Nhà văn Lan Khai trong tâm thức con trai Nguyễn Lan Phương

677

Trần Hoài Anh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Là một nhà văn đa tài, chỉ trong thời gian không dài lắm, Lan Khai đã để lại cho văn học nước nhà nhiều tác phẩm giá trị ở nhiều thể loại nhưng thành công nhất chính là tiểu thuyết và truyện ngắn. Với một gia sản văn chương đa dạng, Lan Khai luôn là một hiện tượng văn học thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và của công chúng văn chương. Sự nghiệp văn học của Lan Khai luôn là một tiếng gọi thao thiết trong tâm thức người đọc mọi thế hệ mà những hồi ức của Nguyễn Lan Phương – con trai của nhà văn Lan Khai trong tác phẩm “Cha tôi sống và chết” sẽ đáp ứng nhu cầu chính đáng này.

Nhà văn Lan Khai
  1. Có thể nói, trong văn học hiện đại Việt Nam, Lan Khai là gương mặt độc đáo mà cuộc đời và tác phẩm đã chịu bao thăng trầm của định mệnh oan nghiệt. Từ lâu rồi, tôi đọc và “mê” văn chương Lan Khai, nhất là các truyện “đường rừng” đầy tính huyền ảo, với các nhân vật nửa người nửa ma, nửa người nửa thú. Thế nên, việc tìm hiểu cuộc đời và văn nghiệp Lan Khai cũng như các Nhà văn tiền chiến mà tôi được học khá nhiều trong chương trình Quốc văn bậc trung học ở miền Nam trước 1975 là một nhu cầu tự thân. Vì vậy, năm 2016, tôi đã tìm về Cẩm Giàng, Hải Dương, một thị trấn cổ kính, sầm uất, lâu đời, quê hương của Tự Lực Văn Đoàn, để cảm nhận khí quyển văn chương đầy tính nhân bản ở một thời quá vãng, một đi không trở lại nhưng không bao giờ mất trong tâm thức biết bao người, bởi những mỹ cảm văn chương ở các trang sách của Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam…, cho dù có trải qua bao lênh đênh của phận số. Và, cách đây không lâu, vào một ngày cuối năm 2019, để thỏa mãn cái chí “giang hồ vặt”, tôi có chuyến lang thang đến Hà Giang. Khi ghé thăm ngôi Thánh đường nằm ven đô, thành phố Hà Giang, tình cờ, tôi gặp một thanh niên điển trai, đang làm hang đá chuẩn bị đón Giáng sinh. Qua trò chuyện, biết tôi là người nghiên cứu văn học, có quan tâm đến văn chương Lan Khai, người thanh niên rất vui, tự giới thiệu là cháu nội của nhà văn. Rồi, như một nhân duyên, khi biết tôi muốn tìm hiểu về gia thế của nhà văn Lan Khai, anh giới thiệu tôi về gặp thân sinh mình là Bác Nguyễn Lan Phương, người con trai duy nhất còn lại của nhà văn Lan Khai đang sống ở số nhà 142 Nguyễn Thái Học, tổ 8 phường Trần Phú, Tp. Hà Giang. Khi tìm đến nhà, biết tôi ở Sài Gòn, lần đầu tiên đến Hà Giang lại dành thời gian tìm hiểu về đời văn Lan Khai, thân phụ của Bác, một tài năng quí hiếm của văn học nước nhà, Bác Nguyễn Lan Phương và gia đình đón tiếp rất ân cần.

