Nhà thơ Văn Đắc – Người lấy thơ làm của trong nhà

1170

Lê Vạn Quỳnh

(Vanchuongphuongnam.vn) – 1. Nghe tin ông bà Văn Đắc bị trộm, tôi vội tới. Nhà to ngay đất ngoại ô chỉ kém mỗi khách sạn Phú Hùng ở dãy phố phía sau chừng 10 tầng chứ chả kém cạnh ai nên bọn trộm thật có lý. Tiền ông bà, của con cái hay ngân hàng, chẳng cần biết. Nhà thơ Văn Đắc có nhà to như thế thì giàu thật rồi! Bà kể, lúc ấy chừng đã quá nửa đêm. Con Cún vàng sộc lên một tiếng, ông bà vội mở cửa phòng khách chạy ra hè, tên trộm đang bám ô văng tầng hai như làm xiếc nghe tiếng chủ nhà mở cửa định nhảy xuống sân. Ông vội nói: Cẩn thận cháu ơi, kẻo ngã đấy! Tên trộm nhảy đại xuống sân lao ra phía trước, cổng cao quá không trèo được. Bà lập cập vào nhà lấy chìa khóa ra mở cổng, vừa vội đi vừa nói: Bà là nhà giáo đã hưu, các em cũng nghề giáo, ông là nhà thơ, từ giờ đừng đến nữa mà khổ!

Có người bảo ông bà sợ trộm chống trả, bức nhân chí tử, không biết thế nào mà lường, hoặc giả nó nhảy vội xuống lỡ may què tay què chân thì khổ thêm. Đúng vậy, nhưng tôi nghĩ lỗi nhất là con Cún vàng, giá như trước đó nó cứ cắn đại hay sủa váng lên làm ầm ĩ khu phố thì trộm sợ không dám vào. Tôi biết, nhà cũ hay nhà mới ông bà nuôi chó lúc đầu rất dữ sau đó hiền dần thành chó cảnh. Thấy tôi hoặc khách đến nhà Cún vàng vẫy đuôi mừng rối rít như trẻ thấy mẹ từ chợ về. Có anh nhà thơ hoạt ngôn cười nói: Chó nhà Văn Đắc là chó lễ tân, cứ thấy người đến là vẫy đuôi mừng! Chả bù cho vài bác làm to ở phố bên về hưu tháng trước, tháng sau chó nhà đang hiền bỗng trở nên dữ tợn.

Nhà thơ Văn Đắc

Lại nhớ, vợ chồng tôi về trường Cấp 3 Lam Sơn đầu năm học 1983, năm người sống trong một gian nhà cấp bốn tại khu tập thể phía sau trường. Các con tôi nhỏ nhất một tuổi, lớn nhất lên sáu; gái tóc đỏ hoe, trai đầu cạo trọc lốc, chạy nhảy trên sân khu tập thể còn được gọi là phố “giáo viên”. Khi nhìn thấy bọn trẻ nhà tôi nghịch ngợm, leo nheo lếch nhếch, dân phố “giáo viên” thường liên tưởng kể lại con cái nhà Văn Đắc: Sơn, Hà, Hải, Hương còn hơn thế. Năm 1975, Văn Đắc lúc đó thuộc diện cán bộ miền Bắc tăng cường cho miền Nam, làm chuyên viên văn học tại Ty văn hóa – giáo dục Thuận Hải; ông Trịnh Hiệt, Trưởng ty giáo dục tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý theo đề nghị của Văn Đắc chuyển vợ là bà Khanh về dạy trường Lam Sơn; vợ chồng con cái nhà thơ vì thế mà tá túc ở đây. Từ năm 1978, Văn Đắc chuyển về công tác ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, làm Trưởng ban thơ nhiều năm. Gian nhà ông ở trong khu tập thể khi đó gần gian nhà tôi sau này. Văn Đắc thường chỉ quan tâm chuyện lớn, còn bà Khanh thì nếm đủ; từ chuyện Văn Đắc ra khỏi nhà thường quên tắt điện tắt quạt, không đóng cửa, đến chuyện lũ trẻ phá quấy. Buồn cười nhất việc hướng dẫn khách thơ, khách quê vào chỗ Văn Đắc, có ai đó đã dùng vôi kẻ mũi tên lên bức tường xám xịt cạnh lối rẽ và viết lên trên đó dòng chữ “Lối vào nhà thơ Văn Đắc”. Lũ trẻ con phố “giáo viên” tai quái dùng vôi viết đè lên hai chữ cuối thành “Lối vào nhà thơ Phân Bắc”. Văn Đắc vừa dự cuộc thơ về, thấy vậy cười lớn: “Phân Bắc quý quá, hơn Văn Đắc là cái chắc rồi còn gì!”; và phải sau ba bốn ngày, mũi tên cùng dòng chữ mới được phụ huynh của đám trẻ tai quái xoá đi. Mới biết trẻ con nông thôn lành thật, trong bài Làng ơi ông đã tâm sự: Lắm lúc tôi đi rối rít với đường làng. Bọn trẻ hò reo: A, Ông Đắc! Ông Đắc! còn trẻ ranh phường phố lếu láo quá, khổ ghê!

