoang/ cao nắm tay đập phá xích xiềng/ như chiếc búa của người thợ sắt/ với niềm tin khi mùa gặt trở về/ trên cùng khắp đồng quê rực rỡ…” Và khi viết cho người người đồng chí ta thấy: “… Sóng cửa Cửu Long cuộn lên máu ứa/ lá mạ xanh liếc mắt nặng ân tình/ anh với tay níu lại sợi thanh bình/ thả bay bổng theo cánh diều lẩn khuất/ Đại học lớn lên không bằng ngôn ngữ/ bằng máu hồng gien bất khuất Việt Nam/ anh gạch nối giữa hai vùng kháng chiến/ anh hạt nhân quần tụ bạn đồng hành/ Khói đạn bay và trùng vây tra khảo/ vẫn đứng yên mỗi trụ cột phong trào/ chính nghĩa hóa thân vào những ngôi sao/ sáng trong đêm đen giữa trời giông tố…” – (Đóa ước mơ).

Ngoài những bài thơ lên tiếng đấu tranh trong thời kỳ hoạt động cách mạng, bên cạnh đó nhà thơ Triệu Từ Truyền còn có nhiều bài thơ trữ tình hàm chứa nhân sinh mang sắc thái của tư duy triết học: “Người con gái cắn chiếc hoa đỏ dại trên môi/ đi thật chậm đếm từng hơi thở/ một cánh chim sâu lủi qua lủi lại/ mặt đất đẩy quả bom về phía máy bay/ người con gái cắn mặt trời như ăn bành ngọt” – (Miền hoang dã) và: “Đôi mắt nhà văn cửa vào kho báu/ của trẻ thơ hồn hậu và dịu hiền/ mắt bên này cửa khẩu xứ thần tiên/ mắt bên kia khóa trái phòng say đắm/ Mỗi trang viết săn sóc bao mầm nụ/ Cười yêu thương và chiếu rọi thông minh/ từ vầng trán phương đông đầy quang tử/ dắt bé thơ vượt biển rộng yên bình/ Chợt nhà thơ muốn hôn đôi môi dại/ như hoang vu thấm đẫm cánh hoa rừng/ thuở thiếu nhi giữa đồng khô cỏ cháy/ bây giờ không dám gõ cửa nhà văn…” (Đôi mắt của chân dung). Và chỉ có nhà thơ mới nhìn thấy được những gì người khác không thấy, nghe được những điều người khác không nghe và nói những điều người ta không nói. Và chính nhà thơ Triệu Từ Tuyền đã nghe, thấy và viết bằng cảm quan của tư duy nghệ thuật mang tính triết lý nhân sinh.

Là một nhà thơ luôn đi tìm cái mới, Triệu Từ Truyền cho rằng thơ chính là tinh túy của ngôn ngữ, là hình tượng của nghệ thuật, vì thế sáng tạo thơ trước hết nên biết sáng tạo trong hành vi xã hội của mình. Không sáng tạo ra một thân phận, một cuộc sống có ý nghĩa tự do chọn lựa mối quan hệ với những thực thể, không nên mơ tưởng việc làm thơ, vì không sáng tạo được.

Trong tập Những chữ qua cầu tâm linh anh quan niệm; Viết hay không chỉ quan sát để mô tả, không là khoa học thực nghiệm. Viết hay, là phản ánh nỗi ám chạm cực độ khủng hoảng tận tâm linh. Và chỉ có tâm linh mới bắc cầu vào những thực thể và thế sự. Nếu mọi người hiểu đời bằng sờ, mó, thấy, nghe, nói… thì chưa thể thành nhà thơ được.
Điều đó cho chúng ta thấy rằng với nhà thơ Triệu Từ Truyền, thơ là hạt sứ giả tâm linh. Vì thế, ngoài tri thức và tâm thức, nhà thơ phải biết sáng tạo, thu hút được lời chữ, tập hợp ngôn ngữ quanh mình, biết xây dựng chiếc cầu tâm linh đến với mội trường sống; với người, với tỉnh vật, với cỏ cây, hoa lá. Và chiếc cầu ấy phải luôn gắn liền giữa hai bờ hư thực.

P.H