Qua chia sẻ về cuộc đời nhà văn Lan Khai cùng số phận của những người thân trong gia đình, Bác Nguyễn Lan Phương cho biết sắp xuất bản cuốn hồi ký Cha Tôi sống và chết, viết về nhà văn Lan Khai. Tôi có ý mong chờ và đầu năm 2020, tôi nhận được sách Bác gởi và lời đề tặng đầy nỗi niềm u uẩn: “Quý mến tặng Nhà văn – Tiến sĩ Trần Hoài Anh để chia sẻ nỗi niềm xót đau này với gia quyến họ tộc Nguyễn Đình”. Cầm món quà tinh thần vô giá của cụ già đã 93 tuổi, ở cách xa hàng ngàn cây số, khiến tôi không khỏi rưng rưng, muốn chia sẻ một điều gì đó với tác giả, người con trai duy nhất của nhà văn Lan Khai còn lại trên cõi nhân gian, kể chuyện về cha mình qua cuốn sách gọi là hồi ký nhưng thật ra đây không phải là một tập “hồi ký” đúng nghĩa của thể loại này mà là cuốn sách chia sẻ những hồi ức còn lại trong tâm thức của một người con về người cha yêu kính của mình – nhà văn Lan Khai.

  1. Là một nhà văn đa tài, chỉ trong 17 năm cầm bút không dài lắm, Lan Khai đã “vẫy vùng” trong nhiều lĩnh vực sáng tạo văn nghệ, để lại cho đời hàng trăm tác phẩm đủ các thể loại. Nhưng thành công nhất của ông là sáng tác, trong đó, nổi bật là tiểu thuyết và truyện ngắn. Với một gia sản văn chương đa dạng, Lan Khai luôn là một hiện tượng văn học thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và của công chúng yêu mến văn chương. Sự nghiệp văn học của Lan Khai luôn là một tiếng gọi thao thiết trong tâm thức người đọc mọi thế hệ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc nghiên cứu văn nghiệp Lan Khai để xác định giá trị và vai trò của ông trong lịch sử văn học dân tộc đã không được quan tâm và trong chừng mực nào đó bị rơi vào lãng quên một cách oan uổng. Vì vậy, khi đọc tập sách Cha tôi sống và chết, Hồi ký của Nguyễn Lan Phương cùng những gì Bác đã chia sẻ với tôi ở Hà Giang về nhà văn Lan Khai, tôi mới hiểu thêm về phận số đầy oan khuất không chỉ về cuộc đời mà cả tác phẩm của Lan Khai và càng thấm thía hơn điều mà Nguyễn Du đã dự cảm đầy xa xót bằng sự nghiệm sinh của chính cuộc đời mình trong thi phẩm Độc Tiểu Thanh ký: “Chi phấn hữu thần tiên tử hậu/ Văn chương vô mệnh lụy phần dư/ Cổ kim hận sự thiên nan vấn/ Phong vận kỳ oan ngã tự cư”…

Gọi là hồi ký nhưng phần “hồi ký” trong cuốn sách chiếm dung lượng không nhiều, so với phần giới thiệu các công trình nghiên cứu về Lan Khai. Nội dung sách gồm: Phần thứ nhất: Nguồn gốc gia đình của nhà văn, thuộc họ Nguyễn Đình “sống ở sông Hương, núi Ngự, tỉnh Thừa Thiên Huế, là dòng họ mang truyền thống ái quốc”;[1] Phần thứ 2: Cuộc sống của gia đình trong những tháng năm lận đận lập nghiệp ở bản Luộc, xã Vĩnh Lộc, châu Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang và sự ra đời của nhà văn Lan Khai; Phần thứ 3: Hành trình sống và viết của Lan Khai; Phần thứ 4: Những công trình nghiên cứu về cuộc đời và văn nghiệp Lan Khai; Phần kết: Các chuyến đi của gia đình tìm nơi nhà văn Lan Khai mất ở ATK.

