Nhà văn Chu Lai: Thong dong hai phía chân trời

512

Đối với cánh nhà văn trẻ, Chu Lai luôn có cách thức rất đàn anh của mình. Chân thành. Trọng thị tài năng.


Nhà văn Chu Lai.

Sông xa, Phố, Nắng đồng bằng

Bãi bờ hoang lạnh, Phố nhà binh

Mưa đỏ, Hà Nội đêm trở gió

Cuộc đời dài lắm, những Ba lần…

Nhà văn Chu Lai có cách đặt tên sách quả là ngân nga vần điệu tôi vừa thoáng nhặt đã ghép thành “bài thơ tứ tuyệt”. Những tên sách như: “Những vùng đất xa xăm”, “Ăn mày dĩ vãng”, “Đôi ngả thời gian”, “Khúc bi tráng cuối cùng”, “Gió không thổi từ biển”, “Vòng tròn bội bạc”… cũng đều như thế. Văn không lẫn với ai từ tên sách. Người càng không lẫn với ai từ dáng vẻ bên ngoài tới khẩu khí bên trong. Chu Lai ở đâu ở đó liền ồn ào náo nhiệt nhiều lúc sôi sùng sục. Chu Lai phát biểu ở cơ quan cũng “ùng oàng đại bác” kể cả lúc có các tướng lĩnh cấp trên tới dự hoặc khi chấm hoa hậu trên sân khấu người đời thường ít nhìn hoa hậu mà chăm chú nhìn vào mồm miệng râu ria ông nhà văn.

Tôi từ lúc gặp nhà văn Chu Lai (1995) đến nay dường như vẫn thấy ông không có gì thay đổi. Ông không già đi và dường như càng không viết ít đi. Cứ thế Chu Lai thong dong hai phía chân trời mà sinh đẻ thì quả là “vô kế hoạch”. Tập sách này vừa ra đời bản thảo khác đã thập thò nơi nhà xuất bản. Toàn tiểu thuyết “cục gạch” chứ đời nào Chu Lai viết truyện ngắn như người ta. Ông sinh ra để viết tiểu thuyết nên có thể không viết truyện ngắn chăng? Việc này hãy để các nhà phê bình lên tiếng.

Chu Lai thong dong là vậy nhưng lúc nào cũng như võ sĩ lên đài. Những dằn vặt đau đớn của một người lính chiến thực thụ như ông đã lần lượt được “gã thợ cày” Chu Lai vật lên từng luống xếp hàng ngang dọc rất bắt mắt. Viết như Chu Lai đúng là hạng thợ đấu ở Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, nơi vốn được gọi là Thiếu Lâm tự của nền văn học với những Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Nam Hà, Hữu Mai… mà số trang văn của các ông phải dùng thước mét ra đo mới hết. Âu cũng là để thế hệ chống Mỹ như Lê Lựu, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Bảo, Khuất Quang Thụy và đương nhiên là Chu Lai nhìn vào đó để tự răn mình.

Tôi luôn cho rằng để viết được dài vốn sống của nhà văn phải rất dài, hầm hố, thăm thẳm và khác biệt. Nếu không có sự khác biệt không thể làm nên một nhà văn. Cái làm người đời yên tâm ở Chu Lai chính là sự kiên cường, ngạo nghễ, coi trận đánh nào cũng là trận đánh cuối cùng. Như trường hợp “Mưa đỏ” đoạt giải kép Hội Nhà văn và Bộ Quốc phòng gần đây vẫn cho thấy Chu Lai công lực còn dồi dào lắm, nhất là những pha cận chiến trên chiến trường bao nhiêu nhà văn đã viết nhưng cứ phải đến Chu Lai mới thực sự ác chiến, thực sự ám ảnh người đọc.

Chu Lai có những đóng góp hết sức thiết thực cho mảng văn học chiến tranh và người lính. Đất nước Việt Nam ta từ thượng cổ đã phải trầm luân trong các cuộc chiến tranh mà cuộc nào cũng chất chồng núi xương sông máu. Đất nước hàng triệu người đã hi sinh cũng là hàng triệu bà mẹ, người vợ trở thành cô nhi quả phụ từ khi còn rất trẻ, có người còn chưa thuộc hơi chồng là một đớn đau khủng khiếp dằng dặc luôn khiến ngòi bút Chu Lai phải hướng tới. Văn mạch Chu Lai kiếp này không thể thoát được chiến tranh. Mỗi trang văn của ông đều là trả nợ nghĩa tình đồng đội, nhất là những người vợ, người mẹ trên dải đất hình chữ S.

Viết lách thì sầm sập như mưa giông chớp giật song cuộc sống đời thường Chu Lai hết sức thong dong. Tôi chưa thấy ông bận bịu điều gì ngoài văn chương chữ nghĩa. Cũng thuộc hạng tay chơi cái gì cũng biết, tháng ngày rong ruổi khắp các cung đường, tự tay ôm vô lăng ở độ tuổi U80 khiến đám nhà văn trẻ chúng tôi nhiều lúc thấy ngượng ngùng. Chu Lai lái xe cũng sành điệu và bát ngát lắm. Cao hứng lên ông còn giảng giải cách ôm cua lên dốc, đổ đèo, nhất là khi có mấy cô gái xinh xinh ngồi cạnh Chu Lai càng bốc tợn. Những giai thoại về nhà văn râu ria bặm trợn e rằng phải kể ra ở một bài viết khác.