2. Nhà thơ Văn Đắc tên khai sinh là Nguyễn Tiến Tới, sinh ra ở làng Triều nay thuộc phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn, vùng cửa sông lắm lạch nhiều sò văn chương không bằng cái xương con cá lẹp – loại cá ít giá trị nhất trong các loại cá biển. Thời con gái, mẹ ông phải dệt súc cất vó, sau lấy chồng thêm nghề chạy chợ; mẹ đã từng đặt cu Tới vào cái thúng một bên đầu gánh, đầu kia có sọt khoai sắn nồi niêu gánh chạy tản cư; bố là dân kẻ bể, lúc về già vui cảnh ông bà vẫn một tâm thế ở bên biển rộng sông dài, nên thương con ốc con trai ruộng bùn. Lúc thiếu thời, Nguyễn Tiến Tới theo cha mẹ tản cư về vùng Phố Giáng – Vĩnh Lộc, học trường làng, lớn lên theo học Cấp 3 tại trường Lam Sơn, tốt nghiệp đại học năm 1966 và bắt đầu cuộc đời viên chức bằng nghiệp bảng đen phấn trắng tại Trường Cấp 3 Quảng Xương I. Tại đây, ông đã cùng các thầy cô lập nên tổ thơ Phan Bội Châu. Lúc ấy, cuộc kháng chiến đang vào hồi quyết liệt, chi đoàn giáo viên nhà trường dàn dựng vở kịch “Anh Trỗi” để thầy trò noi gương tinh thần chống Mỹ (Anh hùng, liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi mưu sát không thành bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mac Namara, bị địch bắt và xử bắn, chị Phan Thị Quyên vợ anh, cả hai là nhân vật chính trong truyện ký Sống Như Anh của nhà văn Trần Đình Vân). Thầy Nguyễn Tiến Tới dạy Văn và cô giáo Phạm Tố Khanh dạy Địa lý được chọn cho cặp đôi trong vở diễn này; anh “Trỗi” của nhà trường dáng cao, tuy không đẹp trai bằng Anh Trỗi chấn động địa cầu mà thanh niên cả nước đang ra sức học tập nhưng bù vào lại có mái tóc bồng bềnh gió sóng của chàng trai quê biển. Lũ học trò tinh quái ngay từ thời ấy đã dự đoán vở diễn trên sân khấu thành công trên cả mong đợi vì thầy cô sau này nên duyên chồng vợ.

3. Văn Đắc có một sự nghiệp văn chương dày dặn, với non nửa thế kỉ xuất hiện trên văn đàn, chùm thơ có bài Làng sơ tán đạt giải báo Văn Nghệ, bảy tập thơ cùng nhiều trang kịch bản, bút kí, tiểu luận có chất giọng không lẫn được với ai. Điều đáng nói, qua thơ Văn Đắc dường như mọi thứ đều đẹp thêm ra; quê hương giông gió bặm bụi trở nên thanh khiết và rạng rỡ:

Hạ buồm xuống

Kéo trăng lên đỉnh cột

Neo làng ta vào chân sóng vỗ

Viết bài thơ cho buổi mai lên

Và thao thức trong đêm dòng sông quê những ánh sao thắp nến:

Cho cá lượn vòng

Cho tôm bật cung

Cho phù sa không lạc lối

Sau cơn mưa trên đất Nông Cống ám ảnh câu ca: được mùa Nông Cống sống mọi nơi vẫn nên thơ hiếm có với một vành trăng đầu tháng như liềm nhà quê ngoắc cửa, trăng như dưới nước trồi lên:

Một vầng trăng nửa nổi nửa chìm

Trăng mang dáng chiếc thuyền nan kéo lúa…

Có người ví Sông Mã quê Thanh như thanh kiếm dựng vào trời nhưng Văn Đắc lại nhìn với con mắt yêu chiều mà thấy sông như cây đàn bên thành phố trẻ, sông làm vũ nữ đam mê nhảy múa đến mê mệt và cao trào hơn:

Thành phố làm vua con sông làm hoàng hậu

Thành phố làm mê cung con sông hóa vân sàng.