Như sự đặt để của số phận, tuy số trang trong tập sách viết về cuộc đời và văn nghiệp của Lan Khai không nhiều nhưng cũng đủ cho thấy nỗi đắng cay phận người mà nhà văn phải trải qua trong hành trình sống và viết. Và, dù thân phụ Lan Khai đã can ngăn, khuyên ông không nên theo con đường văn chương mà ông đã chọn lựa như một tâm thức hiện sinh nhưng nhà văn vẫn xác quyết: “Tôi phải là nhà tiểu thuyết, quyết lấy văn chương chân chính của dân tộc để chống giặc xâm lược và mọi kẻ thù chung của dân tộc. Tôi coi đây là cái nghiệp bẩm sinh do Trời định sẵn cho tôi. Cho dù đó có là một nghiệp chướng chăng nữa thì tôi vẫn phải làm vì đất nước vì dân tộc”.[2] Vì vậy, trong Văn Thi sĩ tiền chiến, khi viết về Lan Khai, người bạn văn mình luôn trân quí, Nguyễn Vỹ cho rằng: “Lan Khai vẽ hay viết, chính là để thỏa mãn một say mê gần như là một ám ảnh huyền diệu, hơn là nghĩ đến việc đem bày bán những nét vẽ và câu văn của anh” và: “Lan Khai là một trong số văn nhân chịu hy sinh cho lý tưởng nhiều hơn và thích sống đời thanh cao nho nhã hơn”.[3] Và khi cảm nhận về tiểu thuyết của Lan Khai, Nguyễn Vỹ đã cho rằng: “Lan Khai là một tâm hồn thuần túy thơ mộng, rất đa cảm, đa tình, nhưng luôn có ý thức về số kiếp văn chương”.[4]

  1.   Sự chọn lựa văn chương đối với Lan Khai là sự chọn lựa của số phận, mặc dù, ông biết rằng đến với văn chương là đến với “cái lụy nghìn đời” như tên một bài báo “Tài hoa cái lụy nghìn đời” của ông đã đăng trên báo Đông Phương như Nguyễn Vỹ kể lại trong Văn Thi sĩ tiền chiến. Song, đây là sự chọn lựa nhằm khẳng định một nhân vị hiện sinh, để thực hiện những dự phóng sáng tạo của mình trong hành trình sống và viết của một người nghệ sĩ muốn vươn lên để chiến thắng chính mình chứ không muốn là một “phóng thể”, làm một con người sống yên ổn trong gia đình, tan loãng trong đám đông, đánh mất bản ngã của mình như lời chia sẻ trong hồi ký của Nguyễn Lan Phương về cha mình: “Vốn là con người có hoài bão lớn, nay phải dừng ở cảnh ngộ éo le thế này, làm cho lòng Khải (tên nhà văn Lan Khai – THA) tăng thêm sự quyết tâm, nung nấu trí lớn dứt khoát phấn đấu, rèn luyện để trở thành văn nhân chân chính, mang trí tuệ và kiến thức, kinh nghiệm, vốn sống đã học được ở trường, ở xã hội, dùng bút mực thay cho vũ khí, chống lại những ngang trái xấu xa, tệ hại và bất công luôn có ở đời”.[5] Mục đích trở thành nhà văn của Lan Khai trong tâm thức Nguyễn Lan Phương “là vì cộng đồng dân chúng cần lao, vì danh dự của Dân tộc và Tổ quốc, vì sự nghiệp văn chương chân chính của nước nhà mà ông mơ ước bấy lâu nay”.[6]

Với lý tưởng văn chương cao đẹp và tài năng mà tạo hóa đã dành cho mình cùng với quá trình rèn luyện, tích lũy kiến thức trên các lĩnh vực: văn hóa, tâm lý học, triết học, ngôn ngữ kết hợp với vốn sống sâu sắc trong quá trình nghiệm sinh của mình, Lan Khai đã trở thành một nghệ sĩ đa tài, không chỉ trong sáng tác, phê bình văn học, dịch sách, sưu tầm văn học dân gian, biên khảo văn hóa mà còn là một họa sĩ tài hoa. “Riêng về lĩnh vực hội họa, cha tôi thường vẽ minh họa cho các tờ báo tạp chí, bìa sách hay vẽ xen kẽ vào các trang tiểu thuyết, hay truyện ngắn. Còn về lối vẽ chân dung của ông thật độc đáo, mà nhiều người cùng thời với ông đều biết đến, không những chỉ là cái thần ở bức vẽ mà ở cái tài ghi nhớ đặc biệt về chân dung người mẫu”.[7] Trong tâm thức Nguyễn Lan Phương, nhà văn Lan Khai là một cây bút tài năng thành công trong nhiều thể tài: “ngay những năm 30 của thế kỷ trước, tên tuổi và sự nghiệp văn chương cuả cha tôi đã nhanh chóng được khẳng định. Ông được thừa nhận có vị trí trong làng văn bút và giới độc giả Bắc Hà cũng như trên văn đàn toàn quốc. Thời ấy, các nhà xuất bản, nhà in, đã giành nhau in các tác phẩm của Lan Khai”.[8]

