Nhà văn cần trang bị kiến thức gì để tác phẩm có sức sống lâu bền

1823

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tất cả những kiến thức sẽ kết hợp hài hòa với nhau. Nó sẽ nằm lại trong óc trong tim tác giả. Và khi cần huy động nó cho câu văn nào, nhân vật nào, giai đoạn nào thì nhà văn thì “bộ nhớ” của ta sẽ khởi động vè sự liên tưởng để ta có thể vận dụng nó vào tác phẩm cho thíc hợp nhất, đúng lúc, đúng chỗ.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

 I- Đặt vấn đề:

Nhà thơ Gớt (người Đức) đã nói: “Mọi lý thuyết đều là màu xám. Chỉ có cây đồi mãi mãi xanh tươi”. Tác phẩm văn học (TPVH) chính là “cây đời” góp phần tô đẹp cho cuộc sống của bản thân và xã hội. Thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương luôn bất tử với thời gian. Mỗi nhà văn, nhà thơ đều có một năng khiếu “bẩm sinh” mà ta thường gọi là “thiên phú” (trời cho), không thể lấy cần cù bù lấp được. Nếu có “thiên phú” mà cộng thêm sự cần cù học hỏi, trang bị thêm các kiến thức khác thì rất hữu ích cho việc sáng tác. Vậy, để có được TPVH giá trị (tác phẩm đỉnh cao), tác giả cần trang bị cho mình những kiến thức gì ngoài năng khiếu bẩm sinh? Đây cũng là câu hỏi mà người sáng tác luôn trăn trở và người đọc luôn mong đợi.

II- Những kiến thức cần trang bị:

Sáng tác là một công việc cực nhọc như “khổ sai” nhưng có đam mê thì sẽ đem lại niềm vui lớn. Nhà thơ Lê Đạt gọi các nhà thơ là “phu chữ”. Khi viết xong một tác phẩm ta như trút được gánh nặng. Muốn hay không, văn học từ cái “Tôi” cá thể, thông qua hình tượng nghệ thuật tác động tới con người và cuộc sống, góp phần mở rộng tầm mắt, nâng cao tâm hồn con người. Trong thời kỳ đất nước mở cửa hội nhập, giao lưu quốc tế trên nhiều lĩnh vực, thời đại bùng nổ thông tin trên mạng internet, thì người viết không thể đứng ngoài cuộc, rất cần có tư duy khoa học kết hợp với tư duy nghệ thuật một cách hài hòa, chặt chẽ, và rất cần một sự nhạy cảm trong trang viết để nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho đông đảo bạn đọc.

1 – Vốn sống: Nhà văn Nam Cao đã dạy: “Hãy sống đã rồi hãy viết”.

Đọc tác phẩm của các nhà văn Cần Thơ đã trãi qua đời lính như: Nguyễn Khai Phong, Phạm Văn Thúy, Nguyễn Đình Thắng, Nguyễn Hồng Chuyên, Trần Thanh Chương, Ngọc Hương… ta hiểu sâu hơn, đúng hơn về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong kháng chiến chống Mỹ, chống bọn bành trướng Trung Quốc ở biên giới phía Bắc và bọn Pôn pốt phía Tây Nam.

Đọc các tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký của các tác giả: Nguyễn Thị Thanh Huệ, Nhật Hồng, Ngọc Tuyết, Ngọc Bích, Lương Minh Hinh, Trần Anh Dũng, Huyền Văn, Vũ Thống Nhất, Nham Hùng, Cao Thanh Mai… ta hiểu sâu hơn mảnh đất và con người Nam Bộ qua các thời kỳ…

Đọc thơ của các tác giả Lê Chí, Huỳnh Kim, Phù Sa Lộc, Trúc Linh Lan, Đặng Hoàng Thám, Huệ Thi, Nguyệt Ảnh, Nắng Xuân, Nguyễn An Bình, Phan Duy… ta cảm nhận được rất nhiều vẻ đẹp về con người và cảnh sắc Nam Bộ qua cái tôi trữ tình đầy cảm xúc…

Nếu các tác giả trên không có vốn sống thực tế, không chịu khó tìm tòi học hỏi và sáng tạo thì làm sao có thể viết được những trang văn, dòng thơ đầy ám ảnh, thuyết phục trái tim người nghe, người đọc như vậy.

