Nhà văn Khai Phong trong tâm trí tôi

942

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn Nguyễn Khai Phong, nguyên Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Cần Thơ đã từ trần ngày 28-9-2019 tại nhà riêng sau nhiều tháng bị tai biến nặng, thọ 77 tuổi.

Nhà văn Khai Phong

Nhà văn Khai Phong tên thật là Nguyễn Khai Phong, quê Vĩnh Long, và lấy Cần Thơ làm quê hương thứ hai. Anh sinh năm 1942, hơn tôi hai tuổi, và tôi luôn xem anh là người anh, người bạn của mình. Anh là em ruột cố nhà văn Nguyễn Lâm Thao người để lại câu thơ gây xôn xao một thời “Vòng Cung đi dễ khó về/ Đạn chen đầu đạn bom kề hố bom”. Và anh cũng là người viết tiếp tiểu thuyết dở dang của anh trai mình là nhà văn Lâm Thao để lại “Chuyện tình nàng Sara”. Anh em trong hội Văn Nghệ Cần Thơ thường gọi anh với cái tên trìu mến là anh Sáu Phong. Anh ra đi giữa những ngày Cần Thơ triều cường dâng cao, nhiều tuyến đường ngập nước nhưng anh em bè bạn gần xa vẫn ngày đêm tới viếng anh với tấm lòng thương tiếc vô hạn.

Anh là lớp nhà văn trưởng trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, cũng là bạn trang lứa với các nhà thơ, nhà văn như: Lê Văn Thảo, Trần Thanh Giao, Lê Văn Duy, Nguyễn Bá, Lê Chí, Nguyễn Thanh, Hoài Nam Tử, Anh Động, Anh Đức, Vũ Hạnh, Hoài Vũ … Những năm chống Mỹ anh tham gia công tác văn hóa xã hội trong R (chiến khu Tây Nam Bộ), là thương binh năm 1972. Anh viết văn, làm thơ, viết kịch bản, đã xuất bản 9 đầu sách được bạn bè ca ngợi nhưng anh vẫn khiêm tốn nói rằng: “Tôi viết văn, làm thơ vẫn biết rằng mình không có năng khiếu đặc biệt. Nhưng vì muốn trình bày tâm trạng, tư tưởng, tình cảm, thái độ của mình về những gì đã, đang xảy ra chung quanh đến với bạn bè, người thân, bạn đọc. Để làm được điều đó tôi phải nắn nót từng chữ, phải dựa vào tình yêu văn chương và vốn sống đã trải, phải dựa vào ý chí và sự kiên nhẫn”. Đến nay anh đã xuất bản các tập: “Người con gái Tây Đô” (truyện ký- 1969), “Cánh hoa lý hồng đỏ” (Tập truyện ngắn – 1987), “Bài thơ xa vắng” (Tập thơ- 1990), “Chuyện tình bến Tô Châu” (Tiểu thuyết – 1990), “Chuyện như tiểu thuyết” (Tiểu thuyết- 1997), “Lửa Vòng Cung” (Kịch bản phim 5 tập- 2001), “Chuyện tình nàng Sara” (Tiểu thuyết – 2006), “Truyện và Ký Nguyễn Khai Phong” (2006), “Bài thơ tình yêu” (Thơ – 2016) và một tập Tiểu thuyết dở dang “Chuyện tình anh và em” chưa kịp hoàn thành thì anh đã vội “ra đi” sau một cơn tai biến nặng.

Là một cán bộ văn hóa được tôi rèn trong khói lửa chiến tranh, anh rất có trách nhiệm trong công việc cơ quan và gia đình. Với những kẻ tiêu cực, tham nhũng trong xã hội hay cơ quan anh luôn là người đấu tranh trực diện, không ngại người kia là Thủ trưởng của mình hay cấp bậc to hơn. Khi cảm thấy chưa hoàn thành nhiệm vụ anh viết đơn xin từ chức “Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Cần Thơ” năm 2008 (khi đó tôi là Thư ký Tòa soạn). Ở những hội nghị có lãnh đạo tỉnh, thành phố dự, khi được mời phát biểu anh luôn nêu những khó khăn, trăn trở, ước muốn của anh em văn nghệ sĩ, đặc biệt là chế độ nhuận bút quá thấp, để cấp trên tìm nguồn kinh phí hỗ trợ. Đồng thời anh cũng luôn đề xuất những biện pháp, hướng đi cho lãnh đạo thành phố trong công tác quản lý Văn học Nghệ thuật.

