Nhà văn Bích Ngân – Tân Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM: Tựa vào sự chân thành cho những kết nối bền vững

1039

Lục Diệp (thực hiện)

“Giờ đây, đảm trách vị trí chủ tịch đối với tôi là một thử thách, cũng không ít khó khăn. Tuy nhiên, phụ nữ cũng có lợi thế so với nam giới khi đảm trách công việc mà đòi hỏi lớn nhất là phải biết quan tâm lẫn nhau”.

Đại hội Hội Nhà văn TP.HCM khóa VIII (nhiệm kỳ 2020-2025) vừa tổ chức thành công – sau ba lần tạm hoãn. Một kỳ đại hội đọng lại nhiều dư vị buồn vui. Nhưng điều đặc biệt nhất có lẽ chính là vị trí chủ tịch hội lần đầu tiên thuộc về nhà văn nữ. Tân Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM khóa VIII – nhà văn Bích Ngân – đã nhận được số phiếu bầu chọn cao nhất từ đại hội. “Ngôi nhà chung” của văn chương thành phố có thể ấm áp hơn, từ lúc này…

“Sốc” lại hơi ấm, tinh thần văn chương 

Phóng viên: Sau những trì hoãn và có lẽ cũng khá mệt mỏi, Đại hội Hội Nhà văn TP.HCM khóa VIII cũng đã thành công tốt đẹp. Ngay lúc này, đọng lại trong lòng chị là những cảm giác thế nào?

Nhà văn Bích Ngân: Ban chấp hành nhiệm kỳ này có bốn nữ: tôi, nhà văn Trầm Hương (Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM khóa VIII – PV), nhà thơ Huệ Triệu và nhà văn Phương Huyền. Chúng tôi còn có những nỗi lo bộn bề trong cuộc sống riêng. Nhưng giờ đây, chị em chúng tôi cùng nhau nhận lãnh trách nhiệm gánh vác công tác hội, cũng chỉ mong bằng sức lực và tâm nguyện của mình, chúng tôi cùng nhau mang hơi ấm cho ngôi nhà chung của văn chương thành phố. Tôi hiểu, những lá phiếu của mọi người cũng chính là kỳ vọng dành cho chúng tôi. Đó là niềm vui, nhưng cũng chắc chắn là một áp lực.

Nhà văn Bích Ngân – ảnh: Nhân vật cung cấp

* “Những việc cần làm ngay” của ban chấp hành khóa VIII trong thời gian tới sẽ là gì?

– Có rất nhiều việc chúng tôi cần phải làm, phải thay đổi. Nhưng cần có thêm thời gian mới có thể sắp xếp, lên kế hoạch. Hiện tại chúng tôi vẫn chưa thể nói cụ thể được điều gì.

* Chị nghĩ vai trò của nữ giới có thể phát huy khác biệt như thế nào trong nhiệm kỳ này?

– Phụ nữ ngày càng khẳng định rõ tài năng, phẩm cách, bản lĩnh lãnh đạo khi đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội… Tuy nhiên, trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, phụ nữ hiếm khi đảm đương vị trí đứng mũi chịu sào. Hội Nhà văn TP.HCM có những đặc thù riêng được cho là phức tạp nhất so với những hội nghề nghiệp khác, với bề dày hơn 40 năm (Hội Nhà văn TP.HCM thành lập năm 1981).

Trước đây lãnh đạo đều là những nam nhà văn tên tuổi: Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Lê Quang Trang, Trần Văn Tuấn. Dấu ấn đẹp và lưu giữ nơi ký ức tôi là hình ảnh các nhà văn nhiều thế hệ quây quần bên nhau, trò chuyện, chân tình sẻ chia những đứa con tinh thần của mình, bảo ban, khích lệ, dìu dắt nhau bước trên con đường sáng tạo vừa nhọc nhằn, vừa cô đơn, vừa phải có tài năng và vừa nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê.

Giờ đây, đảm trách vị trí chủ tịch đối với tôi là một thử thách, cũng không ít khó khăn. Tuy nhiên, phụ nữ cũng có lợi thế so với nam giới khi đảm trách công việc mà đòi hỏi lớn nhất là phải biết quan tâm lẫn nhau. “Quan tâm lẫn nhau” không phải là sự vụ, là công việc hành chính, mà là công việc xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim.