Thành công nhất trong văn nghiệp Lan Khai theo Nguyễn Lan Phương là sách viết về con người miền núi. Trong tác phẩm của cha tôi bao giờ “cũng thấy bóng dáng các Thổ dân, các cô thôn nữ, những cánh rừng già huyền ảo, những con suối con sông, núi non tráng lệ, mờ mờ ẩn hiện như thể cõi tiên ở chốn bồng lai (…) không rõ ma lực nào mà cha tôi đã lặn lội khắp bản làng, buôn sóc của các dân tộc ít người, từ thung lũng khe sâu, đến đỉnh núi cao mờ sương heo hút. Ông vừa dạy chữ cho họ, vừa học các thứ tiếng của họ, vừa khảo cứu những phong tục tập quán của họ (…) Thương yêu quí trọng đồng bào, nên cha tôi đã nhận thấy các phẩm chất tốt đẹp của họ, mà không dễ thấy ở những nơi người ta tự cho là văn minh đô hội”.[9] Trong quan niệm của cha tôi đồng bào dân tộc: “Là những con người biết yêu quí và bảo vệ thiên nhiên hơn ai hết, lại biết đoàn kết cộng đồng, để chống mọi cái ác, chống lại kẻ thù vì quê hương đất nước (…) Cha tôi thường dạy anh em chúng tôi và các học trò của ông rằng: “Không có giống người này giống người nọ mà chỉ có loài người chung một bọc mà thôi!”” [10] Có phải vì những lẽ trên mà các tác phẩm “đường rừng” của Lan Khai đã trở thành một thứ “đặc sản” giàu tính nhân bản trong văn học Việt Nam hiện đại và được hầu hết các nhà phê bình công nhận như một hệ giá trị. Theo Thế Phong với Tiếng gọi trong rừng thẳmSuối đàn: “Chúng ta có thể nói rằng Lan Khai khai thác truyện đường rừng trước tiên và nổi nhất (…) Ta hãy tưởng tượng từ một hình tượng ngây thơ, chất phát của cô gái mạn ngược, Lan Khai tả cho chúng ta nghe, rồi như đẩy chúng ta tham dự, sống trong cảnh núi rừng, thâm sơn cao cả, huyền bí, mơ mộng. Ông là nhà văn đã biết tận dụng bối cảnh núi rừng, khai thác tận dụng mọi khả năng biểu hiện tâm tư thầm kín của người sơn cước. Ngoài ra ông đã góp vào bình diện văn nghệ chúng ta một khung cảnh mới lạ, một cái nhìn mới vào núi non heo hút, một sự kiện mở đầu cho một giai đoạn văn chương rừng núi”.[11] Phạm Thế Ngũ thì cho rằng điều “có giá trị hơn trong văn nghiệp của ông (Lan Khai – HA) có lẽ chính là những truyện từ lâu gọi là “đường rừng” (…) Ông chinh phục độc giả bằng những hiểu biết rành rẽ sự cảm xúc sâu xa của mình. Chúng ta thấy về tiểu thuyết đường rừng. Thế Lữ đã có viết nhưng chính Lan Khai mới là nhà văn của miền thượng du Bắc Việt. (…) Rừng đối với Lan Khai là tất cả một cuộc sống hỗn loạn tàn bạo của thảo mộc và cầm thú (…) là tất cả một pho kinh dị”.[12] Còn trong cảm nhận của Nguyễn Vỹ: “Lan Khai đã là một người con yêu dấu của lâm tuyền. Anh bỏ nghề giáo viên, cũng chỉ vì anh mải nghe theo tiếng gọi của Rừng thẳm, tiếng gọi anh ghi chép say sưa thành bóng vang huyền bí trong các tác phẩm văn chương và trong các nét hội họa của anh”.[13]

