Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM: Hiện diện cùng nỗi đau và chia sẻ nỗi đau đó, còn là phẩm hạnh của người cầm bút

518

Nhiều tháng qua, tôi không dám rời chiếc điện thoại. Phập phồng, hồi hộp, đợi chờ. Đợi từng bản tin về dịch bệnh với hy vọng sẽ giảm ca nhiễm, giảm tử vong. Chờ cuộc gọi, cuộc nhắn tin từ bè bạn đang có người thân là bệnh nhân Covid. Chờ từng đợt test. Chờ kết quả. Chờ câu trả lời nhận bệnh của những bác sĩ quen ở một vài bệnh viện tuyến đầu. Chờ tin nhắn của bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp điều trị cho người thân quen, cho đồng nghiệp. Và, căng người chờ cả tin xấu. Đó là tâm trạng sống trong tâm dịch, của nhà văn Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh khi chia sẻ với Văn nghệ.

* PV: Đang sống trong “tâm bão” của đại dịch, bà có thể cho biết tâm trạng hiện tại của mình?

– Nhà Văn Bích Ngân: Đang sống trong tâm bão…Từ “sống” không riêng gì chúng ta mà loài người trên hành tinh này sử dụng đế nói lên trạng thái mà con người được đi lại trên mặt đất, được gặp gỡ, được trò chuyện, được căng lồng ngực hít thở khí trời… đã không còn được trọn ý nghĩa cũng như biểu tượng sống động như nó vốn có.

Nhiều tháng qua, “sống” trong vùng dịch là sống trong phập phồng, hoang mang, lo sợ, chờ đợi và chống đỡ nhiều áp lực, nhiều khó khăn và thương tâm nhất, dày vò nhất là mất mát đau thương do dịch bệnh đã cướp đi hơn một vạn sinh mạng, hàng ngàn người đang nằm trong các trung tâm hồi sức, nặng và rất nặng; hàng chục ngàn người đang chữa trị; hàng trăm ngàn người ngàn người vượt khỏi bàn tay tử thần…với nỗ lực chiến đấu quyết liệt của biết bao nhiêu người. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực đến kiệt cùng của người dân thành phố, của chính quyền các cấp và sự chia sẻ sức người sức của của cả nước, tang thương đã và đang trùm xuống biết bao gia đình, bao mái nhà.

Nhiều tháng qua, tôi không dám rời chiếc điện thoại. Phập phồng, hồi hộp, đợi chờ. Đợi từng bản tin về dịch bệnh với hy vọng sẽ giảm ca nhiễm, giảm tử vong. Chờ cuộc gọi, cuộc nhắn tin từ bè bạn đang có người thân là bệnh nhân covid. Chờ từng đợt test. Chờ kết quả. Chờ câu trả lời nhận bệnh của những bác sĩ quen ở một vài bệnh viện tuyến đầu. Chờ tin nhắn của bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp điều trị cho người thân quen, cho đồng nghiệp. Và, căng người chờ cả tin xấu.

Là người cầm bút, trạng thái “sống” trong tâm dịch, có lẽ không riêng gì tôi là thấy mình bất lực và nhiều lúc có cảm giác một tảng đá nặng, rất nặng đang đè lên ngực mình….

Nhà văn Bích Ngân sinh ngày 11/8/1960 tại xã Tân Hưng Tây, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, nguyên quán: xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, hiện sống và làm việc tại thành phố Thủ Đức. Bà là Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM, nhiệm kỳ 2020-2025, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Ủy viên Ban thường vụ – Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam. Nhà văn Bích Ngân đã xuất bản 10 tập truyện ngắn, ba tập truyện hài hước, hai tập tạp bút, hai tập kịch bản sân khấu và tiểu thuyết Thế giới xô lệch (tái bản lần thứ sáu).

* Thời gian gần đây, hình ảnh nhà văn, nghệ sĩ tham gia tình nguyện viên hỗ trợ công tác chống dịch Covid-19 được người dân đánh giá cao, bởi khi đất nước cần họ sẵn sàng nhập cuộc không chỉ bằng nhiệt huyết, góp sức người sức của mà còn bằng chính tác phẩm của mình. Ở tâm dịch Tp Hồ chí Minh, trên cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM bà có thể chia sẻ rõ hơn về cuộc sống và những hoạt động của các nhà văn thành phố trong thời điểm hiện tại?

– Nhà văn gắn liền với trang viết. Và nhà văn cũng không thể tách rời cuộc sống mà cộng đồng đang sống, đang chiến đấu với cỗ xe giết người hàng loạt nhưng lại vô hình. Một cuộc chiến khốc liệt, hết sức khốc liệt, mà trước hết mỗi “chiến binh” phải có đủ miếng ăn, nhất là đối với người nghèo; mà người nghèo ở thành phố này thì đông lắm. Đó là đồng bào từ mọi miền đất nước đổ về Sái Gòn để lao động kiếm sống. Học sinh, sinh viên đến thành phố học hành. Và viên chức, công chức coi đây là nơi để họ thi thố tài năng và góp sức.

