Nhà văn – hoạ sĩ Đỗ Phấn: ‘Văn chương của tôi chỉ là chuyện thường nhật…’

664

Một họa sĩ đến với văn chương khi bước vào tuổi 50. Đỗ Phấn nói mình bị con chữ cuốn đi, viết một hơi gần 15 năm, cho ra 30 cuốn sách, sắp phát hành cuốn thứ 31. Ông viết nhiều thể loại: Tiểu thuyết, bút ký, tùy bút… tất cả đều mang hơi thở của Hà Nội.


Họa sĩ – nhà văn Đỗ Phấn

Đỗ Phấn quan niệm viết tản văn như một cách để nói lòng mình, mà cũng đầy thử thách. Tản văn cũng là thể loại Đỗ Phấn để lại nhiều ấn tượng với bạn đọc. Học sinh sẽ được làm quen với nhà văn Đỗ Phấn qua các tản văn Cõi lá (in trong sách Ngữ văn 11, tập 1, bộ Chân trời sáng tạo) và Tiếng chim trong thành phố (Ngữ văn 7, tập 2 bộ Cánh diều).

Ký ức về cây cối và các loài chim

* Nhờ ông chia sẻ cảm giác và kỷ niệm của mình khi viếttản văn “Cõi lá” (trong tập “Hà Nội thì không có tuyết”) và “Tiếng chimtrong thành phố” (trong tập “Bâng quơ một thời Hà Nội”)?

– Đây là hai tản văn tôi viết về Hà Nội bằng những cảm xúc trực quan của một người sống đã khá lâu ở thành phố này. Đó là những quan sát thường ngày, khi đi trên phố, được tích tụ trong nhiều năm và rút tỉa ra trong những bài tản văn ngắn.

Có thể nói đó cũng là những quan sát đầu đời của tôi. Nó đi theo tôi như một hành trang, ở bất cứ đâu, mỗi khi nhớ về Hà Nội, thì ký ức về cây cối, giọng hót của các loài chim lại hiện ra rất rõ nét.

Hà Nội thời niên thiếu của tôi gắn liền với Hồ Gươm, nơi có rất nhiều cây cối và luôn đầy ắp tiếng chim bốn mùa. Nhiều khi cây lá và tiếng chim làm cho tôi hình dung ra một Hà Nội êm đềm dễ dàng hơn khi nhìn vào một tấm ảnh hoặc một đoạn phim. Trong ký ức của tôi, Hà Nội đẹp một cách êm đềm như thế.

* Ông có nghĩ rằnghọc sinh ở nhiều tỉnh thànhsẽ khó hình dung và cảm nhận về những gì ông viết “rất Hà Nội” này không?

– Tôi nghĩ những nhà biên soạn sách giáo khoa đã nghiên cứu rất kĩ càng về thể loại, độ dài, văn phong và nhiều yếu tố khác nữa để đưa những bài tản văn của tôi vào chương trình giáo dục phổ thông. Đó là những bài viết có cấu tứ và văn phong đơn giản. Tất nhiên để hiểu thì học sinh nào cũng có thể. Nhưng để cảm nhận được nó thì chính các em phải tự tìm thấy. Bằng cách đến thăm Hà Nội, quan sát và cảm nhận.

Tôi hy vọng rằng đã truyền được cho các em một gợi ý rất cụ thể về những sự việc xảy ra hàng ngày ở mảnh đất này. Hà Nội không chỉ có những danh lam thắng cảnh nổi tiếng được ghi trong sách vở, mà còn có những nét đặc sắc của cỏ cây, chim chóc thường ngày. Một phần rất lớn làm nên diện mạo của nơi này.


Bìa 2 tập tản văn của nhà văn Đỗ Phấn

* Ông được biết đến như một nhà văn yêu Hà Nội tha thiết và sâu sắc. Nếu nói ngắn gọn về tình yêu này, ông sẽ nói gì?