Bên cạnh đề tài về rừng núi, Lan Khai còn viết về những con người cùng khổ, những người chịu nhiều áp bức bóc lột trong xã hội và đây cũng là đề tài thành công của Lan Khai mà Lầm than là một xác chứng. Với Lầm than, Lan Khai đã trở thành một trong những nhà văn đầu tiên viết về cuộc sống của những người công nhân nghèo với một tấm lòng cảm thông và sẻ chia sâu sắc. Thế nên, trong tâm thức của Nguyễn Lan Phương so với những nhà văn cùng thời “Cha tôi là người tiên phong thể hiện tư tưởng cách mạng, viết các tác phẩm tố cáo tội ác thực dân. Ông là người đầu tiên viết về những người thợ mỏ, về giai cấp công nhân ở nước ta thời bấy giờ (…) Chả thế mà khi Lầm than vừa mới ra đời, đã có ngay một bài báo khá dài lăng xê trên văn đàn Hà thành và cả nước với nhan đề: “Lầm than, một tác phẩm đầu tiên của nền văn học tả thực ở nước ta” do ông Nguyễn Khoa Văn – Hải Triều thủ bút viết ra đăng tải trên tờ báo Dân Tiến số1, năm 1938”.[14]

  1. Trong tâm thức Nguyễn Lan Phương, chân dung Lan Khai không chỉ là nhà văn luôn dấn thân vì văn chương và thành công trên nhiều lĩnh vực sáng tác như tiểu tuyết lịch sử, tiểu thuyết đường rừng, tiểu thuyết phong tục xã hội mà còn là một nghệ sĩ với rất nhiều thú vui khác như: “Yêu thích nhạc dân tộc, ca trù, quan họ, hát xoan. (…), yêu quí gia súc, nhất là ngựa, con vật hữu dụng dùng làm phương tiện đi lại”.[15] Ngoài ra, Lan Khai còn có thú chơi sách mà theo hồi ức của Nguyễn Lan Phương: “Sinh thời, cha tôi rất yêu quí sách. Bởi, ông quan niệm đó là một thứ tài sản tinh thần vô giá, đáng trân trọng nhất trên đời. Ông coi sách chính là tâm hồn, trí tuệ, tài năng, tâm huyết và tư tưởng của những người sáng tạo ra nó”.[16] Vì vậy, với Lan Khai “Sách quí hiếm hơn vàng bạc, ngọc ngà, châu báu. Những thứ này nếu đánh mất thì còn có cơ tìm lại. Nhưng sách mất thì khó mà tìm lại”.[17] Thế nên, tuy nghèo “Nhưng cha tôi cũng gắng lập riêng cho bản thân và gia đình một tủ sách thật công phu. Thư viện của cha tôi có nhiều loại sách. Phần lớn sách do tự tay ông lựa chọn tìm mua bằng tiền dành dụm tích cóp lại, phần là các tác phẩm của cha tôi viết, phần của các bạn văn tặng”.[18]