Nhà văn vốn giàu lòng trắc ẩn. Nhà văn nữ còn thêm tấm lòng người chị, người mẹ. Nhiều chị em đã lao vào cuộc vận động đồng nghiệp, bè bạn tặng gạo người nghèo, vận động các đơn vị, các mạnh thường quân tặng thực phầm cho công nhân; rồi vận động góp khẩu trang, góp tiền hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ ở một số bệnh viện tuyến đầu chữa trị bệnh nhân nhiểm Covid-19…

Ngọn lửa yêu thương từ tấm lòng của nhiều nhà văn nữ nhanh chóng được tỏa lan. Nhiều nhà văn nam cũng vào cuộc, chung tay, góp sức. Hàng chuc tấn gạo, nhiều tấn mì cùng những nhu yếu phẩm thiết yếu có được từ những tấm lòng của người cầm bút đã đến tay người nghèo. Khi tôi cầm trên tay 100 triệu từ tiền đóng góp của đồng nghiệp (nhà văn đa số là nghèo) và bạn bè sau 3 ngày vận động , đến bênh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, trao tận tay các y bác sĩ đang trực chiến nơi tuyến đầu chống dịch, tôi cảm nhận rõ hơn sức nặng nghĩa tình của người cầm bút có trái tim mà nhịp đập không chỉ đập cho riêng mình. Chỉ khi trái tim biết đau cùng nỗi đau của đồng loại, thì trang viết của họ mới có thể chạm tới được trái tim người người đọc.

* Có ý kiến cho rằng, sáng tác văn, thơ, nhạc, họa… cỗ vũ tinh thần chống dịch vốn là điều nên làm, nhưng để tác phẩm đó trở thành liều “vaccine” cho những tâm hồn đang ít nhiều chịu tác động mạnh mẽ bởi dịch bệnh là một việc làm không dễ. Bởi sẽ rất khó có được những tác phẩm có giá trị từ những cuộc thi ( phát động) mang tính phong trào này?. Bà có đồng tình với quan điểm này không?

– Ai cũng có thể làm thơ và viết văn được, thậm chí in hẳn hoi thành sách nhưng để có được những tác phẩm đúng tên gọi là “thơ”, là “văn” thì không dễ, đòi hỏi tác giả của nó phải có tâm, có tài. Khi đã có tâm có tài còn phải thai nghén tác phẩm. Còn cần thời gian gọt giũa. Nhà văn Paustovsky ví nhà văn như thợ kim hoàn và tác phẩm văn chương là sản phẩm tinh xảo nhất. Nhà văn Márquez thì coi nhà văn là người thợ mộc và phải làm việc với một hiện thực – một vật liệu cũng cứng như gỗ.

Dẫn lại ý của hai văn hào trên, để muốn nói, thường tác phẩm văn chương đích thực được sản sinh bằng cả một quá trình sống, quá trình trích lũy, quá trình lao động đổ mồ hôi sôi nước mắt. Do đó, việc cho rằng những tác phẩm được ra đời trong một thời gian ngắn dù viết về những biến cố với biết bao mất mát và hy sinh, cũng khó có thể có được tác phẩm thật sự có giá trị bền lâu, điều đó là có cơ sở. Tuy nhiên, không phải đúng với tất cả. Chắc ai cũng biết, Bài ca Marseill, ngày 14/7/1795 đã chính thức trở thành bài quốc ca đầu tiên của nước Pháp. Bài hát này, được ra đời chỉ sau một đêm được “đặt hằng” bởi người chỉ huy mà tác giả cùa nó là một sĩ quan công binh của đoàn quân tự nguyện giải phóng Paris thoát khỏi kẻ thù xâm lược.

* Bà từng cho rằng: Người cầm bút thường không chỉ nhìn hiện thực bằng mắt mà còn nhìn bằng thứ ánh sáng của trái tim. Đây có phải là lý do, Ban chấp hành Hội nhà văn TP HCM tổ chức và phát động cuộc thi Thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam”, hay không?

– Trong tâm dịch và trong đau thương trùm xuống thành phố, là người cầm bút có lẽ không ai là không khóc trên trang viết của mình. Và thơ là thể loại với thế mạnh trực diện của cảm xúc để đến với cảm xúc. Trong bài thơ “một siêu linh” tôi viết: 270 gram/ những lồng ngực có cùng tần số/ những đôi mắt có cùng nguồn sáng/ những nhịp tim không đập cho riêng mình/ không sự phong tỏa nào khiến họ cách ly. Và, 270 gram/ một siêu linh có trăm ngàn đôi mắt. Phải, trái tim, “một siêu linh có trăm ngàn đôi mắt”, đó cũng là lý do mà Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, dù đang cùng cả thành phố chống chọi với dịch bệnh với bao bất trắc, khốn khó và đau thương, đã mở cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam”. Để chọn tên cho cuộc thi thơ mà lần đầu tiên Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức, do thực hiện giãn cách y tế, nên Ban chấp hành Hội không thể tổ chức buổi họp bàn bạc trực tiếp mà tổ chức cuộc họp online. Sau nhiều tranh luận, chúng tôi chọn tên “Nhân nghĩa đất phương Nam”. Chúng tôi chọn cụm từ “ đất phương Nam” bởi, Sài Gòn xưa và Tp. Hồ Chí Minh nay là đô thị lớn nhất phương Nam, kể từ 323 năm qua. Nói đến phương Nam người ta nghĩa ngay đến Sài Gòn xưa và Tp.HCM nay. Và không chỉ có vậy, đất phương Nam còn là cả vùng đất phương Nam, ranh giới địa lý được mở rộng và độ phủ sóng về tinh thần, tinh cảm cũng không bị giới hạn.

