Nhà văn Anh Đức và những chân dung phụ nữ

476

Trầm Hương

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hai mươi năm trước, nhà văn Anh Đức đã từng có cái nhìn ái ngại, rầu rĩ, muốn chia sẻ với tôi lời khuyên “xin đừng tự đốt cháy mình” như thế. Lẽ đương nhiên, khi mối tình điên cuồng, cháy bỏng của mình không được ủng hộ, không có một đồng minh nặng ký thì tôi cũng ái ngại, xa lánh, mủi lòng nghĩ rằng nhà văn có định kiến không tốt về tôi. Đừng nghĩ chỉ có người già mới định kiến mà người trẻ cũng có định kiến nặng nề. Trong đáy lòng tôi, ông nhà văn Anh Đức này là một ông già không chịu chơi, khốt-ta-bít, tẻ nhạt; một ông già không ưa gì những người trẻ sáng tạo, mới mẻ, dám đốt cháy mình, cần phải “kính nhi viễn chi”. Nghĩ thế nên tôi ngần ngại gặp ông. Tôi mặc cảm “ông già không ưa mình” nên chủ động tránh né ông. Sách được in ra, chưa bao giờ tôi dám gửi tặng ông vì cảm giác “ông già chẳng thèm đọc của mình”.


Nhà văn Anh Đức, tên thật là Bùi Đức Ái (1935 – 2014).

Nhưng tôi không ngờ càng “ghét ông”, kiêng dè, cố tránh xa ông bao nhiêu thì tôi càng ảnh hưởng ông rất lớn trong sự nghiệp viết lách của mình. Làm sao tôi không đọc và trái tim không rung cảm trước thân phận, lòng kiên định thủy chung, sự dũng cảm của những người phụ nữ Nam Bộ cầm súng. Làm sao tôi không cùng rơi nước mắt với chị Hậu trong Một chuyện chép ở bệnh viện, khi mới sinh 6 ngày đã ôm đứa con bé bỏng trốn dưới hầm. Trên nắp hầm, những gót giày đinh của địch dẫm nát ngôi nhà thân yêu. Là phụ nữ, làm sao tôi không đứng tim, đồng cảm với tình huống ngặt nghèo của chị Tư Hậu, khi đứa bé cất tiếng khóc trong lúc địch đang tìm diệt đối phương bằng thứ vũ khí sát thương tàn khốc. Là một người mẹ, làm sao chúng ta không cùng hòa với chị Tư Hậu dòng nước mắt khi địch rút đi, trong cảnh nhà cửa tan hoang, ôm trên tay đứa con còn đỏ hỏn, đôi chân yếu ớt, run rẩy; chị loạng choạng chạy ra ngoài bãi biển tìm cha chồng và đứa con gái bé bỏng. Những người làm mẹ hôm nay thử tưởng tượng xem, đêm ấy, một người mẹ mới sinh, vừa lo cho người cha chồng hấp hối vì bị địch đâm vào hông, vào mắt; vừa lo cho đứa con gái nhỏ mới lên ba vì sợ mà cứ khóc thút thít, bám theo mẹ. Chị đánh con mà nước mắt chảy tràn vì hối hận, rồi lại dỗ con nín, đôi chân rã rời, mà bàn tay vẫn dịu dàng rót từng miếng nước nhỏ cho cha chồng thấm giọng trong cơn khát dữ dội…

Vẻ đẹp của những người phụ nữ Nam Bộ dần hiện lên, đẹp rực rỡ qua từng trang sách của ông, cả những con người ngỡ như thật thầm lặng, bé nhỏ như chị Ba Tuất- người đàn bà nông dân đã sẵn lòng nuôi hai con chị Tư Hậu cho chị thoát ly công tác, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ hai đứa bé: “…Trong đêm ấy, tại cánh đồng dâu Hiệp Hưng tôi đã đưa đám một người đàn bà nông dân bình thường, nhưng rất có lòng dạ. Một người lúc sống đã đùm bọc các con tôi, coi việc làm đó là phần đóng góp của mình vào cách mạng. Cho đến lúc chết vì các con tôi, cũng cho cái chết đó là hữu ích…”

