Nhà văn Anh Đức như tôi đã biết

453

(Kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, 1957-2022)

Nhà văn Anh Đức bị đột quỵ cách đây hơn mười năm, bị hôn mê sâu đến 20 ngày. Nhờ các bác sĩ tận tình cứu chữa, nên sau đó tỉnh lại. Và sống đến hơn 10 năm là cũng nhờ các bệnh viện, nhất là nhờ chị Loan, người vợ hiền đã có một mối tình tuyệt đẹp với anh…

Ngày xưa… Đó là những ngày ở Hà Nội sau năm 1954. Anh Đức lúc đó trẻ, đẹp trai, từ miền Nam tập kết ra. Hồi đó, anh đã là loại quý hiếm vì 17 tuổi, anh đã được Giải thưởng Cửu Long – một giải văn học của Nam Bộ kháng chiến. Ra Bắc, anh tiếp tục sáng tác và sau những truyện ngắn đầu tay về miền Bắc, anh thành công ở truyện Một truyện chép ở bệnh viện – một đề tài miền Nam gần gũi với anh hơn. Một truyện chép ở bệnh viện thành phim Chị Tư Hậu với nữ diễn viên Trà Giang, đạo diễn Phạm Kỳ Nam được giải Bạc ở Liên hoan phim Matxcơva 1963. Nhưng lúc phim đang quay thì Anh Đức đi B (1962). Đồng chí Lê Đức Thọ gửi anh đi máy bay quân sự đến Quảng Bình rồi từ đó lội bộ vào Nam Bộ. Anh bị sốt rét ác tính, phải điều trị ở Bệnh viện R của BS. Đoàn Thúy Ba. Mấy năm sau, người yêu anh – một nữ sinh Trưng Vương xinh đẹp cũng được đồng chí Lê Đức Thọ giải quyết cho vào Nam theo anh. Họ cưới nhau và sinh con trai đầu lòng ở R, ở chiến khu. Ông Mười Cúc (đồng chí Nguyễn Văn Linh) quý mến đôi vợ chồng vào Nam chiến đấu, thỉnh thoảng ghé cho cháu bé hộp sữa…


Nhà văn Anh Đức (1935 – 2014)

Sau này, khi đồng chí Nguyễn Văn Linh đã là Tổng Bí thư, Anh Đức có những công việc văn hóa – văn nghệ cần gặp, ông Mười tiếp liền, có khi còn gọi các đồng chí lãnh đạo khác đến cùng nghe, cùng giải quyết. Sự tín nhiệm của Anh Đức đối với lãnh đạo là tuyệt đối. Khi có người “gièm” anh, ông Tư Ánh (Trần Bạch Đằng) bảo: Tao sống với Anh Đức đã mấy chục năm, tao còn lạ gì nó, thôi đi!… Một nhà văn xuất thân “dân ruộng” ở Bình Hòa, An Giang đi làm báo, làm văn lúc còn thiếu niên ở Nam Bộ, tập kết ra Bắc rồi về lại miền Nam viết văn chiến đấu, chia sẻ với đồng bào, đồng chí mình, nhà văn ấy là vàng ròng của Cách mạng.

Tiểu thuyết Hòn Đất của anh là tiểu thuyết quy mô đầu tiên về cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ của nhân dân miền Nam. Ở Kiên Giang, vùng Hòn Đất có mấy hòn như thế, căn cứ địa của huyện. Tụi địch huy động hàng vạn quân đến quét. Du kích, nhân dân bám trụ kiên cường, đánh địch, diệt ác ôn, quyết không cho chúng chiếm… Trong cuộc chiến đó đã xuất hiện những nhân vật được tác giả dựng lên với tất cả tình cảm, sự hiểu biết của mình: chị Sứ, bà Cà Xợi, anh Nghiệp nông dân cày ruộng và cả những tên ác ôn như thằng Xăm… Chị Sứ (tên thật là Ràng) giờ nằm ở một nấm mồ bất tử do nhân dân xây nên và tên Hòn Đất (vốn chỉ một hòn núi đất đá) đã được đặt tên cho một huyện. Nhà văn đã làm bất tử những chiến công vĩ đại của thời đại.