Nhân nghĩa, không chỉ là lòng yêu thương, là mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người và giữa con người với công đồng. Nhân nghĩa còn hiện thân truyền thống, là vẻ đẹp cao cả mà còn là biểu tượng của sức mạnh để chiến thắng (thắng kẻ thù xâm lược, thắng thiên tai và hiện nay là quyết thắng đại dịch dù đang phải trả cái giá quá đắt).

Nhân nghĩa, còn bao hàm cả dũng khí và nghĩa khí. Đất phương Nam không thể thiếu hào sảng, bao dung, nhường nhịn, chở che…

Nhân nghĩa, còn là giá trị cao quý “uống nước nhớ nguồn”, biết ghi ơn và tri ơn, thứ giá trị bất biến trong dòng đời vạn biến.

Nhân nghĩa, còn là yếu tố quyết định để “an dân” mà Ức Trai đã tiếp nối truyền thống ngàn đời trong hành trình dựng nước và giữ nước của nhân loại. Nhân nghĩa vừa là mục tiêu vừa là phương tiện để đạt được mục tiêu an dân. Và “an dân” trong mọi biến thiên thời cuộc và lòng người, luôn là một đòi hỏi sống còn… Như bất kỳ cuộc thi văn chương nào, Ban tổ chức Cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam”, cũng có quy định và những giới hạn về số lượng, dung lượng bài dự thi, giới hạn về đề tài, về thời gian…nhưng Nhân nghĩa là giá trị vượt qua mọi giới hạn.

* Bà có thể tiết lộ đôi chút thông tin về những tác phẩm BTC nhận được trong hơn một tháng qua?

– Cuộc thi thơ “ Nhân nghĩa đất phương Nam” phát động vào sáng ngày 2.8.2021 cho đến hết ngày 15.9.2021. Như vậy, cho đến hôm nay đã đi được gần được 5/6 chặng đường. Ban tổ chức cuộc thi khá bất ngờ với sự hưởng ứng phài nói là hết sức nồng nhiệt. Ban tổ chức đã nhận đượhơn 1500 bài thơ dự thi của hơn 500 tác giả từ mọi miền đất nước và từ một số quốc gia như: Nga, Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ…

Về chất lượng cuộc thi thơ thì phải để Ban sơ khảo rồi sau cùng là Ban chung khảo đánh giá. Tuy nhiên, là Trưởng ban tổ chức Cuộc thi nên tôi thường xuyên theo dõi tiến độ cuộc thi cũng như đọc hơn hai trăm bài thơ đã qua vòng sơ khảo và được đăng trang trọng trên Website “Văn chương thành phố Hồ Chí Minh”, diễn đàn văn chương của Hội nhà văn TP.HCM, tôi nhận thấy, những bài thơ đem lại cảm xúc cho độc giả là những bài thơ mà tác giả của nó đã viết bằng cả trái tim đối với những đau thương mất mát mà con người gánh chịu trong đại dịch, cũng như đã đồng cảm, sẻ chia và lan tỏa những giá trị nhân văn mà không chỉ là riêng người của đất phương Nam mới có được.

Và khi đọc những bài thơ đầy vẻ đẹp nhân văn ở cuộc thi này, tôi càng thấm thía điều này: Dửng dưng thờ ơ với con người với cuộc sống sẽ chỉ hời hợt lướt qua mọi thứ và không thể có được phẩm chất dự phần cùng nỗi đau mà cộng đồng đang đau và đang nỗ lực kiên cường để vượt qua nỗi đau mà đại dịch đang tàn phá.

Hiện diện cùng nỗi đau và chia sẻ nỗi đau đó, còn là phẩm hạnh của người cầm bút. Và, khi đủ phẩm hạnh dự phần cùng nỗi đau mà cộng đồng đang đau và chia sẻ nỗi đau đó, đối với người cầm bút, còn là mệnh lệnh từ “một siêu linh”nơi lồng ngực.

* Vâng, khi chúng ta, nhất là các nhà văn, không thờ ơ với con người, với cuộc sống thì việc cầm bút, không chỉ là nhu cầu mà còn là mệnh lệnh từ “một siêu linh”nơi lồng ngực. Xin trân trọng cảm ơn nhà văn đã tham gia trả lời phỏng vấn!

Theo Thu Hà/Văn Nghệ 

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