– Thực ra tôi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Sống ở đây đã gần 70 năm, chỉ trừ hai năm ở lính. Cho nên tôi cũng không có nhiều nơi khác để yêu thương, gắn bó. Tôi lại là người viết tay ngang, nghề nghiệp chính của tôi là vẽ, nên những kiến thức về văn chương của tôi đều từ cảm nhận thực tế ở thành phố này hình thành nên. Tôi chưa thể viết về nông thôn hoặc miền núi, miền biển, cũng chính là bởi chưa có bề dày quan sát cuộc sống ở những nơi ấy.

Với các em học sinh, tôi luôn tin rằng thứ tình yêu đầu tiên các em có chính là tình yêu quê hương. Thành phố hoặc làng xóm cũng vậy thôi. Nên tôi luôn mong ước các em học sinh dù ở nông thôn hoặc thành thị thì cũng nên tự rèn luyện cho mình một thói quen quan sát và cảm nhận. Cả những điều đẹp đẽ và xấu xí của nơi mình đang sống. Ít ra nó cũng trở thành ký ức theo ta suốt đời. Lớn hơn, có thể là tiền đề cho việc sáng tạo văn học nghệ thuật. Đó là gốc gác, nguồn cội gắn chặt số mệnh của mình với cuộc đời.

Cốt cách Hà Nội vẫn còn…

* Nếu phải chọn duy nhất một thứ cần giữ gìn hoặc muốn mang theo của Hà Nội, ông sẽ chọn gì?

– Tôi không phải là người quá lưu luyến với ngói nâu, tường cũ của phong cảnh Hà Nội ngày mới hòa bình. Những thứ ấy sẽ biến chuyển công năng theo nhu cầu của dân phố.

Duy chỉ có cốt cách lịch lãm, khiêm nhường của người Hà Nội thì tôi vẫn coi là một giá trị bất biến. Nó có thể nhạt phai đi nhiều bởi sự pha loãng bằng dân số và những người nhập cư ồ ạt trong vài chục năm qua. Nhưng nó vẫn còn y nguyên trong những nếp nhà của thị dân cũ. Không cần ai bảo ai thì những thị dân cũ này vẫn tự giác gìn giữ nó. Có thể độ lan tỏa của phong cách sống ấy có lúc này lúc khác, nhưng đa số họ đều mong muốn gìn giữ lối sống ấy. Nên hy vọng rằng Hà Nội lại trở về với những ứng xử lịch thiệp như ngày xưa, chưa xa.

* Vậy với Hà Nội, ông nhìn mọi đổi thay trong tâm trạng nào?

– Mừng đấy, mà cũng rất lo. Hà Nội đổi thay từng giờ. Tôi không nằm trong số những người nuối tiếc cảnh vật hay sinh hoạt phố phường cổ xưa. Nó cổ hủ lạc hậu, tất nhiên rồi. Hà Nội đổi thay có những thứ làm cho thế hệ tôi rất mừng. Đại khái như đường xá, cầu cống, nhà cửa không còn là nỗi lo thường trực như nửa thế kỷ trước.

Tôi lớn lên trong căn nhà vỏn vẹn bốn chục mét vuông với 8 nhân khẩu. Nhiều năm thơ ấu, con đường Bà Triệu trước nhà và Hồ Gươm hình như mới là nơi tá túc chính của anh em tôi. Thời gian chúng tôi ở ngoài ấy nhiều hơn. Giờ đây gia đình nhỏ của tôi có 5 người, sống trong căn nhà có đến bốn trăm mét vuông sử dụng. Nó đủ rộng để tôi có thể làm được rất nhiều việc ngay tại nhà.

Tuy nhiên, có những đổi thay bắt đầu làm phiền đến dân phố. Đó là tình trạng xây dựng ồ ạt ở những vùng ngoại vi – thành phố mới. Nó làm cho giao thông ở đấy luôn tắc nghẽn.

