Nhà văn Di Li: Tôi bị hấp dẫn bởi người đàn ông nhân văn, tử tế

43

Tôi nghĩ rằng, là người văn minh thì phải chấp nhận sống chung với sự khác biệt, tuy nhiên, sự khác biệt đó nếu không tốt, muốn người ta thay đổi thì mình sẽ góp ý. Và cách góp ý của mình cũng khá hài hước nên người nghe không mấy khi khó chịu.

Nhà văn Di Li ở Hà Nội

Người Việt ít xin lỗi, lười nói ” Anh yêu em”

* Vừa rồi chị đã ra mắt cuốn sách tựa đề “Tật xấu của người Việt”, đây chắc chắn là một chủ đề rất dễ gây tranh cãi, thậm chí có thể bị ném đá trên mạng xã hội. Chị có lường trước những điều đó không?

– Khi bắt đầu viết, tôi cũng nghĩ đây sẽ là cuốn sách gây nhiều tranh cãi, nhưng tôi không lo bằng việc không được cấp giấy phép. Trước đó, tôi còn không dám khoe ai về cuốn sách này, không dám post lên facebook hay thậm chí bạn bè thân quen cũng không dám tiết lộ vì sợ nội dung cuốn sách sẽ bị tam sao thất bản, sẽ khiến việc xin giấy phép cuốn sách gặp khó khăn.

Ngay cả nhà xuất bản cũng gợi ý tôi nên thay tựa sách, nhưng tôi vẫn kiên quyết giữ nguyên tựa đề “Tật xấu người Việt”. Nếu như chọn một cái tên khác thì tôi sẽ phải giải thích cho công chúng cuốn sách này nói về cái gì. Tôi muốn đi thẳng vào vấn đề, nói thẳng về những tật xấu của người Việt.

Thật sự khi viết xong cuốn sách này, tôi có 3 điều lo sợ: Sợ không được cấp giấy phép, sợ bị thay tên đổi họ, và đương nhiên cũng e ngại bị “ném đá”, gây tranh cãi. Nhưng tôi viết ra nó là tự thân, trong cuộc sống hàng ngày tôi ít khi phán xét, nhưng nếu có phê bình góp ý cho ai đó thì họ cũng không mấy khi tự ái, ngược lại còn khá dễ chịu. Tôi nghĩ rằng, là người văn minh thì phải chấp nhận sống chung với sự khác biệt, tuy nhiên, sự khác biệt đó nếu không tốt, muốn người ta thay đổi thì mình sẽ góp ý. Và cách góp ý của mình cũng khá hài hước nên người nghe không mấy khi khó chịu.

* Chỉ ra hàng loạt tật xấu của người Việt, vậy chị có thể cho biết những tật xấu đó nguyên nhân do đâu?

– Có rất nhiều căn nguyên, trong đó căn nguyên chính dẫn tới tật xấu hay tính tốt của dân tộc thường tới từ địa chính trị. Người Việt mình tính linh hoạt rất cao, đặc biệt là người Việt ở phía Bắc chịu ảnh hưởng bởi nhiều thiên tai, loạn lạc, chiến tranh, nhiều thế kỷ phong kiến bị đè nén, áp bức… Trong tình cảnh luôn bất an như vậy, người dân thấp cổ bé họng, phải đối mặt với nhiều nỗi lo nên chỉ số sinh tồn rất cao, và khi con người buộc phải sinh tồn thì họ thích nghi rất tốt.

Ví dụ như tật hay nói nước đôi. Người ta cứ phải lựa lời để nói cho phù hợp với hoàn cảnh, nhưng sẽ làm cho đối phương không biết đâu mà lần. Trong tình huống người ta sống trong một xã hội bất ổn, thiên tai dịch bệnh, chính thể thay đổi, họ sẽ phải làm thế nào cho hài hòa nhất có thể.

Nhưng khi linh hoạt quá thì lại dễ dẫn tới tiêu cực, tức là người ta sẽ làm thế nào để đi con đường ngắn nhất tới mục tiêu. Bên cạnh đó, nguyên nhân về địa chính trị cũng sẽ ảnh hưởng đến cá tính của cả một dân tộc. Khi những điều đó ăn vào máu thịt thì rất khó sửa. Ông bà cha mẹ chúng ta như vậy, ngoài xã hội cũng như vậy, dễ hiểu thì nó là văn hóa, là tính cách của cả thế hệ theo kiểu cha truyền con nối, và chúng ta nhiễm những tính cách đó.