2 – Kiến thức từ sách vở, nhà trường: Các kiến thức về Lý luận văn học, như: các trào lưu văn học, phân kỳ văn học, phương pháp sáng tác, thể loại văn học, phong cách văn học, tu từ học, đặc trưng văn học, các chủ nghĩa: hiện thực, lãng mạn, tượng trưng, hiện đại, hậu hiện đại, lý thuyết về thi pháp học và các lý thuyết tiếp nhận khác… người viết rất cần trang bị, học hỏi, tiếp thu và có vận dụng sáng tạo khi viết văn làm thơ. Có thể xem nhưng kiến thức sách vở ấy là “người thầy” giúp ta hiểu biết những vấn đề cơ bản về lịch sử, xã hội, con người, tác phẩm, tác giả. Từ đó ta có những tri thức tối thiểu để có thể làm thơ, viết văn, viết kịch không bị những sai sót đáng tiếc trong cách lập dàn ý, xây dựng cốt truyện, lựa chọn ngôn ngữ và các phương tiện diễn đạt khác…

3 – Kiến thức về địa lý, lịch sử: Mỗi giai đoạn lịch sử của dân tộc đều in dấu ấn trong các tác phẩm văn học thời kỳ đó qua lăng kính của nhà văn. Nếu nhà văn nắm được lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới thì khi xây dựng nhân vật hay làm thơ sẽ nói được nhiều điều mà TPVH có liên quan đến giai đoạn lịch sử ấy. Bởi vì “Văn học là tấm gương phản chiếu thời đại, nhà văn là con mắt, là lỗ tai của thời đại” (Ban zắc). Ví dụ: Đọc tập truyện ký “Đêm vượt sông” của nhà văn Trần Thanh Chương người đọc không những hiểu biết được nhiều sự kiện, sự việc, con người trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước mà còn biết thêm nhiều điều kỳ diệu ở một số nước mà tác giả đặt chân tới, như: Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Phi Lip Pin, Cam Pu Chia… Tác giả đã nắm khá chắc các sự kiện, lịch sử, địa lý liên quan đến bài viết. Anh có 3 bài ký viết về nước ngoài: “Xem bóng đá Anh”, “Uống cà phê Anh” và “Kỳ vĩ Angko Wat”. Các bài viết về nhân vật lịch sử, như: “Trạng nguyên Khương Công Phụ” hay bài “Nhàn đàm về Chúa Trịnh” đều có những ý kiến bàn thêm về cái đúng, cái sai do lịch sử, do người viết trước để lại.

4 – Kiến thức về Âm nhạc, Hội họa: Các cụ xưa thường nói: “Thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc” (Nghĩa là: Trong thơ có họa, trong thơ có nhạc). Nếu nhà văn, nhà thơ có được những kiến thức đó thì rất tốt cho việc diễn ý trong thơ. Đó là sự điều tiết các nhịp điệu và tiết tấu trong câu thơ, lời văn, có sự kết hợp các biện pháp tu từ ngữ âm. Nếu người đọc cũng có những kiến thức về âm nhạc, hội họa thì sự thưởng thức lại càng thăng hoa.