Hà Nội mở rộng ra, nhưng với những người già như tôi,thì hình như đang thu hẹp lại. Giờ mà ai đó mời tôi vào Ngã Tư Sở chơi chẳng hạn, thì rất phải đắn đo. Liệu mình có còn đủ kiên nhẫn để luồn lách trong cái biển người hỗn loạn ở đấy không? Vùng đất ấy kéo dài sang Ngã Tư Vọng là nơi ngày nhỏ hai cậu cháu tôi thường đạp xe ra ngồi câu cá cả ngày. Hồ ao và cây cối hệt như làng mạc nông thôn vậy.

Hà Nội hôm nay có thể nói là đã… thừa chỗ ở. Bằng chứng là ngày nào tôi cũng nhận được những tin nhắn hoặc cuộc gọi mời mua căn hộ. Vậy thì xây dựng thêm là việc cần thiết không? Có chăng là quy hoạch, cải tạo những vườn hoa, công viên làm nơi vui chơi công cộng thì tốt hơn.

Viết văn không nhằm lý giải một vấn đề to tát

Vì sao ông muốn truyền tải cảm xúc của mình qua thể loại tản văn?

– Viết tản văn đối với tôi là một thử thách lớn. Nó có nhiều liên quan đến vấn đề kỹ thuật câu chữ. Nó như một bài toán hóc búa cần có lời giải một cách ngắn gọn nhất. Thể loại ngắn này là thứ dùng rất tốn từ, ngữ. Càng ngắn càng tốt.

Tôi tập viết những bài tản văn ngắn chỉ chừng 400 từ cho báo Lao động, trong khá nhiều năm. Quy định của tòa soạn chỉ có thể dành đất cho 400 từ. Nên đương nhiên phải cân nhắc từng từ, sao cho khỏi bỏ phí từng ý nhỏ. Nó tốn từ là vì thế. Nhiều khi chỉ chọn một từ cho đắt thôi là đã phải trải qua nhiều phương án thử. Từ dài đến ngắn, đến cực ngắn.

Tản văn cũng là thể loại cho phép ta bộc lộ cảm xúc một cách trực diện nhất với tất cả con người và sự việc đang hoặc đã xảy ra. Nó gần như nói được ngay lập tức tâm tư tình cảm của mình không cần phải qua lăng kính hoặc chiêm nghiệm nào cả. Chính vì thế nó phù hợp với tôi về cách phân phối thời gian làm việc. Tất nhiên những thứ dài hơi hơn lại cần phải có những

* Hẳn là hội họa có ảnh hưởng đến lối viết miêu tả, cũng như sự sắp đặt tỉ mỉ thường thấy trong các tản văn của ông?

– Tôi bắt đầu bài viết của mình qua hội họa. Quan sát và chiêm nghiệm bằng hình ảnh thì đúng hơn. Đại khái nhìn một bức ảnh hoặc bức vẽ ký họa, tôi có thể hình dung ra rất dễ dàng câu chữ và văn cảnh. Có thể bắt tay vào viết ngay được mà không cần bận tâm đến vấn đề tư liệu, chữ nghĩa. Tất nhiên chỗ nào cần tư liệu, chữ nghĩa thì vẫn phải tra cứu cẩn thận.

Nhưng chuyện đó là hãn hữu. Bởi văn chương của tôi không nhắm đến cái đích lý giải về một vấn đề gì to tát. Nó chỉ là chuyện thường nhật, được sắp xếp một cách tương đối có nghệ thuật mà thôi.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

***

Nhà văn Đỗ Phấn sinh năm 1956 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1980. Từ 1980 đến 1989 dạy tại khoa Kiến trúc, Đại học Xây dựng Hà Nội. Năm 2006, bắt đầu viết như một nhà văn chuyên nghiệp. Cuốn tiểu thuyết “Trần gian một chuyến” do Nhà xuất bản Trẻ sắp phát hành sẽ là tập sách thứ 31 của ông.

Theo Lâm Hạnh/Thể Thao & Văn Hóa