Phụ nữ vốn là người vợ, người mẹ nên mức độ chu toàn trong những chuỗi việc không tên đòi hỏi sự thầm lặng hy sinh trong công tác hội, cũng là một thuận lợi. Trở ngại thường gặp của chị em phụ nữ chúng tôi là những ánh mắt vẫn xem phụ nữ chỉ là “phái đẹp” – chủ yếu chỉ nhìn hình thức bên ngoài mà chưa thấy (hay không chịu nhìn thấy), không chịu cảm nhận vẻ đẹp quyến rũ nhất của phụ nữ là vẻ đẹp nội tâm, là biết quan tâm nhau…

Đi một con đường không có điểm dừng 

* Nhiều người vẫn nghĩ rằng, văn nghệ sĩ một khi đã đứng ở vị trí quản lý sẽ mất dần khả năng sáng tạo. Với chị, đó có là nỗi lo lắng lớn cho cảm hứng văn chương của chính mình?

– Hôm trước ra Hà Nội họp phiên thứ hai Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X, tôi có gặp nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Điều Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam mong muốn đối với các thành viên ban chấp hành là dù có trăm công ngàn việc cũng phải dành thời gian cho sáng tác. Thực sự có tài năng và có sự thôi thúc từ trái tim, nhà văn sẽ ngồi vào viết. Bởi với nhà văn, tấm căn cước có giá trị duy nhất là tác phẩm sáng tạo của chính mình.

* Con đường của nhà văn cũng như “đường đến cây cô đơn” (*), vậy con đường của một nữ nhà-văn-lãnh-đạo, chị nghĩ sẽ dẫn đến đâu? 

– Là con đường đến với đồng nghiệp. Con đường đó, cũng giống với con đường văn chương. Hành trang là tấm lòng, là trái tim. Nhưng khác với con đường văn chương, mình sẽ không thui thủi độc hành, mà sẽ được đồng hành. Đồng hành cùng cả ban chấp hành, đồng nghiệp, công chúng; với tổ quốc, nhân dân. Một con đường không có điểm dừng nếu được dẫn dắt bởi nguồn sáng của kết nối và yêu thương.

* Người đứng mũi chịu sào bao giờ cũng là người đầu tiên gánh chịu những cơn bão. Nếu một lúc nào đó buộc phải đối diện với những điều không vui về hội, chị tin rằng mình sẽ tựa vào đâu để vượt qua?

– Tôi tựa vào sự gắn kết của ban chấp hành. Và sự chân thành. Chỉ có sự chân thành mới có thể nối kết bền vững, mới gắn kết những khác biệt. Chỉ có sự chân thành mới lưu giữ được ân tình, mới dẫn dắt được những bước chân kiếm tìm, khám phá được những tầng sâu. Chân thành trên trang viết, cuộc sống; trong cả những được mất, khát vọng. Chân thành ngay cả trong niềm đau của chính mình…

* Xin cảm ơn chị!

(*) Tựa một tác phẩm đã xuất bản của nhà văn Bích Ngân.

Nhà văn Bích Ngân sinh năm 1960, tại Cà Mau. Bà là cử nhân Ngữ văn (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), tốt nghiệp Trường viết văn Nguyễn Du (khóa 4), trình độ chính trị cử nhân (tốt nghiệp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Hiện bà là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X. 

Nhà văn Bích Ngân từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM (nhiệm kỳ VI và VII), Ủy viên Ban Thường vụ (nhiệm kỳ VII), từng là Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 7 (2015-2020), Trưởng Liên chi hội nhà văn Việt Nam tại TPHCM.

Bà là cây bút đa năng, viết truyện ngắn, truyện hài hước, tiểu thuyết và cả kịch bản sân khấu. Bà đã xuất bản 18 tác phẩm gồm các thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện hài hước, tản văn và kịch bản văn học; được trao nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, UBND TP.HCM, Hội Nhà văn TP.HCM, Hội Sân khấu TP.HCM.

 

Theo PNO