Tuy rất bận rộn về công tác quản lý và công tác Đảng anh vẫn tranh thủ viết. Khi ngòi bút tuôn chảy theo cảm xúc thì anh quên cả ăn uống, trưa hay tối. Nhà ở cách cơ quan hơn hai cây số nhưng nhiều buổi trưa hoặc tối anh ở lại vừa ăn bánh mỳ vừa viết. Anh thường nói với anh em trong Hội: “Tác phẩm là thước đo giá trị nhà văn”. Một điều mà anh em trong Hội rất nể là anh không bao giờ nhận sự hỗ trợ từ kinh phí cấp trên phân cho Hội để xin in tác phẩm. Chín đầu sách đã xuất bản đều do anh bỏ tiền túi ra in hoặc bạn bè là “mạnh thường quân” hỗ trợ. Anh cũng luôn nhắc anh em: “Hãy sống đã rồi hãy viết” như nhà văn Nam Cao đã dạy. Những nhiệm kỳ anh Sáu làm Chủ tịch Hội nhà văn, anh luôn tạo mọi điều kiện để anh chị em đi thực tế sáng tác, đi theo nhóm hoặc đi tập thể. Một năm đi từ một đến hai lần. Kinh phí một phần do cấp trên cấp, một phần do anh em tự túc hoặc thông qua mối quan hệ, anh xin thêm sự giúp đỡ của Giám đốc Công ty, Xí nghiệp mà anh thân quen. Song, mỗi đợt đi thực tế ai cũng phải có tác phẩm đem nộp. Tuy sức khỏe yếu, chân đi không vững do bị thương nhưng nhiều chuyến “điền dã” anh vẫn chống gậy, vui vẻ leo núi cùng anh em.

Anh cũng là người rất quan tâm đến những cây bút trẻ đang là học sinh, sinh viên các trường Đại học trên địa bàn. Nhờ mối thân tình là bạn bè trong kháng chiến nên anh mời các nhà thơ nhà văn có tiếng về dạy theo chuyên đề cho các lớp viết văn trẻ, như: nhà văn Lê Văn Thảo dạy về tiểu thuyết, truyện ngắn; nhà văn Trần Thanh Giao dạy về Ký; nhà thơ Nguyễn Duy, Phạm Sĩ Sáu dạy về Thơ; nhà Phê bình Văn học Lê Quang Trang  dạy Lý luận Phê bình. Anh là người có Tâm, có Tình. Ai có thiếu sót anh thường gặp riêng chỉ bảo để họ sửa chữa, bất đắc dĩ mới đưa ra tập thể xem xét. Chính vì thế mà sau hai nhiệm kỳ anh làm Chủ tịch Hội đã kết nạp được hơn 10 sinh viên, học sinh THPT vào Hội nhà văn Cần Thơ.. Đồng thời anh cũng rất nghiêm khắc, và kiên quyết. Những hội viên tái phạm sai lầm, những hội viên 5 năm không sinh hoạt hội, không đóng hội phí, không có tác phẩm in Tạp chí địa phương là anh đưa ra Ban chấp hành thông qua và xóa tên, nếu hội viên ấy không có lý do chính đáng, và anh cũng đã khai trừ hai hội viên ra khỏi Hội.

Phần viết về thơ văn của anh xin để một bài khác dài hơi hơn. Vài dòng ngắn ngủi này thay nén tâm nhang đưa anh về nơi vĩnh hằng. Mong anh được tâm nguyện như câu thơ mà anh viết:

Gửi ai về một tấm lòng

Máu tôi nhỏ xuống mấy dòng thơ đây

Cửu Long mặt nước trải dài

Thủy trung trọn giữ dẫu đắng cay thế nào.

(Bài thơ tâm sự 1)

Và anh đã về với đất mẹ quê hương, khi cuộc hành trình dừng lại không báo thời gian:

Có cuộc hành trình nào không điểm hẹn

Có bước đi nào không có thời gian

(Bóng nắng)

Cầu chúc linh hồn anh sớm rong chơi nơi Bồng lai Tiên cảnh.

                                       Cần Thơ những ngày triều cường.

                                                          Lê Xuân

                                               (Hội Nhà văn Cần Thơ)