Võ Tấn Cường
(Vanchuongphuongnam.vn) – Anh bạn nhà thơ bảo: nhà thơ thường chết trẻ. Quái lạ! Sao thế nhỉ? Chuyện chết trẻ hay chết già ở đâu, đối tượng nào và thời nào mà chẳng có. Hà cớ gì mà cứ nhà thơ mới thường chết trẻ. Tôi tỏ vẻ băn khoăn…
Anh bạn nhà thơ thống kê một loạt nhà thơ Đông Tây Kim Cổ ở Việt Nam và thế giới chết trẻ như: Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Lý Hạ, Puskin, Exenin… Ờ! Mà chết trẻ thì đã sao. Dù sự sống luôn quý giá nhưng đời người so với cõi vô tận của vũ trụ thì có đáng là bao. Đối với nhà thơ, điều quan trọng nhất không phải là tuổi thọ của anh ta bao nhiêu năm mà là anh ta đã sống và sáng tạo hết mình như thế nào. Quan trọng hơn là tác phẩm của anh ta đi vào hồn người và tồn tại như thế nào trước sự tiêu hủy của thời gian…
Tại sao nhà thơ thường chết trẻ? Lý giải về điều này, ngoài những yếu tố nguy cơ như người bình thường, xét về cơ chế sáng tao, nhà thơ thường chìm đắm trong sự khuấy đảo của trí tưởng tượng về hình ảnh của con người, sự vật và sự chế tác ngôn từ hàm chứa hình tượng thơ. Tâm hồn nhà thơ thường mong manh, dễ vỡ. Anh ta dễ bị rối loạn cảm xúc mà điều này thì gần giống với căn bệnh rối loạn lo âu và trầm cảm. Người bị rối loạn cảm xúc và trầm cảm dễ bị phản ứng thái quá với tác động bên ngoài gây ra sự xáo trộn về tâm sinh lý, tăng thêm sự căng thẳng thần kinh. Người rối loạn cảm xúc và rối loạn lo âu khó thích nghi với những tai ương, bất trắc và biến đổi cuộc đời. Thậm chí, nhiều người còn hủy hoại cả sự sống của mình dù tuổi đời còn rất trẻ…
Sáng tạo thơ đòi hỏi sự dấn thân quyết liệt và tự do nội tâm mạnh mẽ để vượt qua mọi rào cản về tinh thần, luân lý và chuẩn mực của xã hội. Nhà thơ tài năng thường là người nổi loạn trong nội tâm đối với quá trình sáng tạo. Chính vì thế đó là sự hiểm nguy không chỉ dẫn tới sự mất cân bằng về tinh thần, thể xác mà còn ảnh hưởng đến cả sinh mệnh của nhà thơ.
Bi kịch của nhà thơ thường là bi kich nội tâm. Thế giới nội tâm của nhà thơ có sự mâu thuẫn, giằng xé, đối lập giữa thiện và ác, tốt và xấu… Sau khi xảy ra sự sung đột nội tâm, tâm hồn và thể xác nhà thơ thường bị suy tổn, rối loạn. Bài thơ ra đời tạo cho tinh thần nhà thơ sự phấn chấn, niềm hạnh phúc của sự sáng tạo. Sau đó lại là sự trống rỗng và cạn kiệt nguồn năng lượng sống…
Đối với những nhà thơ đam mê coi thơ ca như một thứ tôn giáo thì họ có thể chấp nhận tử vì đạo. Thể xác và tâm hồn họ dâng hiến cho cái đẹp và sự sống. Thể xác và tâm linh của họ hàm chứa sự bí ẩn mà họ tự khám phá và bộc lộ qua từng bài thơ. Điều này tạo nên sinh mệnh cuộc đời và sinh mệnh thơ ca của nhà thơ. Sinh mệnh của nhà thơ không chỉ liên quan đến chuyện sống, yêu thương và sáng tạo mà còn biểu hiện qua việc đón nhận cái chết như thế nào. Dù cái chết được báo trước thì nhà thơ cũng chấp nhận số phận của mình như định mệnh dành cho người sáng tạo. Định mệnh của một người sống hết mình để yêu thương và sáng tạo cái đẹp của nghệ thuật.
Mỹ Tho, 02/2021
V.T.C