Thế rồi tại sao người Việt Nam ít thể hiện cảm xúc, tình cảm? Tôi nghĩ đó là do ảnh hưởng bởi quan điểm người đàn ông là trụ cột của gia đình, nên hình thành tính cách gia trưởng. Thời phong kiến, người đàn ông có thể có nhiều vợ, đứa con của người vợ lẽ thậm chí phải gọi bà vợ cả là mẹ, chứ không được gọi người đẻ ra mình là mẹ. Đứa con nhìn người cha giống như một ông vua đầy quyền lực trong gia đình, không có sự bình đẳng, giao lưu hay thể hiện tình cảm âu yếm giữa vợ chồng hay bố mẹ với con cái, luôn luôn có khoảng cách.

Chính vì vậy mà hầu hết người Việt rất ngại bày tỏ cảm xúc tích cực. Chúng ta hay thấy vợ chồng người phương Tây rất dễ dàng nói lời “anh yêu em/em yêu anh”, không phải họ nói trên phim đâu mà nói hàng ngày. Bố mẹ và con cái trong gia đình phương Tây luôn bày tỏ tình cảm yêu thương nhau hàng ngày chứ không phải dịp đặc biệt gì cả, còn người Việt rất ít khi nói ra miệng những lời đó.

Thế nên mới có chuyện vui rằng, một ngày bà vợ nổi hứng nhắn tin cho chồng bảo là em yêu anh, thì thế nào cũng cãi nhau bởi người chồng sẽ cho rằng vợ nhắn nhầm, chỉ có bồ bịch thì mới nói lời yêu đương!

 

Tật xấu của tôi là cả nể, hay nói nước đôi

* Chị viết về tật xấu của người Việt, vậy bản thân chị có tật xấu nào không?

– Tật xấu thì ai cũng có. Nhiều khi tôi cũng cả nể, nói nước đôi, cũng không muốn làm tổn thương ai đó. Người Việt rất sợ ngại làm tổn thương người khác, rất khó để từ chối. Nhận lời mà trong bụng thì không thích tí nào.

So với các dân tộc khác, người Việt có tính tốt là rất hào phóng. Cái này không phải do tôi tự nói, mà tôi cũng có sự so sánh, khảo sát, chiêm nghiệm khi đi thăm thú nhiều quốc gia, quan sát nhiều dân tộc trên thế giới. Thêm nữa, rất nhiều người nước ngoài đã từng đến Việt Nam từ thế kỷ 16-17 và họ đều chia sẻ điều đó trong các cuốn hồi ký của họ qua các câu chuyện, bằng chứng.

Người Việt hào phóng và cũng hay sĩ diện, rất sợ người khác mất lòng nên ngại từ chối. Trong khi các nước phương Tây họ có thể từ chối thẳng thừng, nhiều khi mình nghe có cảm giác như bị dội gáo nước lạnh vậy. Cũng chính vì thế mà người Việt hay nói nước đôi, và tôi thi thoảng bị nhiễm cái đó. Rồi lại tự nguyền rủa bản thân, rằng tại sao mình lại đi nhận lời cái này nhỉ? Sao mình không từ chối đi?

Cái này là đặc tính chung của người Việt, và tính xấu nữa là cứ không muốn nói thẳng cho người khác biết. Tôi cũng là người khá thẳng thắn, nhưng cái sự thẳng thắn của tôi là so với một số người chứ so với người phương Tây vẫn chưa phải là thẳng, vì vẫn ngại làm người khác phiền lòng.

* Chị là một nhà văn, song cũng là giảng viên, khi nhìn thấy những tật xấu đó chị có mong muốn gì ở lớp trẻ thời nay không?

– Thế hệ trẻ hiện nay đã có nhiều cái thay đổi, hiện đại hơn thế hệ trước. Họ được tiếp xúc nhiều với văn hóa phương Tây nên cũng rạch ròi lắm. Ví dụ họ sẽ không hỏi nhau bao giờ lấy chồng, bao giờ sinh con.

Sự cả nể, nước đôi cũng bớt dần. Họ nói thẳng nhiều hơn và đôi khi thẳng quá làm bậc cha chú bị “sốc”. Tuy nhiên, trong sách tôi cũng đề cập đến một đức tính rất đẹp của người Việt, chính là lòng biết ơn. Ai mà giúp cho mình cái gì là rất hay tìm cách trả ơn. Trả ơn thì lại đính kèm quà cáp, quà cáp đó chả phải hối lộ gì, chỉ là cảm ơn nhau vào dịp đặc biệt, ví dụ ngày 20.11 thì tết thầy cô, năm mới thì tri ân người mình hàm ơn…

Thế hệ trẻ bây giờ bớt dần những cái đó, không giữ lòng biết ơn sâu sắc như những thế hệ trước. Điều đó rất đáng tiếc, tôi có cảm nhận chỉ sau 5-10 năm đã khác rồi, lớp trẻ đã cư xử khác đi nhiều. Họ rất sòng phẳng.