Đọc một bài thơ hay không dễ gì ta cảm nhận được ngay, có khi chỉ bằng linh cảm mà nhận ra. Đọc rồi, đọc nữa, suy ngẫm, liên tưởng ta mới nhận ra thứ ánh sáng, màu sắc, hương thơm man mát bên trong hình tượng thơ. Chẳng thế mà nhà thơ Hoàng Đức Lương đã rất đề cao nàng thơ: “Thơ là sắc đẹp ở ngoài sắc, vị ngọt ở ngoài vị, không thể trông bằng mắt thường được, chỉ có thi nhân  trông thì mới thấy đẹp, nếm mới thấy ngon”… Hay như Sóng Hồng (cố Tổng Bí thư Trường Chinh) viết: “Thơ là nghệ thuật kỳ diệu bậc nhất của trí tưởng tượng”. Vì vậy để hiểu được bài thơ hay, viết được bài thơ hay nhà thơ không thể không khổ công đi tìm ý, tứ, câu, chữ và bao yếu tố khác trong thơ và ngoài thơ. Nhà thơ Nga Maiacopxki đã viết:

Phải phí tổn ngàn cân quặng chữ
Mới thu về một chữ mà thôi
Những chữ ấy làm cho rung động
Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài.

Ngôn ngữ thơ là thứ ngôn ngữ chính xác, giàu hình tượng và biểu cảm. Đó là thứ ngôn ngữ gợi hình, gợi cảm góp phần tạo nên tính họa, tính nhạc trong thơ. Nó biến hóa qua nhiều sắc thái ảo và thực thật bất ngờ, thú vị. Nguyễn Du viết về sức mạnh của Từ Hải:

Đại quân đồn đóng cõi đông
Làm cho động địa kinh thiên đùng đùng.

Ở đây ta thấy có 8 phụ âm đ, tạo nét nhạc như có âm thanh của tiếng súng trận. Hoặc khi Nguyễn Du miêu tả chân dung Tú Bà – mụ trùm nhà chứa, thì ta thấy hiện lên một con người vừa mập vừa bệnh họan, rất đáng ghê tởm:

Nhát trông nhờn nhợt màu da
Ăn gì to béo đẫy đà làm sao.
(Truyện Kiều)

Ở bài thơ “Mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc”, nhà thơ Đồng Đức Bốn đã có liên tưởng như các cô vẫn còn sống đâu đây giữa cỏ cây, hoa lá:

Cầm cỏ thì thấy mồ hôi
Cầm đất thì thấy dấu môi vẫn hồng
Sông La tóc sóng  bềnh bồng
Cầm mây, áo gái chưa chồng còn thơm.

Hay khi Tố Hữu viết về bốn mùa (xuân, hạ, thu, đông) ở Việt Bắc bằng ngôn ngữ giàu tính họa, ta thấy có màu đỏ của hoa chuối rừng, màu trắng của hoa mơ, màu vàng của rừng phách đổ lá, và ánh trăng vàng của rừng thu (có người gọi đây là bức tranh tứ bình):

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

Ở bức “tứ bình” này, không những có các màu xanh, đỏ, trắng, vàng mà còn có cả âm thanh của ve kêu, tiếng hát, bước chân người em gái đi hái măng, tiếng gió làm rơi lá phong vàng… Quả là một bức tranh đầy màu sắc, âm thanh.

Nhà thơ Nguyễn Khuyến khi nghe tin bạn mất, đã nấc lên nghẹn ngào:

Bác Dương thôi, đã, thôi rồi
Nước mây man mát ngậm ngùi lòng ta.
(Khóc Dương Khuê).

Các hư từ: thôi, đã, thôi rồi làm tăng dần cấp độ thương xót, nó như một tiếng thở dài, nén nỗi đau vào tim.

Nguyễn Đình Thi vẽ nên bức tranh ảm đạm cảnh trời chiều chốn đồng quê khi đất nước bị thực dân Pháp tàn phá:

Ôi, những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
(Đất nước)

Khi lòng người vui hay đau thì cảnh sắc đều nhuốm màu của tâm trạng. Nhà thơ Ngô Thời Nhậm đã nói: “Mây gió, cỏ hoa xinh tươi đến đâu hết thảy cũng đều từ trong lòng người nảy ra”. Còn  Nguyễn Du thì khẳng định:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

Vì vậy, tính họa và tính nhạc rất cần trong thơ và văn miêu tả.

