Nhà văn Bùi Hiển: Chan chứa yêu thương mỗi số phận con người

225

Trong giới văn chương, có ít người ngay từ tác phẩm đầu tay đã ngay lập tức được xếp vào đội ngũ nhà văn chuyên nghiệp như Bùi Hiển (1909 – 2009) với truyện ngắn Nằm vạ. Lại càng hiếm hơn khi Bùi Hiển thuộc lớp nhà văn tiền chiến mà lại vẫn tiếp tục song hành cùng lớp các văn nghệ sĩ cách mạng, kháng chiến, thời kỳ Đổi mới và cho đến đầu thế kỷ XXI này. Ông cũng là nhà văn viết đa dạng thể loại, từ truyện ngắn, bút ký, truyện thiếu nhi đến phê bình, tiểu luận, chân dung văn học, ngoài ra còn có nhiều tác phẩm dịch.


Nhà văn Bùi Hiển (1909 – 2009) vừa được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật

Nhiều thế hệ học sinh Việt Nam biết đến Bùi Hiển qua những tác phẩm được giới thiệu trong chương trình sách giáo khoa một thời như Ngày công đầu tiên của cu Tí, Chợ Ta-sken, Chiều sương.

Mới đây, cuốn sách Bùi Hiển, người đánh thức lương tri do NXB Văn học và Như books liên kết xuất bản đã dựng nên khá trọn vẹn con người, cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Bùi Hiển thông qua những trang nhật ký, thư tay với gia đình và bè bạn văn chương. Càng đọc, càng gặp được một Bùi Hiển – nhà văn với số lượng tác phẩm không hề nhỏ, và càng thấy đáng quý hơn trước một Bùi Hiển – bạn của mọi người.

Bùi Hiển bước vào nghề viết khá sớm, ông từng thử làm thơ, tập viết truyện ngắn, nhưng khi ấy chỉ nghĩ “viết để chơi, không hẳn thành cái mộng sự nghiệp văn chương”. Bùi Hiển đưa vào trong truyện của mình những chất liệu từ chính cuộc sống quen thuộc xung quanh ông như đời sống dân chài, viên chức cùng dân nghèo thành thị.

Chính điều này đã làm nên sự thành công ngay từ những tác phẩm đầu tay của Bùi Hiển như Nằm vạ, Ma đậu, cũng định hình nên phong cách viết của riêng ông như nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan đã xếp các sáng tác của ông vào loại truyện phong tục.

Trong từng trang văn ông viết, có thể nhận ra tình quê hương sâu đậm và cái nhìn nhân văn, chan chứa yêu thương với mỗi số phận con người. Lạ kỳ là dù Bùi Hiển dùng nhiều phương ngữ, ghi lại những câu chuyện ở vùng quê xứ Nghệ của ông, ấy thế nhưng lại như nói về nhiều miền quê khác ở đồng bằng Bắc Bộ.

Cả ở cách viết trong tác phẩm hay cách sống ở ngoài đời, Bùi Hiển luôn khiến người ta nghĩ đến một văn sĩ Hà thành nhỏ nhẹ, điềm tĩnh mà tinh tế, sâu sắc hơn là cá tính thường mạnh mẽ, quyết liệt, đầy “chất Nghệ” của nơi ông sinh ra và lớn lên.


Sách “Bùi Hiển – người đánh thức lương tri”

32 đầu sách sáng tác và 9 cuốn sách dịch là gia sản đáng nể trong cuộc đời của một người cầm bút, nhất là ở những giai đoạn mà in sách không phải là điều dễ dàng. Làm được điều này, với Bùi Hiển, không phải nhờ vào tài năng trời ban, mà từ chính những lao động học hỏi không mệt mỏi của ông.

Bùi Hiển không “ngủ say trên chiến thắng” với những tác phẩm đầu tay mới ra đời đã được khen ngợi, mà ông tự ngẫm lại bản thân để nhận ra mình không có “óc tưởng tượng dồi dào cho lắm”, để rút ra kinh nghiệm “với của tạng của mình, việc viết lách chỉ có thể thành công bằng bám sát hiện thực”.

Từ đó, các truyện ngắn của ông như Kẻ hô hoán, Chiều sương, Ánh mắt, Tâm tưởng, Gặp gỡ… đều đi từ những nguyên mẫu, tình huống có thật trong đời. Từ khi quyết định theo đuổi nghiệp văn chương, Bùi Hiển rất coi trọng việc ghi chép sự kiện, tìm kiếm tư liệu và gặp gỡ nhân vật. Ông chỉ thực sự cầm bút viết khi có đủ chất liệu.

Chính sự cẩn trọng này đã đưa ông đến nấc thang thành công ở thể loại bút ký với nhiều tác phẩm như Bám biển, Một cuộc hành quân, Trong gió cát, Chúng nó là một lũ đê hèn, Đường lớn, Nợ máu, Thừa Thiên một thuở…

Những năm 1990, Bùi Hiển viết hai cuốn hồi ký và tiểu luận Hướng về đâu văn học và Bạn bè một thuở, vẫn là cách quan sát tỉ mỉ, đọc và hiểu kỹ về văn cảnh, cuộc đời của nhân vật, cho nên “ông không cần nhiều lời, nhiều sự kiện kịch tính mà vẫn chỉ ra được những nét đặc sắc của các nhà văn này”.

Bùi Hiển có nhiều bạn bè văn chương thân thiết. Từng đảm trách nhiều vị trí lãnh đạo về văn hóa văn nghệ, nhưng ông không có “tính nhà quan” mà luôn chan hòa với bạn bè, ân cần với các lớp tác giả trẻ, nhìn con người bằng thái độ hòa nhập và cảm thông, không chủ tâm khai thác những mặt cực nhọc, trái khoáy có thể “làm cho người ta sợ hãi và nản lòng”. Với Bùi Hiển, văn học “có khả năng, có thiên chức đánh thức dậy những ao ước hướng thiện và những tiềm năng tự hoàn thiện ở từng con người một”.

Đọc những trang nhật ký và thư tay trong cuốn sách Bùi Hiển, người đánh thức lương tri có thể nhận ra những tình cảm gia đình, bạn bè ấm áp và đẹp đẽ xiết bao. Và ở đó, có một chân dung Bùi Hiển là hiện thân đẹp đẽ của một trí thức kiểu mới, đem hết tài năng và tâm huyết nhằm đánh thức cái lương tri, thiện lương sẵn có ở mỗi con người.

Dù là nhật ký và thư tay, nhưng với sự tỉ mỉ, cẩn thận, chi tiết, những trang viết riêng tư ấy của Bùi Hiển đã không chỉ là chuyện nhà, chuyện đời, chuyện nghề, mà còn phản ánh chân thực nhất những diễn biến lịch sử đầy sôi động của thời đại nhà văn đã sống.

Theo Vân Hạ/Vanvn