* Điều đó là do môi trường sống quá bận rộn, hay do không được rèn giũa, dạy bảo?

– Cũng có thể do họ sống trong một xã hội ngày càng sòng phẳng, thẳng thừng nên họ ứng xử thực tế hơn. Thêm nữa, họ cũng tiếp thu văn hoá thực dụng của người phương Tây nên có những cái tốt lên, song có những nét đẹp bị mai một dần đi.

* Từ khi ra mắt cuốn sách, chị thấy độc giả phản ứng thế nào?

– Cũng có người cho rằng tôi không nên vơ đũa cả nắm, không nên bóc mẽ tật xấu của người Việt, đòi tẩy chay cuốn sách… Thế nhưng đó là những người chưa đọc sách, còn với người đã đọc rồi thì 100% phản hồi tích cực. Có bạn đọc nhắn rằng đọc sách họ thấy rõ mồn một “tật xấu” của mình. Có những chuyện bạn sẽ cảm giác rằng Di Li đang tả thực anh A, chị B, cô C, chú D,… người mà bạn biết, tả thực không sai một li, cộng với một chút tếu táo hài hước khiến bạn có thể cười chảy nước mắt.

Đó là những câu chuyện Di Li quan sát, trải nghiệm trong suốt 15 năm, được viết ra với tư duy của một người làm nghiên cứu, nên tôi nói có lý lẽ, lập luận chứ không phải chê lấy được. Tôi viết với tinh thần hoàn toàn nghiêm túc, không phải “vạch áo cho người xem lưng” mà muốn giúp người đọc nhận ra tật xấu của mình, để cho mình bớt xấu đi.

Nói điều này không phải Di Li khoe đâu, chỉ sau gần 1 tháng ra mắt, “Tật xấu người Việt” đã bán được hơn 3.000 cuốn và tiếp tục tái bản. Cuốn sách cũng lọt vào danh sách bình chọn “Cuốn sách của năm” của Nhã Nam, trong một danh sách gần như không có tác giả Việt mà toàn là các đối thủ nặng ký best-seller thế giới.

* Chị là một người phụ nữ đẹp, đa tài, không chỉ nổi danh ở một thể loại mà còn thử nghiệm với nhiều thể loại khác nhau và đều gặt hái thành công. Điều đó là do chị tự học hỏi hay bị ảnh hưởng bởi ai không?

– Tôi là một người rất đa chiều và trong con người tồn tại nhiều khía cạnh, tính cách khác nhau. Văn là người, vì thế sách của tôi rất đa dạng đề tài.

Thực ra tôi tự thấy mình có một đặc tính rất tốt cho việc sáng tạo, có thể trong cuộc sống thì không nên, nhưng trong sáng tạo thì rất nên, đó là tôi chóng chán mọi thứ. Đôi khi viết xong một tác phẩm là tôi chán luôn nó rồi, sau đó hoàn toàn gạt nó sang một bên.

Mọi người cứ hỏi Di Li về những cuốn sách đã viết từ 5-10 năm trước là tôi không muốn nhắc tới đâu. Nhắc tới là thấy nản, và gần như tôi không bao giờ đọc lại sách mình viết. Tôi chỉ đọc rất kỹ khi vừa viết xong để chuốt bản thảo.

Khi nó đã thành sách rồi thì tôi thường cất tủ lưu kho, thậm chí còn chưa có một cuốn nào được dựng lên giá sách trong nhà.

– Chị thật kì lạ, trong khi những người hay viết lách khác tôi thấy họ thường trưng bày rất nhiều sách của mình trong nhà?

– (Cười) Chắc là vì chán nên tôi luôn muốn thử nghiệm thể loại mới. Thậm chí có những cuốn sách như “Cô đơn trên Everest” đã tái bản hơn 1 năm nay mà tôi còn chưa post lên facebook. Đến nỗi có bạn đọc nhắn tin bảo “Chị ơi, chị có sách lậu này, bìa khác lắm”, tôi mới bảo “Không phải đâu mà mới tái bản đó”.