5 – Kiến thức tối thiểu về các môn khoa học, tâm lý học, triết học, ngoại ngữ, internet… sẽ giúp các tác giả viết có chiều sâu hơn khi miêu tả tâm lý nhân vật, các thuật ngữ chuyên môn sẽ được sử dụng khgi viết về các ngành nghề khoa học như: bác sĩ chữa bệnh, kỹ sư chế tạo máy móc, vũ khí, các thí nghiệm về hóa học, vật lý… Riêng ngoại ngữ và Intenetr giúp ta tra cứu các từ ngữ khi cần thiết.

6 – Các Nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước và những vấn đề thời sự lớn trong và ngoài nước: Văn học không thể thoát ly cuộc sống. Các Mác- vị lãnh tự thiên tài, đã nói: “Xã hội nào văn học ấy”. Xã hội ta là Xã hội chủ nghĩa nó khác xa với xã hội Tư bản chủ nghĩa về nhiều phương diện. Xã hội ta được định hướng và phát triển theo các Nghị quyết, đường lối, chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước. Mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật. Mọi nghĩa vụ và quyền lợi công dân không thể tách rời quỹ đạo ấy. Bởi thế khi nhà văn xây dựng TPVH cũng rất cần nắm được những vấn đề ấy để tác phẩm không đi chệch hướng. Có thể mới góp phần dẫn dắt bạn đọc theo một lý tưởng thẩm mỹ nhất định.

7 – Đọc sách: Các tác giả nên đọc nhiều, đọc cả những tác phẩm có ý trái chiều mà mình không yêu thích để nắm bắt những ý phản biện. Rất cần đọc tác phẩm của các nhà văn lớn trong và ngoài nước. Nếu có điều kiện hãy đọc các giáo trình Đại học về Lý luận văn học hiện nay trong và ngoài nước. Khi chưa hiểu một từ hãy tra từ điển ngay (từ điển Tiếng Việt, từ điển Hán Việt, từ điển Anh Việt…). Riêng các từ địa phương (phương ngữ) không có trong từ điển thì cần học hỏi thêm ở những người địa phương. Và luon tự hỏi: Liệu tác phẩm của mình có tác dụng gì, gửi thông điệp gì tới cuộc sống?

Tóm lại: Tất cả những kiến thức trên sẽ kết hợp hài hòa với nhau. Nó sẽ nằm lại trong óc trong tim tác giả. Và khi cần huy động nó cho câu văn nào, nhân vật nào, giai đoạn nào thì nhà văn thì “bộ nhớ” của ta sẽ khởi động vè sự liên tưởng để ta có thể vận dụng nó vào tác phẩm cho thíc hợp nhất, đúng lúc, đúng chỗ.

II – Tình hình văn học ở Cần Thơ hiện nay:

Văn học ở khu vực ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng có bề dày lịch sử và rất giàu tiềm năng, là vùng đất trẻ nhưng có truyền thống văn học đáng tự hào với những danh nhân: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Lê Quang Chiểu. Các nhà văn lớp trước và các nhà văn trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã làm giàu thêm truyền thống văn học của địa phương.

Nhìn lại những tác phẩm văn học của Cần Thơ thời gian qua trong nền kinh tế tri thức hội nhập, đã có những mặt mạnh và hạn chế đáng lưu ý. Cái mạnh là tác giả luôn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc, đặc biệt là những yếu tố mang sắc thái Nam Bộ trong mỗi trang viết. Đọc tác phẩm của nhiều nhà văn Cần Thơ ta thấy mỗi tác giả đều có sự tìm tòi, sáng tạo theo xu hướng mới. Các giá trị “phi vật thể” đó không những là tiếng nói tâm hồn của con người một vùng, một miền mà rộng hơn nó còn là tiếng nói của một cộng đồng với Tổ quốc.