Ở miền Nam, có biết bao người mẹ, người chị thầm lặng như thím Ba Tuất sẵn sàng chấp nhận hy sinh, tù đày để bảo vệ cách mạng, bảo vệ Đảng. Tôi biết khi viết những dòng có sức lay động mãnh liệt này về những người mẹ, người chị miền Nam, lúc ấy, trong ông tràn lên nỗi xúc động, lòng biết ơn sâu thẳm. Làm sao trái tim tôi không rung lên niềm căm hận khi chị Sứ xinh đẹp, kiên trung bị kẻ địch dùng dao chém nhưng vì tóc chị quá dày, mà lưỡi dao tàn bạo còn tiếp tục hành hạ, làm chị đau đớn, cho đến nhát thứ tư mà chị vẫn chưa chết, chúng lại treo chị lên thân dừa theo ý đồ tên thiếu tá đồ tể: “để nó ngắc ngoải như vậy, hay hơn. Để nó rên cho thấu tới tai tụi trong hang”. Tình yêu, lòng ngưỡng mộ chất anh hùng, tài năng của nhà văn Anh Đức đã khiến những âm thanh cuối cùng của chị Sứ không chỉ đồng vọng với đồng bào, đồng chí, những người thân của chị ở Hòn Đất năm ấy mà có sức lay chuyển đến những thế hệ mai sau và mãi mãi…

Con người có vẻ bề ngoài ngỡ như khô khan của nhà văn Anh Đức lại gửi vào những trang văn sự lãng mạn, đa cảm đôi khi quá sức mềm yếu. Tôi chạm vào chất nhân hậu của ông ở những ở những nhân vật, ở những tình huống thật đau lòng. Tôi làm sao quên được cô Cà Mỵ trong Hòn Đất, dù “đất” ông dành cho cô rất khiêm nhường. Nhưng âm thanh những tàu lá dừa khô cọ nhau kêu rắc rắc làm xốn xang tim người khi cô chấp nhận cho bọn lính thay nhau cưỡng hiếp để được “đem gạo vô hang cho mấy chú” đã làm ngời lên vẻ đẹp trong sáng, sâu thẳm, giàu lòng hy sinh của cô gái Khơ-me chất phác, dù anh cô- thằng Xăm là một tên ác ôn mất tính người.

Với sự chăm chút, cẩn trọng từng chi tiết, có lẽ ngay chính cả ông cũng không ngờ, chính những nhân vật phụ trong tiểu thuyết lại là nhân vật được khắc họa thật sắc nét, lại chính là nhân vật gây ấn tượng một cách mãnh liệt. Nếu chị Sứ trở thành bất tử trong Hòn Đất thì bà Cà Xợi là một bà mẹ bi thương nhất đọng lại trong lòng người. Có người mẹ nào lại không yêu thương con nhưng chính tay bà đã phải vung lên lưỡi dao oan nghiệt với tất cả nỗi giằng xé. Nhưng bà Cà Xợi không nỡ tự tay giết con mình dù tội lỗi của thằng Xăm chất cao như núi- một tên biệt kích ăn cả thịt người, cắn vú, hút máu phụ nữ khi hắn hãm hiếp. Nhưng cũng có thể chính lòng nhân hậu, mềm yếu đã khiến ông có quyền hư cấu không để cho chính tay bà Cà Xợi vung chiếc dao dâu giết con. Ông đã hư cấu nên một tình huống hết sức hợp lý. Ấy là trước khi bà Cà Xợi vung dao lên, bà ngắm nhìn gương mặt đứa con ác ôn đang ngủ…

Truyện ngắn Con chị Lộc của nhà văn Anh Đức gợi tôi nhớ đến một truyện ngắn dữ dội của nước ngoài, viết về những người da đen khi bị chở đem bán trên một chiếc tàu đã nổi dậy giết tên thuyền trtfởng da trắng… Vì không có người lái, con tàu cũng mất phương hướng. Sự nổi dậy của nguời da đen đi vào chỗ tự sát. Nhưng sự bạo liệt trong Con chị Lộc có một phẩm chất khác. Những người tù cộng sản lại chính là những con người tràn ngập yêu thương đồng chí, đồng loại, hết sức nhân văn. Khi chị Lộc- người tù chính trị chuyển bụng sinh con, chỉ cần một lời vận động, hàng loạt chiếc áo tù đã được cởi ra làm chỗ cho người sản phụ: “Người thứ hai bên cạnh cũng làm y như vậy. Người thứ ba, rồi người thứ 4 cởi áo mình chuyền lại. Một cái nệm được tạo nên bằng những tấm áo tù có in ba chữ tắt C.T.P. Đến lúc người tù trải áo kêu lên: “Thôi, thôi, nhiều quá rồi!” thì những tấm áo vẫn còn chuyền tới trên tay. Và người ta vẫn còn cởi áo. Những ai sau khi cởi áo của mình ra quả là họ thấy có lạnh hơn, nhưng lại thấy yên lòng hơn lúc còn mặc áo”. Chính những người tù cộng sản đã quyết liệt bảo vệ đứa con chị Lộc, khi địch định ném đứa bé xuổng biển. Cơn phẫn nộ đã khiến những người tù đã làm cuộc nổi dậy, bóp cổ tên trung úy, bắt những tên lính mở cùm, bắt những tên lính trói lại. Những người tù cộng sản không bắn người lái tàu mà “kề súng buộc tên cầm lái chạy về hướng mũi Cà Mau…”

