Chiều ngày 5/3/2025, Nhà văn Khuất Quang Thụy – người nổi tiếng với nhiều tác phẩm xuất sắc về đề tài chiến tranh – đã từ trần ở tuổi 75 sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư.
Nhà văn Khuất Quang Thụy
Sinh năm 1950 tại làng Thanh Phần, xã Phúc Hòa, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), Khuất Quang Thụy gia nhập quân đội sau khi tốt nghiệp phổ thông.
Ông phục vụ trong Sư đoàn 320 và tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường quan trọng như Đường 9 – Nam Lào, Quảng Trị, Tây Nguyên và Nam bộ. Ông cũng là một trong những người lính có mặt tại Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975.
Khuất Quang Thụy bắt đầu sự nghiệp văn chương với thơ vào cuối những năm 1960, nhưng sau đó ông nổi tiếng hơn với văn xuôi. Bài thơ “Dấu chân trên đường” của ông được nhiều người lính từ Hà Nội thuộc lòng từ những năm 1968.
Năm 1976, ông được điều về Trại sáng tác văn học của Tổng cục Chính trị và sau đó học khóa 1 Trường Viết văn Nguyễn Du.
Sau khi tốt nghiệp, ông công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, từng giữ nhiều vị trí quan trọng như Trưởng Ban Văn xuôi và Phó Tổng biên tập.
Trong những năm sau đó, ông đảm nhận vai trò Tổng Biên tập trang thông tin điện tử Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng biên tập phụ trách rồi Tổng Biên tập Báo Văn Nghệ từ năm 2013.
Đầu năm 2024, ông đã từ nhiệm mọi chức vụ tại Báo Văn nghệ và Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam vì lý do sức khỏe.
Là nhà văn trưởng thành từ môi trường quân đội, tác phẩm của ông đậm đặc đề tài chiến tranh và đời sống người lính. Tiểu thuyết “Trong cơn gió lốc” xuất bản năm 1980 từng là hiện tượng văn chương với hàng chục nghìn bản in.
Ngoài ra, ông còn để lại nhiều tác phẩm giá trị khác như “Trước ngưỡng cửa bình minh” (1985), “Không phải trò đùa” (1985), “Thềm nắng” (1988), “Góc tăm tối cuối cùng” (1988), “Giữa ba ngôi Chúa” (1989), “Những bức tường lửa” (2000), “Đối chiến” (2012), và “Đỉnh cao hoang vắng” (2016).
Khi được hỏi về lý do liên tục viết về chiến tranh, ông từng tâm sự: “Có lẽ tôi còn mắc nợ nhiều. Tôi sống chiến đấu như một chiến sĩ ở chiến trường từ năm 1968 đến tháng 4/1975. Tuy vậy, từng ấy thời gian cũng chẳng thể đủ để hiểu được cuộc chiến này. Vì thế từ sau năm 1973, tôi dành nhiều thời gian để tiếp tục tìm hiểu chiến tranh từ nhiều góc khác nhau. Tuy vậy, tới giờ cũng chưa thể nói là mình đã hiểu hết được cuộc chiến. Chẳng ai dám nói là hiểu hết nó cả”.
Tin buồn về sự ra đi của Nhà văn Khuất Quang Thụy khiến nhiều đồng nghiệp bất ngờ và đau buồn. Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: “Anh bị bệnh từ lâu rồi, nhưng tôi không nghĩ anh ra đi nhanh đến vậy”.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương nhận xét: “Đó là nhà văn quân đội tiêu biểu và xuất sắc, đậm chất lính nhất trong thế hệ chiến tranh. Khuất Quang Thụy còn là một nhà văn giàu tình cảm và chân chất trong lối sống, được anh em trong Văn Nghệ quân đội yêu quý”.
Còn Nhà văn Nguyễn Quang Thọ, đã quen biết Khuất Quang Thụy từ năm 1973, cũng đánh giá ông là một trong những cây bút xuất sắc của thế hệ trưởng thành từ kháng chiến chống Mỹ. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận định: “Trang văn Khuất Quang Thụy là những ký ức dằng dặc và đau khổ. Ông không né tránh mặt trái của chiến tranh mà nhìn trực diện vào nó, tái hiện bằng giọng văn sắc sảo, tinh tế”.
Theo LĐTĐ