Đội ngũ sáng tác văn học ở Cần Thơ có bước kế thừa và phát triển. Văn xuôi mạnh hơn thơ, nhất là về truyện ngắn và ký. Nhiều tác giả đã xuất hiện trên tạp chí, trên các báo trung ương và địa phương:

Về văn xuôi có: Nguyễn Khai Phong, Lương Minh Hinh, Nguyễn Thị Thanh Ngọc, Nguyễn Kim Châu, Trần Minh Thuận, Nguyễn Ngọc Tuyết, Đặng Hoàng Thám, Nhật Hồng, Lâm Thị Thanh Hà, Nguyễn Thị Thanh Huệ, Hồ Kiên Giang, Phạm Văn Thúy, Huyền Văn, Ngọc Hương, Cao Thanh Mai, Nguyễn Hồng Chuyên, Hoàng Khánh Duy…

Về thơ có: Lê Chí, Trúc Linh Lan, Trần Thanh Chương, Nguyễn Trung Nguyên, Phù Sa Lộc, Huỳnh Kim, Phan Duy, Phan Huy, Huệ Thi, Phan Nguyệt Ảnh, Minh Nguyệt, Nắng Xuân, Hoàng Viện… Một số tác giả viết cả thơ và văn xuôi và đã có những thành công đáng khích lệ.

Mặt hạn chế của một số tác giả là vốn tri thức, lý luận và thâm nhập thực tiễn chưa nhiều nên tác phẩm ít có sức khái quát chiều rộng lẫn chiều sâu. Phần lớn các tác phẩm thơ cũng như truyện còn nặng về tường thuật, miêu tả, kể lể, giãi bày tâm sự đơn thuần, khai thác mảng đời tư… Sự tìm tòi, khám phá để có sự cách tân về ngôn ngữ, thể loại còn ít. Số tác giả viết tiểu thuyết càng rất ít.

Lực lượng viết văn trẻ ở Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn về mặt số lượng. Những tác giả có tác phẩm vượt qua khỏi ranh giới hành chính nơi mình sinh sống và tạo được tiếng vang trên văn đàn cũng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, còn phần đông chưa có sự đột phá, chưa tạo được dấu ấn riêng. Những tác giả trẻ thế hệ 8X trở về sau này của ĐBSCL, về văn có thể kể đến Lê Minh Nhựt, Trương Chí Hùng, Hoàng Khánh Duy, Nghiêm Quốc Thanh, Trần Sang, Lê Quang Trạng, Trương Văn Tuấn, Huỳnh Trọng Khang, Phát Dương… Về thơ có Võ Mạnh Hảo, Nguyễn Giang San, Huệ Thi, Nguyễn Đức Phú Thọ, Phan Duy, Vĩnh Thông, Nguyễn Hữu Trung, Nguyễn Bàng… Các cây bút trẻ này rất cần được bồi dường và tạo điểu kiện để trang viết có chiều sâu hơn.

III- Kết luận:

Người sáng tác luôn phải nhận mình là người “làm dâu trăm họ”, và không thể làm thỏa mãn thị hiếu của mọi đối tượng. Có người đọc tác phẩm để tìm cái mới lạ, có người lại thiên về sự giải trí, có người muốn tìm hiểu về xã, lịch sử, con người của thời đại đó được phản ánh vào tác phẩm. Vì vậy,trước khi viết ta luôn trả lời các câu: Viết cái gì? (nội dung), viết để làm gì? (mục đích), viết cho ai? (đối tượng đọc), viết như thế nào? (phương pháp viết). Có vậy, tác phẩm mới mở ra trước mắt người đọc “những chân trời mới”.

Cần Thơ là vùng đất còn trẻ, giàu tiềm lực, hy vọng trong tương lai gần sẽ có những TPVH hiện đại, giàu tính nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu được những tinh hoa văn hoá nhân loại, góp phần làm đẹp, làm giàu kho tàng văn học Cần Thơ nói riêng và văn học nước nhà nói chung.

Lê Xuân

(Hội Nhà Văn Cần Thơ)