Tôi đọc một mạch tuyển tập của nhà văn Anh Đức. Chân dung những con người Nam Bộ dần hiện lên, đậm tính cách, rực rỡ. Ngòi bút của ông khiến họ đẹp dần bởi lòng nhân ái, bao dung, phóng khoáng, vị tha. Và cũng thật rực rỡ những tấm lòng yêu quê hương đất nước một cách máu thịt, sâu thẳm. Hơn nửa đời người, tôi mới có dịp tĩnh tâm đọc lại tuyển tập của nhà văn Anh Đức. Đọc xong rồi, tôi thấy mình lớn lên biết bao nhiêu, vỡ òa ra nhiều thứ. Hóa ra, những người tuổi trẻ chúng tôi ngỡ như yêu hết mình, đốt cháy hết mình cho những trang văn thì cũng có nghĩa là chúng tôi đã phung phí biết bao sức lực. Chúng tôi đã nôn nóng đãi cát, nhưng mấy ai đã cầm nắm được những hạt vàng. Còn nhà văn Anh Đức, dù thời ấy còn rất trẻ đã biết nhẩn nha, chắt chiu, mài giũa từng chi tiết để tác phẩm của ông lấp lánh chất ngọc. Ông có đtfợc bản lĩnh “viết ém mình” để bật lên một Hòn đất sang trọng, kiêu sa trong nền văn học nước nhà.

Một nhà văn nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, ông lại cặm cụi ngồi đọc quyển sách vừa mới in còn lạo xạo chất sạn của người trẻ. Tôi không ngờ ông đã đọc quyển sách của mình một cách cẩn trọng. Ông cũng viết bài cảm nhận tác phẩm của người trẻ một cách cẩn trọng. Cho đến lúc đó, tôi mới ngỡ ngàng nhận ra, hình nhtf ông không ghét tôi như tôi từng mặc cảm. Ông đã âm thầm theo dõi những bước chân của người trẻ. Có lẽ ông dành cho tôi những dòng chia sẻ, những ưu ái, bao dung khi đọc tập truyện ký Mẹ vì tôi đã viết về những người mẹ, người chị Nam Bộ mà ông đã từng viết, viết chưa hết, vẫn còn mặc nợ. Ông đánh dấu những chi tiết mà ông tâm đắc, dù đó là tấm bằng Tổ quốc ghi công bị treo ngược vì con gái một Bà mẹ Việt Nam anh hùng không biết chữ… Ông vẫn còn rất tỉnh táo khi tôi đến thăm. Di chứng tim mạch không cho phép ông viết nhưng ông vẫn đọc, đọc đều đặn, trái tim vẫn nóng hổi khát vọng mà phải “ém mình” thúc thủ trước tuổi tác, bệnh tật. Ông nhìn những bước chân hăm hở của người trẻ bằng đôi mắt u buồn. Tình cờ ngoái nhìn lại, tôi chợt sững người nhìn thấy đôi mắt u buồn ấy của ông. Giây phút ấy tôi cũng hiểu ra rằng dù đã từng “ghét” ông, đã từng kiêng dè, thậm chí cười mỉm trước lời khuyên nhà văn can có bản lĩnh “viết ém mình” của ông; vậy mà tự lúc nào, tôi đã trở thành học trò của ông, khi định mệnh sắp đặt cho tôi tiếp cận với muôn vàn số phận anh hùng, nghiệt ngã của những người mẹ, người chị trong chiến tranh, đầy ắp tâm tư trong những ngày hòa bình. Tôi biết chắc mình trả nợ quá khứ kém hiệu quả hơn ông rất nhiều và ông không hề biết đã từng có một đứa học trò từng liều lĩnh, vô tư, bạt mạng bước vào trường văn như tôi ở trên đời. Năm 2009, tôi đến thăm ông. Ông rất vui, mân mê trên tay quyển tiểu thuyết Đêm Sài Gòn không ngủ tôi ký tặng ông, với tất cả lòng trân trọng. Lúc chia tay, tôi không bao giờ quên được thông điệp trong đôi mắt buồn rầu của ông dõi theo một lời khuyên chân thành: “Những người không còn trẻ nữa, hãy biết giữ sức mình”.