Tôi có một nghề tay trái, đó là làm truyền thông nên cũng thỉnh thoảng quảng cáo cho cuốn sách của mình. Nhưng mà tôi vẫn ngại vô cùng, vì tự mình quảng cáo cho mình thì ngại lắm luôn.

 

Di li rất sợ người đàn ông nhàm chán, đơn điệu

* Như tôi được biết thì nhiều nhà văn thường chuyên sâu vào một thể loại, suốt đời định hình tên tuổi vào thể loại mà họ có thế mạnh, lẽ nào chị chưa tìm thấy thế mạnh của mình?

– Tôi vừa nói đó, là do chán thôi nên tôi muốn thay đổi. Ví dụ như chuyện mái tóc của tôi, có nhiều người nói sao cậu không để kiểu tóc như trước mà lại đổi sang kiểu này? Thì những người hay thắc mắc về việc đổi kiểu tóc là 100% không hiểu Di Li rồi. Vấn đề không phải là kiểu tóc nào đẹp hơn kiểu nào. Ngày nào soi gương cũng nhìn thấy bộ mặt mình như thế, thấy chán quá thì thay đổi thôi.

Tôi thay đổi kiểu tóc, thay đổi phong cách không phải chủ đích làm mình đẹp hơn, gây ấn tượng với ai mà chỉ là làm mình đỡ nhàm chán thôi.

Điều đáng sợ nhất với Di Li là sự nhàm chán, đơn điệu. Cho nên trong sáng tạo, tôi cho rằng đức tính này là vô cùng cần thiết. Người làm nghề sáng tạo mà không biết chán tác phẩm của mình, cứ đê mê mãi hào quang, vòng nguyệt quế của mình, hay cứ ngồi đọc đi đọc lại cái mình đã viết thì anh ta sẽ rất khó vượt qua bản thân.

* Liệu điều đó có ảnh hưởng tới cuộc sống riêng của chị không?

– Di Li hiểu câu hỏi của bạn. Có phải bạn đang muốn nói đến trong tình cảm phải không? Tình cảm mà dễ chán như thế thì rất nguy hiểm phải không?

Phải nói thật rằng trong cuộc sống tôi rất sợ mối quan hệ tình cảm đơn điệu và nhạt nhẽo. Người khác có thể chấp nhận được điều đó tới hết cuộc đời, nhưng Di Li sẽ không thể nào chịu đựng nổi sự nhạt nhẽo, đơn điệu. Mình không thể sống nửa vời, một chuỗi ngày dài mờ nhạt. Bởi tôi nghĩ rằng mỗi người sinh ra trên trái đất này chỉ một lần duy nhất trong đời, giống như một chuyến viếng thăm ngắn ngủi. Nếu như cứ sống nhạt nhẽo vô vị thì thật đáng tiếc.

Tôi nói như vậy, không có nghĩa là trong các mối quan hệ tình cảm tôi thay đổi y như kiểu tóc (Cười)!

Nhưng tôi luôn có một tư duy rằng, đời sống tình cảm cũng cần sự sáng tạo chứ. Ví dụ, vợ chồng hay một mối quan hệ lâu năm thường sẽ nhạt dần, đi làm về chỉ chào hỏi nhau giống như nghĩa vụ, không còn trao đổi gắn kết nhiều như lúc đầu. Nếu mình không chấp nhận được điều đó thì mình phải thay đổi, phải cải tạo, hâm nóng mối quan hệ khiến nó trở nên thú vị hơn. Tôi nghĩ việc sáng tạo sẽ rất cần thiết ở trong tất cả mọi mặt đời sống chứ không riêng gì lĩnh vực nghệ thuật.

Ngay cả với bạn bè cũng vậy, mọi người rất thích đi phượt với Di Li, họ rất nghiện những chuyến đi do mình tổ chức vì mình luôn lo hết mọi thứ, và không chuyến đi nào giống nhau. Mọi người hay thốt lên đây đúng là “Di Li tour”, vì mỗi lần đi đều di chuyển trên những phương tiện kì quái khác nhau, không ai tưởng tượng được sẽ có hành trình như thế, y hệt họ đang đóng một bộ phim li kì, thú vị.

Thực ra như thế thì người nào song hành với Di Li sẽ là một thử thách. Vì vậy Di Li thường giao hẹn ngay từ đầu, đôi bên cùng chấp nhận cam kết, bởi vì phải có 2 người mới tạo nên một điệu nhảy tango mà. Phải cùng nhau làm cho mối quan hệ đó trở nên chân thành và nồng nhiệt. Nếu đi vào lối mòn như những mô hình mình vẫn nhìn thấy thì không chấp nhận được.