Nhân chuyến xê dịch và trải nghiệm từ dọc miền Trung đến lúc trái tim đập ở đất mũi Cà Mau, Văn Đắc đã để lại những cảnh những tình dung dị mà nên thơ say đắm và khi đi thuyền trên sông Hương thi sỹ đã thấy:

Ai kê sông lệch bên trời

Để câu ca Huế một đời rơi nghiêng

Đến thăm nơi ở xưa của thi nhân Hàn Mạc Tử thì liên tưởng đến mối tinh lãng mạn của hai người có câu thơ gợi, đẹp, nhiều ẩn dụ:

Sóng Mộng Cầm dắt bể Hàn Mặc Tử

Đi trong đời như một tiếng chuông tan

Văn Đắc được nhớ tới trong miền thơ Xứ Thanh nhiều hơn cả vẫn là mảng thơ tình. Có lần ông tâm sự: Đọc lại thơ mình lắm lúc thấy như cái số rồi. Khi nghe tiếng gà cục tác thì có bài thơ Mùa hạchia sẻ nỗi đau ấp ổ:

… nở sinh

Cái giống tơ tình

Cái loài thi sỹ tơ tình giăng mắc có nỗi buồn như chiếc lá vàng khô còn níu mãi đầu cành nhưng lại đầy ắp một tâm trạng không thể đào thoát của thi nhân trước những hẹn hò, những đón đưa cùng thổn thức:

Thà không hẹn

Thì tiếng guốc đi qua không ngỡ là em đến

Thì tiếng gió đi qua không ngỡ ngón tay mềm

Có lần, trong cuộc nhàn đàm bên chén rượu sủi tăm làng Quảng, một anh bạn thơ nhờ hơi men phang những câu đầy chủ quan: Nói thật cái ngón thơ tình của xứ ta ai đã đọc Văn Đắc thì quên khó lắm, nhưng cũng phải nói thơ Văn Đắc vẫn còn thiếu một nỗi đau đến tận cùng nhân thế. Anh ta cho rằng những nhà văn có tác phẩm để đời thường viết về nỗi đau số phận. Có thể là số phận của dân tộc, của đất nước truớc những biến cố của lịch sử và cũng có thể thông qua thân phận cá nhân phản ánh nỗi đau thời đại. Nguyễn Du với khúc đoạn trường Vương Thuý Kiều; Nam Cao bền lâu cùng năm tháng với Chí Phèo rạch mặt mà kêu: Ai cho tao làm người lương thiện?; một Jean Vanjean khốn nạn thành một Jean Vanjean bất tử cùng Vichto Huygo; và, biết bao nhân vật văn chương khác trong nỗi đau đã làm nên tên tuổi tác giả. Giáo sư Trần Đình Sử trong Văn Nghệ số 20 tháng 5 năm 2016 có bài “Nỗi đau trong văn chương” đã tóm dẫn lời nhà văn Tiền Chung Thư người Trung Quốc: ‘‘Văn học xưa nay có nhiều thứ, nhưng chỉ những ai động đến nỗi đau con người thì văn chương mới hay’’. Thơ Văn Đắc khi chạm đến nỗi đau thường thiên về chia sẻ ngẫm ngợi còn sự buồn nơi ông lại nhẹ nhàng thanh sáng. Cũng có khi ta thấy ông bươn bả trong tâm tưởng, trong cảm xúc; ví như khi vào độ tuổi xưa nay hiếm, mỗi bận về quê ngày lễ, ngày tết hay dịp tế họ, do không giúp được gì nhiều cho họ đương cũng như góp phần cải thiện đời sống bà con lối xóm rồi gặp mấy bà mấy chị nhịn đói ăn trầu đi đâu cũng nhặt chũm cau để dành, bởi xa quê nên Văn Đắc tự cho mình thành người dưng và ám ảnh đó đã được ông đẩy lên thành nỗi đau:

Cái làng hiền hậu thế kia

Mà vung roi quất tái tê mặt người

Rồi đau buồn tắc nghẹn vì thi sỹ nhận ra lúc mình “chết bút”: Ngồi viết/ mực chảy tấm tức/ Tình chết trong giấy/ ý chết trong lời/ chữ thì còn xác/… đúng là hát không nổi cười càng thêm nhạt và Văn Đắc gọi đó là cuộc đưa tang trong khoảng trống tâm hồn.