T.H

Nhà văn Anh Đức tên khai sinh là Bùi Đức Ái, quê xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Ông rời gia đình, vào chiến khu của lực lượng kháng chiến ở miền Nam Việt Nam hoạt động từ khi còn trẻ. Năm 1953, ông được điều về làm ở báo Cứu quốc Nam Bộ; được trao giải thưởng Văn nghệ Cửu Long trong giai đoạn này. Người đầu tiên được coi là đã phát hiện ra năng khiếu văn học của Bùi Đức Ái là nhà văn Đoàn Giỏi. Vào những năm 20 tuổi, khi mới bắt đầu nghề văn, Anh Đức từng đề nghị Đoàn Giỏi, một nhà văn đàn anh, xem và nhận xét những tác phẩm của mình Tập kết ra Bắc, ông viết với bút danh Bùi Đức Ái. Thời gian này ông được gặp và tiếp xúc với nhiều nhà văn lớn cùng thời tại Hà Nội. Theo phân công của Hội Nhà văn Việt Nam, mỗi nhà văn có kinh nghiệm giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm, đọc và góp ý bản thảo cho một cây bút trẻ tập kết. Người được giao kèm cặp Bùi Đức Ái là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Ngoài ra, Bùi Đức Ái đi thực tế nhiều nơi, viết một số truyện ngắn nhưng không thật nổi bật cho đến khi ông gặp bà Nguyễn Thị Huỳnh, một phụ nữ từng hoạt động trong lực lượng kháng chiến ở miền Nam Việt Nam. Nhờ cuộc gặp gỡ này, ông viết Một truyện chép ở bệnh viện. Tập truyện được đón nhận rộng rãi và trở thành một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi của ông sau này.

Năm 1962, Bùi Đức Ái trở lại chiến trường miền Nam Việt Nam ngay trong đợt đầu tiên của văn nghệ sĩ. Các nhà lãnh đạo văn hóa tư tưởng và văn nghệ có vẻ đánh giá rất cao khả năng của Anh Đức. Đích thân Trưởng ban Tổ chức trung ương miền Bắc Việt Nam Lê Đức Thọ đã gặp Anh Đức và dặn dò: “Vào trong đó cậu nên tập trung thời gian mà sáng tác, đừng làm việc hành chính mất thời gian, việc đó nhiều người làm được” [1].

Trở lại miền Nam, ông bắt đầu lấy bút danh mới là Anh Đức. Trải qua thời gian rèn luyện nghề văn tại miền Bắc, khi tiếp cận với thực tế cuộc chiến ở chiến trường miền Nam, Anh Đức viết một loạt hồi ký, được chú ý nhất là loạt ký sự Bức thư Cà Mau. Dưới hình thức trao đổi văn học qua thư với nhà văn Nguyễn Tuân, Anh Đức phản ánh thực tế sống và chiến đấu của lực lượng kháng chiến tại Cà Mau và nhiều vùng khác của miền Nam Việt Nam. Cũng trong thời gian này, ông đến Kiên Giang và viết tác phẩm có lẽ là nổi tiếng nhất của ông, tiểu thuyết Hòn Đất. Hòn Đất đã mang về cho Anh Đức giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu.

Sau năm 1975, Anh Đức về sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ông viết một số truyện ngắn như Người khách đến thăm vườn nhà tôi, Cái bàn bỏ trống, Miền sóng vỗ. Ở các cương vị làm quản lý, trong giai đoạn chiến tranh, Anh Đức từng nắm giữ các chức vụ: Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Giải phóng, ủy viên Ban thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Sau năm 1975, có thời gian Anh Đức là ủy viên Ban thư ký Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh; Tổng biên tập tạp chí Văn, ủy viên Đảng đoàn các khóa 2 và 3, đại biểu quốc hội khóa 7.

Tác phẩm:

Biển động (tập truyện ngắn, 1952); Lão anh hùng dưới hầm bí mật (truyện ký, 1956); Một chuyện chép ở bệnh viện (tiểu thuyết, 1958 – được lấy làm kịch bản cho phim truyện Chị Tư Hậu, 1962); Biển xa (tập truyện ngắn, 1960); Bức thư Cà Mau (tập truyện, bút ký, 1965); Hòn Đất (tiểu thuyết, 1966 – được lấy làm kịch bản cho phim truyện Hòn Đất, 1983); Giấc mơ ông lão vườn chim (tập truyện ngắn, 1970); Đứa con của đất (tiểu thuyết, 1976); Miền sóng vỗ (tập truyện ngắn, 1985).

Giải thưởng:

– Giải nhất truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ (1958);
– Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (truyện, 1965);
– Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học năm 2000.