Phải chăng, vì cái thú yêu sách và lòng trân quí văn chương, nên nhà văn Lan Khai đã chấp nhận mọi rủi ro, mọi khó khăn gian khổ: “Đưa ra một quyết định táo bạo. Đó là việc ông bốc cả bầu đoàn thê tử, những tám miệng ăn với hai bàn tay trắng về Hà Thành, cái nơi phồn hoa đô hội, cái đất kinh kỳ lắm kẻ đua chen, giành nhau cơm áo gạo tiền”[19] để thực hiện giấc mộng văn chương của mình. Nhưng rồi, không như những gì Nguyễn Lan Phương nghĩ, bởi chính ở cái nơi đua chen này, Lan Khai và gia đình đã nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ của những người bạn văn nên ông đã vượt qua những khó khăn, thiếu thốn buổi đầu để có điều kiện: “Không chỉ sáng tác văn học, viết báo mà còn làm thơ, vẽ tranh… Những tác phẩm thuộc thể loại này, mỗi khi thực hiện xong, ông thường ký bút danh Lâm Tuyền Khách và chỉ đem chúng làm quà tặng bạn bè, bằng hữu để làm lưu niệm cho những người thân thiết. Tuyệt nhiên, không khi nào đem triển lãm hoặc đem bán”.[20] Có thể nói, trong tâm thức của Nguyễn Lan Phương, Lan Khai không chỉ là nhà văn mà còn là một nghệ sĩ đa tài, đa tình nhưng cũng đa gian truân. Có phải vì thế, mà ông đã gặp mệnh bạc mà cái chết đầy uẩn khuất của ông giữa rừng núi xa mờ là một minh chứng và đây là một khoảng lặng trong hồi ký được Nguyễn Lan Phương, người con trai duy nhất còn lại của ông chia sẻ.

  1. Sau những ngày tháng vui buồn trong hành trình sống và viết ở Hà Thành, được tin thân phụ ốm đau, Lan Khai quyết định từ giã Hà Nội, về lại Tuyên Quang lo phụng dưỡng cha mẹ già cũng là để có thời gian và điều kiện viết bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam người đi đâu? mà ông hằng ấp ủ. Và theo Nguyễn Lan Phương “Khi nào xuất bản xong sẽ chuyển ngữ và dịch sang tiếng Pháp, nên ông mới đặt cái tên phụ đề là Việt Nam où va tu? Ông muốn cho người Pháp đọc bộ sách ấy, để họ thấy rằng: Dân tộc Việt Nam là một dân tộc không khi nào chịu khuất phục làm thân nô lệ cho ngoại bang. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc không thể coi thường”.[21] Nhưng oái ăm thay, Lan Khai, một nhà văn luôn chất chứa một tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc cao quí như thế, vậy mà “Một tai bay vạ gió thật khủng khiếp, do bọn “côn đồ” đổ xuống đầu ông và gia đình” đem đến “một thảm họa bất ngờ đau đớn!” làm tan nát cuộc đời và văn nghiệp của nhà văn Lan Khai mà cho đến nay, điều đó vẫn là một câu hỏi còn trong bóng tối”.[22] Phải chăng, đây là bi kịch có tính định mệnh trong cuộc đời và văn nghiệp Lan Khai để lại trong gia đình cũng như những bạn văn của ông một vết thương khó lành và cho nền văn học nước nhà một khoảng trống không thể bù đắp. Bởi, văn tài của ông theo lời Nguyễn Lan Phương trong hồi ký: “Tính riêng về tiểu thuyết, Lan Khai đã có khoảng hơn 60 đầu sách đủ loại, nào là lãng mạn, tâm lý xã hội, hiện thực, lịch sử và dã sử… Tất cả có tới 183 tác phẩm, hầu hết đều đã xuất bản”.[23]

Như vậy, văn nghiệp Lan Khai đã kết thúc cùng với bi kịch cuộc đời ông. Số phận nghiệt ngã ấy đã cướp đi của dân tộc một văn nhân khó ai thay thế được về tài năng văn chương lẫn nhân cách nghệ sĩ. Bởi, nói như Phạm Thế Ngũ: “Trong những nhà văn của nhóm Tân Dân, có lẽ Lan Khai là một cây bút biết tự săn sóc và có nhiều đức tính văn chương hơn cả”.[24] Và cho dù Lan Khai đã được giải oan phần nào qua lời khẳng định của cố Thiếu tướng Công an Hoàng Mai (1922 -2005): “Nhà văn Lan Khai là người có công với nước” thì sự ra đi đầy oan khuất của nhà văn Lan Khai cũng là một nỗi đau từ những “sai lầm” lẽ ra không nên có trong lịch sử đấu tranh cách mạng.