Chu Lai sớm thành danh nhưng ông cũng rất biết văn chương là vô cùng tận mà tuyệt nhiên không sa vào những tranh cãi, xếp hạng viển vông. Đó cũng là đặc tính của lính trận đánh nhau chí chết xong tạm nghỉ chơi đẹp rồi lại vào trận đánh tới cùng tan trận lại nghỉ rong chơi. Đó cũng là đặc tính của những nhà văn đã tự biết mình, đạt đạo trong trường văn trận bút.

Đối với cánh nhà văn trẻ, Chu Lai luôn có cách thức rất đàn anh của mình. Chân thành. Trọng thị tài năng. Luôn biết khích lệ những người phía sau vượt qua những giới hạn của mình và tuyệt nhiên không dạy nghề, càng không lên tiếng nhiều về nghề nghiệp. Thành ra, chúng tôi sống với những “đỉnh núi” như Lê Lựu, Chu Lai mà cứ cảm thấy mình trong ngôi chùa quen thuộc lắm lúc coi ông Bụt cũng thường thôi.

Tôi từng làm phim về cụ thân sinh Chu Lai – lão nhà văn Học Phi và thấy rằng văn chương của cụ, nhất là mảng kịch Chu Lai đuổi theo còn khướt chứ chẳng chơi. Cuộc đời thế hệ các cụ không chỉ vừa cầm súng vừa cầm bút mà còn lập quốc lập pháp, tay không bắt giặc lập chính quyền như bỡn mà viết văn cũng hết sức trầm hậu uyên nguyên. Những dãy nhãn xù xì vòm lá xanh rêu nơi xứ Đông đã không chỉ hun đúc trí tuệ và khí phách của những người con cách mạng mà còn lần lượt gieo những mầm xanh vạm vỡ đi vào khắp ngả chiến trường. Khi lão nhà văn Học Phi nhắc đến một người con là liệt sĩ đã hi sinh tôi thấy mắt vị lão trượng tuổi ngót 100 ri rỉ nước.

Chu Lai có vợ là nhà văn Vũ Thị Hồng từng nổi tiếng hơn chồng, cũng là chỗ tôi quen biết khi nữ nhà văn làm Trưởng ban Phụ nữ quân đội với rất nhiều chương trình kết hợp với cánh truyền hình chúng tôi. Một cuộc, Chu Lai bảo với tôi: “Khai ơi! Mình vừa làm kịch bản về đội ngũ nữ lái xe tải quân sự Trường Sơn nhiều điều đặc biệt lắm, em hãy làm phim về họ đi không các chị dần dà vơi cạn mất”. Tôi lên đường tìm các chị. Trời Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình… những ngày ấy mưa rét, ẩm mốc. Có một cái gì xôn xao, cụ cựa ở trong tôi. Cứ hiện lên những cô gái mảnh mai căng mắt, rướn người vần vô lăng những chiếc xe tải Jin ba cầu, Gát 59, 69 kềnh càng trong đạn bom, đèo dốc Đông – Tây mấy ngả Trường Sơn trong các thước phim tài liệu tôi như được tiếp thêm sức lực. Chiếc xe máy cà tàng cà rịch của tôi cứ thế lùi lũi bất chấp mưa rét, đường ổ trâu, ổ voi mà lăn bánh dọc ngang khắp các tỉnh thành…

Tiếp đó, tôi bàn với nữ nhà văn Vũ Thị Hồng trực tiếp tổ chức một cuộc giao lưu lớn tại Học viện Hậu cần và “bắt cóc” nhà văn Chu Lai phải dẫn chương trình. Sau vố làm giám khảo cuộc thi hoa hậu, Chu Lai rất cảnh giác mỗi khi phải lên sóng truyền hình cạnh chị em nhưng thật lạ lùng, cuộc này nhà văn lập tức xung phong và đã dẫn rất xuất sắc khiến sân khấu lặng đi rơi lệ, vỡ òa cảm xúc trước những đôi vai mảnh dẻ từng gồng gánh Trường Sơn, người có ba mấy cân như chị Phàn ở Thái Bình mà ôm chiếc vô lăng Gat 69 kềnh càng hàng chục tấn giữa mưa bom bão đạn. Cuộc ấy tôi đã thực sự biết ơn nhà văn Chu Lai cũng là cách thức để chúng tôi tự nhủ mình phải phấn đấu nhiều hơn trong cuộc sống hôm nay.

Nhà văn Chu Lai thấm thoắt đã bước sang tuổi 76. Thế hệ ông đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình. Chúng tôi tuyệt không dám đòi hỏi ở các ông thêm điều gì nữa.

Theo Phùng Văn Khai/Vanvn