* Kết bạn với chị trên facebook đã lâu, tôi thấy chị có rất nhiều người ái mộ bởi sự xinh đẹp, tài giỏi và sắc sảo, vậy chắc có rất nhiều người đàn ông theo đuổi chị đúng không?

(Cười!)

* Đối với một phụ nữ thành đạt và nổi tiếng như chị, người đàn ông như thế nào sẽ khiến chị thấy bị hấp dẫn?

– Một người mà Di Li cảm thấy bị hấp dẫn, chắc chắn đó không phải là người nhàm chán. Họ sẽ giống như một cuốn sách mà mỗi ngày mình đều muốn khám phá, càng đọc càng thấy hấp dẫn. Nhiều người cứ gán cho Di Li rằng phải thích mẫu đàn ông đẹp trai thế này, thành đạt thế kia, nhưng không phải thế. Tại sao cứ gán cho tôi một hình mẫu mà tôi hoàn toàn không ấn tượng.

Dù là đàn ông, phụ nữ, người già hay một đứa trẻ, thì Di Li đều thích đối diện và nói chuyện với những người điềm tĩnh và dịu dàng. Đặc biệt đối với đàn ông, sự dịu dàng của họ sẽ thật là tuyệt vời.

* Thế trước một người đàn ông vừa giàu có, thành đạt lại đẹp trai, chị có bị ấn tượng không?

– Thật ra đối với bất kỳ một đối tượng nào, kể cả các mối quan hệ xã hội hay bạn bè, Di Li không để ý nhiều tới vẻ bề ngoài. Bề ngoài ở đây không chỉ là hình dáng, mà còn là học hàm học vị, chức tước hay tất cả sự hào nhoáng người đó khoác bên ngoài. Di Li không quan tâm nhiều lắm tới điều đó. Có lẽ vì thế mà nhiều người mới tiếp xúc với Di Li thường bảo mình hơi “lạnh”. Không phải là kiêu hay chảnh đâu, mà tôi cũng không hiểu vì sao lại thế.

Mãi về sau tôi tự cắt nghĩa, có lẽ vì tôi ít khi bị một cái sự bề ngoài bắt mắt, ấn tượng. Điều tôi quan tâm nhất không phải anh ta mặc quần áo đắt tiền hay xoàng xĩnh, mà là bên trong con người đó có gì?

Nhưng cái đó lại không nhìn ra được ngay, cần phải có thời gian. Chính vì thế mà mọi người khi mới gặp thường nói Di Li “lạnh”, nhưng càng gặp sẽ càng thấy ấm áp.

Sự ấm áp đó cũng chả phải gì to tát. Rất đơn giản là bởi tôi cần hiểu bạn là người như thế nào. Chứ ban đầu tiếp xúc, mọi người đều là như nhau, không thể bảo tôi nồng nhiệt ấm áp ngay được. Và cũng chả có lý do gì khiến tôi vồ vập ngay cả.

Giá trị lớn nhất mà tôi đề cao, đó là sự nhân văn, tử tế. Người nhân hậu và tử tế, lại có trí tuệ sâu sắc thì tôi luôn ngưỡng mộ và dễ bị thu hút. Xã hội bây giờ thật giả lẫn lộn, không thể hiểu về nhau khi chỉ đánh giá qua vẻ bề ngoài.

* Đúng như chị nói, nhiều khi vợ chồng chung sống với nhau nhiều năm vẫn chưa hiểu hết về nhau.

– Đúng rồi, không thể sống với nhau 1-2 tháng hay 1-2 năm mà biết hết được. Đôi khi phải tới lúc xảy ra chuyện gì đó con người mới lộ rõ bản chất.

* Vậy chị có bao giờ bị ảnh hưởng hoặc bị ám ảnh bởi nhân vật trong các câu chuyện mình xây dựng nên hay không?

– Không đâu. Chỉ khi đang viết thì tôi thường nhập tâm hoàn toàn vào câu chuyện. Nếu lúc đó, ai gây tiếng động to là tôi sẽ bị giật mình. Vì tôi đang ở căn phòng trong chuyện, chạm vào bức tường đầy rêu trong chuyện, sống trong bối cảnh đó nên mọi thứ xung quanh biến mất. Nhưng khi đóng máy tính lại, đứng lên thì tôi sống một cuộc đời rất thực.

* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

MINH HUỆ

Báo Dân Việt