  1. Khép lại bài viết này, tôi muốn viện dẫn những lời đánh giá về văn nghiệp và cuộc đời Lan Khai trong diễn từ của lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam ở Hội thảo 100 năm sinh Nhà văn Lan Khai, như một sự xác chứng của lịch sử về  nhân vị của ông trong nền văn hoc nước nhà: “Lan Khai là một trong những nhà văn trưởng thành rất sớm về ý thức xã hội và lý tưởng nghệ thuật. Sự nhất quán trong hoạt động xã hội và sáng tác văn chương của ông thể hiện bản lĩnh và nhiệt huyết của một trí thức yêu nước và nhân cách văn hóa của một nhà văn (…) Cuộc đời và sự nghiệp của Lan Khai thật trong sáng và cao đẹp. Đáng lẽ ra ông phải được nghiên cứu, đánh giá công bằng trong văn học sử như là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam đương đại, một người có công với cách mạng. Nhưng đáng tiếc thay và đáng buồn thay, cái chết rủi ro của ông đúng vào thời điểm nhiều tao loạn của lịch sử, không được công bố và giải thích rõ ràng nên đã phủ một lớp màn bí hiểm trên dư luận, kéo theo bao nhiêu oan khuất đau buồn và thiệt thòi cho ông và gia đình ông suốt mấy chục năm qua”.[25] Nhưng: “Khi sự thật đã được làm sáng tỏ, chúng ta thấy Lan Khai lại hoàn nguyên. Từ trong bụi phủ của thời gian, Lan Khai lại trở về với chúng ta với đầy đủ chân giá trị của một nhà văn yêu nước, có công với cách mạng. Chắc chắn rồi đây, cuộc đời văn nghiệp của Lan Khai sẽ được đánh giá công bằng và xứng đáng với tài năng cống hiến của ông”.[26]

Với chân tâm của một người yêu mến văn chương Lan Khai, bài viết là những chia sẻ với tác giả Nguyễn Lan Phương và gia đình, nhằm góp phần gìn giữ di sản văn chương Lan Khai như tâm nguyện của lãnh đạo huyện Chiêm Hóa đã chia sẻ trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Lan Khai: “Chúng tôi, người con của quê hương Chiêm Hóa – Tuyên Quang mong muốn rằng, từ nay tên tuổi và sự nghiệp của nhà văn Lan Khai sẽ được mọi người ở khắp mọi miền của đất nước biết nhiều hơn, hiểu sâu sắc hơn, đúng với tầm vóc vị trí của nhà văn trong nền văn học dân tộc”.[27] Và hôm nay, điều đó đã trở thành hiện thực, khi tác phẩm Lan Khai đã trở thành một đề tài nghiên cứu khá hấp dẫn trong đời sống văn học nước nhà không chỉ trong những năm tháng đã qua mà vẫn còn tiếp diễn trong hiện tại mà cả đến tương lai…

Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp, 30/8/2020

T.H.A

Tài liệu tham khảo:

  1. Phạm Thế Ngũ (1998), Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên tập III – Văn học hiện đại 1862-1945, Nxb. Đồng Tháp
  2. Thế Phong (1974), Lược sử văn nghệ Việt Nam – Nhà văn Tiền chiến 1930-1945 Vàng Son xuất bản, Sài Gòn,
  3. Nguyễn Lan Phương (2020), Cha tôi sống và chết, Hồi ký, Nxb. Danh Nhân
  4. Nguyễn Vỹ, (2007) Văn Thi sĩ tiền chiến, Nxb. Văn học, Hà Nội,