Hòn Đất vang dội vì nó đem đến cho nhân dân Nam – Bắc niềm tin vào nhân dân, niềm tin vào sức mạnh Việt Nam, để mười năm sau ta toàn thắng. Sau Hòn Đất là những truyện ngắn, bút ký viết đều đều trong một chiếc chòi nhỏ chiến khu, bên cạnh những trọng trách lãnh đạo văn nghệ chiến trường. Sức thu hút của tác phẩm Anh Đức, con người Anh Đức thật là lớn… Hàng loạt các nhà văn đặt tên hiệu mình có chữ Anh như Lê Anh Xuân, Anh Động…, noi gương nhà văn “anh cả” ở trong rừng chiến đấu và sáng tác. Hồi đó, cụ Nguyễn Tuân ở Hà Nội đội chiếc mũ sắt phòng không, bám trụ 51 Trần Hưng Đạo – nơi đóng trụ sở Hội Văn nghệ để viết Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi. Tấm lòng của nhà văn già, nhà văn mà Tkachev – dịch giả lỗi lạc người Nga nói là “viết xong thì thành cổ điển”, đối với  Hà Nội, đối với kháng chiến giải phóng miền Nam, thật tuyệt vời. Và cụ đã chọn làm sóng phát thanh Tiếng nói Việt Nam để thư từ văn chương cùng Anh Đức, một nhà văn có thể nói là đại diện cho văn học miền Nam đang chiến đấu. Hai nhà văn ở hai đầu đất nước, qua những bức thư Cà Mau ấy đã làm công chúng thấy dậy lên trong lòng mình biết bao tình cảm Nam – Bắc cao đẹp, thấy tin yêu, thấy tràn sức để ra chiến tuyến…


Những tác phẩm của cố nhà văn Anh Đức.

Sau bao nhiêu năm viết, ngòi bút và tấm lòng nhà văn vẫn luôn đau đáu hướng về những vấn đề lớn của đất nước. Trình độ viết văn được nâng lên qua học tập, nghĩ suy. Anh tiếp cận với văn chương thế giới, tiếp cận với những danh gia vừa là đàn anh vừa là bạn thân như Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận… để học ở họ cái bề dày văn hóa dân tộc và nhân loại, để mà “hạ bút” viết hàm súc, sâu lắng, tài hoa, ký thác ở trang văn những tâm sự về người, về đời…

Anh Đức là một ngòi bút lớn của thời chúng ta. Anh được Giải thưởng Hồ Chí Minh và nhiều giải thưởng khác, ai cũng thấy xứng đáng, không một lời nói ra, nói vào…

Thoạt mới gặp, người ta thấy Anh Đức hơi “khô”, thấy anh nghiêm cẩn như một ông linh mục. Nhưng gần lâu thì đó là một người thắm thiết tình cảm và rất đáng tin cậy, suốt đời làm việc, cống hiến hết mình, không đòi hỏi gì cho mình, trong veo, kiên định. Anh trong hoàn cảnh khó khăn nào cũng luôn tin ở nhân dân, ở Đảng, ở sự nghiệp mà mình dốc lòng từ thuở thiếu niên. Trước những vấn đề thời cuộc, vấn đề văn nghệ, anh luôn đem tấm lòng son đỏ đó mà nhìn nhận rất chính xác, sáng suốt!

Một nhà văn – chiến sĩ, một nhà văn tiêu biểu của thời đại chống Mỹ đã ra đi. Thật tiếc thương và không gì có thể bù đắp.

Về phần riêng mình, tôi với anh vừa là anh em vừa là bạn thân vong niên luôn sát cánh bên nhau, luôn bàn bạc cùng nhau mà không bao giờ trái ý. Anh, cùng với Chế Lan Viên, Bảo Định Giang, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu và nhiều người khác đã lập nên Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và tạp chí Hồn Việt để làm chỗ dựa cho anh em chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp chung. Kỷ niệm của tôi về anh có rất nhiều, nhưng cốt lõi của nó là tình thương yêu sâu nặng của gần 40 năm giữa chúng tôi… Vĩnh biệt anh, lòng tôi thấy trống vắng bao nhiêu… Viết về anh những dòng hời hợt này, mong rằng sẽ có dịp viết về anh sâu hơn, kỹ hơn nữa.

***

Nhà văn Anh Đức tên thật là Bùi Đức Ái, sinh ngày 5.5.1935 tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Khi mới bắt đầu sự nghiệp văn học, ông viết với bút danh Bùi Đức Ái (tên thật của ông). Nhưng sau một thời gian hoạt động, ông bắt đầu lấy bút danh mới là Anh Đức.

Ông từng đoạt giải Nhất truyện ngắn báo Văn Nghệ (1958), giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (1965) và được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2000) do những đóng góp với văn học Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh. Nhắc đến nhà văn Anh Đức, nhiều thế hệ người đọc sẽ nhớ đến tác phẩm như Hòn Đất (viết năm 1966) cùng với Giấc mơ ông lão vườn chim, Bức thư Cà Mau đã được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy. Ngoài ra, khi nhắc đến ông, nhiều khán giả sẽ nhớ ngay đến bộ phim Chị Tư Hậu được chuyển thể từ truyện Một chuyện chép ở bệnh viện được nhà văn Anh Đức viết vào năm 1958. Không chỉ sáng tác, nhà văn Anh Đức còn gắn liền cuộc đời mình trong công tác quản lý với các chức vụ: Tổng Biên tập báo Văn nghệ Giải phóng, Tổng Biên tập tạp chí Văn và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TP.HCM nhiều khóa liền.

Theo Mai Quốc Liên/Vanvn