Nhưng tiếc là những khúc đoạn trường chi chút ấy xuất hiện không nhiều trong thơ ông; và, nếu có sẽ sớm dừng lại giữa lúc đời sống bộn bề những lo toan cần giải mã và cứu rỗi. Phải chăng điều đó đã mặc định trong ngòi bút và tâm hồn Văn Đắc!?

4. Tôi thường tới thăm Văn Đắc vào giữa tuần, thứ Bảy, Chủ Nhật ông bận vì đông khách. Nhà ông bên đường cái, cạnh ngã ba ngoại ô, tiện cho người ở quê lên, trên thành phố xuống thảng hoặc bạn văn từ Hà Nội vào. Có thể nói, vợ chồng Văn Đắc đã dấn thân theo những niềm vui bè bạn, niềm vui của sự bận rộn, trong đó cái ghế cái bàn thành con tàu bến cảng và:

Tiếng cười mở ra ngoài đường

Nước mắt gói vào vạt áo

Khách đến Văn Đắc thập cẩm các hạng người; họ đến đây sướng nhất là không phải giành giữ lời nói sao cho chính danh hay phải đạo; từ việc ông bạn già từng làm ở trạm khí tượng mang rượu và thơ tới “khủng bố” rồi bắt uống bằng say, đến chuyện mấy người ở miền Nam về thăm quê được bạn rủ tới tặng thơ. Nhưng gian nan nhất vẫn là tiếp mấy bác văn nghệ; ví như chuyện nhà văn Nguyễn Ngọc Liễn đi bộ năm cây số tới thăm vào đúng sáng mùng một Tết, lúc bốn giờ cả nhà đang ngủ, có tiếng đập cửa ầm ầm và vang lên tiếng ông đọc thơ như pháo nổ:

Tối ba mươi khép cửa càn khôn (1)

Sáng mùng một lỏng then tạo hóa

Mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân vào

Và thật may, cuộc đạp đất đầu năm của nhà văn tính khí kiêu bạc quê Quảng Bình lại là điềm báo tài lộc; không những năm ấy Văn Đắc ra mắt tập thơ Muộn mằn và lại được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng cũng chính ông nhà văn đầu đội mũ phớt tay chống ba toong ấy, nhiều lần giữa khuya, một hai giờ bất kỳ, có chuyện gì tức bực, vui sướng, buồn phiền là điện máy bàn cho Văn Đắc. Rõ khổ! Một vài lần thì còn chịu được, thậm chí thấy vui. Nhiều lần như thế mất ngủ; có thể bà Khanh cằn nhằn trách quở gì đó qua điện thoại. Thế là sáng mai gặp Văn Đắc ở cơ quan Hội Văn nghệ, ông nhìn chằm chằm, may mà đôi mắt chỉ hiện ra qua cặp kính cận dầy cộp, ông nói theo giọng vừa diễu cợt vừa chì chiết: “Đắc ơi! Này… Mày khổ nha! Mày là nô lệ hả, vợ quản lý mày như một bà chủ hả? Con Khanh đẻ ra mày hả Đắc?” Văn Đắc khi đó chăm chú nhìn ông rồi cười trừ. Biết là ông bạn vong niên phải yêu lắm mới nói như vậy.