[1] Nguyễn Lan Phương (2020), Cha tôi sống và chết, Hồi ký, Nxb. Danh Nhân, tr.6

[2] Nguyễn Lan Phương (2020), Cha tôi sống và chết, Hồi ký, Nxb. Danh Nhân, tr. 67, 68

[3] Nguyễn Vỹ, (2007), Văn Thi sĩ tiền chiến, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.95

[4] Nguyễn Vỹ, (2007), Văn Thi sĩ tiền chiến, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.104

[5]Nguyễn Lan Phương (2020), Cha tôi sống và chết, Hồi ký, Nxb. Danh Nhân, tr.47

[6] Nguyễn Lan Phương (2020), Cha tôi sống và chết, Hồi ký, Nxb. Danh Nhân, tr.47

[7]Nguyễn Lan Phương (2020), Cha tôi sống và chết, Hồi ký, Nxb. Danh Nhân, tr.117

[8]Nguyễn Lan Phương (2020), Cha tôi sống và chết, Hồi ký, Nxb. Danh Nhân, tr.61

[9]Nguyễn Lan Phương (2020), Cha tôi sống và chết, Hồi ký, Nxb. Danh Nhân, tr. 62, 63

[10] Nguyễn Lan Phương (2020) Cha tôi sống và chết, Hồi ký, Nxb. Danh Nhân, tr. 63

[11] Thế Phong, (1974), Lược sử văn nghệ Việt Nam – Nhà văn Tiền chiến 1930-1945 Vàng Son xuất bản, Sài Gòn, tr.330, 331

[12] Phạm Thế Ngũ (1998), Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên tập III – Văn học hiện đại 1862-1945, Nxb. Đồng Tháp, tr.537, 538

[13] Nguyễn Vỹ, (2007), Văn Thi sĩ tiền chiến, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.93, 94

[14] Nguyễn Lan Phương, (2020), Cha tôi sống và chết, Hồi ký Nxb. Danh Nhân, tr. 64

[15]Nguyễn Lan Phương, (2020), Cha tôi sống và chết, Hồi ký Nxb. Danh Nhân, 2020, tr. 51

[16]Nguyễn Lan Phương, (2020), Cha tôi sống và chết, Hồi ký Nxb. Danh Nhân, 2020, tr. 111

[17]Nguyễn Lan Phương, (2020), Cha tôi sống và chết, Hồi ký Nxb. Danh Nhân, 2020, tr. 49, 50

[18] Nguyễn Lan Phương (2020), Cha tôi sống và chết, Hồi ký, Nxb. Danh Nhân, tr. 111

[19] Nguyễn Lan Phương (2020), Cha tôi sống và chết, Hồi ký Nxb. Danh Nhân, 2020, tr. 68

[20] Nguyễn Lan Phương (2020) Cha tôi sống và chết, Hồi ký, Nxb. Danh Nhân, tr. 117

[21] Nguyễn Lan Phương (2020) Cha tôi sống và chết, Hồi ký, Nxb. Danh Nhân, tr. 109

[22] Nguyễn Lan Phương (2020) Cha tôi sống và chết, Hồi ký, Nxb. Danh Nhân, tr. 109

[23] Nguyễn Lan Phương (2020), Cha tôi sống và chết, Hồi ký, Nxb. Danh Nhân, tr. 125

[24] Phạm Thế Ngũ (1998), Việt Nam Văn học sử giản ức tân biên tập III – Văn học hiện đại 1862-1945, Nxb. Đồng Tháp, tr.542

[25] Nguyễn Lan Phương (2020), Cha tôi sống và chết, Hồi ký, Nxb. Danh Nhân, tr. 314, 315

[26] Nguyễn Lan Phương (2020), Cha tôi sống và chết, Hồi ký, Nxb. Danh Nhân, tr. 316

[27] Nguyễn Lan Phương, (2020) Cha tôi sống và chết, Hồi ký, Nxb. Danh Nhân, tr. 320