Hay chuyện nhà văn Đặng Ái xuống nhà Văn Đắc. Dạo ấy nhà ông đang ở trong làng cách đường cái đi Sầm Sơn chừng vài trăm mét. Hai văn sỹ cởi áo mặc quần đùi nhảy xuống ao mò ốc, bắt cá. Gần hết buổi mà không bắt được cô chú cá nào chỉ vớ được dăm vốc ốc nhỏ để luộc nấu canh và xào làm thức nhắm. Lúc rượu vào đã ngà ngà, Ái nói: Tôi thấy ông Đắc nhảy lên bắt cá như vồ châu chấu trên ruộng. Anh vung tay làm điệu, đổ cả chén rượu xuống mâm. Rồi chuyện thầy giáo Phạm Gia Mạnh, dạy văn trường Chuyên Lam Sơn đến chơi. Lần ấy khoảng một giờ sáng, Mạnh đi đâu về, gọi cổng. Văn Đắc ra, Manh nói thì thào: “Đang ngủ à, em mang rượu và chân giò luộc hầu chuyện nhà thơ đây”. Mạnh không học với Văn Đắc, nhưng anh ruột của Mạnh là Phạm Gia Ngay lúc đó là Chủ tịch thị xã Sầm Sơn là học trò cũ, nên Mạnh cứ một thầy hai thầy. Văn Đắc xuề xòa: “Mình có dạy cậu nửa chữ nào đâu mà cứ gọi mình là thầy”. Nói rồi, ông nhẹ nhàng vác chiếc chiếu, mở ngõ, kéo Mạnh sang vệ cỏ bên kia đường, uống rượu, tán gẫu cho vợ con được ngon giấc.

Nhưng kỳ cục nhất vẫn là lần tôi đang trò chuyện cùng Văn Đắc thì cửa ngõ khép hờ bị đẩy mạnh. “Văn Đắc đâu?”. Một vị dáng người thấp đậm, ánh mắt hoang dại xếch lên quát to: “Khách sang trọng đến nhà sao không ra đón tận cửa? Khinh người thật!”. Văn Đắc tráng ấm chén, pha trà. Ông ta giành lấy, nói: “Văn Đắc có trà, nhưng tôi là vị”. Vị khách pha chè một cách thuần thục, rồi kể đủ thứ, chủ yếu chuyện bất mãn; từ việc anh em trong nhà cuối đời ly tán đến thời cuộc vận hạn đổi thay và đặc biệt, ông ta chê trách người đời không thấu hiểu được ông, tầm mức của một đấng bậc. Tôi thấy trong đoạn kể, cứ sau mỗi lần văng tục, gương mặt ông ta lại giãn ra như mảnh vườn khô nóng gặp trận mưa rào. Thấy tôi xin cáo lui, vị khách nói trống không chủ yếu để tôi nghe đại ý là, những người được gọi là lịch sự của xứ này không thể không biết tới tên tuổi của ông, thật quá chán! Sau này hỏi chuyện vị khách hôm nọ, Văn Đắc cười: “Họ đến với mình hừng hực như ngọn lửa, biết sai đấy nhưng không nỡ. Ai cũng có bi kịch của riêng mình”. Văn Đắc là thế, ông xử lý tình huống chả khác chi gieo một vần thơ; và, ông bảo dù sao tính khí của họ cũng dễ chịu hơn chín vạn những lời có cánh được túa ra từ những bờ môi còn sắc hơn lá mía.

Văn Đắc có cuộc sống bình lặng, không lầm lụi mà an nhàn và thoáng đãng nhà thơ; tạng như ông không thể làm doanh nghiệp, nhân viên thủ thư hay căng thẳng đua chen chính trị. Tôi đồ rằng nếu được tái thế, tạo hoá lại bắt Văn Đắc lấy văn chương làm nghề. Ông có câu thơ tặng vợ và cũng như lời tự bạch:

Lấy thơ làm của trong nhà (2)

Buồn vui sướng khổ chia ra cùng người

Cái còn lại của Văn Đắc là do trăm cái sự lành ta nhận được khi tiếp xúc với ông. Người ta là hoa đất, và thi ca là thứ hương thơm tinh cất từ loài hoa biết cất tiếng; sở dĩ bầu bạn còn nhớ và hay đến chia sẻ cùng Văn Đắc, trước và sau cùng, là do ông đã chọn và đã lấy thơ làm của trong nhà. Từ thơ mà cảm cái hạnh phúc khác thường của đời người, làm thơ và có lúc nương vào câu thơ mà đứng dậy. Sự lựa chọn hướng đi và mục đích như thế cho ông nhiều của nả.

Văn Đắc đã cho, đã nhận và không phải người làm thơ ai cũng được như ông.

Đại Lải – 05/ 2016

L.V.Q

  (1) Thơ Hồ Xuân Hương

 (2). Phần thơ  in nghiêng – Thơ Văn Đắc – NXB Hội Nhà văn – 2013